Vai trò của người
Việt với sự hình thành, phát triển đô thị cảng Sài Gòn (thế kỷ XVII – XVIII)
Dẫn nhập
Người Việt đã có mặt ở
Việt Nam
từ lâu đời. Chưa ai biết đích xác người Việt có mặt trên mảnh đất này khi nào,
nhưng họ đã đến định cư ở đất Việt khoảng 3.000 – 4.000 năm trước đây và họ là
một nhóm nhỏ trong cộng đồng Bách Việt xưa kia từng sinh sống trên vùng rộng
lớn từ nam Trường Giang đến miền Bắc Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, người
Việt đã có mặt trên mọi miền đất nước ta, tuy nhiên thành phần cư dân Việt chủ
yếu di cư về phía Nam là quan lại (“người có vật lực”, từ dùng của Lê Quý Đôn),
nông dân, giang hồ, tội phạm bị đi đày… Họ tiến vào phía nam lập nên những làng
xã, chợ, và xa hơn nữa chính là các đô thị phía Nam để qua đó góp phần hội tụ
các dân tộc bạn như Khmer, Hoa, Chăm vào chung, hình thành cộng đồng dân tộc
Việt Nam thống nhất. Trong bài viết này, tác giả sẽ bàn về sự xuất hiện của
người Việt ở Nam Bộ và những hoạt động của họ trong việc tạo lập làng xóm, chợ
….và nhất là thành lập đô thị cảng Sài Gòn – đây là nét đặc trưng của cư dân
Việt ở Nam Bộ mà miền Trung, Bắc chưa thể hiện được; qua đó làm nổi bật vai trò
của người Việt trong việc tạo lập, phát triển hưng thịnh của đô thị cảng Sài
Gòn thế kỷ XVII – XVIII.
1. Bối cảnh lịch sử
hình thành cộng đồng người Việt ở vùng đất Sài Gòn
Vùng đất Nam Bộ hoang vu,
hẻo lánh bị Chân lạp “bỏ quên” từ lâu (7 thế kỷ) đã thực sự chuyển mình khi
người Việt - một trong những tộc người hiện nay chiếm đa số ở Nam Bộ này – vào
đây khai hoang, lập làng. Công cuộc mở đất – đặc biệt là biến vùng đất Sài Gòn
thành đô thị cảng ở phương Nam
sau Hội An, được người Việt xúc tiến trong 7 đời chúa Nguyễn. Công cuộc trên đã
diễn ra khi hội tụ những điều kiện chủ quan và khách quan. Hơn nữa, tình hình
trong nước và khu vực có đầy đủ các yếu tố thuận lợi cho công cuộc mở đất Nam
Bộ với trung tâm là Sài Gòn của người Việt.
Về bối cảnh trong nước,
có thể nói công cuộc mở đất của chúa Nguyễn ở Đàng Trong chính là bước đệm, tạo
điều kiện cho người Việt tiến về phương Nam . Nhìn về phương Nam (hay đi về, tiến về phương Nam ) là một định hướng phát triển của các triều
đại phong kiến Việt Nam .
Nó diễn ra liên tục, với mốc mở đầu là thời Tiền Lê (982). Do đất đai nhỏ hẹp,
gia tăng dân số cộng với sức ép của Trung Hoa hùng mạnh nên các triều đại phong
kiến Việt Nam chủ trương
hướng về phương Nam .
Khác với chủ trương hướng Nam
của Trung Hoa, hướng Nam của
Việt Nam
là chỉ nhằm vào vương quốc duy nhất – Champa và vương quốc Chân Lạp (sẽ nói ở
phần sau). Do quân Champa rất hiếu chiến, thường xuyên quấy phá Đại Việt nên
cuộc “Nam phương” (hướng về
phương Nam )
của ta khá vất vả. Trải qua khoảng 5 cuộc “Nam chinh”[1]
lớn, các vương triều phong kiến đã tiến đến đèo Cả (Phú Yên) vào năm 1471 thời
Lê Thánh Tông. Đến năm 1600[2],
với sự thành lập Đàng Trong, tách khỏi mâu thuẫn với họ Trịnh, các chúa Nguyễn
từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát thực hiện những công việc rất táo bạo: xưng
quốc tính “Nguyễn Phúc”, phát triển hệ thống chính quyền, kinh tế mà đặc biệt
nhất là chú trọng thương nghiệp – điều mà trước đây các triều đại phong kiến
trước chưa thực hiện. Với nhiều chính sách ưu đãi hợp lý, các chúa đã biến vùng
Thuận Quảng trở thành trung tâm thương mại, tập trung hàng hóa của nhiều nước:
Xiêm, Cao Miên , Brunei ,
Indonesia …
Những chính sách cởi mở, táo bạo và chắc chắn của chúa Nguyễn đã tạo điều kiện
cho các thế hệ người Việt từ những nông dân nghèo, giang hồ cho tới các “người
có vật lực” (từ dùng của Lê Quý Đôn) theo sau chúa tiến vào Đàng Trong.
