Tham luận Hội thảo: Nghệ
thuật sân khẩu Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc, Đại học Trà Vinh
Đề tài: Những đặc điểm của nghệ thuật Dù
kê Khmer trong kho tàng văn hóa - nghệ thuật Nam Bộ hiện nay
Thái Nguyễn Đức Minh Quân – Đại học Sài Gòn
Người Khmer Nam Bộ ngay từ lâu đời đã có một kho tàng văn
hóa vô cùng phong phú và độc đáo. Đặc biệt về nghệ thuật sân khấu, người Khmer
có đóng góp rất quan trọng trong kho tàng văn hóa – nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đó
là họ đã khai sinh ra hai loại hình nghệ thuật sân khấu là Rôbăm và Dù kê (hay
Yu kê). Trong khuôn khổ của Hội thảo về nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ, bài viết
sẽ đề cập về lịch sử hình thành và phát triển, những đặc điểm của nghệ thuật
sân khấu Dù kê trong văn hóa Khmer Nam Bộ Việt Nam .
1.
Khái lược về lịch sử hình thành, phát triển của nghệ
thuật Dù kê
Dù kê (còn có tên khác: Dì kê (Yikê), Atrác-ty-bay (Dì kê
có thuyết minh trích tuồng), Lăm Rom Rương (Dì kê hát múa truyện)) là một loại
hình nghệ thuật sân khấu rất đặc trưng của người Khmer Nam Bộ từ xưa đến nay.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer ra đời
vào khoảng năm 1921 do thầy Sua – sư cả của chùa Ksach Kandan (Trà Vinh) – khai
sinh ra ở tỉnh Trà Vinh[1].
Ra đời trong bối cảnh thực dân Pháp cai trị vùng đất Nam Bộ đã hơn 60 năm (1867
– 1921) và đang bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần II toàn diện về các mặt,
trong đó có mặt văn hóa của các dân tộc thiểu số Nam Bộ (Chăm, Khmer), sự hưng
thịnh của nghệ thuật cải lương của người Việt và nghệ thuật sân khấu Rôbăm của
người Khmer; người Khmer có điều kiện để phát huy những cái đã có trên cơ sở nền tảng là nền nghệ thuật cũ
(Rô băm) đang thịnh hành trên vùng đất nơi mình đã sinh sống từ lâu đời, đồng
thời tiếp thu những yếu tố mới của nghệ thuật sân khấu Việt ở Nam Bộ, Khmer bên
Campuchia, hát của Pháp để phát triển, làm giàu vốn nghệ thuật để giúp cho cộng
đồng Khmer Nam Bộ được phát triển hẳn lên và đời sống tinh thần của họ ngày
càng phong phú, đa dạng hơn.
Ban đầu khi mới thành lập, sân khấu Dù kê còn gọi với
cái tên “Sân khấu giàn bầu”. Vở diễn
đầu tiên của các nghệ sĩ Dù kê Khmer Nam Bộ là vở Riêm kê (ảnh hưởng của trường ca Ramayana của Ấn Độ) và người soạn
thảo ra vở tuồng rất hay và độc đáo này cũng là người sáng lập loại hình nghệ
thuật sân khấu Khmer độc đáo này – ông Sua (có chỗ gọi là ông Suôn, quê ở Trà
Vinh). Sau thành công của vở diễn Riêm kê, các nghệ sĩ Khmer đã liên tục soạn
thảo và cho ra trình diễn nhiều vở diễn mới:
“Satra Rương” khot Bondam Xây; Túp
Xăng Wa; Preah-bak-xưn-nà-vông… và
nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ đầy tính nhiệt liệt của khán giả.
Lối diễn ban đầu (thập niên 20) là Àpei
(hay À pêk) và diễn viên toàn là nam (vai nữ cũng do nam đóng giả);
Đến những năm 30, do tác động của cuộc khủng hoảng
kinh tế và cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra ở Bắc Trung Bộ, chính quyền
thực dân Pháp ở Đông Dương tiến hành đàn áp, bắt bớ và khủng bố nhân dân tàn
khốc. Chúng khủng bố, triệt hạ các cơ sở vật chất của các lĩnh vực (trong đó có
sân khấu của Khmer Nam Bộ). Các đoàn hát cải lương của người Việt, đoàn hát Dù
kê của người Khmer cũng không tránh khỏi bị liên lụy, bị Pháp khủng bố. Để tồn
tại, các đoàn hát Dù kê Khmer Nam Bộ không còn con đường nào khác là phải sang
Campuchia để đứng chân ở đó; mà lý do đó là Campuchia thời kỳ 1930 các cuộc đấu
tranh của nhân dân bị tạm lắng dần sau cuộc đàn áp tàn khốc của Pháp với cuộc
khởi nghĩa Preivieng, Congpong Ch’nang (1925) ở Campuchia chống lại chính quyền
của Công sứ Pháp tỉnh Congpong Ch’nang là Bardes ( ? – 1925). Khâm sứ Pháp ở
Campuchia đã đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa này: 400 người bị tra tấn đến chết. Pháp bình định các cuộc nổi dậy của nhân dân
và tạo sự yên bình cho Cambodges một thời gian dài; kế tiếp là nguyên gốc các
vở diễn, diễn viên của Dù kê đều có gốc từ nghệ thuật Khmer Cambodges, nên đoàn
hát Dù kê Khmer Nam Bộ sang Cambodges là điều dễ hiểu. Đó là lý do tại sao,
đoàn hát Dù kê Khmer Nam Bộ lại sang Campuchia để sinh sống và tồn tại. Trong
thời gian tồn tại ở Cambodges, để che mắt địch và hoạt động một cách hợp pháp;
nhiều đoàn hát Dù kê sang Cambodges diễn xuất đã được người dân xứ Chùa Tháp
nhiệt tình đón nhận, đổi tên đoàn hát thành Lkhôn Ba sắc (kịch hát miền sông
Hậu). Cũng chính trong thời gian này, Dù kê đã có bước phát triển mới, tự động
định cho mình một lối đi riêng, lối đi văn hóa mang đậm bản sắc Khmer Nam Bộ.
