Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Những đóng góp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đề tài: Những đóng góp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất, sử dụng nhiều binh lực nhất và hoạt động dài nhất trong kháng chiến chống Pháp của quân dân ta chống lại đạo quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp. Để giành được thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ, toàn Đảng và toàn quân dân phải phụ thuộc vào nhiều nhân tố, mà trong đó vấn đề hậu cần giữ vai trò quan trọng. Nhận thức vấn đề đó, Đảng ta coi trọng việc thực hiện “đại đoàn kết với nhân dân các dân tộc Tây Bắc; kêu gọi họ đóng góp vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã cùng nhau viện trợ lương thực – thực phẩm, vũ khí, sửa sang đường sá và đánh chặn cuộc quấy phá của Pháp, bọn phỉ... để bảo vệ hậu phương, góp phần thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trong Hội thảo về chiến dịch Điện Biên Phủ ở trường Đại học Tây Bắc, tham luận của tác giả đề cập đến những đóng góp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ - nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi của chiến dịch và thắng lợi chung của 9 năm kháng Pháp của nhân dân ta.
Đặt vấn đề:
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất, sử dụng nhiều binh lực nhất và hoạt động dài nhất trong kháng chiến chống Pháp của quân dân ta chống lại đạo quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp. Để giành được thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ, toàn Đảng và toàn quân dân phải phụ thuộc vào nhiều nhân tố, mà trong đó vấn đề hậu cần giữ vai trò quan trọng. Nhận thức vấn đề đó, Đảng ta coi trọng việc thực hiện “đại đoàn kết với nhân dân các dân tộc Tây Bắc; kêu gọi họ đóng góp vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã cùng nhau viện trợ lương thực – thực phẩm, vũ khí, sửa sang đường sá và đánh chặn cuộc quấy phá của Pháp, bọn phỉ... để bảo vệ hậu phương, góp phần thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trong Hội thảo về chiến dịch Điện Biên Phủ ở trường Đại học Tây Bắc, tham luận của tác giả đề cập đến những đóng góp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ - nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi của chiến dịch và thắng lợi chung của 9 năm kháng Pháp của nhân dân ta.
1. Sự chuẩn bị của Đảng, Chính phủ cho các nhân dân các dân tộc Tây Bắc trước chiến dịch
            Tây Bắc là một nơi có địa thế rất hiểm trở, nhiều đồi núi và là nơi sinh sống của 30 dân tộc thiểu số Tây Bắc. Nhận thức điều đó, Đảng và Chính phủ đã thực hiện chính sách “đại đoàn kết dân tộc” kêu gọi họ chống lại chính sách “chia để trị” thâm độc của địch để quay về giúp đỡ quân dân ta. Khi chiến tranh đến hồi khốc liệt nhất, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho toàn Đảng, toàn dân ở Tây Bắc cùng đoàn kết với nhau, hợp sức với nhau để chi viện cho tiền tuyến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Trong Đông Xuân 1953 – 1954, quân ta hoạt động trên khắp chiến trường Đông Dương nên việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến là việc làm cần thiết. Để thống nhất trong việc huy động lực lượng, ta đã thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Ở các liên khu, các địa phương thì ta thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do Chủ tịch Ủy ban hành chính làm Chủ tịch. Công tác chuẩn bị việc cung ứng lương thực – thực phẩm được ta phân thành 2 tuyến: tuyến hậu phương từ Ba Khe – Suối Rút do Tổng cục cung cấp và Hội đồng cung cấp đảm nhiệm; tuyền tiền phương (tiền tuyến) từ Ba Khe – Suối Rút lên tận Điện Biên Phủ do hậu cần chiến dịch đảm nhiệm. Đồng thời, Trung ương đã cử một số cán bộ xuống các vùng hậu cần đã được phân chia để kiểm tra và đôn đốc việc huy động nhân – vật lực phục vụ tiền tuyến, nhất là công tác vận động đồng bào dân tộc anh em Tây Bắc đóng góp vào chiến dịch. Tại Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã theo dõi kỹ càng vấn đề lương thực, đặc biệt là gạo và đạn. Hằng ngày, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – chỉ huy trưởng chiến dịch đã trực tiếp nghe báo cáo về đạn và gạo; trong sổ của ông luôn ghi chép về tình hình cung ứng cho chiến dịch.
2. Những đóng góp của nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Được sự chỉ đạo và quan tâm của Đảng và Chính phủ, toàn dân mà đặc biệt là nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã huy động sức lực của mình, tích cực biến Tây Bắc thành hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến Điện Biên Phủ.
Thứ nhất, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã cung ứng sức người, sức của vào chiến trường. Ở Lai Châu thì trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc của tỉnh tích cực đóng góp lương thực – thực phẩm, con người vào cuộc chiến. Ở Lai Châu, để hưởng ứng chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 thì người H’mông ở Tả Sìn Thàng (huyện Mường Lay) đưa xuống tiếp tế cho bộ đội 13 tấn gạo, 80 con lợn, 29 con trâu và trên 1 tấn rau các loại ([1]). Nhờ sự viện trợ đó mà quân dân tỉnh đánh tan 24 đại đội địch, tịch thu vũ khí và giải tán luôn “Xứ Thái tự trị” của Đèo Văn Long, Lai Châu hoàn toàn giải phóng. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, tỉnh đã lập ngay Ban chuẩn bị chiến trường ([2]) của tỉnh và các huyện, chuẩn bị kế hoạch kháng chiến sắp tới. Sau đó, tại các Hội nghị ở tỉnh Lai Châu và hang Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo), Ban cán sự Đảng của tỉnh đề ra các biện pháp viện trợ cho chiến dịch: tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp và cho nhà nước vay lương phục vụ chiến dịch. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy, hàng vạn đồng bào các dân tộc ở các huyện Tuần Giáo, Thuận Châu, Phong Thổ... hăng hái đi dân công, tình nguyện đưa lương thực, vũ khí ra chiến trường. Để có đủ lương cho bộ đội, đồng bào người Thái, Tày đã phải giã gạo vào ban đêm, điều mà trước đây kiêng kỵ. Thậm chí, họ đem gia đình và tài sản và nhiều thanh niên dân tộc tình nguyện giúp bộ đội phá thác, làm thông đường giao thông để phục vụ về hậu cần cho chiến dịch. Trong một thống kê chưa đầy đủ, nhân dân đã cho Chính phủ vay 2.107 tấn gạo, 185 tấn thịt, 210 tấn rau, đóng góp 261.317 ngày công vào trận chiến Điện Biên Phủ ([3]). Đồng bào dân tộc ở các huyện trong tỉnh cùng góp nhiều lương thực vào cuộc chiến: Điện Biên (555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 104 tấn rau), Quỳnh Nhai (144 tấn gạo, 21 tấn thịt, 1.608 dân công), Mường Tè (76 tấn gạo, 513 dân công), Sìn Hồ (15 tấn gạo, 2,6 tấn thịt, 3 tấn rau, 750 dân công)... ([4]).
Trong khi đó ở Yên Bái, một tỉnh sát nách Lai Châu – nơi diễn ra chiến dịch thì hoạt động của đồng bào Tày, H’mông, Dao... diễn ra mạnh mẽ. Nhiều thanh niên dân tộc tình nguyện ra trận, các phụ nữ từ bỏ các công việc thường ngày để lên đường đi tải đạn, tiếp lương cho bộ đội. Trong chiến dịch này, tỉnh huy động 31.652 lượt dân công phục vụ cuộc chiến. Trong số đó nổi lên nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là anh Hà Văn Lô (người Tày, xã Đồng Khê huyện Văn Chấn) – một mình vận chuyển lương thực, vượt qua các trọng điểm ác liệt và đến nơi an toàn, được nhận Huy hiệu của Bác Hồ. Để có thể duy trì lương thực phục vụ cho bộ đội, đồng bào Thái (Mường Lò), Tày (Đại Lịch, Thượng Bằng La) trong tỉnh tăng gia sản xuất, đạt kết quả khả quan. Tính chung đầu năm 1954, Yên Bái cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo; 1.372 con trâu, bò; 489 con lợn thịt; hơn 2.700 kg đỗ, đậu, lạc ([5]). Trong khi đó thì ở Sơn La, chấp hành Chỉ thị của Đảng bộ về việc “sẵn sàng đóng góp nhân tài vật lực cao nhất cùng nhân dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc” ([6]), đồng bào dân tộc H’mông, Kh’mú ở Chiềng Noi (huyện Mai Sơn) cung ứng cho Chính phủ hơn 400 kg gạo. Đồng bào ở xã Chiềng Chung cũng đóng góp 2 tấn thóc. Trong thời gian chiến dịch diễn ra, dân công các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mường La… vận chuyển hàng ngàn kg lương ra chiến trường, cung ứng kịp thời cho bộ đội với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để bộ đội ăn no đánh thắng”([7]), giúp quân dân thêm động lực để đánh giặc. Tổng kết toàn tỉnh, đồng bào các dân tộc đã gửi ra Mặt trận Điện Biên Phủ 21.687 dân công với 2.434.759 ngày công cùng hơn 4.000 tấn gạo, 144.933 kg thịt, 139.730 rau xanh ([8]).
Thứ hai, sửa sang đường sá để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động thường kỳ của chính quyền nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, chống địch càn quét và giúp nhân dân các tỉnh phục vụ tốt cho chiến dịch. Việc sửa sang đường bộ, đường sông diễn ra hầu hết các tỉnh ở Tây Bắc, mạnh nhất ở Yên Bái và Sơn La. Ở Yên Bái, thực hiện theo Chỉ thị của Công trường 13 do Tỉnh ủy thành lập, đồng bào các dân tộc phối hợp quân dân tỉnh tiến hành mở đường. Do rất quen thuộc với địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều sông nhỏ chia cắt nên các thanh niên dân tộc đã mạnh dạn khảo sát, lập kế hoạch và huy động nhân công làm đường. Theo tài liệu ghi nhận, tỉnh đã huy động 124.458 lượt người làm đường; 173.197 công đào đắp, 1.638.000 công sửa chữa ([9]) để mở thành công các con đường: chợ Hiên (Tuyên Quang) đến Ba Khe; đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La dài 188 km và từ Ba Khe đi Bản Tủ dài 70 km, đồng thời làm mới thêm 188 km đường ngang dọc trong tỉnh. Mặc dù bị địch ném bom tàn phá đường 13 A (huyết mạch giữa căn cứ Việt Bắc và Tây Bắc), bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô… nhưng ta đã khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành công việc rất tốt. Tính đến đầu 1954, Yên Bái huy động được 31.652 dân công với 1.650.000 ngày công, khai thác 45.000 m đá và lấy 31.300 m gỗ, tre, vầu để chống lầy, rải đá được 164.900 m đường phục vụ tốt chiến dịch.
Ở các tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai thì hoạt động mở đường diễn ra tấp nập. Ở tỉnh Lai Châu thì ta chỉ mới đang sửa chữa đường Tuần Giáo – Lai Châu, Tuần Giáo – Điện Biên Phủ (dài tổng cộng 84 km); ở Sơn La thì đang gấp rút mở đường 13 nối phía tây tỉnh Yên Bái đến phía nam tỉnh Sơn La dài hơn 100 km, đường 41 từ cao nguyên Mộc Châu lên Tuần Giáo (Lai Châu). Tuy nhiên việc mở đường gặp nhiều khó khăn do địa hình Tây Bắc hiểm trở, phức tạp; cộng với việc luôn bị địch đánh phá ác liệt. Ở phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi (Sơn La) và các ngọn đèo Lũng Lô (Lai Châu), Pha Đin (Yên Bái), quân địch ngày đem thả bom, chông, tung biệt kích quấy phá liên tục không ngày nào được yên. Ở Pha Đin một ngày chúng ném 160 quả, ở Cò Nòi thì trong 1 ngày địch ném xuống đây hơn 69 tấn bom đạn các loại ([10]), có ngày khốc liệt hơn thì tới 300 quả ([11]) làm giao thông ở đây ách tắt nhiều ngày liền.