Mặc khác, sức ép của cuộc
chiến tranh Trịnh – Nguyễn cũng trực tiếp khiến người Việt tiến vào phương Nam
mà tiêu biểu là vùng đất Sài Gòn – Gia Định (1627 – 1672) đã khiến chúa Nguyễn
phải huy động nhiều nhân vật lực vào cuộc chiến này. Trong suốt 7 trận chiến,
có 6 lần quân Trịnh tiến vào Nam và 1 lần quân Nguyễn tiến ra Bắc. Điều đó nói
lên sự ác liệt của cuộc chiến, đồng thời tạo nên áp lực của chúa Nguyễn mà đặt
biệt là người Việt ở Đàng Trong: luôn trong tư thế sẵn sàng để “phù Lê” đánh
quân Trịnh ở miền Bắc. 45 năm chiến tranh mà bất phân thắng bại, hai bên giảng
hòa và lấy sông Gianh làm ranh giới. Công cuộc di cư vào Nam Bộ của người Việt
đã thực sự diễn ra và diễn ra mạnh mẽ khi cuộc chiến tranh này lắng xuống, đó
là cơ hội cho người Việt xuống khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định một cách thuận
lợi. Ngoài ra, sự lớn mạnh của họ Nguyễn (được TS Đỗ Quỳnh Nga ví là “một người
khổng lồ”) cũng kích thích cư dân Việt tiến xuống phía Nam . Mặc dù phải mang niên hiệu của
vua Lê nhưng khi giao tiếp với bên ngoài, chúa Nguyễn dùng nhiều danh hiệu khác
nhau[3] –
cao nhất là Vương (thời Nguyễn Phúc Khoát); chính điều đó đã kích thích những
người dân Thuận Quảng vốn chịu thương chịu khó và ưa chuộng hòa bình, rời bỏ
vùng đất Thuận Quảng nhỏ hẹp để tiến về phương Nam, một nơi có đất đai trù phú
và khí hậu ôn hòa để khai phá, lập làng xã để sản xuất và phát triển.
Hơn nữa, người Việt tiến
xuống phương Nam nhằm mục đích “làm bình yên” các mâu thuẫn, cuộc chiến của các
dân tộc bản địa phía Nam. Trước khi lưu dân Việt di cư vào, nơi đây đã xuất
hiện hơn 10 tộc người là người Chăm, người Churu, người Giarai, người Raglai,
người Edeh, người Stiengs, người Châu Mạ, người Mnông, người K’ho, người Khmer,
người Chăm. Họ chung sống ở các vùng khác nhau và kế cận các vương quốc lớn như
Phù Nam (thế kỷ I – VII), vương quốc Chân Lạp. Mặc dù có bị lệ thuộc vào các
vương quốc lớn, nhưng các dân tộc này ít nhiều giữ được sự tự chủ của mình qua
việc thành lập các “vùng tự trị” của người Mạ, M’nông; K’ho hay các vương quốc của
người Stiêng, vương quốc Châu Mạ của
người Mạ. Tổ chức của các vương quốc này khá đơn giản, luôn có chiến tranh cướp
nô lệ (chủ yếu là người Mạ) giữa Champa – Stiêng. Người Việt vào thì họ sống
xen lẫn với người dân bản địa, khinh miệt gọi dân tộc miền núi (montagnard) là
“Mọi”. Khi người Việt di cư vào ngày càng đông lên, các dân tộc thiểu số phần
lớn rút về núi rừng; một số khác có thiện chí được người Việt cho ở lại cùng họ
khai khẩn đất đai. Đối với các dân tộc đang “tỵ nạn” để thoát khỏi ách áp bức
của vương triều Trung Hoa, Champa, Khmer là người Hoa, Chăm, Khmer thì người
Việt đối xử y như các dân tộc bản địa trước đó; họ đối xử ôn hòa nhưng kiên
quyết chống lại các cuộc bạo loạn chống chính quyền của họ (tức người Việt).
Bối cảnh khu vực cũng ảnh
hưởng đến quá trình, cũng như vai trò của người Việt ở vùng đất Sài Gòn – Gia
Định. Trước hết đó lớn mạnh của nền kinh tế thị trường ở khu vực Đông Dương
cũng như cả vùng Đông Nam Á. Trước xu thế chung là nền kinh tế thị trường đang
lớn mạnh; nhiều nơi (có cả Nam Bộ) nằm trên con đường huyết mạch từ Tây – Đông
bị lôi cuốn sâu vào vòng xoáy kinh tế thị trường mãnh liệt. Từ cái gốc là một
vùng đất vốn chỉ phát triển nông nghiệp; nhưng nhờ tầm nhìn sáng suốt của các
triều đại “trọng thương” nên Đàng Trong dần phát triển lớn mạnh, trở thành
trung tâm thương mại, tập kết hàng hóa của nhiều nước như Nhật, Xiêm, Cao Miên…Thứ
hai đó là triều đình Chân Lạp sau một thời gian bị chiến tranh liên miên với
Xiêm đã bướt vào thời kỳ suy sụp, hầu như không có sự quan tâm gì đến vùng đất
Nam Bộ. Vào thời Angkor, vương quốc Chân Lạp phát triển rất cường thịnh; nhưng
do chỉ quan tâm đến phát triển các vùng trung tâm nên vùng đất Nam Bộ hầu như
không được Chân Lạp quan tâm gì mấy. Chu Đạt Quan, một người Trung Quốc có dịp
đến Chân Lạp vào năm 1296 – 1297, đã mô tả vùng đất Nam Bộ như sau:“Từ chỗ
vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài
mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở
trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc
cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng
đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm
dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng”[4]. Về sau do vướng phải chiến tranh với Xiêm
nên Chân Lạp không còn khả năng kiểm soát vùng đất Nam Bộ nữa. Ngoài ra, sự
trỗi dậy từ chính sách “hướng Đông” của Xiêm gây nhiều sức ép đến người Việt.