Đồng thời với sự ra đời của các vở diễn Dù kê, nhiều
đoàn hát Dù kê đã ra đời. Đầu tiên là đoàn Tự
Lập Ban của ông Xã Kọl (Lý Cuôn, Lý Con) quê ở Sóc Trăng; Tự Lập Thành của ông Tà Tia (Sóc Trăng,
em của Xã Kọl). Sau khi tách khỏi Tự Lập Thành, ông Sơn Kưu lập ra gánh Nhật Nguyệt Quang. Các diễn viên có tên
tuổi của Nhật Nguyệt Quang là ông Thạch Vông (chuyên đóng kép độc), ông Thạch
Tu Quang kép nhất và bà Kim Thị Suông đào nhất. Các gánh này cạnh tranh với
nhau và phát triển Dù kê lên một bước mới: người lãnh đạo gánh tuồng Dù kê thì
đa tài (dạy nhạc, múa, âm nhạc, sáng tác tuồng mới) và có tiếng tăm trong sân
khấu Khmer như Thạch Sua, Xã Kọl, Kru rút….nên đã nhanh chóng lãnh đạo các đoàn
tuồng ngày càng đi lên. Nhiều đoàn tuồng Dù kê không chỉ biểu diễn trong vùng
Nam Bộ mà còn biểu diễn ở các vùng khác nhau, đi đến đâu họ cũng nhận được sự
hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả. Trong suốt từ 1945 – 1975, nhiều đoàn nghệ
thuật Dù kê Khmer có mặt khắp nơi như Hậu Giang cũ (Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu
Giang mới), Cửu Long (Vĩnh Long, Trà Vinh), Minh Hải (Bạc Liêu, Cà Mau), Kiên
Giang….và ở đâu, họ đều được khán thính giả hưởng ứng nhiệt liệt. Thế nhưng từ
sau 1975 trở đi, vì nhiều lý do khác nhau nên nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ bị
mai một dần; đến năm 2010 thì còn 3 đoàn là: Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình
Minh (Trà Vinh); Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng và Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên
Giang. Hầu hết ở các đoàn này, số nghệ sĩ Khmer và các kịch bản ngày càng ít
đi; sự quan tâm của chính quyền tới Dù kê ngày càng vơi dần và ngày càng mất
đi.
2.
Những đặc điểm của nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ
Nghệ thuật Dù kê Khmer trong quá trình hình thành và
phát triển đã bộc lộ những đặc điểm tích cực khiến nó trở thành một trong các
loại hình nghệ thuật sân khẩu điển hình của người Khmer Nam Bộ hiện nay. Vậy
thì đâu là những đặc điểm chính của Dù kê khiến loại hình nghệ thuật này tồn
tại được đến ngày nay ? Theo ý kiến của chúng tôi, những đặc điểm của Dù kê
Khmer Nam Bộ là:
Đặc điểm thứ
nhất, nghệ thuật Dù kê mặc dù ra đời
muộn hơn so với các loại hình nghệ thuật khác (cải lương, hát bội của người
Việt; Rô băm của người Khmer, nhưng nó đã nhanh chóng tiếp thu những thành tựu
về sân khấu của người Việt, Khmer, người Trung Quốc và cả người Pháp; phát
triển đến mức cho đến đầu thập niên 30 đã trở thành một loại hình nghệ thuật
chính và lưu diễn không chỉ quanh quẩn trong những vùng của người Khmer sinh
sống mà còn lan sang cả các vùng có dân tộc khác, nhất là tộc Việt sinh sống và
được hưởng ứng nhiệt liệt. Sở dĩ chúng tôi thấy được điều này là vì theo đúng
quy luật hình thành và phát triển của sự vật, hiện tượng; một sự vật, hiện
tượng muốn hình thành và phát triển được khi và chỉ khi có được nền tảng, có
gốc trước; từ nền tảng đó thì nó đã tiếp thu và hình thành nên một loại hình nghệ
thuật mới, mang đặc trưng của văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ ra đời trên cơ sở nền
tảng là một loại hình nghệ thuật Khmer đã có từ trước – nghệ thuật sân khấu Rô
băm (mang ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ). Loại hình nghệ thuật Rô băm với nội
dung phong phú (truyện cổ Ấn Độ, truyện cổ Khmer… được các tác giả Rô băm dựng
thành sân khấu và được mọi người hưởng ứng), nhân vật đa dạng và các loại hình
múa, hát đa dạng đã nhanh chóng thu hút mọi người thuộc đủ các tầng lớp xem và
hưởng ứng nhiệt liệt trong thời gian rất dài. Về sau, do hoàn cảnh lịch sử
(Pháp khai thác thuộc địa, các loại hình sân khấu mới đã xuất hiện) nên Ro băm
mất dần vị thế của nó trên trường sân khấu Khmer đương đại. Những vở diễn, lối
diễn của Rô băm tỏ ra quá cũ, không theo kịp thời đại. Ngoài ra, sự xuất hiện
của các loại hình sân khấu của người Việt (cải lương, hát bội, chèo….) và tuồng
Trung Quốc, sân khấu Pháp với một sự phong phú về nội dung vở diễn, diễn viên đã
thổi một luồng sinh khí mới cho nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ.