Khắc phục mọi khó khăn trước mắt, nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc tích cực đưa pháo cao xạ 37 mm đánh máy bay địch, tiến hành cất giấu kho tàng, hàng hóa, xe cộ và mọi hoạt động đều diễn ra vào ban đêm. Hoạt động làm đường diễn ra liên tục ở Sơn La và Lai Châu. Quân dân Lai Châu đã mở rộng tuyến Tuần Giáo – Điện Biên cho Đại đoàn 351 chuyển pháo vào chiến dịch; gấp rút mở thêm đường vận tải ở huyện Sông Mã, đường chuyển lương Mường Lầm – Nà Sản để đưa lương thực vào phía nam Điện Biên Phủ. Ở Sơn La, ta sửa chữa thông suốt đường 13 với 41 nối Điện Biên Phủ với các hậu phương xa xôi về phía nam như Liên khu III, liên khu IV. Với đường sông, Lai Châu dùng bom phá hơn 100 thác nước, khai thông sông Nậm Na để dân công chuyển 1.700 tấn gạo của Trung Hoa viện trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở phía tây tỉnh, ta dùng luôn tuyến đường sông Mường Luân – Na Sang đưa 300 tấn gạo về phục vụ cho đơn vị bao vây Hồng Cúm. Quân dân các tỉnh làm đường rất khẩn trương cả ngày lẫn đêm, rà phá bom để thông suốt giao thông; làm thất bại âm mưu đánh phá giao thông của địch. Trong Đông Dương hấp hối, Navarre tỏ ra bất ngờ về khả năng sửa sang đường giao thông của ta: “Không quân ta được sử dụng triệt để nhằm ngăn chặn quân địch xây dựng và bảo dưỡng tuyến giao thông (…) nhưng vô hiệu quả. Sau khi máy bay phá hoại, những đoạn đường bị cắt đứt, lập tức được sửa san lại ngay. Những đoàn xe vận tải, xe thồ… chỉ đi vào ban đêm, ban ngày thì họ ngụy trang rất kỹ đến nỗi ta không nhận ra được”([12]). Jules Roy (Pháp) cũng thừa nhận: Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy. Điều đó cho ta thấy được, khả năng làm đường giao thông bất ngờ, linh hoạt và bí mật cho việc vận chuyển lương thực thông suốt vào chiến dịch. Và cũng chính hệ thống giao thông chằng chịt, liên hoàn ở Việt Nam đã làm phá sản hoàn toàn sự chuẩn bị của Navarre (Pháp) ở Điện Biên Phủ.
Thứ ba, đồng bào có đóng góp lớn trong việc đưa các phương tiện vận tải, xe thô sơ, chủ yếu là xe thồ phục vụ chiến dịch. Sau khi sửa xong các con đường vận tải, nhiều nơi ở miền xuôi và hậu phương liên tiếp đưa các phương tiện vận tải vào chiến trường. Hầu hết các xe ô tô tải được vận động vào chiến trường, thậm chí có đoàn xe hoạt động liên tục từ chiến dịch Tây Bắc 1951 đến giờ. Những người lái các xe cơ giới thường là các tài xế lâu năm, hay các thanh niên dân tộc đi xe cơ giới trong vài tháng đã chạy quá 200 km. Vì là hoạt động cả ngày lẫn đêm nên họ đã phải uống cà phê đậm, trà đậm để đỡ buồn ngủ; một số bị bệnh trên đường đi.
Một phương tiện vận chuyển khác được coi là “bán cơ giới” cũng được huy động vào chiến dịch, đó là xe đạp thồ ([13]). Do thông thuộc địa hình và lại hiểu rõ về vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, đồng bào các dân tộc như Thái, Tày, Việt đã cải tiến, gia cố xe đạp mà họ dùng thường ngày trở thành “xe đạp thồ” để vận chuyển nhanh chóng hàng tiếp tế ra mặt trận mà ít phương tiện nào sánh kịp. Trên địa hình hiểm trở, dốc trơn và nhiều đèo – ghềnh thác, họ vô tư phát cây mở đường rộng khoảng 1 m cho xe đi qua dễ dàng. Để tiện lợi hơn cho vận chuyển, nhiều thanh niên đồng bào nảy sáng kiến đưa thêm vài bộ phận mới như: tay ngai, tay phanh, khung phụ, gá buộc... vào xe để làm tăng thêm sức thồ của nó trên những con đường hiểm trở mà ô tô đành chịu. Khi chiến dịch nổ ra, nhiều địa phương biên chế thành từng đoàn theo địa phương (30 – 40 xe); mỗi đoàn lại chia nhỏ thành các đại đội, các nhóm nhỏ khoảng 5 – 6 xe để dễ qua đèo, lội suối. Dù gian khổ, nhưng họ vẫn thể hiện tính lạc quan qua những câu hò cho tinh thần sáng khoái:
“Ai sinh ra chiếc xe thồ
Trập trùng đèo dốc lần mò suốt đêm …
Hò dô này! Hò dô ta …này !
Nhờ việc làm đó mà tốc độ thồ của xe đạp tăng mạnh. Nhiều xe đã tăng tải trọng thồ hàng, từ 160 kg lên tới tối đa 325 kg hàng viện trợ cho chiến trường. Nhiều xe thồ của đồng bào đạt kỷ lục thồ hàng như thanh niên người dân tộc Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đạt kỷ lục thồ 352 kg hàng, có lúc là 400 kg hàng viện trợ vào chiến trường ! Nhớ lại kỳ tích này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Mỗi xe thồ lúc đầu chở được 100 kg sau đó nâng lên 200 kg, 300 kg. Có một dân công ở Phú Thọ, anh Ma Văn Thắng chở được 352 kg. Năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ. Gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi 10 lần". J. Roy (Pháp) cũng nói: “Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320 kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni-lông trải trên đất". Điều đó cho thấy, đóng góp về phương tiện vận tải – nhất là xe đạp thồ của đồng bào các dân tộc là rất lớn, thể hiện sự cần cù, sáng tạo ưu việt của dân ta chống lại vũ khí hiện đại của địch.
Thứ tư, đồng bào dân tộc đã tình nguyện giúp bộ đội làm quân báo, đưa nhiều thông tin về cung cấp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch để họ lập kế hoạch tác chiến. Trước khi chiến dịch bắt đầu, đồng bào các dân tộc sống rất cực khổ, bị bọn Pháp và cả tên chúa Thái Đèo Văn Long áp bức thậm tệ. Trước tình hình đó, nhiều trinh sát được cử đi luồn vào các làng bản đồng bào dân tộc, tận mắt thấy cảnh tan hoang của bản làng (bản Song Nhai bị tàn phá trắng, nhiều bản làng của người Thái, Tày, … bị tàn phá nặng nề) nên có kế hoạch tuyên truyền, cứu đói và bảo vệ tài sản của đồng bào. Có trường hợp cá biệt ở bản Hủi của người Thái ở núi Pú Hồng (phía đông Mường Thanh) bị dân bản xa lánh, tách biệt với bên ngoài. Các cán bộ dân lọt vào bản rồi sống với dân, giúp đỡ lương thực – thuốc men và tài sản rất vô tư, khiến nhiều người rất cảm động. Thậm chí, một số cán bộ hy sinh tài sản của mình như đồng hồ, vật dụng riêng của mình để đổi kim, chỉ và thuốc cho đồng bào; đưa thư vận động binh lính Thái quay trở về gia đình. Có cụ già nói:
- Bộ đội Cụ Hồ cái gì nó cũng giỏi, cái gì nó cũng biết làm. Bộ đội Cụ Hồ “chăn lai”, bộ đội Cụ Hồ “đi lai” ([14]).
Nhờ sự tin tưởng tuyệt đối như vậy, nên đồng bào các dân tộc ở Điện Biên luôn ủng hộ bộ đội, sẵn sàng làm tai mắt, cung cấp nhiều tin tức cho bộ đội và “địch vận” trong chiến dịch. Chưa có tài liệu nói về công tác thám báo của đồng bào các dân tộc, nhưng theo dõi chiến cuộc thì ta thấy rõ sự đóng góp của họ với chiến dịch. Họ cử người luồn sâu vào trận địa, nghe ngóng tình hình và thậm chí có người còn thu thập tài liệu quan trọng (bản đồ chiến trường, bưu ảnh) gửi về bộ đội. Khi công tác địch vận được triển khai, nhiều đồng bào viết tâm thư gửi lính Thái kêu họ trở về nhà. Nhờ thế khi quân ta tấn công cứ điểm Bản Kéo của Clarchambre (Pháp), binh lính Thái nghe theo lời tuyên truyền của bộ đội đã trở về gia đình an toàn, không tốn 1 viên đạn.
Thứ năm, đồng bào các dân tộc có công rất lớn trong việc chống quân phỉ, bảo vệ hậu phương Điện Biên và giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Ở các tỉnh biên giới phía tây bắc thì trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Pháp tập hợp lực lượng phỉ ở Quỳnh Nhai, Sìn Hồ, Mường Lay (Lai Châu); thị xã Sa Pa, huyện Phong Thổ, Bảo Thắng (Lào Cai), đồng thời tung biệt kích vào quấy phá hậu phương của ta. Đứng trước hoạt động ngày càng khốc liệt của bọn phỉ Tây Bắc, Ban cán sự Đảng bộ 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai huy động nhân dân và đồng bào các dân tộc đứng lên chống giặc phỉ. Ở Lai Châu, ta đánh tan tành cụm phỉ ở Mường Tè (gồm 57 tên, do tên Đào Gia Trụ cầm đầu), ở Sìn Hồ (12 tên bị diệt – trong đó có tên chỉ huy Vàng Tả, thu toàn bộ vũ khí). Tháng 5/1954, phát hiện bọn phỉ đang hoạt động ở Than Uyên và Mường Giơn, bộ đội ta đã tiến đánh chúng. Kết quả, bọn phỉ ở Than Uyên thất bại và phải chạy về phía huyện Sìn Hồ. Ngoài ra, quân dân phía bắc Lai Châu cũng bắt hàng hàng chục tên phỉ ở Mù Su, Mù Cả, Giàng Mân Pho, Mường Nhé, Mỏm Cao, đỉnh Cô san, Mường Toong... Tương tự như Lai Châu, ở Lào Cai bọn phỉ hoạt động mạnh ở thị xã Sa Pa (khu vực Séo Má Tỷ, Sín Chải, Lao Chải Sang, Nậm Ngấn, Nậm Can, Giàng Tả Chải, Má Cha), Phong Thổ và Bảo Thắng và nhiều nơi khác với tính chất hoạt động rất phức tạp (chiếm đất, lập ngụy quyền). Nghiêm trọng hơn, chúng mở “chiến dịch Nguyễn Đình Văn” [15]đánh chiếm 5/6 huyện của tỉnh, lôi kéo đồng bào dân tộc ở huyện Si Ma Cai lập ngụy quyền. Trước tình hình đó, quân ta đã tiến công lại ở các trận Bắc Hà, tuy nhiên cuộc tiến công trên bị phỉ đánh bại và chúng đã tiến chiếm lại hầu hết các huyện, vùng ở Lào Cai. Từ tháng 1 – 7/1954, lực lượng phỉ ở tỉnh đã tăng vọt lên tới 1.431 tên. Chúng điên cuồng khủng bố, tàn sát cán bộ của ta, gây cho ta nhiều tổn thất. Việc để mất Bắc Hà là do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là: ta chủ quan, không đánh giá đúng âm mưu – thủ đoạn của địch. Một số cán bộ tỏ ra chủ quan, thiếu tinh tưởng ở cơ sở và không biết dựa vào dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc để chống kẻ thù – kết quả là thất bại. Bọn phỉ Tây Bắc còn tiếp tục hoạt động, lôi kéo đồng bào các dân tộc trong thời kháng Mỹ giai đoạn đầu (1954 – 1960). Đến khi ta mở rộng ngoại giao với Trung Hoa, bạn đã giúp dẹp yên bọn phỉ - đảm bảo tiến độ viện trợ vào Nam sau này của ta.