Người Xiêm thời Ayutthaya đã hùng mạnh hẳn lên, họ tiến đánh chiếm các cảng
thị, thành phố cảng; nhằm mục đích làm chủ tuyến đường hàng hải khu vực Biển
Đông để rối sau đó lan lên Trung Quốc, Nhật Bản….
Chính
vì bối cảnh như vậy, người Việt đã dần dần tiến về phía Nam . Họ tiến rất chậm, đi từng bước
chắc chắn để bảo vệ bản thân và tạo dựng cuộc sống ổn định. Năm 1623, thông qua
cuộc hôn nhân Chey Chetta II – Ngọc Vạn thì chúa Nguyễn đã lập 2 đồn thu thuế
đầu tiên là Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) để thu thuế cho
khoảng 4 vạn dân. Năm 1658, nhận lời cầu cứu của phe thân Nguyễn, chúa Nguyễn
cử quân qua đánh lấy Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu) và đến năm 1679 thì tiến đến
Sài Gòn qua sự kiện đồn dinh Tân Mỹ và đưa 2 lực lượng lớn người Hoa do
Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên chỉ huy, di cư từ Trung Hoa vào nam cư ngụ.
Đến năm 1698, với sự kiện Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược thì vùng đất Sài Gòn chính
thức đã có chủ (là chúa Nguyễn). Sài Gòn thực sự là vùng đất thuộc quyền sở hữu
của người Việt mà đại diện là Chúa Nguyễn và đông đảo người Việt sinh sống. Với
vị trí nằm trung tâm của Nam Bộ, vùng đất Sài Gòn được người Việt lưu ý và phát
triển, biến nó thành đô thị cảng sầm uất, thu hút đông dân cư và khách thương
từ mọi nơi đổ về sinh sống và trao đổi, buôn bán.
2. Vai trò của người Việt trong việc hình
thành, phát triển đô thị cảng Sài Gòn
- Thứ nhất: tổ chức, sắp xếp cấu trúc cho đô thị cảng Sài Gòn. Việc tổ chức, sắp xếp cấu trúc của
đô thị cảng Sài Gòn gắn liền với công lao của người Việt, mà tiêu biểu là Lễ
Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Trong thời gian đầu trước khi trở thành đô thị cảng,
Sài Gòn chỉ là đồn thu thuế nhỏ (đồn Prei Nokor – Sài Gòn) trong một làng có số
dân khoảng 2 vạn người. Khi dân cư dần đông đúc, đồn Prei Nokor dần mở rộng dẫn
tới sự hình thành đồn dinh Tân Mỹ (1679) và chợ Điều Khiển, kho Quản Thảo. Mãi
đến năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh
kinh lược thì Sài Gòn chính thức trở thành vùng đất thuộc thuộc quyền sở hữu
của người Việt mà đại diện là Chúa Nguyễn và đông đảo người Việt (20 vạn dân) sinh
sống.
Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược, đã lấy “đất Nông
Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn
Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt
chức lưu thủ, cai bộ và ký lục và các cơ độ thuyền thủy bộ binh và thuộc binh…”.
Về tổ chức bộ máy quan lại cai trị, ông đặt người đứng đầu dinh Phiên Trấn là
Lưu thủ (lo về quân sự), cai bộ và ký lục thì phụ tá cho lưu thủ trong việc
quản lý hành chính và pháp luật. Thời gian đầu do dân cư thưa thớt, nên người
đứng đầu dinh thời đó là Trấn thủ (chưa phải Lưu thủ) có quyền lực cao nhất, kế
đó là quan tổng tham mưu (phụ tá về quân sự cho trấn thủ), cai bộ và ký lục.
Trấn thủ cao nhất là ở dinh Trấn Biên, ông này vừa kiêm chức trấn thủ và kiêm
luôn chức tri phủ Tân Bình và tri phủ Gia Định. Lỵ sở của Trấn thủ thì ở nha sở
phủ, quan tổng tham mưu thì ở chợ Điều Khiển, cai bộ và ký lục thì ở dinh Tân
Thuận. Ở phần bên ngoài, Chúa Nguyễn chiêu tập lưu dân Việt từ Bố Chính vào ở,
thiết lập xã, phường, thôn, ấp; quy định lại việc khai khẩn ruộng đất, thuế
khóa. Người Trung Hoa thì được Chúa cho đồng hóa và sống lẫn lộn với người Việt
thông qua việc lập hai xã là Thanh Hà ở huyện Phước Long (Biên Hòa), xã Minh
Hương ở huyện Tân Bình (Sài Gòn). Về kinh tế, do nhận thức được tư duy trọng
thương của người Việt phương Nam
nên ông cho lập các chợ, các kho[5] để
thu thuế và buôn bán với trong nước, bên ngoài. Để bảo vệ vùng đất đã khai phá
và xác lập chủ quyền, Chúa cho lập đội quân mạnh gồm các binh chủng: thủy binh,
bộ binh, tinh binh và thuộc binh; cắt đặt các cơ đội để bảo vệ chủ quyền và an
ninh trong vùng có chủ quyền.