Trước tình thế đó, để theo kịp với xu hướng thời đại thì những nghệ sĩ Khmer có
tâm huyết với sân khấu đã sáng tạo ra một loại hình sân khấu Khmer mới – đó là
nghệ thuật sân khấu Dù kê. Có nguồn gốc từ Trà Vinh do thầy Xã Kọl sáng lập,
nghệ thuật Dù kê nhanh chóng phát triển và nhận được sự ủng hộ của đông đảo
nhân dân. Đến thập niên 30 thì loại hình nghệ thuật này đã phát triển nhanh,
trở thành một trong những loại hình nghệ thuật chính của người Khmer; được dân
chúng đón nhận rất nhiệt tình mà không gặp bất cứ sự tẩy chay, ruồng bỏ của
người dân bản địa. Sự du nhập của nghệ thuật Dù kê vào người Khmer Nam Bộ, phát
triển nhanh chóng là bởi vì: nội dung phong phú – đa dạng, nhiều thể loại phù
hợp đại đa số người Khmer (về sau có cả người Kinh, người Hoa và người Chăm),
lối diễn linh hoạt, sống động và gần với đời thường người dân của các diễn viên
Dù kê (mang ảnh hưởng của cải lương Nam Bộ, tuồng Trung Quốc và tuồng Khmer cổ),
nó làm cho người xem có cảm giác mình là nhân vật chính hóa thân vào câu
chuyện; dễ lôi cuốn và cuốn hút người xem vào nhiều hơn), nghệ thuật múa Dù kê
mang đặc trưng Khmer làm người xem có cảm giác “hòa nhập” vào văn hóa Khmer –
điều đó gián tiếp lan truyền văn hóa Khmer cho mọi người trong vùng Nam Bộ, sau
là lan sang cả miền Nam Việt Nam. Chính vì những lý do đó nên nghệ thuật Dù kê
đã hình thành, phát triển và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng
của đông đảo quần chúng – đó là niềm vui và cũng là niềm hạnh phúc nhất của
nghệ sĩ Dù kê khi ấy. Một khi nhận được sự đồng tình và ủng hộ của quý khán
thính giả thì bất kỳ loại hình nghệ thuật sân khấu của các nghệ sĩ (thuộc các
dân tộc) sẽ cố gắng sáng tác càng nhiều vở diễn hay, cung cấp dàn diễn viên
xuất sắc và đổi mới nội dung, phương thức diễn xuất cho phù hợp với thị hiếu
của người xem, do đó mới làm cho loại hình nghệ thuật này phát triển và mở rộng
ảnh hưởng ra toàn thế dân chúng xung quanh.
Đặc điểm thứ
hai, khi nghệ thuật sân khấu Dù kê ra
đời thì nội dung của các vở diễn (hay tuồng diễn) được thay đổi phù hợp với thị
hiếu của công chúng và làm cho nghệ thuật Dù kê phát triển mạnh hơn. Lúc đầu,
do mới ra đời một cách vội vã để chống lại những trào lưu sân khấu ngoại lai
của người Việt, người Hoa; và không muốn bị mất gốc, mất nền tảng sân khấu (từ
nghệ thuật Rô băm Khmer mang âm hưởng Ấn Độ), nên nghệ thuật Dù kê chưa có nội
dung vở diễn cụ thể. Để cho hợp thức hóa và khẳng định sự tồn tại của loại hình
nghệ thuật mới này, những nhà sáng lập đầu tiên của loại hình nghệ thuật này đã
nghĩ ngay đến việc dùng lại vở diễn của nghệ thuật Rô băm khi trước là vở diễn Riêm kê – vốn thịnh hành trong các sân
khấu của người Khmer Nam Bộ, Khmer Cambodges thời kỳ đó, để diễn lại. Vở diễn
Riêm kê là loại vở diễn thịnh hành của người Khmer Cambodges (Campuchia), chịu
ảnh hưởng của trường ca Ramayana Ấn Độ vào Đông Nam Á cách đây hơn 20 thế kỷ.
Với lối diễn đặc sắc, đậm tính sử thi dân gian Ấn Độ thì vở diễn Riêm kê của
người Khmer Nam Bộ đã được các diễn viên diễn xuất rất thành công và tạo được
tiếng vang lớn trong lòng những người xem kịch thời kỳ ấy. Những người xem các
nghệ sĩ Khmer Nam Bộ diễn vở tuồng này đã phải tấm tắc khen rằng nó rất hay và
đặc sắc, khiến người xem có cảm giác như đang hòa mình vào thế giới văn hóa đầy
tâm linh, đa dạng và phong phú của người Khmer xa xưa.
Đến những năm 30, khi bị Pháp khủng bố thì các đoàn
hát Dù kê đã chạy sang Cambodges (từ dùng của Pháp, tức Campuchia hiện nay) để
đứng chân tồn tại mãi đến 1970, khi đảo chính Sihanouk diễn ra thì mới về nước
tiếp tục hoạt động. Trong gần 40 năm hoạt động ở Campuchia, để cho người diễn
viên diễn xuất tự nhiên và không bị nhàm chán thì các soạn giả kịch Dù kê đã
linh hoạt sáng tạo và viết nên những vở kịch Dù kê mới trên cơ sở các truyện cổ
dân gian, các tích tuồng của người Hoa và các vở kịch của cải lương người Việt.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Khmer như Trường Lưu, Thạch Voi, Viện Văn hóa Việt
Nam… trong các tác phẩm của mình khảo cứu về văn hóa nghệ thuật Khmer đã cho
biết: trong suốt thời gian tồn tại ở Campuchia (sau nay ở Việt Nam), các nghệ
sĩ Khmer Nam Bộ đã sáng tác những vở diễn Dù kê mới phản ánh cuộc đấu tranh
giữa nhân dân với vua quan phong kiến đồi bại, hủ lậu. Vở diễn Nghĩa tình giông tố của tác giả Ros Clap
(Thạch Voi, năm 1963 tại chiến khu U Minh) là vở diễn đầu tiên nói về nội dung
đoàn kết Việt – Khmer trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; các vở diễn Cởi áo cà sa, Nỗi lòng trong rào gai của Kim Siêm, Giữ đền Vehia của Thạch Chân đã phản ánh khá chân thực cuộc chiến
đấu đầy gian khổ và là bản anh hùng ca của người Khmer trong các giai đoạn của
cuộc kháng chiến. Ngoài ra, các nghệ sĩ Khmer còn sử dụng lại các vở diễn cũ (Phản lời thầy – Kơ Bót Addam Ay Xây – Map
Thị Đong Keo) cũng được cải biên cho phù hợp. Trong quá trình cải biên nội
dung những vở kịch cũ này, có thể những người biên soạn đã thêm vào những ngôn
từ dùng hàng ngày của người Khmer khi đó, dựa vào hoàn cảnh của mình (cũng như
hoàn cảnh thời chiến lúc đó) để cải biên. Nội dung các vở diễn cũ được cải biên
này chủ yếu phản ánh đạo lý thông thường của con người: Ở hiền gặp lành, ở ác
gặp ác. Có khá nhiều đoạn kịch nói về vấn đề này, như: hoàng từ đi học thành
tài, cùng người yếu về nước và đánh nhau với “chằn”, chiến thắng, lên ngôi và
sống hạnh phúc. Một ví dụ khác: một con gái đi hái bông, bị “chằn” bắt, được
một thanh niên dũng cảm cứu thoát; hai người yêu nhau, nhưng ở triều đình, vua
bị “chằn” uy hiếp và thanh niên cũng đã ra tay cứu vua, được đền ơn…. Chúng ta
có thể thấy, những nội dung về đạo lý của Khmer phù hợp với đạo lý về đối nhân
xử thế của người Khmer (có người Việt) và thể hiện hiện thực cuộc kháng chiến
chống Mỹ của liên minh Việt – Miên. Ta dùng hình tượng nhân vật áp vào thực tế
sẽ thấy rõ: nhân vật hoàng tử, thanh niên là chỉ liên quân Việt – Miên đang
đánh giặc; “chằn” chính là quân Mỹ - ngụy xâm lược. Cuộc chiến tranh Việt –
Miên với Mỹ - ngụy là cuộc đấu tranh giữa lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa;
khẳng định chính nghĩa luôn luôn chiến thắng – phù hợp với đạo lý của người
Khmer nói riêng và phương Đông nói chung: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.