Kết luận
Qua tham luận trên, tác giả đã trình bày khái quát về sự đóng góp của đồng bào dân tộc Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, chưa thấy một trận đánh nào huy động một lực lượng hậu cần lớn ở cả nước (chủ yếu là Tây Bắc) như chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, dù có khác nhau hay tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán nhưng hễ là người dân của đất nước Việt Nam thì phải đứng lên giữ lấy nước. Họ giữ nước bằng mọi cách, mà trong đó hậu cần là tiêu biểu nhất. Nhiều người không tiếc công việc riêng của mình, sẵn sàng từ bỏ để thực hiện nhiệm vụ thiên liêng với đất nước – viện trợ cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (viện trợ lương – vũ khí, sửa sang đường sá, đưa dân công và diệt bọn phỉ) bảo vệ chiến dịch diễn ra thắng lợi. Tuy có vài trở ngại nhưng hoạt động cung ứng hậu cần tại chỗ là rất cần thiết, làm đúng ý đồ của tướng Giáp: huy động hậu cần tại chỗ cho chiến dịch, không thể (ít) khi lấy hậu cần từ nơi cách xa 300 km như Navarre từng huênh hoang khi bắt đầu chiến dịch. Chính công việc dù nhỏ bé, nhưng hết sức to lớn đó làm nên thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ - buộc Pháp đầu hàng và ngồi vào bàn ký hiệp định Genève rút khỏi Đông Dương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng bộ tỉnh Sơn La (1978), Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Sơn La.
2. Đại học quốc gia Hà Nội (2005), Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của nhà khoa học Việt – Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Lịch sử Đảng bộ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái; Nxb CTQG, Hà Nội
4. Cao Văn Lượng (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân khu Tây Bắc (1946 – 1954), Nxb KHXH, Hà Nội
5. Henry Navarre (2004), Đông Dương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội
6. Nhiều tác giả (1980), Chiến thắng Điện Biên Phủ - ký sự, Nxb QĐND – Hà Nội
7. 30 năm phấn đấu và xây dựng Đảng bộ Lai Châu (1949 – 1979), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Lai Châu, 1980.
8. Jules Roy (2004), Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb TPHCM.




[1] Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Lai Châu 1945 – 1954, tr. 150.
[2] Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh Lai Châu gồm 4 đ/c: Trần Quốc Mạnh (Ban cán sự Đảng tỉnh), Lê Tinh (bộ đội chủ lực E 148), Phạm Duy Tiến (tỉnh đội dân quân) và Lê Sinh (bộ đội Quân khu Tây Bắc). Trích trong Cao Văn Lượng (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân khu Tây Bắc (1946 – 1954), Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 444.
[3] 30 năm phấn đấu và xây dựng Đảng bộ Lai Châu (1949 – 1979), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Lai Châu, 1980, tr. 59.
[4] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, tập 1 (1945 – 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 217.
[5] Ban biên tập Lịch sử Yên Bái (2013), Yên Bái mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tài liệu đánh máy, Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái.
[6] Chỉ thị của Tỉnh ủy Sơn La gửi các Ban huyện ủy năm 1954, tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Sơn La.
[7] Đảng bộ tỉnh Sơn La (1978), Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Sơn La, tr. 128.
[8] Sơn La, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), sđd, tr. 171.
[9] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tập 1 (1930 – 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 147.
[10] Nhiều tác giả, Quân và dân Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb CTQG, tr. 141.
[11] Đại học quốc gia Hà Nội (2005), Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của nhà khoa học Việt – Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 132.
[12] Henry Navarre (2004), Đông Dương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 206.
[13] Điện Biên Phủ - ký sự, Nxb QĐND – Hà Nội, tr. 298 – 299.
[14] Tốt lắm ! Đẹp lắm ! (tiếng Thái). Theo Hoàng Minh Phương (2004), Điện Biên Phủ - những trang vàng lịch sử, Nxb Trẻ Tp.Hồ Chí Minh, tr. 95.
[15] Nguyễn Đình Văn là người Tày ở Chiềng Keng, Văn Bàn. Trước y là tri châu Văn Bàn, tay sai của Pháp. Theo Cao Văn Lượng (2003), Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân khu Tây Bắc (1946 – 1954), Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 459.

Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Đặt vấn đề
Cách đây 40 năm, vào mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi thêm một chiến công vĩ đại làm nức lòng nhân dân trong nước cũng như nhân dân thế giới. Chỉ trong 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã làm một trận quyết chiến lịch sử vang dội, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và đập tan ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 21 năm (1954 – 1975) kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nhất là nghệ thuật tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ chiến lược của Đảng ta.
Nội dung:
1.      Vấn đề thời cơ trong chiến lược lãnh đạo của Đảng ta và quá trình tạo và nắm bắt thời cơ của Đảng trong lãnh đạo cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.
Thời cơ (tiếng Anh: ocassion, tiếng Pháp: conjoncture) là thời điểm lịch sử thuận lợi nhất, tốt nhất và đủ điều kiện nhất để tiến hành một hoạt động tạo ra kết quả theo đúng ý đồ của mình. Tùy theo những nỗ lực chủ quan của con người mà thời cơ có thể tiến đến rất tuần tự hoặc nhảy vọt lên cao. Muốn tạo được thời cơ thì phải nắm được xu thế phát triển của sự vật, phát huy những nhân tố tích cực đã có và hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố tiêu cực, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất để đón nhận thời cơ khi nó xuất hiện.
Hơn nữa, thời cơ một khi đã chuẩn bị đủ điều kiện thì nên có một sự cân nhắc kỹ càng trong chiến lược của lãnh đạo Đảng. Sự cân nhắc đó là sự cân nhắc về vấn đề thời gian, lực lượng, không gian…, nhưng trong đó vấn đề thời gian là quan trọng nhất. Thời cơ chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Khi thời cơ xuất hiện thì thời gian chính là lực lượng. Khi thời cơ đến, ta phải dựa vào thực lực cách mạng đang mạnh mẽ; chọn đúng thời điểm để phát động cuộc Tổng tấn công. Trong nghệ thuật chớp thời cơ, thời gian được chọn để tiến hành thời cơ không được diễn ra trước (hoặc sau) thời cơ, vì làm điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả không lường trước được, trong đó không loại trừ khả năng đối phương sẽ phản ứng và nhảy vào can thiệp[1]. Thời cơ và thực lực cách mạng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu không có sẵn  thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp thời lợi dụng nó. Nếu “Để mất thời điểm thuận lợi, không sử dụng thời gian để tung vào kẻ địch những lực lượng ưu thế có nghĩa là phạm một sai lầm to lớn nhất có thể có trong chiến tranh”[2].
Trong lịch sử, ông cha ta trong quá trình kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập cho đất nước đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề thời cơ. Trong Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn đúc kết: “Trong việc dùng binh không có gì thần bằng cơ, cơ một ngày không trở lại, một tháng không trở lại”. Chớp thời cơ chính là sự nắm bắt, tận dụng những điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi một cách triệt để, có hiệu quả. Ph.Ăngghen đã nói: “Trong thương mại thời gian là tiền, thì trong chiến tranh, thời gian là chiến thắng”. V.I.Lênin chỉ rõ trong cách mạng Tháng Mười Nga: “đêm nay và chỉ trong đêm nay” - đêm 24-10-1917, “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ… Những người cách mạng sẽ phạm tội ác vô cùng lớn nếu họ bỏ mất thời cơ. Chậm trễ trong khởi nghĩa là chết”[3]. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề thời cơ cách mạng. Người nhấn mạnh: Thời cơ là thời thế, là thời gian, thời điểm có lợi nhất để tấn công đối phương. Người yêu cầu phải biết tạo và nắm thời cơ, tức là phải nắm chắc quy luật vận động, xu thế phát triển của tình hình. Trong bài thơ “Học đánh cờ” (trích trong Nhật ký trong tù), Bác đã tóm gọn trong hai câu thơ hàm súc:
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công[4].
Nắm chắc quy luật này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách tài tình và sáng tạo vấn đề thời cơ trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Sau khi đã lãnh đạo quân dân hai miền giành những thắng lợi quyết định trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, buộc Mỹ ký Hiệp định Paris để chúng phải rút quân về nước vào ngày 21/7/1973. Việc này đã dẫn đến so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam thay đổi theo hướng có lợi cho ta, bất lợi cho quân đội Sài Gòn. Đó là một điều kiện thuận lợi để ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, đúng như đồng chí – cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói: “Chúng ta buộc địch ký hiệp định Pa-ri có nghĩa là ta đã mạnh hơn địch, đủ sức thắng cả Mỹ lẫn ngụy. Khi Mỹ còn là ta giành được thắng lợi vậy thì sau khi Mỹ rút hết, ta càng mạnh hơn và nhất định đánh thắng hoàn toàn quân ngụy”[5]
Mặc dù vậy, tình hình sau đó lại diễn biến hết sức phức tạp. Đế quốc Mỹ mặc dù đã rút quân khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris 1973, nhưng chúng chưa chịu từ bỏ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong những năm cuối trước khi từ chức vì vụ Watergate năm 1974, Tổng thống Mỹ là Nixon tiếp tục duy trì và áp dụng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà ông ta đề ra từ năm 1969, tiếp tục chính sách ngoại giao nước lớn nhằm liên minh với các nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô (các quốc gia XHCN anh em của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để kiềm chế, cô lập cách mạng Việt Nam, duy trì ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á với một sức mạnh răn đe lớn (15.200 quân, 1.020 máy bay, 56 tàu chiến). Đối với chính quyền Sài Gòn – chỗ dựa của Mỹ trong suốt 20 năm chiến tranh Việt Nam, Mỹ tận dụng triệt để cuộc hội đàm Nguyễn Văn Thiệu – Nixon ở San Clementé (3/4/1973) để sử dụng chế độ tay sai Sài Gòn do Thiệu cầm đầu làm công cụ phá hoại Hiệp định Paris, tiếp tục cuộc chiến tranh theo công thức: Quân đội Sài Gòn + Viện trợ Mỹ + Chỉ huy của Mỹ. Theo công thức này, Mỹ để lại cho Sài Gòn khoảng 10.000 người (gồm các chuyên viên, chuyên gia kỹ thuật Mỹ)[6], 25 vạn tấn vũ khí và hơn 1.000 máy bay các loại. Từ 29/1/1973, sau khi đã cuốn cờ ra khỏi Việt Nam, Mỹ lén lút cung cấp cho Thiệu 694 máy bay, 580 xe tăng, 520 xe bọc thép, 800 pháo, 204 tàu chiến, 2,53 triệu tấn xăng dầu[7]. Dưới sự viện trợ về vũ khí và trang thiết bị của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành bắt lính để tăng quân. Theo tài liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng quân Sài Gòn những năm 1973 – 1974 đã tăng lên 710.000 quân (340.000 quân chủ lực), 1.500 khẩu pháo, 2.072 xe tăng thiết giáp, 1.850 máy bay, 1.611 tàu thuyền, tổng số dự trữ vật tư chiến tranh lên tới 1.930.000 tấn[8]. Đồng thời Mỹ cũng tăng cường viện trợ và lực lượng cố vấn Mỹ để chỉ huy các lực lượng quân Sài Gòn tấn công cách mạng Việt Nam. Trong nhiệm kỳ hai của Nixon (1972 – 1974) và nhiệm kỳ mới của Tổng thống Ford (1974 – 1975), tài khóa viện trợ của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn bị cắt giảm mạnh: Tài khóa 1972 – 1973 là 1.614 triệu USD, tài khóa 1973 – 1974 là 1.026 triệu USD và đến đầu năm 1975, tài khóa của Mỹ bị giảm mạnh xuống còn 701 triệu USD – chỉ bằng 1/3 so với viện trợ hằng năm từ 1970 - 1973[9]. Trong báo cáo gửi Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Mỹ John Murray – Trưởng đoàn tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO) đã tính toán và kết luận như sau:
+ Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ USD, quân đội Sài Gòn có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư ở 4 vùng chiến thuật;
+ Nếu là 1,1 tỷ USD thì phải bỏ Quân khu I;
+ Nếu là 0,9 tỷ USD thì khó lòng giữ được quân khu I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tấn công của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH);
+ Nếu là 0,75 tỷ USD thì chỉ phòng thủ được vài khu vực chọn lọc;
+ Nếu dưới 0,6 tỷ USD thì quân đội Sài Gòn chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long[10].