Theo thời gian, Sài Gòn
đã phát triển hoàn chỉnh về cấu trúc, tổ chức. Về tổng thể, ta tạm chia Sài Gòn
thành 2 vùng: vùng nông thôn và vùng đô thị (hay đô thành). Ở vùng nông thôn,
cư dân Việt sống trong các làng xã mà được Chúa Nguyễn chia thành các thôn, ấp,
nậu[6].
Khác với làng xã Bắc Bộ, các làng xã ở Sài Gòn xưa thường mọc ở các sông, rạch,
đóng trên diện rất rộng. Về tổ chức, làng xã ở Sài Gòn không lấy họ đặt tên cho
làng mà lấy các địa danh theo âm Hán – Việt đặt tên cho làng (Bình Lợi, Phú
Hòa…) và đứng đầu làng xã là một hệ thống các chức quan dày đặc với người đứng
đầu là Hương Cả. Làng xã ở Sài Gòn (và các tỉnh Nam Bộ) không có hương ước,
không có công điền công thổ. Trong khi đó ở khu vực đô thị thì người Việt tổ
chức khá quy củ và hợp lý. Thời đó, đô thị cảng Sài Gòn có hai phần chính là
“thành” và “phố thị”. Thành là “chỗ địa phương người
nhiều, thế hiểm xung quanh có tường vây kín”; Phố là “nơi buôn bán
hàng hóa”. Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức, ở Thành có tường hào bao quanh với lính canh gác cẩn mật, bên trong
thành có nhà dân mọc san sát nhau, người Việt và người Tàu ở
chung lộn dài độ 3 dặm. Trong khi đó ở Phố
thì ông miêu tả cụ thể: các phố mọc san sát nhau, người Việt và Hoa ở chung lộn
với nhau rất hòa đồng. Các phố thường bày bán nhiều mặt hàng thông dụng như:
gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm
trà, tiệm hủ tíu. Chợ (được xây trong phố, thường thấy là sát bến đò – nơi có
nhiều thuyền bè của khách buôn qua lại tấp nập) mọc lên như nấm, tiêu biểu có
các chợ lớn như Chợ Thị Nghè trên bến dưới thuyền, rồi chợ Tân Kiểng, chợ Quán,
Chợ Nguyễn Thực, chợ Bình An… Theo mô tả của Finlayson (1821) thì: gà, vịt,
thịt heo, thịt sấu… đã nhiều lại rẻ, gạo trắng, cá tươi, cá khô, thuốc lá, hạt
tiêu, đường, dao, kéo, đinh, sơn, buồm, chiếu, sừng v,v… không thể kể xiết, và
trầu cau thì không thấy ở đâu nhiều bằng xứ này.
Để ngăn cách các phố và thuận
lợi cho việc di chuyển của người dân, chính quyền cho mở các con đường để dễ
qua lại. Trịnh Hoài Đức ghi lại: Phố Sài Gòn, cách Nam trấn 12 dặm ở
hai bên quan lộ, ấy là một đường cái lớn, lại có đường thẳng dọc đến bờ sông,
một đường giữa xuyên ngang, một đường thẳng bờ sông….”. Dựa vào đoạn tư liệu và các bản đồ
có được, chúng tôi xác định có một “con đường thiên lý” [7]chạy
dọc sông Sài Gòn và sông Tân Bình; ở khúc gần chợ Điều Khiển thì có 1 nhánh đi
lên Cao Miên[8] và chạy
dọc sông Thị Vải (qua tổng Long Thành) ra phía biển rồi đi ngược ra Bắc[9].
Ngoài con đường chính đó, còn một loạt các con đường lớn nhỏ khác chạy đan xen
nhau như hình chữ điền. Trịnh Hoài Đức cũng viết: Trong đường phố lớn có cái
giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có
bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường
đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình
An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua
bán.
Thứ hai, điều hòa hoạt động của đô thị cảng. Không những biết cách tổ chức, cấu
trúc cho đô thị cảng, người Việt có vai trò rất lớn trong việc tổ chức, điều
hòa hoạt động của đô thị cảng. Để đáp ứng nhu cầu của khách thương khi qua lại
cảng thì người Việt tăng cường phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp để phục
vụ cho nhu cầu của mình cũng như của khách. Về nông nghiệp, người Việt trồng
lúa trên 3 loại ruộng (sơn điền, thảo điền và trũng nhiều và thu hoạch rất tốt.