Thế nhưng, cuộc chính biến của Lonnol diễn ra do Mỹ
đạo diễn, lật đổ Sihanouk và thiết lập chế độ độc tài tàn bạo ở Campuchia.
Chúng tiến hành thanh trừng, triệt phá các tổ chức, cơ sở mà chúng cho là có
cách mạng, và các đoàn Dù kê ở Campuchia không khỏi bị liên lụy. Để giải quyết,
các đoàn Dù kê ở Campuchia không còn cách nào khác là phải rút về Việt Nam,
dừng chân trong chiến khu U Minh; tiếp tục hoạt động cùng với đoàn Dù kê trong
miền Nam là đoàn Ánh Bình Minh cho đến ngày toàn thắng. Từ sau toàn thắng đến
nay, được sự quan tâm của chính quyền và các tổ chức, nhân dân; các đoàn Dù kê
vượt được hoạt động và nội dung ngày càng phong phú, phản ánh cuộc đấu tranh
giữa cái tốt – cái xấu trên nhiều mặt, nhiều bình diện khác nhau, đề cao đạo lý
thông thường của con người.
Đặc điểm thứ
ba, đó là về nhân vật trong Dù kê
Khmer Nam Bộ. Giống như cải lương, tuồng của người Việt; tuồng của Khmer hay
Lào, thì nhân vật của Dù kê Khmer luôn có hai phái (hay hai loại): Thiện và Ác.
Đây là tư tưởng chủ đạo của văn hóa nghệ thuật Khmer nói chung và sân khấu Dù
kê nói riêng. Các nhân vật trong Dù kê Khmer rất đa dạng, mỗi người một vẻ
riêng không ai giống ai, khi thể hiện nhân vật thì họ sẽ diễn theo phong cách
của mình, làm sao để nổi bật hình tượng nhân vật mà mình đang thể hiện, diễn
xuất. Trong Dù kê Khmer, nhân vật tượng trưng cho phái Ác là hình tượng con
“chằn” – một hình tượng rất phổ biến trong các câu chuyện cổ tích, truyện dân
gian… (của người Việt, người Khmer). “Chằn” là biểu tượng của cái ác, cái xấu
xa và tàn bạo trong văn hóa Khmer; “chằn” thường có nhiều loại: công chúa, tiểu
thư, quan lại, tướng sĩ… và đó là những con người cụ thể, rất đời thực. Vai
“Thiện” thường do nam thủ vai chính. Họ thường đóng vai vua, hoàng tử, Tiên ông,
hay là một bậc anh hùng cái thế, đứng ra cứu giúp mọi người khỏi cơn hoạn nạn.
Bên cạnh vai chánh nam luôn có vai chánh nữ, đó là người phụ nữ, người vợ đức
hạnh. Ngoài hai vai chánh ra còn có các vai phụ: thị nữ, quân lính… Những vai
đó khi đưa lên sân khấu và diễn xuất thì đó sẽ là 1 tác phẩm hoàn hảo, ghi đậm
nét trong lòng người xem. Vai Hề luôn xuất hiện trong mỗi vở, tuy không là vai
chính nhưng lại rất cần thiết. Hề gây cười cho khán giả bằng nhiều cách: bằng
giọng nói khi lên khi xuống, khi nói sai, bằng dáng đứng, dáng đi và điệu bộ…
Hề còn có nhiệm vụ giải thích thêm các chi tiết trong vở diễn ra, giúp người
xem nắm được phần nào cốt truyện trong vở kịch mà khán thính giả sắp chuẩn bị
xem và được xem. Sau khi Hề “diễn
thuyết” với khán giả xong, lúc đó các diễn viên sẽ ra diễn và Hề có nhiệm vụ
dần lời cho truyện và bình luận về suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật trong truyện. Trung bình, dung lượng mỗi một vở tuồng dù kê dài khoảng
4- 5 giờ đồng hồ. Trong các buổi lễ như Lễ dâng bông, tết Chôl Chnăm Thmây, các
đoàn dù kê đều tới hát làm phước ở chùa, hay tại địa điểm cử hành lễ như Lễ đua
ghe ngo để phục vụ khán giả suốt đêm ở đó.