Đây là sự tuột dốc thảm hại đến nỗi Nguyễn Văn Thiệu phải thốt lên: “Đây như thể cho tôi 12 tỷ USD và bảo tôi bay từ Sài Gòn đến Tokyo bằng vé hạng nhất”[11]. Hầu hết số tiền viện trợ mà Mỹ trao cho chính quyền Sài Gòn đều quy ra trang thiết bị. Nhưng trái ngược với sự mong đợi của Thiệu, các trang thiết bị mà Sài Gòn sắp sở hữu “đều bị xuống cấp, hư hỏng (…) đây là những trang bị chính yếu và rất cần phụ tùng thay thế…”[12]. Hơn nữa, Quốc hội Mỹ còn ra các quy định hạn chế việc chuyển đổi các khoản viện trợ kinh tế sang mục đích khác (quân sự) làm cho tình hình Sài Gòn khó khăn. Được huấn luyện theo mô-típ quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn thừa hưởng mọi thành tựu khoa học quân sự của quân đội Mỹ. Quân đội Sài Gòn tự do luyện tập, bắn pháo không hạn chế (bừa bãi) trong trận đánh và dùng khí tài vô tội vạ đã trở thành bình thường khi họ còn chiến đấu bên cạnh quân Mỹ. Chính quyền và quân đội Sài Gòn đã có hơn 18 năm lớn mạnh do được Mỹ ủng hộ và viện trợ; nhưng các sức mạnh đó rõ ràng đã hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Khi Mỹ cắt viện trợ thì quân đội Sài Gòn hầu như bị chới với, mất chỗ dựa. Các vũ khí, trang thiết bị chỉ hoạt động cầm chừng và chưa hiệu quả, ảnh hưởng rất nhiều đến sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Một thống kê đưa ra (năm 1974) cho thấy sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn giảm gần 60% về hỏa lực vì thiếu bom và đạn pháo, tính cơ động bị tụt xuống 50% vì sự hạn chế máy bay, xe cơ giới và xăng dầu[13]. Trong nội bộ chính quyền Sài Gòn, tệ nạn tham nhũng và tình trạng đào ngũ trong quân đội lan tràn[14]…, nên mặc dù được quân Mỹ hỗ trợ mở 19.780 cuộc hành quân, 30.375 vụ ném bom và 31.075 cuộc hành quân cảnh sát[15], nhưng quân đội Sài Gòn chưa giành được thắng lợi ở một số trận đánh lớn có tính quyết định để giành lại các vùng nông thôn, đô thị mà chúng đã chiếm từ tay quân ta sau Mậu thân 1968. Thất bại liên tiếp trên chiến trường làm quân đội Sài Gòn chán chường, tinh thần binh sĩ xuống dốc một cách thảm hại.
Tình hình thảm hại của quân đội Sài Gòn và sự bất lực của Mỹ trong việc giúp Sài Gòn chống lại quân ta đã tạo ra những điều kiện, tiền đề để quân ta (tức quân đội VNDCCH) mà lãnh đạo tối cao là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu… tiến hành vạch ra những kế sách cách mạng cụ thể, tận dụng sự đồng tình và ủng hộ của các lực lượng quân đội, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế để tiến hành một cuộc tiến công mang tính quyết định nhằm thực hiện triệt để lời di huấn của Bác Hồ trong Thư chúc mừng năm mới (1/1/1969) của Người:
Vì độc lập, vì tự do;
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”[16].
Thực hiện lời dặn dò của Người, toàn Đảng và toàn quân dân ta quyết tâm đánh bại quân Mỹ - Sài Gòn trên các chiến trường trên bộ và trên không; đấu trang ngoại giao quyết liệt với Mỹ trên bàn đàm phán Paris lịch sử. Mãi đến khi đã thất bại hoàn toàn ở trận Điện Biên Phủ trên không (12 ngày đêm của tháng 12/1972), ta đã buộc được Mỹ ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, ký Hiệp định và quân Mỹ đã phải cuốn gói về nước. Tuy nhiên với bản chất ngoan cố, Mỹ vẫn tìm cách phá hoại Hiệp định Paris, đưa quân Sài Gòn vào đánh chiếm các vùng nông thôn, đô thị mà chúng gọi là “Đất thánh Việt cộng” – thực hiện nốt những việc cuối của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của quân đội Mỹ - Sài Gòn bị ta làm phá sản bước đầu sau đại thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972.  Quân ta do chưa lường trước tình hình và nhận định có phần chủ quan nên liên tiếp bị quân địch đánh bại ở nhiều nơi. Đến giữa năm 1973, ở khu V quân địch đã lấn chiếm vùng của ta hết 320 ấp với 26 vạn dân; ở khu VI và VII địch lấn chiếm 308 ấp với 29 vạn dân; nhiều vùng giải phóng cũ và hầu hết vùng giải phóng mới đều bị địch lấn chiếm và chúng lập thêm 1.774 đồn bót[17]. Mặc dù đã đánh chiếm lại các vùng giải phóng (nông thôn), giành thắng lợi bước đầu nhưng do mất chỗ dựa là Mỹ (đã phân tích ở trên) và quân đội chiến đấu không có mục đích, không lý tưởng và tinh thần bị suy sụp thảm hại, nên quân đội Sài Gòn mặc dù thắng nhưng đó chỉ là chiến thắng nhất thời, chưa thể gọi là một chiến thắng lâu dài được.
Ngược lại với sự xuống dốc thảm hại của quân địch, sự bế tắt về chiến lược chiến tranh của chúng là sự đi lên về lực và thế của ta – một yếu tố cơ bản đảm cho chiến thắng của ta về sau này. Bàn về vấn đề “lực” trong quân sự, Bác Hồ nói: Lực là sức mạnh tổng hợp: chính trị và quân sự, tiền tuyến và hậu phương, dân tộc và thời đại. Thực hiện lời dạy của Bác, Bộ Chính trị và Đảng lãnh đạo toàn quân, toàn dân tấn công quân địch ở nhiều nơi: Trị - Thiên (8/1974), Quảng Nam (7 – 8/1974), Kontum (8 – 10/1974), Trà Vinh (12/1974), Rạch Giá (16/12/1975)….phá 830 ấp chiến lược, giải phóng một vùng đất rộng lớn với 10 triệu dân[18]. Các căn cứ địa cách mạng như Dương Minh Châu, Đồng Tháp Mười, U Minh….nhanh chóng được củng cố và xây dựng lại. Ở các đô thị, các cơ sở chính trị và tổ chức quần chúng được củng cố vững chắc. Riêng ở Sài Gòn – Gia Định, trung tâm đầu não của địch thì ta vẫn có các cơ sở chính trị ngay trong lòng địch. Đó là các lõm chính trị, các cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng…; theo tài liệu thống kê được thì trong thời gian trước và trong cuộc Tổng tiến công 1975, quân dân Sài Gòn – Gia Định đã xây dựng được 40 lõm chính trị với 7.000 quần chúng giành quyền làm chủ. Số cán bộ tập trung ở nội thành là 400 người, ngoại thành hơn 1.000 người; số đảng viên nội thành và vùng ven là 1.290 người với hơn 1.000 người làm nòng cốt[19]. Quân Giải phóng miền Nam được cải tiến và lập thêm mới 4 quân đoàn (quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn 3, quân đoàn 4). Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được củng cố về tổ chức và cùng với các tổ chức chính trị khác ở Việt Nam đấu tranh chính trị - ngoại giao với Mỹ trên bàn đàm phán Paris lịch sử. Cuộc kháng chiến đầy gian khổ của quân dân miền Nam từ lâu đã có sự ủng hộ rất to lớn từ miền Bắc ruột thịt và bạn bè quốc tế. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, miền Bắc đã tăng viện cho miền Nam 263.691 cán bộ chiến sĩ; hơn 3 vạn cán bộ, chiến sĩ và công nhân. Thanh niên xung phong đã ngày đêm gấp rút nâng cấp đường vận tải chiến lược 559, mở rộng từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn[20], nâng tổng chiều dài của con đường mòn chiến lược Trường Sơn là 16.790 km; đưa xe vận chuyển 20 vạn tấn hàng từ Bắc vào Nam. Các nước XHCN anh em như Liên Xô, Trung Quốc mặc dù bị hạn chế bởi chiến lược ngoại giao nước lớn của Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục viện trợ cho Việt Nam. Năm 1973 – 1975, viện trợ của Liên Xô đạt 65.601 tấn[21] hàng hậu cần và trang bị vũ khí, kỹ thuật. Riêng Trung Quốc, trong 10 năm (1965-1975) cũng đã viện trợ cho Việt Nam 4,847 triệu tấn lương thực, 262 triệu mét vải, 89,1 nghìn tấn bông, 81,05 nghìn tấn sợi, 625,67 nghìn tấn sắt thép, 1,774 triệu tấn xăng, dầu mỡ các loại, 2.510 toa xe lửa, 32.496 chiếc ô tô, 1.400 chiếc máy ủi...”[22].