Để tăng cường cho nhu cầu của mình, người Việt không ngừng cải tiến và sáng tạo
ra các loại lúa mới như lúa chim, lúa cà nhe, lúa trò cau, lúa Chiêm…., thâm canh tăng vụ nên sản lượng
lúa gạo tăng vọt. Hơn nữa, người Hoa sống ở Chợ Lớn thì có thói quen dùng cau,
nên cau được người Hoa (cùng với người Việt) buôn bán hiệu quả. Ngoài nông
nghiệp, người Việt tiến hành phát triển thủ công nghiệp ở đô thị cảng. Chưa có
tài liệu nào thống kê đầy đủ số các ngành nghề ở Sài Gòn, nhưng qua tư liệu của
triều Nguyễn và Trịnh Hoài Đức thì vào cuối thế kỷ XVIII, Chúa Nguyễn cho đặt ở Gia Định 62 ty, cục, tượng chuyên chế tạo các loại vật
phẩm cung ứng cho nhu cầu của triều đình phong kiến. Có nhiều ty thợ như ty
thợ một ,ty thợ làm nhà, ty thợ chạm bạc, ty thợ Bạc Nội… tất cả trực thuộc
Phiên Trấn. Công trường thủ công lớn nhất thời đó là Xưởng Thủy (chỗ bờ sông
Tân Bình và rạch Thị Nghè) nguyên là xưởng đóng tàu thuyền, tập trung nhiều thợ
tới làm việc với nhiều ngành chuyên môn khác nhau. Sử cũ ghi nhận, Gia Định
từng đóng cho Cao Miên; hầu như làm theo đơn đặt hàng ở trong và ngoài nước. Theo
Lê Quý Đôn thì dân Lý Hòa thuộc Nam Bố Chính rất quen thích việc buôn bán “bình
thời vào Gia định đóng thuyền lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc giá hơn nghìn quan”
[10] đem
thuyền về làng để buôn bán hoặc bán lại. Riêng một đơn dặt hàng đó đã đáng giá
10 vạn quan, tất phải cần một số thợ và lao động chuyên môn không nhỏ. Ngoài ra còn có thủ công nghiệp gia đình mang tính tự phát của
nhân dân. Nhiều ngành nghề ở Sài Gòn gắn liền với các địa danh như: hàng
Đinh, cóm Chiếu, đường Thợ Tiện, cầu Muối…
Chính vì có sự chuẩn bị kỹ càng
như thế, nên hoạt động thương nghiệp ở Sài Gòn trở nên náo nhiệt hơn bao giờ
hết. Chợ Sài Gòn sớm trở thành “nơi đô hội thương thuyền của các nước, trăm món
hàng hóa là tụ hội ở đây”. (Trịnh Hoài Đức, quyển thượng, 1998, tr. 47). Theo
lời kể của Trùm Châm (thương gia Việt ở nam Bố Chánh) với Trịnh Hoài Đức,
thương nhân khi đến địa giới Gia Định thì họ thường nghỉ qua đêm ở Mô Xoài
(Vũng Tàu), “hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa, biết rõ nơi nào được
mùa mới đến. Trước vào cửa Cần Giờ, rồi vào cửa Sài Lạp, cuối cùng vào cửa Đại,
cửa Tiểu”[11]. Cách thức buôn bán của
người Việt với khách thương đơn giản, không phức tạp. Theo Trịnh Hoài Đức và
Nguyễn Thế Anh[12] thì: khi tàu buôn đến hạ
neo, khách lên tàu thuê phố ở. Chủ thuyền khi đó kê biên hàng hóa trong thuyền
vừa cất lên, các chủ vựa[13]
(từ dùng của Trịnh Hoài Đức) định giá mua tất cả hàng tốt xấu, không bỏ sót lại
thứ gì. đến ngày trở
buồm về nước (Trung Hoa – tác giả chú), muốn cần mua món hàng gì, chủ thuyền
làm sẵn một hóa đơn rồi nhờ chủ hàng (hay hiệu buôn) mua giúp cho đến trước kỳ
giao hẹn. Như vậy cả chủ - khách đều có lợi cả. Vậy mặt hàng mà hai bên chủ -
khách tiến hành trao đổi mua bán ở Sài Gòn là gì ? Mặc dù các thư tịch cổ không
ghi chép cụ thể, nhưng qua Phủ biên tạp
lục và Gia Định thành thông chí
thì ta có thể phát họa đôi nét như sau:
+ Thứ nhất, theo lời kể
của Trùm Châm thì ở Sài Gòn, thương nhân buôn bán mặt hàng chủ yếu là lúa gạo.
Do dân Việt di cư vào ngày càng đông đã tạo ra một lực lượng lao động lớn. Lê
Quý Đôn dẫn lại báo cáo của Cai bạ phủ Gia Định Nguyễn Khoa Thuyên (1760) đã
cho biết: “người giàu ở các địa phương có
40, 50 nhà; hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà có điền nô 50, 60 người; nuôi 200, 300
trâu bò, cày bừa cấy gặt, rộn ràng không rỗi; hàng năm tháng 11, tháng 12,
thường giã thành gạo, bán lấy tiền để ăn Tết chạp. Từ tháng Giêng trở đi là không làm việc xay giã. Bình thời
chỉ bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc, lụa lĩnh, trừu đoạn, áo quần tốt đẹp,
ít có vải bố”[14].