Trong số các nhân vật diễn trong vở diễn
Dù kê Khmer, nhân vật để lại nhiều cảm xúc là nhân vật “chằn tinh”. Hình ảnh Chằn tinh không chỉ thể hiện trên sân
khấu mà còn thể hiện qua đời thường. Theo nhà nghiên cứu Sơn Lương, đối với những ông thầy tuồng, tuồng tích của
Dù kê Khmer được dựng luôn phải có phe tốt và phe xấu - đại diện là chằn. Nó
trở thành biểu trưng sân khấu của những nhân vật phản diện, mang đậm tính chất
thế sự. Việc diệt chằn, hướng tới cái tốt đẹp truyền thống trở thành quán tính
thị hiếu của người Khmer. Nhân vật chằn được diễn ta là hao hao giống kép phiên,
kép núi của hát bội hay hồ quảng. Điều khó nhất của các diễn viên đóng vai chằn
là họ vừa diễn, vừa ngậm nanh vuốt của chằn; múa võ và đối thoại. Nanh chằn mà
các diễn viên Dù kê dùng trong diễn xuất không phải là nanh của họ vẽ ra, mà là
nanh thật (nanh của heo rừng) được người diễn viên giấu ở hai bên mép trong
khoan miệng. Tùy theo diễn biến câu chuyện và trạng thái, tính cách của chằn mà
nanh lồi ra theo kiểu nào, xuất hiện 1 hay 2 cái, đưa lên hay đưa xuống. Mọi
động thái đều được điều khiển bằng lưỡi. Tùy theo diễn biến câu chuyện, người
diễn xuất sẽ cho nanh lồi ra hay thụt vào. Và để diễn xuất được lâu, nhiều nghệ
sĩ đã phải khổ luyện. Nghệ sĩ Thạch Sovana, một “chằn tinh” của Đoàn nghệ thuật
Khmer Triều An (Trà Vinh), kể lại rằng để luyện thành người đóng vai chằn, anh
phải ngậm cái nanh trong miệng mấy tháng trời. Ban đầu, đưa cái nanh heo vô
miệng, Sovana không sao tránh được buồn nôn. Cái nanh heo sao khớp với miệng
người (?), chả trách anh chàng này tập đến nỗi... vạt cả các nướu răng, rách
mép hàm, máu tuôn như nước. Hay những lúc lôi nanh lên, kéo nanh xuống, anh cắn
phải lưỡi, chảy máu. Ngoài ngậm răng nanh, nghệ sĩ vai chằn phải học võ dành
riêng cho nhân vật phản diện được Khmer hóa, luyện thanh sao cho giọng la cũng
nghe vang hơn, dữ tợn hơn. Chính vì khổ nhọc như thế mà ít người có thể đảm
nhiệm được vai chằn một cách hoàn thiện trong nghệ thuật dù kê.
Một nghệ sĩ
Khmer khác là ông Điền Sao (Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng), từng diễn vai
chằn trong tuồng Dù kê suốt mấy chục năm, đã lôi ra hộc tủ một cái nanh (đạo
cụ) dài 1 tấc; kể lại quãng đời diễn xuất của mình: mê Dù kê, năm 21 tuổi ông
đã lập đoàn hát Dù kê ở phường 2, Tp. Sóc Trăng dể lưu diễn. Chỉ được 2 năm,
“ông” chằn đã kéo Điền Sao đến với sân khấu của đoàn nghệ thuật tỉnh. Lúc đó,
Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng thi tuyển diễn viên. Điền Sao dự thi với vai
kép độc. Nhưng bất ngờ lại được yêu cầu diễn vai chằn, vì có người thấy Điền
Sao diễn chằn ở sân khấu nhỏ khá đạt. Khác với nhiều vai diễn khác, vai chằn
tinh trước tiên đòi hỏi người diễn có diễn được hay không, chứ chưa nói đến
diễn hay hoặc dở. Lúc này, vai chằn tại đoàn đã có một cây đại thụ là NSƯT
Thạch Wong đảm trách. Ngoài Thạch Wong, những người con của ông cũng noi theo
cha diễn vai chằn. Còn Điền Sao, “nghiệp” chằn của anh bắt đầu từ việc đi khắp
các chợ ở Sóc Trăng tìm mua đầu heo về bổ ra để… tìm lấy nanh. Phải mua hàng
chục đầu heo anh mới tìm được chiếc nanh vừa ý.
Đặc điểm thứ tư là về lối diễn xuất. Có thể nói
trong nghệ thuật sân khấu Khmer, ít loại hình sân khấu nào có nhiều hình thức
diễn xuất như Dù kê. Từ những năm 20, khi mới hình thành thì lối diễn xuất của
các diễn viên Dù kê đơn giản: múa, hát, và Dì kê, Rom rô băm, hát Tiều và hát
Bộ; diễn viên của các vở tuồng Dù kê lúc này toàn là nam. Tùy theo ban hát ấy,
thiên hướng và sở trường về hình thức sân khấu như thế nào thì hình thức sân
khấu ấy về sau được tiếp thu nhiều hơn.
Đến năm 1930,
khi Dù kê có sự tham gia của diễn viên nữ thì lối diễn xuất Dù kê khác xa so
với ban đầu. Cũng giống như nghệ thuật Rô băm trước kia, trước khi chuẩn bị
diễn xuất thì các diễn viên phải xin ông Tà trước rồi mới cúng Tổ khai diễn
(mong mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, không có tai ương). Sau khi cúng xong ông Tà,
các diễn viên quay sang cúng ông Tổ khai diễn vì cho rằng, ông này có công khai
sáng, định hình nghệ thuật diễn xuất này; mặc khác họ cho rằng theo linh tính
thì ông Tổ này có mặt khắp nơi, phù hộ và hướng dẫn người biểu diễn cái nghiệp
diễn xuất; nên họ cúng bái ông Tổ rất linh đình. Họ cũng cúng luôn ông Phật để
phù hộ độ trì cho nghiệp diễn được thuận lợi, vở trình diễn được thành công như
mong đợi. Lễ vật cúng bái ông Tổ thì đồ
mặn gồm: 1 con gà; 2 trái dừa 2 bên; cốm nổ, bên trong có 3 trứng gà; Huyết gà
tươi; bay sei 1 cặp (7 tầng); 1 đầu heo; thuốc hút. Lễ cúng Phật là đồ ngọt như
bánh, trái cây, chè... Trong lúc đang cúng Tổ, họ sẽ hát hai bài: Tô Tevada coi
sóc thế gian và ông thổ thần bản xứ; Quỷ sắc đen “Meu Tây” sau là “Neang On” và
Neang Óc” để cầu xin sự bình a cho đêm diễn.