Về “thế” thì sau Hội nghị Paris 1973, mặc dù bị mất đất, mất dân nhưng ta vẫn tỉnh táo vạch lại chiến lược để tiếp tục đánh bại quân địch ở nhiều nơi. Đại tướng Hoàng Văn Thái, trong cuộc họp Bộ Chính trị (tháng 10/1974) đã nhận định:địch đã bị thất bại nghiêm trọng trong âm mưu và kế hoạch bình định năm 1974. Chúng đang suy yếu toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Tuy quân của chúng còn đông, nhưng bị Mĩ cắt giảm viện trợ tới mức thấp nhất, trang thiết bị, vũ khí cũng không được thay thế đủ số lượng, đạn dược thiếu. Tinh thần sĩ quan binh lính Sài Gòn rệu rã…”[23]. Đồng tình với nhận định trên, văn kiện của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 đánh giá: “Diễn biến cơ bản của tình hình trong hai năm qua rõ ràng là ta ở thế thắng, thế đi lên, thế chủ động và thuận lợi. Địch ở thế thua, thế đi xuống, thế bị động và khó khăn”[24]. Bộ Chính trị cũng khẳng định: “Mỹ không còn đủ sức can thiệp bằng không quân và hải quân. Dù chúng có can thiệp ở mức độ nào, Mỹ cũng không đảo lộn được tình thế, không cứu được bọn tay sai khỏi nguy cơ sụp đổ”[25]. Ngoài ra, sự ủng hộ của miền Bắc ruột thịt và các nước XHCN anh em, loài người trên thế giới yêu chuộng…đã làm thế của ta lên rất cao. Và theo triết học duy vật biện chứng, thế và lực không phải là hai sự vật riêng rẽ, mà ngược lại luôn bổ sung và thống nhất cho nhau. Muốn giành toàn thắng trong một trận chiến, việc đầu tiên là tạo lực – kết hợp sức mạnh của nhiều thành phần (quân sự, chính trị, ngoại giao, quốc tế…) và sau là lập thế. Tác giả (M.Q) ví lực chính là gốc cây, thế chính là ngọn cây. Lực có mạnh và vững chắc sẽ tạo điều kiện cho thế xuất hiện. Khi thế đã phát triển (trên nền tảng từ lực) thì nó đồng thời kéo theo lực ngày càng mạnh hơn và ngược lại. Người dạy: “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”[26]. Người khẳng định: “Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”[27].
Có được thế và lực to lớn và hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ trong quá trình cách mạng, Đảng ta thông qua văn kiện của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 đã nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn, ngoài thời cơ này ra không còn có thời cơ nào khác”[28]. Do đó kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong vòng hai năm 1975 - 1976 đã được Bộ Chính trị thông qua. Nhưng để đi đến kết luận cuối cùng, Bộ Chính trị thấy cần phải nghiên cứu tình hình kỹ hơn nữa, bổ sung kế hoạch tác chiến đầy đủ hơn nữa. Sở dĩ Bộ Chính trị ta trong năm 1974 đã nhận thấy thời cơ cách mạng đã xuất hiện nhưng chưa có kết luận cuối cùng, vì: quân địch còn mạnh và chưa mất hoàn toàn ý chí chiến đấu, bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn vẫn còn khả năng củng cố; một số nước khác có ý đồ lợi dụng Mỹ rút quân mà tranh giành ảnh hưởng đối với khu vực Đông Dương và Đông Nam Á. Trong khi đó, thế và lực của ta đang dâng cao, đang rất mạnh mẽ; chỉ cần chờ “dịp” (hay thời cơ) là sẽ mở cuộc Tổng tấn công. Bộ Chính trị cũng lưu ý: dựa vào tình hình hiện tại (1974 – 1975), việc tạo và chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn càng trở nên cấp thiết; nhưng “nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy (tức Sài Gòn, M.Q chú) gượng dậy được, các thế lực xâm lược được phục hồi… thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo”[29]. Do vậy, Bộ đã hạ quyết tâm: “Động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong 2 năm 1975-1976”[30]. 
Từ 18/12/1974 đến 8/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng được khai mạc ở Hà Nội để xác định quyết tâm cuối cùng. Trong lúc Bộ Chính trị đang họp, tình hình chiến trường vẫn sôi động mà nổi bật là chiến thắng Phước Long (1/1975). Từ đêm 30 rạng 31/12/1974, quân ta cùng với các chiến xa (báo Trắng Đen, 2/1/1975) mở cuộc tấn công bất ngờ vào quận lỵ Phước Bình (thuộc tỉnh Phước Long) với mục đích khai thông đường 14 và cả đường Trường Sơn, tạo điều kiện cho miền Bắc chi viện tốt vào miền Nam ruột thịt. Qua hơn 1 tuần chiến đấu, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, loại khỏi vòng chiến đấu 1.180 tên (Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn nói chúng mất tới 8.000 tên), bên ta thiệt hại không đáng kể. Chiến thắng Phước Long cho thấy quân Sài Gòn đã suy yếu và không còn khả năng chống trả. Hoa Kỳ không quan tâm vấn đề Việt Nam[31] nữa.  Trong cuộc họp báo ngày 14-1-1975 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Schlesinger nói: “Bây giờ tình hình ở miền Nam cho thấy Bắc Việt Nam không muốn tung ra một đòn tấn công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú ý là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt là làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó, điều mà chúng ta tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này tôi không tin hiện sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972”. Ngày 22-1-1975 Tổng thống Ford tiếp tục dội một gáo nước lạnh vào chế độ Thiệu: “Không có hành động nào khác ngoài việc bổ sung viện trợ cho Sài Gòn. Sẽ không can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật”. Trong khi đó, Pháp (kẻ thù cũ của nước ta) nhân lúc Mỹ đã gần như bó tay và không còn can dự vào nội bộ Sài Gòn nữa, đã dùng “giải pháp chính trị” với Sài Gòn. “Ông chủ” Mỹ và Pháp từ lâu đã chán ngấy chính quyền Sài Gòn của Thiệu, đã âm mưu tìm cách “thay ngựa giữa dòng” – loại bỏ Thiệu và đưa một người khác lên thay, đồng thời tìm cách đàm phán với đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng Lâm thời để xúc tiến “thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần là các nhân vật thuộc chính phủ Việt Nam Cộng hòa, phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời và thành phần thứ ba được mệnh danh là trung lập (tin từ đài BBC)”[32]. Những việc làm này, Pháp nhằm mục đích cứu vãn chính quyền Sài Gòn đang thoi thóp, giữ vững lợi ích về kinh tế, chính trị và văn hóa mà Sài Gòn là nơi “tập trung” nhiều lợi ích của chúng (Pháp) ở đây; đó là các đồn điền cao su và khá đông kiều bào Pháp đang gây ảnh hưởng đến tầng lớp trí thức và một số người thuộc các tổ chức đứng về lực lượng thứ ba”[33]. Nhưng về sau, do sức tấn công của ta vào Sài Gòn mà mọi nỗ lực hòa giải, cứu vãn chính quyền Sài Gòn của Pháp bị vô hiệu. Đối với ta, chiến thắng này có ý nghĩa như một “đòn trinh sát chiến lược” thăm dò phản ứng của địch (Mỹ và quân đội Sài Gòn). Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: “Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam, thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam[34]. Nó chứng tỏ những nhận định của Bộ Chính trị là hoàn toàn chính xác.
Kết thúc hội nghị, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nói: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”[35]. Văn kiện hội nghị đã nhận định: “cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, phong trào chính trị thúc đẩy thời cơ… cần phải khẩn trương, phải đánh nhanh hơn, nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn với cả dân tộc”[36]. Từ kết luận hội nghị, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao… tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam…”[37]. Ngày 7/1/1975, tin chiến thắng Phước Long tràn về làm Hội nghị Bộ Chính trị đông vui hẳn lên và ngay ngày hôm sau (8/1/1975), Bộ Chính trị quyết định họp hội nghị Bộ Chính trị mở rộng 20 ngày với kết luận: “Khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.nếu nguy cơ sụp đổ lớn ta cần đề phòng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân nhưng không phải để mở rộng chiến tranh mà là cứu vãn chính quyền Sài Gòn. Dù chúng có can thiệp thế nào ta cũng có đầy đủ quyết tâm và điều kiện để đánh thắng chúng. Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược chưa bao giờ có để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Hội nghị nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975"[38]. Như vậy có thể nói, việc chọn thời cơ và xác định đúng thời điểm để phát huy thời cơ đó là một nghệ thuật trong lãnh đạo quân sự của Bộ Chính trị và Đảng, Bộ Tổng tham mưu tối cao. Suy luận ra, nếu chọn đúng thời cơ và sử dụng thời gian hợp lý và chính xác thì những yếu tố thuận lợi của ta vẫn được bảo toàn, ít bị thiệt hại và quân địch không còn khả năng củng cố lại lực lượng trong khi thế và lực của chúng bị suy yếu toàn diện, không thể nào ngóc dậy nổi. Ngược lại, nếu đã có thời cơ rồi, nhưng thời gian của cuộc chiến để thực hiện thời cơ đó lại kéo dài thêm một, hai năm nữa thì cái thuận lợi của ta mất dần mà địch có khả năng củng cố trở lại. Thứ nhất, kinh tế miền Bắc mặc dù phát triển mạnh bằng năm 1965, nhưng vẫn phải nhập khẩu 40 vạn tấn lương thực mỗi năm. Gánh nặng miền Nam ngày càng chồng chất trong khi Liên Xô, Trung Quốc hạn chế viện trợ; phe Khmer Đỏ trở mặt chống đối ta và bắn giết quân ta từ năm 1972. Thứ hai, chính quyền Sài Gòn được sự viện trợ từ Mỹ, có thể phục hồi kinh tế nhanh chóng, nhờ vào những cơ sở có sẵn. Mỹ rút mà chiến tranh còn kéo dài thì ngọn cờ giải phóng dân tộc trong tay ta không còn được sự ủng hộ mạnh mẽ như trước. Thứ ba, thời cơ đã đến mà chiến tranh vẫn kéo dài 1 – 2 năm thì dù ta giành thắng lợi đúng kế hoạch, nhưng ta sẽ chịu rất nhiều thiệt hại. Miền Nam bị tàn phá nặng nề, hai miền đều kiệt quệ vì vết thương chiến tranh quá nặng thì công cuộc khôi phục lại sẽ gặp nhiều khó khăn gấp bội, trong lúc các nước quanh ta phát triển khá cao và nhanh.
2.      Sự vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật tạo thời cơ trong các chiến dịch Tổng tấn công năm 1975
Tuân thủ triệt để nghị quyết của Hội nghị Bộ Chính trị, ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Trước khi chiến dịch nổ ra, địch cũng từng nhận định “Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương, nếu ai chiếm, giữ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ 3 nước Đông Dương”. Ngoài ra, chúng cũng nhận định “sức và lực” của quân ta thời kỳ 1974 – 1975 không mạnh bằng thời kỳ năm 1972, đồng thời cũng cho rằng ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Địch dự đoán hướng tiến công của ta vào đầu năm 1975 là vùng Đông Nam Bộ. Phía ta cũng đã phân tích kỹ tình hình, khẳng định lại quyết tâm đánh chiếm Tây Nguyên vì theo ý kiến của Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, Buôn Ma Thuột là một trung tâm chính trị - văn hóa hơn là trung tâm quân sự, nó ở thế hiểm (vùng rừng núi), phù hợp với cách đánh truyền thống mà quân đội ta thường sử dụng – đánh du kích, phục kích tấn công địch bất ngờ và táo bạo trên địa hình hiểm trở, khó khăn.