Do gạo Gia Định rất ngon và tốt nhất nên giữa chủ - khách thỏa thuận giá cả rất
mềm và rẻ. Theo Lê Quý Đôn, “một tiền cổ mua được mười đấu lớn thóc (Nguyễn Đình Đầu trong Địa
chí văn hóa…, tr. 160 ghi: một tiền quý thì mua được 16 đấu thóc) bằng ba bát ngang miệng của hộ phiên, tức
là 30 bát quan, tính ra một quan đong được 300 bát quan thóc. Không có nơi nào
giá thóc rẻ như thế. Ở đó, gạo rất trắng và mềm, cá tôm to và béo không thể ăn
hết, nên dân thường luộc chín phơi khô để bán”[15].
Đến năm 1770, khi lúc này gạo trở thành hàng hóa lớn và cũng đề phòng gạo bị
mất giá, dật sĩ Ngô Thế Lân đề nghị Chúa Nguyễn lập “kho thường bình” và định
giá lúa: lúa Gia Định mỗi hộc 5 tiền, Thuận – Khánh 6 tiền, Quảng Ngãi – Thăng
Hoa – Điện Bàn 8 tiền… Nhà nước mua vào thì đắt, bán ra rất rẻ; hơn nữa gạo Gia
Định là loại gạo tốt và ngon nên giá thành rất rẻ - chính vì thế mà khối lượng
gạo xuất ra bình thường và cũng nhiều nhất[16].
Gạo đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Gia Định với các vùng
khác trong nước, khu vực và các quốc gia khác trên thế giới. Theo Lê Quý Đôn,
do dân Thuận Hóa đói kém nhiều gạo Gia Định được chuyển sang Phú Xuân ngày một
nhiều. Ở “thành Phú Xuân giá gạo một hộc
mười thăng chỉ có ba tiền đồng mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một
tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm
nghề nông”[17].
Sử triều Nguyễn cũng ghi nhận, Nguyễn Ánh từng giúp 8.800 vuông
gạo (200 xe Xiêm) cho vua Xiêm cứu đói cho dân[18].
Hay tin quân Thanh đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh mừng quá “sai Phạm Văn Trọng đem thư đi Quảng Đông và
đưa 50 vạn cân gạo giúp!” (khoảng 340 tấn) khuyến khích, giúp quân Tàu đánh
nước mình. Năm sau, “nước Tam Hoạt sai sứ thần… sang dâng đồ binh khí. Khi về,
vua ban cho Quốc trưởng nước ấy một cái tàn vàng và một vạn cân gạo”[19](tức
gần 7 tấn). L. Baziri còn cho biết thêm, gạo Gia Định được chuyên chở qua Ấn Độ,
Manille, Batavia, Malacca bán mà mua hay là đổi lấy súng ống thuốc đạn.
+ Thứ hai, không những
buôn bán lúa gạo, cư dân Việt ở đô thị cảng Sài Gòn còn buôn bán thêm các vật
dụng khác. Theo tài liệu ghi nhận, thương nhân nước ngoài mua một số khá lớn
cau, đường cát, hồ tiêu, gừng, sáp, tơ, gà, lợn, hoa quả, săng gỗ… đem về nước
sử dụng. Theo Lê Quý Đôn, thuyền gạo thường cập bến ở thành Phú Xuân, bán gạo
cho triều đình để đối lấy vải vóc, quần áo về may mặc, nên quần áo của họ luôn
mới và đẹp. Các thuyền buôn nước ngoài cũng tích cực chở sang trao đổi – buôn
bán khí giải, thuốc súng và các đồ binh khí. Chúa Nguyễn lại cho phép họ sang
Manila cho đặng mua tàu, và lấy tên vua (thực ra là Chúa Nguyễn – tác giả chú)
mà mời các lái buôn ấy sang Macao
và bên Đồng Nai nữa.
Thứ ba, cố kết các dân tộc anh em Hoa, Chăm… thành cộng đồng
dân tộc thống nhất.
Đây là một đặc trưng rất lớn của vùng đất Sài Gòn thời kỳ khai phá và phát
triển. Do yêu cầu phải liên hiệp với nhau để chống lại ách thống trị tàn bạo
của các vương triều phong kiến, chống nạn ngoại xâm và thiên tai lũ lụt nên
người Việt đã ý thức được tinh thần đoàn kết, cố kết với các dân tộc khác,
những người đồng cảnh ngộ với mình để cùng chung sống và phát triển. Theo các
tài liệu dân tộc học, nhiều địa phương cổ ở Sài Gòn xưa thì những người nghèo
Việt – Khmer – Hoa sống với nhau như một đại gia đình. Tại nhiều thôn, ấp của
Sài Gòn, họ cùng sống chung trong một làng và hôn nhân hòa huyết với nhau dẫn
tới thành lập đại gia đình mà không có sự phân biệt giữa các dân tộc, giúp nhau
làm ruộng rẫy, khai thác lâm thổ sản và cùng nhau chống lại thú dữ, cá sấu, rắn
độc để bảo vệ con người và xóm làng. Ở đây hình thành trong xã hội một lớp dân
cư hòa nhập lai chủng giữa người Việt lai người Hoa, người Việt lai người Khmer
và ngược lại khá đông. Qua nhiều năm giao tiếp thân hữu, hiện tượng người nói
tam ngữ ở Sài Gòn có phát triển, nhưng không được phổ biến lắm. Ở nhiều nơi
trong Sài Gòn – Gia Định xưa thì người trung niên và tuổi trẻ dễ dàng nghe hiểu
và nói đồng thời cả 3 thứ tiếng là Việt, Khmer và Hoa. Một số nhà âm nhạc dân
tộc học (ethnomusicology) cho rằng, trong cải lương Nam Bộ (nổi bật ở Sài Gòn)
có sự pha trộn những làn điệu (melody) hát huê tình của người Việt với Hồ Quảng
- Triều Châu và cả Dù kê Khmer Nam Bộ.