Màn được mở
lên, chú hề ra chào khán giả, nói
những lời vui vui và dí dỏm để gây không khí vui tươi cho đêm diễn. Tiếp đến, đoàn hát ra chào khán giả bằng
một dàn đồng ca và tự giới thiệu (thường là thành viên trong đoàn hoặc trưởng
đoàn) về tài năng và sự tích của từng nghệ sĩ xong rồi mới vào tuồng. Tuy
nhiên, sẽ có một số đoàn hát để tăng thêm ấn tượng với người xem đã thực hiện
các màn múa rồi mới vào tuồng. Một điều rất đặc biệt (khác với cải lương của
người Việt Nam Bộ) đó là từ giới thiệu đến lúc vào tuồng, các nghệ sĩ đều có
hát cả. Các bài hát họ hát theo tuần tự là: Sa-Thu (xin phép thần đất thần
nước) => Dao-lê-dao-lê (hát hiến tổ) => noi-ơ-noi (tỏ ý thần tổ đã bằng
lòng) => Sà-do (ra mắt khán giả) => ô-rơ-nong-nong-khuây-ơi (thầy tuồng
hát cổ động người xem) => Sâm-pôn-phạch-chây (thầy tuồng giới thiệu vở
tuồng).
Một vở điển tích được dựng thành tuồng Dù kê là vở
Linh Thông – Chao Soóc. Nội dung vở kịch đại ý như sau: Xưa có gia đình nọ rất
giàu, có con trai là Chao Soóc. Do được nuông chiều nên Chao Soóc rất ngỗ ngược.
Vào lúc đó ở cung đình có hoàng tử Linh Thông, tính nết rất hiền dịu. Một hôm,
trong một lần đi săn bắn thì hai người đã gặp và kết bạn với nhau, cùng nhau
đến xin sư phụ học đạo. Vị đạo sĩ ngỏ ý hai người rằng, muốn học thì phải về
xin phép cha mẹ rồi mới học.
Vâng lời sư phụ, họ trở về. Trong khi Chao Soóc xin
được bố mẹ cho học thì Linh Thông vẫn đang ở trong cung. Vì muốn rủ Linh Thông
cùng đi, Chao Soóc vô lễ với vua và bị vua phạt nặng. Tức giận, Chao Soóc về
gièm pha với sư phụ rằng Linh Thông nói xấu sư phụ và rồi, sư phụ đuổi Linh
Thông đi và đem võ nghệ truyền cho Chao Soóc. Học thành tài, Chao Soóc (lúc này
đổi thành Soóc Crong Chao) đánh phá cung đình và giết vua, riêng hoàng hậu và
Linh Thông được Tiên ông cứu thoát. Thoát nạn, Linh Thông thọ giáo Tiên ông và
được Tiên ông bày mưu chống Soóc Crong Chao. Để thực hiện mưu của Tiên ông,
Linh Thông đã phải biến thành nhiều loại sinh vật khác nhau (giống nàng Tấm
trong Tấm Cám) như gà, ngựa, cá, rệp, chấy…. nhằm chống lại Soóc Crong Chao.
Được công chúa Krôngspua giúp đỡ, chàng đã dần dần đánh bại Soóc Crong Chao.
Trong cuộc chiến đấu với Soóc Crong Chao, khi Linh Thông giả vờ thua và chạy về
phía công chúa, Soóc Crong Chao đã đuổi theo và bị công chúa chém chết. Hoàn
thành nghĩa vụ, Linh Thông được vua gả công chúa cho và hai người sống hạnh
phúc cho đến già.
Như vậy, vở diễn Dù kê kể trên tiêu biểu cho các vở
diễn Dù kê có đầy đủ các nhân vật trong xã hội, nhiều loại người và nhiều loại
thú, hoạt động múa và hát, đối thoại diễn ra liên tục. Tùy theo bối cảnh và
“hứng” của mình, nghệ sĩ có thể đẩy nội dung kịch lên thành cao trào, diễn
nhanh và tốc độ dứt khoát, lời lẽ mạnh mẽ (như cải lương), khi cao trào qua đi
thì diễn lại như thường; tuy nhiên, các nhân vật kể trên cũng được chia thành 2
tuyến thiện và ác, một quan niệm Phật giáo về xã hội của người Khmer. Hay có
thể nói đó là tư tưởng chủ đạo trong mọi biểu hiện của văn hóa văn nghệ truyền
thống Khmer.
Cửa ra vào trong sân khấu Dù kê được quy định chặt
chẽ: bên phải là cửa diễn viên ra, bên trái là cửa diễn viên vào và sân khấu
thời kỳ đó ít có trang trí lắm. Nhưng từ khi có trang trí, quy định trên được
nới lỏng và nó phụ thuộc vào trang trí sân khấu và tình huống của vở diễn.
Đặc điểm thứ
năm là về ngôn ngữ của nghệ thuật Dù
kê. Do sân khấu của Dù kê chính là sân khấu ca nhạc nên ngôn ngữ chính của nó
sẽ là ca hát và đối thoại. Và có thể nói, những giá trị cao của âm nhạc truyền
thống Khmer không thể tìm ở đâu khác ngoài nghệ thuật Dù kê vì Dù kê không chỉ
kế thừa tinh hoa văn hoá dân tộc Khmer, mà còn tiếp thu vốn nghệ thuật của
Việt, Hoa và phương Tây.
Kịch hát của Dù kê có các làn điệu sau:
- Hun rôn: làn
điệu bài hát cúng tổ ra mắt khán giả.
- Sâm-phôn: là
những làn điệu hát vui, dùng cho vai hoàng tử lên chầu vua, dẫn vợ đi chơi
trong tiếng chim hót:
Hoàng tử vào
trong rừng núi
Nghe tiếng
chim kêu vang cả rừng
Con chim cu
đậu trên cành cao
Gáy nghe bổng
trầm khác nhau
Một tài liệu khác của Viện Văn hóa (1986) cho biết,
Sâm-phôn là các làn điệu tả khung cảnh biệt ly, hay bị đánh đập (nó có 3 điệu:
phân, toeng và thu)
- Angkoreach:
dành cho tâm trạng buồn thảm (hơn cả Sâm-phôn). Ví dụ:
Phụ vương ở
đâu sao không tới cứu con
Chắc con
không thể sống được trở về
Sẽ chết tại
núi rừng
- Sầm chriêng
pôn Tăng-sầm pôn Thu: làn điệu hát có giọng cao và thấp, thường dùng vào vai
công chúa.