Để thực hiện, ta điều Quân đoàn 2 đóng chốt ở miền tây Thừa Thiên Huế và Quân đoàn 4 đóng chốt ở Đồng Nai để thu hút địch rời bỏ Tây Nguyên. Phát hiện sự thay đổi bất ngờ về bố trí quân đội của ta và lo sợ bị mất Sài Gòn, Huế-Đà Nẵng còn nặng hơn Plei-ku và Buôn Ma Thuột, địch đưa quân từ Tây Nguyên lên giữ chặt Sài Gòn và Huế, làm cho Tây Nguyên bị hở. Lợi dụng sự sơ hở này của chúng, ta bất ngờ tăng thêm Sư đoàn 316, Sư đoàn 968 và chọn Buôn Ma Thuột làm nơi tiến công. Nhận thấy lực lượng của địch ở Buôn Ma Thuột khá mạnh, quân ta đã học cách đánh của ông cha ta xưa “tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ vững đánh chỗ núng (lời của Nguyễn Trãi)”, ta tiến hành nghi binh và thu hút địch đánh lên Plei-ku, rồi lợi dụng cơ hội quân địch đang sơ hở ở Buôn Ma Thuột mà nổ súng tấn công thị xã này, làm quân địch hoàn toàn bị bất ngờ. Sau hai ngày chiến đấu, ta làm chủ Buôn Ma Thuột (11/3/1975). Tin thắng lợi này làm quân ta rất phấn khởi, Bộ Chính trị liền đi đến kết luận: Ta có thể giành thắng lợi lớn nhanh hơn dự kiến. Báo chí phương Tây thì bình luận: “Buôn Ma Thuột mất thì toàn vùng Tây Nguyên đứng vững sao nổi”[39]. Còn báo chí của Sài Gòn đồng loạt đưa tin:
“Toàn quốc còn 7 tỉnh bị uy hiếp nặng
Thủy quân lục chiến: Lập tuyến thép – Bảo vệ cố đô Huế
Cộng quân còn cách Huế 10 dặm. chi khu Phú Lộc bị tràn ngập….
Phi cơ dân sự không đáp xuống được” (Trắng Đen, ngày 23/3/1975[40])
Quả đúng như vậy, sau khi vừa mất Buôn Ma Thuột, địch vội điều liên đoàn biệt động quân số 6, 7 và 23 đến đóng ở đường số 7 ở phía nam Tây Nguyên (từ Ngã ba Mỹ Trạch đến Cheo Reo, Tu Na) để phản kích hòng chiếm lại. Song chúng đã bị các tiểu đoàn của Trung đoàn 64 tiêu diệt gần hết. Quá hoảng sợ, địch buộc phải rút chạy ra khỏi Tây Nguyên. Tên chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy cuộc tháo chạy, phải kêu lên: “Tổn thất quá nặng nề gần như tan rã”, “Liên đoàn 23 biệt động quân thường xuyên phải đối đầu với Sư đoàn 320, thường xuyên bị tấn kích”[41]. Thừa thắng xông lên, quân ta truy kích và tiêu diệt toàn bộ quân địch trên đường rút chạy, Tây Nguyên được giải phóng (24/3/1975). Tiếp đó, lợi dụng các sai lầm về chiến lược của quân địch khi chúng đang âm mưu co cụm, giữ vững vùng duyên hải (lời của Phạm Văn Phú[42]) để chuẩn bị phản kích, Sư đoàn 320 của ta phối hợp với lực lượng ở các địa phương tấn công địch ở Thanh Bình, Phú Yên, Tuy Hòa, Quy Nhơn…, gây cho chúng nhiều thất bại nặng nề. Việc chính quyền Sài Gòn được thông báo về sự thất bại quân sự này được thể hiện rõ qua ghi nhận của các tờ báo ở Sài Gòn: “Quy Nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa mất liên lạc điện thoại quân sự trong cùng một ngày” (Độc lập, ngày 3/4/1975) hay “Liên tiếp trong ngày 1/4 Quy Nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Lạt đứt liên lạc” (Chính luận, ngày 3/4/1975)[43]. Sự thất bại liên tiếp, cộng với những sai lầm về mặt chiến lược đã đẩy địch từ thế phòng ngự chiến lược sang thế phải rút lui, co cụm về chiến lược. Thời cơ chiến lược để giành thắng lợi hoàn toàn sớm hơn dự kiến đã xuất hiện. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chuyển từ kế hoạch 2 năm sang kế hoạch giành thắng lợi ngay trong năm 1975. Quyết định này chứng tỏ Đảng ta với nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh tài tình đã không dừng lại ở bước nắm đúng thời cơ mà khi thời cơ xuất hiện nhanh hơn dự kiến đã kịp thời hành động tranh thủ giành thắng lợi lớn hơn, nhanh hơn. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Ngày 21/3/1975, phán đoán quân địch đang hoang mang rút chạy qua khỏi Quảng Trị (do tác động thắng lợi của ta ở Tây Nguyên và hoạt động mạnh mẽ của lực lượng tại chỗ) có thể tiến vào Đà Nẵng, các lực lượng vũ trang của ta bao gồm Quân đoàn 2, lực lượng vũ tranh quân khu Trị Thiên Huế (B5 cũ) đã nhanh chóng thọc sâu, chia cắt, triệt đường rút chạy vào Đà Nẵng, hình thành thế bao vây chiến dịch đối với Huế. Khi Huế bị vây tứ phía, Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng phải “tử thủ”. Trong bài phỏng vấn cho phóng viên Pháp Jean Claude Pomonti (2013) – tác giả của bài viết: "Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời", Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại: “Chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu, ra lệnh cho chỉ huy địa phương, tướng Ngô Quang Trưởng phải “tử thủ”. Tôi lệnh cho sư đoàn 312 tấn công Đà Nẵng. Viên chỉ huy trả lời tôi: "Quân địch còn khá mạnh, tôi xin 7 ngày". Đại tướng hỏi: "Tôi cho rằng Ngô Quang Trưởng sẽ rút bằng đường biển. Hắn ta phải mất bao nhiêu lâu?". "Ít ra là 3 ngày."- Viên chỉ huy trả lời bằng điện báo. "Vậy thì tôi cho anh 3 ngày. Lệnh cho các đơn vị hành tiến giữa ban ngày, xuống Quốc lộ 1. Các anh sẽ bị pháo hải quân đối phương oanh tạc nhưng không sao!"[44]. Đúng như lời dự đoán của Đại tướng, quân Sài Gòn mặc dù ra sức tử thủ, nhưng trước thế trận bao vây và tấn công ồ ạt của quân ta, quân địch thất bại và phải rút khỏi Huế với hơn 4 vạn tên bị tan rã, thành phố Huế được giải phóng (25/3/1975).
Tiếp nối thắng lợi ở Huế, Bộ Chính trị họp và tiếp tục khẳng định: “Thời cơ chiến lược đã tới. trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này”. Từ nhận định này, Bộ Chính trị quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược mới tranh thủ thời gian cao độ nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo và bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”[45]. Thực hiện nghiêm nghị quyết của hội nghị Bộ Chính trị và thừa thắng xông lên sau thắng lợi giòn giã ở Thừa Thiên Huế, quân ta liên tiếp tấn công và giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm cho quân địch ở thành phố Đà Nẵng bị cô lập. Mặc dù Tổng thống Thiệu đã gửi công điện cho tướng Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh quân đoàn 1 phải “tử thủ” để giữ cho được Đà Nẵng[46], nhưng trước sức tấn công của Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang ở các địa phương của ta, trong hai ngày 27 và 28/3/1975, Tổng lãnh sự và Bộ chỉ huy Quân đoàn 1 Sài Gòn đã phải bỏ chạy khỏi Đà Nẵng.  Nhà báo Alan Dawson mô tả Đà Nẵng trong ngày 28 tháng 3: "Binh lính rã ngũ nổi loạn, cố sức thoát ra hoặc vơ vét cái gì có thể kiếm được trong khoái lạc bắn giết và cướp bóc. Các tướng tá thì đang hoạch định các chuyến bay để bí mật trốn thoát... Suốt đêm, sự huỷ hoại, vơ vét, trộm cướp và hãm hiếp tiếp diễn. Toà nhà lãnh sự Mỹ, con voi trắng bị lột chỉ còn trơ cái vỏ"[47]. Như vậy, đến ngày 29/3/1975, chỉ sau 32 giờ tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng thành phố Đà Nẵng, diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, đập tan căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu 1 của chính quyền Sài Gòn, phá vỡ thế mạnh ở đầu phía bắc của địch. Đồng thời, đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng đã góp phần quyết định và làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng. Lúc này, “so sánh thế và lực trên chiến trường có sự chuyển biến vượt bậc. Hai trong 4 quân khu của địch đã bị xóa sổ. Lực lượng chúng bị giảm đi một nửa, số còn lại lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bị suy sụp lớn về tinh thần”[48].
Sau thắng lợi ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị kết luận: “cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược  cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất nước nhà”[49]. Trên cơ sở đà phát triển ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ của cách mạng miền Nam theo nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”, Bộ Chính trị quyết định: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, bất ngờ chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không được để chậm”[50]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo: “Một ngày bằng 20 năm, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”[51]. Lúc này, Sài Gòn – Gia Định được chọn là hướng tiến công chiến lược chủ yếu và cũng là mục tiêu chiến lược cuối cùng.