Ngoài ra trong quá trình
chung sống với nhau (GS Ngô Văn Lệ, TS Trần Thuận gọi là “cộng cư”) thì 3 dân
tộc Việt – Khmer – Hoa có hiện tượng giao thoa ngôn ngữ với nhau. Trong giao
tiếp, người Việt (và các dân tộc khác) hay dùng các từ gốc Khmer: cái cà-ràng, một loại bếp (âng kran), cái cù nèo (khveo),
mắm bồ hóc (brô-hok), thốt nốt (thnôt), cá linh (trây linh), cá hô (trây hô),
trái cà na (kna)… Từ gốc Hoa: bò pía (bảo bỉnh
là loại bánh mỏng cuốn gói nhỏ với rau, tôm, thịt); dầu cháo quẩy (du chá quỹ);
hủ tiếu (cốc điều); tứ chiếng (bốn hướng, dân tứ chiếng là dân
bốn phương tụ lại). Họ giao tiếp với nhau khá tốt (tuy có vài khác biệt, xung
đột nhưng không đáng kể) điều đó càng giúp họ gắn bó khăng khích, cùng nhau
đoàn kết chống thiên tai, chống cường quyền phong kiến. Một số tài liệu không
nói rõ về sự liên minh của các dân tộc ở Sài Gòn trong kháng giặc, giữ vững chủ
quyền vùng đất mới như thế nào, nhưng qua khảo cứu các cuộc chiến Việt – Chân
Lạp và Việt – Chiêm thì khi Chúa Nguyễn cho đăng lính thì bất kể người dân nào
(Việt, Khmer, Hoa) ở Sài Gòn – Gia Định đều đi lính, đóng ở các cai đội của
triều đình trấn giữ đô thị cảng. Và khi người Việt tiến xa về Tây Nam Bộ; họ
theo lệnh của Chúa đã tổng hợp lực lượng và đồng thời kêu gọi người Hoa, người
Khmer cùng đứng về phía mình, đánh tan các cuộc quấy phá của Chiêm Thành, Chân
Lạp vào lãnh thổ mới mở. Và họ cũng hiệp lực với nhau theo lệnh của Nguyễn Cư
Trinh (1755 – 1756) đánh tan vua Nặc Nguyên, cứu người Côn Man (tức người Chăm)
rồi đưa họ về ở chung với cư dân bản địa; một số tráng đinh Côn Man thì Chúa đưa
ra vùng An Giang trấn giữ biên cương…. Như vậy, bấy nhiêu sự kiện đó cũng đủ
chứng minh rằng người Việt là tộc người giữ vai trò như là lực lượng sản xuất
chính, nhưng họ có công lớn trong việc thu phục, cố kết các dân tộc Hoa, Khmer
và Chăm thành cộng đồng thống nhất và góp phần đưa Sài Gòn nói riêng, Nam Bộ
nói chung phát triển, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất ở Nam Bộ
nói riêng và Việt Nam nói chung.
Kết luận
Tóm lại, người Việt có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành,
phát triển đô thị cảng Sài Gòn xưa. Do bị phong kiến họ Lê – Trịnh bóc lột nặng
nề nên họ di cư dần vào Sài Gòn – Gia Định. Bằng tư duy “trọng thương” vốn có
từ lâu đời, họ có công rất lớn trong việc biến đô thị cảng Sài Gòn thành trung
tâm kinh tế lớn nhất Nam Bộ; hàng năm thu hút nhiều thương thuyền nước ngoài
đến trao đổi và buôn bán. Hơn nữa với tư duy nông nghiệp thì người Việt cũng có
công rất lớn trong việc cố kết các dân tộc anh em mình thành 1 đại gia đình các
dân tộc thống nhất. Chính vì vai trò quan trọng của người Việt, đô thị cảng Sài
Gòn đã phát triển mạnh và trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất; góp phần giúp nước Việt Nam phát
triển mạnh trong hiện nay và cả tương lai về sau.
Tài liệu tham khảo chính:
1.
Nguyễn
Thế Anh (2008), Kinh tế và xã hội Việt Nam
dưới các vua triều Nguyễn, Nxb. Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh
2.
Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, tập thượng -
trung, Nxb. Giáo dục, Hà
Nội.
3.
Lê
Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, NXB
KHXH – Hà Nội.
4. Trần Văn
Giàu (1987), Địa chí văn hóa thành phố Hồ
Chí Minh, Nxb. Thành
phố Hồ Chí Minh.
5. Đỗ Quỳnh Nga (2013), Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời
chúa Nguyễn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
6. Châu Đạt Quan (2006), Chân Lạp phong thổ ký, Nxb Thế giới, Hà
Nội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn 1995, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao
Tự Thanh dịch, nxbKHXH, Hà Nội.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1961), Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb.