- Mahôri: giọng
nữ buồn
- Chriêng
bompeKôn: các làn điệu ru con
- Che chông:
làn điệu hát của trai gái yêu nhau (hát huê tình).
Ví dụ: Nam
gặp nữ đưa tình, thăm dò hát:
Này hoa đua
nở
Hoa còn nhỏ
xinh nhưng có hương thơm
Anh muốn hái
hoa ấy mang về
Nữ đáp lại:
Thân em là
gái
Rất e thẹn,
không ngỏ lời nói yêu anh
Sợ ai biết
thì mang tiếng…….
- Phách chê và
Xen trea: những làn điệu giận dữ, khỏe mạnh… thường dùng cho vai chằn, phù thủy
và thợ săn trong những trường hợp đối địch.
Ví dụ: bài hát của bà phù thủy:
Ta đây là nữ phù thủy
Đã lâu rồi chưa lấy chồng
Nhưng bây giờ ta muốn có tình yêu
Bài hát của chàng thợ săn:
Hàng ngày đi
săn trong rừng
Được chim nào
ngon
Đem về dâng
vua
Vua ban thưởng
cho…
Qua các làn điệu Dù kê trên đây ta thấy, các làn điệu
rất đa dạng và thể hiện mọi mặt cảm xúc của con người: vui, buồn, giận, dữ….
Các câu trong làn điệu là tự do, không bị giới hạn bởi số chữ, số câu trong khi
hát. Sở dĩ có hiện tượng đó là vì người Khmer Nam Bộ sống tự do, không chịu sự
bó buộc về câu chữ nên họ làm rất tự do, làm theo cảm hứng của mình. Một điểm
nữa đó là trong giai đoạn 1930 – 1939, phong trào Thơ mới nổ ra ở Việt Nam với
các nhà thơ tiên phong: Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư. Với các tác phẩm và
những bài thơ “tự do” bất hủ, họ đã thổi vào lòng người dân Việt Nam một sinh
khí mới, một luồng văn hóa mới giúp người dân dễ thở và chống lại sự ngột ngạt
của phong kiến lạc hậu. Và rất có thể, những làn điệu tự do của Dù kê Khmer
xuất phát từ những lý do đó. Nó phát triển tự nhiên, tạo điều kiện cho nghệ sĩ
Dù kê sáng tác và tự do sáng tạo những cái mới phù hợp thực tiễn cuộc sống
người Khmer Nam Bộ vốn chân chất và hiền hòa.
Ngoài phần hát, Dù kê có “cười” và “độc thoại”. Diễn viên
Dù kê nói cười rất cách điệu, nói cười trên nền nhạc của mình. Tùy theo tính
cách của nhân vật mà nghệ sĩ vận dụng ngữ âm, ngữ khí cho hợp câu nói và điệu
cười. Đặc biệt hơn, vai hề trong Dù kê chỉ cười chứ không hát. Hề phải biết
tiếng Triều Châu (Trung Hoa) và tiếng Việt, tiếng Khmer để giới thiệu vở tuồng,
chọc cười khán giả. Khi hát, ngoài việc có những đạo cụ và vật dụng cần thiết
cho vở tuồng thì sự chuẩn bị của dàn nhạc rất quan trọng (tạo nền, kích thích
cảm hứng sáng tạo trong lời thoại, cảm xúc của nghệ sĩ). Các dàn nhạc Dù kê có
thể kể ra đây: trống, nhị, sáo, chạp pây, côn lô… Do ảnh hưởng phương Tây nên
nó cũng thêm vào kèn, trống “Jazz” và Ghi-ta điện. Sự hình thành các dàn nhạc
có ý nghĩa quan trọng: tạo nền, gây cảm xúc cho người xem.
Đặc điểm thứ
sáu là về múa. Ra đời vào thập niên
20 của thế kỷ XX, nghệ thuật Dù kê đã có múa. Mọi hoạt động trong sân khấu đều
có tiếng nhạc, do thiết bị âm nhạc điều khiển. Diễn viên Dù kê, ngoài việc hát
hay mà còn phải biết nhạy cảm với âm nhạc, đi đứng và hành động theo âm nhạc.
Trong thời gian đầu, chịu ảnh hưởng của múa chèo người Việt Bắc Bộ (guộn, lật,
chỉ, xiên, trụ, ký…) nên Dù kê chỉ múa theo kiểu múa truyền thống Khmer mà chưa
được định rõ, chưa tập trung thành 1 đặc điểm thống nhất. Sắm cùng một vai,
nhưng vai này sẽ múa khác vai kia (thậm chí có vai thì múa, có vai thì không
múa). Vai chằn là vai hoạt động mạnh nên múa nhiều nhất, nói chính xác là hoạt
động hình thể nhiều nhất.
Múa Dù kê có hai loại: múa cho vai chính diện và múa
cho vai phản diện. Với vai chính diện (tiều phu, thôn nữ, ông bà cha mẹ nhà
quê), thì múa của họ được kế thừa theo kiểu múa dân gian; vai chính diện của
hoàng tử, hoàng hậu, công chúa và vua thì múa của họ là múa theo khuôn khổ, múa
theo kiểu vũ đạo cổ điển. Nhưng dù đóng vai gì, diễn viên múa Dù kê vẫn thể
hiện các đặc điểm chung: múa mềm với tiết điệu dịu dàng, vừa phải. Và cũng ở
các vai chính diện, các diễn viên mặc trang phục khác nhau:
+ Vai Vua:
áo vàng, cổ cứng, quần xà rông, vắt cài sau lưng, đeo Săng hoa may bằng vải
chéo qua ngực và lưng; một bên thả dài tới gót đi hài cong mũi, không đội mũ
(khác với kịch người Việt: vua Việt có đội mũ cao).