Cũng giống như chiến trường Huế - Đà Nẵng, trước khi mở chiến dịch tổng tiến công vào Sài Gòn, quân ta tập trung lực lượng để công phá hai “hàng rào chiến lược” bảo vệ Sài Gòn từ phía Bắc là Phan Rang, Xuân Lộc nhằm cô lập thành phố Sài Gòn (đầu não của chính quyền Sài Gòn) và tạo thêm thế và lực để dễ tiến công vào Sài Gòn – Gia Định. Mặc dù quân địch đã cố gắng lập tuyến phòng thủ và tăng cường quân đội, nhưng trước sức tấn công của quân ta mà đại diện là Quân đoàn 4, tuyến Phan Rang - Xuân Lộc, hệ thống phòng thủ mạnh nhất của địch bị phá tan, “cánh cổng” tiến vào Sài Gòn của quân dân ta đã mở. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Chiều ngày 26-4, trận quyết chiến cuối cùng bắt đầu. Đến 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Thế là, với sự nỗ lực vượt bậc trong tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, dự kiến đúng xu thế phát triển của tình thế, nắm và chớp thời cơ kịp thời, chọn hướng đúng, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, chúng ta đã thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 chỉ trong 55 ngày đêm, thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, thu non sông về một mối. Từ thực tiễn tổng tấn công mùa xuân 1975, ta rút ra một số điểm về nghệ thuật tạo thời cơ trong Tổng tấn công năm 1975 như sau:
- Thời cơ chiến lược trong Tổng tấn công năm 1975 diễn ra khi ta hội đủ các điều kiện khách quan và chủ quan tốt nhất (điều kiện khách quan là sự suy sụp về chính trị, quân sự và kinh tế của địch, tình hình quốc tế bất lợi với địch; còn về chủ quan là thế và lực của ta đang lên trên chiến trường) mà trong đó, điều kiện chủ quan là quyết định tất cả. Lê Duẩn đã nhận định: “nếu không có sẵn thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo được thời cơ và khi thời cơ đến thì không kịp lợi dụng nó”[52]. Trong kháng Mỹ cứu nước, có những thời điểm mà những điều kiện bên trong của ta đã chín mùi tạo các bước ngoặt trong chiến tranh, nhưng điều kiện bên ngoài lúc này chưa thuận lợi (quân địch còn mạnh, tình hình quốc tế khá thuận lợi cho địch hơn là cho ta) nên ta chưa thể giành được một chiến thắng có tính quyết định, mà chỉ có thể giành chiến thắng từng bước qua những trận chiến lớn nhỏ khác nhau (1965, 1968, 1972). Phải đến cuối năm 1974 – đầu năm 1975, trong điều kiện thuận lợi (địch bị suy yếu về mọi mặt, Mỹ bị khủng hoảng nội bộ toàn diện và bản thân chúng phải rút khỏi Việt Nam rất ê chề) và thế - lực của ta đang lên rất cao. Cho dù Mỹ có dùng thủ đoạn ngoại giao mới với các ý đồ chiến lược mới với nước ta, nhưng trong thực tế là khi Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, khó quay trở lại nước ta thì những âm mưu, chiến lược mới mà chúng sắp sử dụng ở Việt Nam sẽ không thực hiện được. Lợi dụng tình hình thuận lợi này, Đảng ta đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, quyết định mở cuộc Tổng tấn công 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
- Khi đã tạo được thời cơ thuận lợi mà không kịp thời nắm bắt thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định thì thời cơ đó cũng không có giá trị. Đây thực chất là nghệ thuật sử dụng thời gian trong khởi nghĩa, chiến tranh cách mạng mà các nhà lý luận quân sự Angghen, Lenin nhiều lần đề cập trong các tác phẩm của mình. Muốn sử dụng được thời gian của thời cơ khi đã có thời cơ, ta phải đánh giá đúng so sánh tương quan lực lượng ta – địch, dự đoán chính xác những khả năng có thể xảy ra. Thực tế là vậy: trong cuộc kháng Mỹ cứu nước, Đảng ta nhiều lần hạ quyết tâm chính xác (đồng khởi, quyết tâm đánh Mỹ, tiến công đồng loạt mùa xuân 1968, tiến công chiến lược 1972), song nổi bật nhất là việc nắm bắt thời cơ và đề ra chủ trương chiến lược sắc bén, kịp thời của giai đoạn cuối cuộc kháng Mỹ cứu nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 đã đánh giá: Thành công nổi bật về chỉ đạo chiến tranh cách mạng của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ là: “Nhận rõ âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, đề ra chủ trương chiến lược chính xác, sắc bén và linh hoạt để đánh bại những âm mưu và hành động chiến tranh của Mỹ, ngụy (Sài Gòn) trong từng thời kỳ, đi đến chiến thắng hoàn toàn chiến tranh xâm lược của chúng”. Về phía quân Mỹ, nhiều sử gia đã đánh giá: quân Mỹ thất bại ở Việt Nam vì không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam[53], không đánh giá chính xác so sánh lực lượng giữa hai bên và…cái cuối cùng có lẽ là thất bại đau đớn nhất của Mỹ là chưa đánh giá sức mạnh tinh thần (tinh thần ái quốc, yêu nước) của người Việt Nam. Các nhà nghiên cứu xác nhận: “Tinh thần ái quốc là sức mạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam” và cho rằng “Kẻ thù của đất nước này đã không thấy được sức mạnh đó”, do đó họ (Mỹ) phải thừa nhận sự thất bại này. Tướng Mỹ là W. Westmoreland thừa nhận: “lịch sử rất có thể đánh giá rằng nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ”. Trả lời phỏng vấn tờ báo Times ngày 12/5/1975, ông nói: "… Đây là một ngày đáng buồn cho lịch sử quang vinh của đất nước chúng ta”.
- Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, trong bối cảnh tình hình có thể phát triển đột biến “một ngày bằng 20 năm” thì ta nên có cái nhìn biện chứng và quan điểm phát triển, chuẩn bị mọi mặt và sẵn sàng đón nhận thời cơ mới phát sinh, quyết đoán rất táo bạo và hạ quyết tâm kịp thời để giành thắng lợi quyết định. Thực tế đã được chứng minh: từ kế hoạch ban đầu giải phóng miền Nam trong vòng hai năm, sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng thì thời cơ lúc này đã xuất hiện, Bộ Chính trị đã hạ xuống còn một năm. Khi quân Sài Gòn tan rã hoàn toàn sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị lại chủ trương thần tốc và táo bạo. Quả đúng như vậy: các cuộc tấn công bất ngờ và táo bạo của quân ta vào Sài Gòn – Gia Định làm quân địch hoảng loạn, bất ngờ và nhiều tên đã phải bỏ chạy. Chính các tướng tá của chính quyền Sài Gòn cũng phải thốt lên: “Mọi sự đều độc nhất trong ngày tàn của chiến tranh Việt Nam. Ba đời Tổng thống trong gần một tuần lễ (Thiệu, Hương, Minh), một đạo binh (gần 1 triệu người) tan rã trong 2 tháng”[54].
3. Những điểm tương đồng, khác biệt trong nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975.
Đây là một vấn đề chúng ta sẽ phải xem xét khi tìm hiểu về thời cơ trong cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam. Chúng ta sẽ tìm những nét tương đồng và khác biệt trong nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 (có liên hệ với cách mạng tháng Mười Nga 1917 – tiền đề và là chỗ dựa định hướng cách mạng các nước, nhất là cách mạng Việt Nam) qua các khía cạnh: điều kiện chủ quan và khách quan, chọn thời gian; chuẩn bị lực lượng cách mạng và cách thức tiến hành cách mạng khi thời cơ đến.
Xét về khía cạnh điều kiện chủ quan và khách quan, nghệ thuật chớp thời cơ ở cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 đều diễn ra trong điều kiện thuận lợi: về phía ta, ta mạnh về thế và lực; quân địch suy yếu toàn diện không còn khả năng chống cự lại được nữa. Trước cách mạng tháng Tám, Đảng và quân dân ta đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đường lối chiến lược, tổ chức cũng như lực lượng. Trong cuốn “Làm gì ?”, Lenin đã đề cao vai trò của Đảng Bolshevich Nga với tư cách là tổ chức kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lenin làm nòng cốt, tính đến điều kiện khách quan và nhu cầu cách mạng của quần chúng, dựa vào quần chúng[55] để làm cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi. Trải qua thực tiễn các Cao trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939, Đảng ta đã tích lũy kinh nghiệm cách mạng và xây dựng thực lực cách mạng: lập 3 trung đoàn Cứu quốc quân (về sau là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân), củng cố các tổ chức chính trị và đoàn thể…; năm 1944 thì đội quân đầu tiên của Đảng đã đánh thắng Pháp ở hai trận Phay Khắc, Nà Ngần (Cao Bằng), tạo được thế và lực lớn – điều kiện chủ quan thuận lợi cho cách mạng tháng Tám. Cách mạng tháng Tám nổ ra trong điều kiện thuận lợi: quân Đồng minh (Liên Xô, Anh và Mỹ) đánh bại quân phát xít ở nhiều nơi, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn ở miền tây nam Liên Xô, Đông Âu, Bắc Phi…, trong khi đó ở Đông Dương quân phát xít Nhật khiếp sợ và hoảng loạn khi nghe tin thất bại trên các chiến trường. Tương tự như vậy, Đại thắng mùa xuân 1975 đã diễn ra trong những điều kiện thuận lợi: thế và lực của ta đang lên trên chiến trường (điều kiện chủ quan), quân địch bị suy sụp về mọi mặt. Đúng như vậy, sau Hiệp định Paris 1973, quân đội Sài Gòn bị suy yếu và liên tiếp thất bại trên các chiến trường, Mỹ bị khủng hoảng nội bộ toàn diện và bản thân chúng phải rút khỏi Việt Nam rất ê chề, không còn khả năng can dự vào chiến tranh Việt Nam. Thế và lực của ta lên rất cao sau Hiệp định Paris. Quân dân ta đánh nhanh và mạnh, giành toàn thắng trên các chiến trường.
Tuy nhiên, vấn đề điều kiện thuận lợi trong nghệ thuật chớp thời cơ ở cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 cũng có nhiều điểm khác biệt. Đại thắng mùa xuân 1975 diễn ra khi quân ta đánh thắng trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; đây là điểm khác biệt của Đại thắng mùa xuân 1975 so với cách mạng tháng Tám 1945. Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ giành thắng lợi về quân sự, tức là chỉ đánh bại quân Nhật, lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp để “bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”[56]. Cách mạng tháng Tám đã dùng sức mạnh của toàn thể quân dân ta để đánh đổ thực dân Pháp và đế quốc Nhật – dùng sức mạnh quân sự để thực hiện cuộc “giải phóng dân tộc” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần VIII, 1941), riêng sức mạnh về chính trị và ngoại giao lúc này chưa có vì sau Thế chiến thứ Hai, các nước đế quốc câu kết với lực lượng phản động trong nước để âm mưu xâm lược Đông Dương. Hơn nữa, vì nhiều lý do khác nhau, Liên Xô và tổ chức Quốc tế Cộng sản chưa có hành động ủng hộ và Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng này[57]. Việt Nam tiến hành cách mạng tháng Tám trong tình thế đất nước sắp bị rơi vào tình thế ngặt nghèo (bị kẻ thù bao vây tứ phía). Đại thắng mùa xuân 1975 diễn ra trong điều kiện thuận lợi: Về phía địch, chúng bị thất bại nặng nề trên các chiến trường ở ba nước Đông Dương, chính trị và ngoại giao bị suy sụp vì bị Mỹ “bỏ rơi” và các nước “đồng minh” không đồng tình, ủng hộ. Mỹ bị cô lập trên trường quốc tế và hầu như không còn can thiệp vào chiến trường Việt Nam sau sự kiện năm 1973. Trong khi đó, ta đã mạnh lên về thế và lực (đánh thắng nhiều trận lớn, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn; lực lượng phát triển mạnh). Đấu tranh chính trị - ngoại giao của ta đạt nhiều thắng lợi. Dư luận quốc tế tỏ ra đồng tình và ủng hộ cuộc cách mạng của quân dân ta, các nước XHCN anh em Liên Xô, Trung Quốc, Cuba… và các nước XHCN khác đồng tình và ủng hộ, viện trợ lương thực và vũ khí cho cách mạng Việt Nam.
Việc chọn thời gian và quyết định cho thời cơ cách mạng ở cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 tương đồng ở chỗ là đã xác định được thời gian và chọn thời gian phù hợp với thời cơ chiến lược mà Đảng và Chính phủ hoạch định từ trước sau một thời gian chuẩn bị lâu dài về đường lối chiến lược. Trong cách mạng tháng Tám, vấn đề chọn thời gian và chớp thời cơ được Trung ương Đảng dựa vào tình hình cách mạng Việt Nam và tình hình quốc tế cân nhắc kỹ lưỡng. Cách mạng Việt Nam sau các cao trào cách mạng kể từ khi Đảng ra đời (1930 – 1945), đã tích lũy đủ lực lượng quân sự, lực lượng chính trị…vững mạnh, thế và lực của ta đang lên rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt khi chọn thời cơ cho cách mạng tháng Tám. Vận dụng bài học về chớp thời cơ trong cách mạng tháng Mười Nga 1917, Người đã đúng khi chớp thời cơ cho cách mạng vào lúc quân phát xít thất bại ở khắp nơi. Ở Đông Nam Á (có Việt Nam), phát xít Nhật đã thất bại trên các chiến trường, đã suy yếu không còn sức kháng cự nữa. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật đang hoang mang cực độ. Về phía ta, ta đã có một sự chuẩn bị lâu dài về lực lượng, đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo; được toàn dân ủng hộ. Tương tự như vậy, thời cơ trong Đại thắng mùa xuân diễn ra vào lúc quân đội Sài Gòn gặp nhiều thất bại và không còn sức chống trả lại nữa. Quân Mỹ, chỗ dựa chính của chính quyền Sài Gòn thì đã rút đi từ năm 1973 và không bao giờ quay trở lại. Chính quyền Sài Gòn suy yếu và hoang mang cực độ. Trong khi đó, thế và lực của ta đang lên trên nhiều mặt. Một điểm tương đồng nữa là, thời gian cho thời cơ chiến lược mà Đảng chọn cho cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 lại nằm vào tháng chẵn (tháng 4, tháng 8 ) – tháng của sự chăm chỉ và thịnh vượng (theo quan niệm của phương Đông). Ở phương Đông, số 4 (số thứ tự của tháng – tháng 4) là con số của nền tảng vững vàng, làm việc chăm chỉ. Tương tự như vậy, con số 8 (trong tháng 8/1945) là con số thịnh vượng, may mắn nhất trong văn hóa phương Đông vì nó phát âm giống từ “giàu sang” () theo tiếng Trung Quốc. Như vậy, rất có thể Đảng chọn tháng khởi nghĩa là tháng chẵn vì một số lý do: giúp quân ta tấn công địch ở điều kiện khí hậu thuận lợi (chọn tháng 4 – trước mùa mưa ở miền Nam, vì nếu là tháng 5 thì sẽ là mùa mưa, bất lợi cho hoạt động tác chiến du kích của ta; chọn tháng 8 – có thể là do muốn bảo vệ sức khỏe và lực của quân dân ta trước mùa đông; thể hiện mong muốn của Bác Hồ: xây dựng một chính quyền bền vững, đủ sức vượt qua mọi khó khăn để đứng vững và phát triển).