Viện Sử học, Hà Nội.
[1] 5
cuộc “Nam chinh” là: cuộc viễn chinh của Lý Thánh Tông lấy 3 châu Địa Lý, Ma
Linh và Bồ Chính (1069); cuộc hôn nhân Việt – Chiêm giúp Việt Nam lấy 2 châu Ô
và Lý (1306); cuộc viễn chinh của Hồ Hán Thương lấy 2 đất Chiêm Động và Cổ Lũy
(1402); cuộc chinh phạt của Lê Thánh Tông lây gần hết đất Chăm tới Phú Yên
(1471).
[2]
Đây là danh xưng có từ năm 1600, khi chúa Nguyễn Hoàng bỏ trốn vào Thuận Hóa
khi bị chúa Trịnh kìm kẹp quá mức; lúc này mâu thuẫn Trịnh – Nguyễn xuất hiện
rõ. Đến thời điểm này, “Thuận Quảng trở thành Đàng Trong” – Đàng Trong đã xuất
hiện. Xem trong Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại
Nam
liệt truyện tiền biên, tr. 20, 44.
[3]
Tài liệu của K. Kuniye trích trong Kỷ yếu Đô
thị cổ Hội An, 1991, tr. 169 ghi Nguyễn Hoàng giữ chức “Thiên hạ Thống binh
Đô nguyên soái Thụy Quốc Công”. Từ chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (Nguyễn Phúc tộc
thể phả (tài liệu của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc) ghi là Thái) cho đến chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát
đều xưng “An Nam Quốc Vương”; đúc Ấn vàng (Đại
Nam thực lục tiền biên, tr. 170, 172, 245 – 246).
[4] Châu Đạt
Quan (2006), Chân Lạp phong thổ ký,
Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 245.
[5]
Thời Chúa Nguyễn, chợ của người Việt mọc không nhiều và rải rác trên sông và
các trục lộ như chợ nổi Nhà Bè (1698), chợ Điều Khiển (1731), chợ Bến Nghé (năm
1778 đổi thành chợ Sài Gòn), chợ Cần Giờ, chợ Cây Da Còm, chợ Rạch Cát, chợ
Vũng Gù… Các kho do Chúa dựng lên để thu thuế của dân gồm: kho Quản Thảo, kho
Tân Định. Theo Phủ biên tạp lục, lúc
đó đất Gia Định còn quá rộng lớn nên Chúa lập thêm 9 kho nữa là Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo,
Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạnh. Thông tin được tổng hợp từ Địa chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh của Trần
Văn Giàu, tr. 155 và Phủ biên tạp lục
của Lê Quý Đôn, tr. 342.
[6] Theo quy định của Chúa Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVIII)
thì làng Việt Nam Bộ có 3 loại, phân như sau:
- Làng lớn (đại thôn) gọi là xã.
- Làng vừa (trung thôn) gọi là thôn.
- Làng nhỏ (tiểu thôn) gọi là ấp, lân, phường, giáp, mạn, nậu.
Khi lập làng, người ta phải làm đơn, trong đó kê rõ diện tích đất đai, dân số và đề nghị tên làng dự kiến;
để quan tỉnh xem xét, rồi đưa lên triều đình duyệt. Lập làng xong thì phải dựng
ngôi đình, thờ Thành hoàng làng. Theo Địa
chí Tiền Giang, UBND Tiền Giang xuất bản, tr. 20.
[7] Về
chốt khởi điểm và kết thúc của các trục đường chính (đường thiên lý), Trịnh
Hoài Đức ghi nhận: Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu
Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên
tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán
Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Bố trí
các cung đường chính, phụ rất hợp lý; có đường chính chạy theo hướng Tây – Đông
(chiếu theo bản đồ tổng thể là hướng Tây Nam – Đông Bắc) rất giống cách bố trí
trục đường chính ở La Mã, Ba Tư cổ; hay đế chế Inca ở châu Mỹ - bố trí theo ô
bàn cờ. Xin ghi lại đây tham khảo.
[8] Trần Văn Giàu, Địa
chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, tr. 155
[9] Huỳnh
Văn Tới, Phan Đình Dũng (2013), Đồng Nai
– góc nhìn văn hóa, Nxb Đồng Nai, tr. 15
[10] Lê Quý
Đôn, Sđd, tr. 104.
[11] Lê Quý
Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, tập 1,
NXB KHXH – Hà Nội, tr. 60.
[12]
Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành
thông chí; mục Sơn Xuyên chí, tập thượng – trung, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.
30; Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế và xã
hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb. Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh,
tr. 211.
[13] Nguyễn
Thế Anh, Sđd, tr. 211 gọi là hiệu buôn;
hay chủ hàng.
[14] Lê Quý
Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, NXB
KHXH – Hà Nội, tr. 345.
[15] Lê Quý
Đôn, Sđd, tr. 60.
[16] Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí
Minh, tr. 161.
[17] Lê Quý
Đôn, Sđd, tr. 252 – 253.
[18] Quốc sử
quán triều Nguyễn (1998), Quốc triều
chánh biên toát yếu, Nxb. Văn hóa – Xã Hội, Hà Nội, tr. 21.
[19] Quốc sử
quán triều Nguyễn, Sđd, tr. 23.