+ Vai hoàng tử:
đầu đội khăn lục, giáp mối ở giữa, gắn bông, vành khăn ở lông chim, áo dài tay,
thắt lưng bản lớn, cổ áo trang trí, đeo Săng hoa trước ngực, cổ tay đeo bao.
Mặc quần dài, chân đi vớ, dây nịt có tua.
+ Vai công chúa:
áo màu, tay ngắn, mảnh vải Săng hoa chòng sau lưng, trước ngực có đeo yếm. Váy
dài, đầu đội khăn thêu kim tuyến, có kết hoa cài ở một bên tóc.
Với vai phản diện (quan ác, tướng ác…) thì sẽ múa kiểu
khác. Đặc biệt, vai chằn sẽ có “ngón múa” riêng. Động tác múa của chằn rất sinh
động, nhất là nét mặt. Khi biểu diễn, tùy thời điểm mà chằn có biểu hiện nét
mặt khác nhau: hung dữ, giận dữ; những nét mặt này của chằn một phần là do hóa
trang, phần khác là do diễn viên khổ luyện mà ra (các nếp, bắp thịt trên khuôn
mặt nhăn lên hay giãn ra tùy theo bối cảnh diễn xuất). Có thể nói rằng, họ biểu
hiện khuôn mặt giống như họ múa (mặt múa) – đó là múa. Các động tác cơ thể họ
di chuyển mạnh mẽ, phần chân tay xoay chuyển rộng và khoa trương để tạo uy thế,
vì chằn luôn dùng võ lực để áp đảo đối phương. Đối với múa, trong nhân vật chắn
luôn có sự tạo hình và luật động ổn định, bất biến – chằn nói bằng điệu múa chứ
không bằng lời nói. Còn các nhân vật khác thì ít múa, nhưng động tác của họ
cũng rất sống động tuy có nặng về tính cách bản năng. Về trang phục múa, người
đóng vai chằn sẽ mặc trang phục như nhà vua nhưng quần áo thô kệch, dữ tợn.
Tướng ác, mồm ngậm hai nanh dài, dùng lưỡi điều khiển, diễn, nói và múa khoa
trương tùy vào hoàn cảnh nhân vật trong vở diễn.
Tóm lại có thể nói, Dù kê là một loại nghệ thuật rất
đặc biệt của người Khmer. Việc Yu kê ra đời như một cuộc cách tân quan trọng, đánh
dấu sự chuyển biến về hình thức lẫn nội dung và cách thức của người biểu diễn
từ cái cũ – cái truyền thống chuyển sang một cái mới mẻ hơn, sáng tỏ hơn và đa
dạng hơn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay đó là sân khấu Dù kê hiện nay đang bị
mai một rất nhiều, mà phần lớn là do thiếu một lớp diễn viên trẻ tài năng trong
khi diễn viên gạo cuội lùi dần (bằng chứng là các đoàn dù kê ít dần, không còn
nhiều như lúc trước), nội dung vở diễn Dù kê không đổi mới và sự quan tâm không
sâu sắc của chính quyền địa phương với Dù kê, đã vô tình làm nó bị mai một đi.
Do đó, một trong những nhiệm vụ của chúng ta (nhất là những người làm bên Dù
kê) là – làm thế nào để vực dậy nền sân khấu Dù kê vốn sắp suy tàn và biến mất
này ? Theo chúng tôi, tạm thời sẽ có 3 giải pháp: thực hiện đãi ngộ thỏa đáng
với nghệ sĩ Dù kê; đầu tư thỏa đáng cho các đoàn để họ còn có đất để diễn; thực
hiện phối hợp cơ quan chức năng chuyên ngành văn hóa với chính quyền địa phương
để đề ra biện pháp bảo vệ nó. Tuy nhiên, như thế cũng chưa hẳn là đủ. Rồi đây
sẽ còn có thêm, có nhiều hơn nữa những biện pháp để cứu vãn một nền nghệ thuật
sân khấu Khmer sắp sửa biến mất này; để đưa văn hóa Việt Nam trở thành nền văn hóa phong phú, đậm bản sắc
dân tộc Việt Nam .
Tài liệu
tham khảo
1. A history of
Cambodia, 1862 – 1945, Federal
Publication.
2. Bùi Công Ba (2011), “Nghệ thuật Dù kê của người
Khmer”, Báo Dân tộc và phát triển, số
ra tháng 8/2011.
3. Phan Thị Phương Hạnh (2011), Văn hóa Khmer Nam
Bộ - nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam , NXB Chính trị quốc gia, Sự
thật, Hà Nội.
4. Nguyễn Đức Hòa (2011), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
5. Trường Lưu (1993), Văn
hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
6. Trần Minh Thương (2012), “Nghệ thuật hát Dù kê của
người Khmer Sóc Trăng”, Tạp chí Văn hóa
Phật giáo, số ra ngày 15/6/2012.
7. Tiến Trình (2013), “Những truyền nhân cuối cùng - Chằn tinh bên bờ...
tuyệt chủng”, Báo Thanh niên, số ra
tháng 10/2013.
8. Viện Văn hóa (1986), Tìm hiểu vốn văn hóa Khmer Nam Bộ, NXb Tổng hợp Hậu Giang,
[1]
Hiện nay có khá nhiều ý kiến khác nhau về người sáng lập và nơi khai sinh của
nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ: Một số nghệ sĩ ở Sóc Trăng cho rằng, người sáng
lập là Lý Con. Ông này là trí thức Tây học, từng được Toàn quyền Đông Dương
giúp vốn mở đoàn hát ở Trà Vinh. Tài liệu khác cho rằng, người sáng lập ra Dù
kê là một đoàn hát có tên “Kru-cưu” sáng lập ở Trà Vinh; về sau đoàn này lưu
lạc qua Campuchia rồi vì lý do khác nhau nên bị chia tách ra nhiều nơi… Ý kiến khác cho rằng, Dù kê do nghệ nhân
Thạch Sua lập ra ở Trà Vinh vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Tổng hợp những ý
kiến trên, tác giả cho rằng: nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ là do thầy Thạch Sua
(hay thầy Sua) lập ra ở Trà Vinh (2 tài liệu khẳng định như thế). Xin ghi lại đây để tham khảo.