Mặc dù vậy, việc chọn thời gian cho thời cơ ở cách mạng tháng Tám 1945 và Đại thắng mùa xuân 1975 lại có nhiều khác biệt. Trong cách mạng tháng Tám 1945, Đảng và Bác Hồ đã nhận thức được: thời cơ lúc này đã xuất hiện khi kẻ thống trị Nhật bại trận và phải đầu hàng, còn lực lượng đế quốc tiếp nhận sự đầu hàng, chưa vào Đông Dương kịp, do đó xuất hiện một khoảng trống quyền lực mà Đảng ta đã lợi dụng một cách tài tình. Đảng ta đã lợi dụng và kịp thời phát động quần chúng nhân dân khởi nghĩa khi đã chuẩn bị và tích lũy đầy đủ lực lượng và đường lối cách mạng đúng đắn. Ta đã nỗ lực chuẩn bị lực lượng hết mình, đường lối cách mạng đúng đắn và phù hợp theo từng thời điểm cách mạng thì khi thời cơ đã đến, ta chỉ việc tung lực lượng đã chuẩn bị vào cuộc cách mạng; có nỗ lực và lao động từ trước, giờ là gặt hái thành quả.  Chọn thời gian cho thời cơ ở Đại thắng mùa xuân 1975 được thực hiện do nỗ lực chủ quan của ta nhằm tạo ra những thay đổi cơ bản có lợi cho ta trong cán cân so sánh giữa ta với Mỹ. Trong kháng Mỹ, chúng ta không đập tan tiềm lực kinh tế - quân sự mà đập tan ý chí xâm lược của chúng. Mặc dù Mỹ thay đổi, xoay đủ cách các chiến lược… nhằm mục tiêu biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới theo tư tưởng “vũ khí luận”, nhưng chúng đã thất bại. Về phía ta, Đảng ta điều chỉnh và thay đổi chiến lược liên tục cho phù hợp với từng giai đoạn chiến tranh: kết hợp tài tình đấu tranh chính trị và vũ trang, lập một hệ thống hậu phương vững chắc, gắn liền với hậu phương miền Bắc ruột thịt và chọn “tiến công” là mục tiêu chủ yếu trong chiến lược cách mạng của Đảng. Sau thời gian chiến tranh, ta đã chuẩn bị nhanh và thần tốc lực lượng (12 sư đoàn, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 3/1975), vật chất và kỹ thuật; kết hợp sự nổi dậy của quần chúng để tiến hành Tổng tiến công mùa xuân 1975. Quãng thời gian tồn tại của thời cơ cũng khác nhau. Thời gian cho thời cơ ở cách mạng tháng Tám chỉ được đúng 20 ngày. Chỉ 20 ngày thôi. 20 ngày đó được tính từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pôt-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 13-8 và sau ngày 5-9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 13-8, quân Nhật còn mạnh, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu, còn sau ngày 5-9, trên đất nước có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng - Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau nó là quân Pháp trở lại xâm lược), cuộc cách mạng Việt nam sẽ mất đi thế chủ động và sẽ gặp nhiều khó khăn khác. Vì vậy, chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó. Còn thời gian cho thời cơ ở Đại thắng mùa xuân chỉ được tới 55 ngày (giống với thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 – 55 ngày). Sở dĩ thời gian dài như vậy vì Đảng ta đã cân nhắc, điều chỉnh chiến lược cách mạng dựa trên sự nỗ lực cao nhất của ta về mọi mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời gian đó được tính từ chiến dịch Tây Nguyên và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nếu ta chọn sớm hơn hoặc trễ hơn thời gian đó (4/3 – 30/4) đều không có khả năng thành công, vì tiềm lực kinh tế - quân sự mặc dù ta mạnh hơn địch, nhưng trên thực tế (1975) thì không mạnh. Kinh tế miền Bắc dù có phát triển mạnh bằng thời kỳ 1965, nhưng vẫn phải nhập khẩu lương thực rất nhiều. Quân đội Sài Gòn có thể phục hồi trở lại do điều kiện kinh tế có sẵn và quân Mỹ vẫn còn mạnh, có thể quay trở lại Việt Nam bất cứ lúc nào; quân Khmer Đỏ đang chuẩn bị các chiến dịch quân sự chống phá ta và các thế lực khác (Indonesia, Trung Quốc…) có thể nhảy vào Đông Dương để chia sẻ quyền lợi ở khu vực này ngay sau khi Mỹ rút đi. Số 5 được thấy khá nhiều trong Đại thắng mùa xuân 1975 (năm 1975, 55 ngày đêm, 1 giờ 55 phút (thời gian quân ta khai hỏa ở Buôn Ma Thuột)) vì theo văn hóa phương Đông, số 5 là con số của sự mạnh mẽ, nhiều năng lượng, sự hòa hợp, thích nghi, tự do và đa dạng. Đảng ta chọn số 5 chắc chắn là có một sự điều chỉnh, sự tiếp nối về các chiến lược cách mạng Việt Nam từ trước đó. Chọn “số 5” có thể là đã tiếp nối ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ (diễn ra trong 55 ngày đêm), Đảng và Bộ Chính trị có thể đã nhận thức: số 5 là số của sự mạnh mẽ, nhiều năng lượng (chiến lược cách mạng được quyết định nhanh lẹ phù hợp với tình hình chiến trường; quân đội và nhân dân vững mạnh, đồng lòng hợp sức cùng nhau đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi đất nước). Số 5 cũng là số của sự hòa hợp, tự do và đa dạng, nghĩa là: Đảng ta chọn số 5 là thể hiện sự hòa hợp thành một đất nước thống nhất sau 21 năm bị chia cắt (1954- 1975), lập chính quyền chung cho cả nước trong thời gian về sau (từ năm 1975 trở về hiện nay), kinh tế và xã hội của nước ta sẽ phát triển theo hướng mở (kinh tế định hướng XHCN – kinh tế nhiều thành phần, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước một cách tự do trên cơ sở “hòa bình, hợp tác và phát triển”…. về sau này).
KẾT LUẬN
Tóm lại, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã thể hiện một cách đầy đủ sự chính xác, rõ ràng và sáng tạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng trong việc tạo và chớp thời cơ trong cách mạng Việt Nam. Việc xác định thời cơ trong Đại thắng mùa xuân 1975 là đã trải qua một quá trình suy xét, cân nhắc kỹ về chiến lược cách mạng dựa trên tình hình chiến trường ta và địch (qua các Hội nghị Bộ Chính trị năm 1974 – 1975). Bộ Chính trị đã đúng khi chớp thời cơ cách mạng vào lúc kẻ thù đang suy yếu và hoang mang cực độ; Mỹ bỏ rơi chính quyền Sài Gòn, thế và lực của ta đang lên mạnh sau các thắng lợi về quân sự, chính trị và ngoại giao giữa ta với địch. Khác với thời cơ trong cách mạng tháng Tám 1945, Bộ Chính trị đã sử dụng thời cơ dựa trên những nỗ lực cao nhất của ta trên mọi mặt (cách mạng tháng Tám là ta đã chuẩn bị sẵn lực lượng, đợi thời cơ là phát động cách mạng không tốn công sức nào), nhờ đó ta đã phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giành thắng lợi trọn vẹn, góp phần đưa đất nước ta được thống nhất và xây dựng, phát triển. Trong bài này, tác giả có đối chiếu với thời cơ của cách mạng tháng Tám để tìm ra sự tương đồng và khác biệt, cũng như tìm ra điểm kế thừa và sáng tạo của các cuộc cách mạng 1945, 1975 trên cơ sở bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại 1917. Từ đó, rút ra những nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề nắm và chớp thời cơ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, góp phần xây dựng nước ta trở thành một nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” (trích thư của Bác Hồ, 1945[58]) trên thế giới.


Tài liệu tham khảo:

1.      Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Những sự kiện lịch sử quân sự, Viện Lịch sử quân sự xuất bản, 1988.
2.      Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Hà Nội, 1991
3.      Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ. Dịch giả: Cao Minh. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1990
4.      Paul Dreyfrus, Sài Gòn sụp đổ (Lê Kim dịch), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004
5.      Lê Duẩn, Thư vào Nam, NXB Sự thật, 1985
6.      Christopher E. Goscha, Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Berkeley 11-2006
7.      Lê Phụng Hoàng, Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á  từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối chiến tranh lạnh (1945 – 1991), Tủ sách ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, 2008.
8.      Nguyễn Tiến Hưng, Jerrold Schecter, The Palace File, Nxb Harper và Row, New York, 1986
9.      Stanley Karnow, Vietnam A History, Pub. Penguin Books, New York, 1997
10. G. Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2003.
11. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, 12.
13. Lênin toàn tập, NXB Mát-xcơ-va,1977, tập 41
14. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 2, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1991.
15. Mác-Ăngghen toàn tập, NXB Mát-xcơ-va,1977, tập 2.
16. Nhiều tác giả, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – những vấn đề khoa học và thực tiễn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, 2005
17. Hoàng Phương, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.
18. Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb Quân đội nhân dân, 1991, Hà Nội.
19. Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945 – 1975, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975




[1] Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 145.
[2] Mác-Ăngghen toàn tập, NXB Mát-xcơ-va,1977, tập 2, tr.379. 
[3] Lênin toàn tập, NXB Mát-xcơ-va,1977, tập 41, tr.572
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.1995, t3, tr.287
[5] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Sự Thật,  H.1991, tập 2, tr.178.
[6] Paul Dreyfrus, Sài Gòn sụp đổ (Lê Kim dịch), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 73
[7] Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945 – 1975, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr. 84.
[8] Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 254.
[9] Nguyen Tien Hung, Jerrold Schecter, The Palace File, Nxb Harper và Row, New York, 1986, p. 247.
[10] Lê Phụng Hoàng, Lịch sử quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á  từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối chiến tranh lạnh (1945 – 1991), Tủ sách ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 310.
[11] Nguyễn Tiến Hưng, Sách đã dẫn, p. 241.
[12] Jerrold Schecter, Nguyễn Tiến Hưng, Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 367 – 368.
[13] Nguyễn Tiến Hưng, Sách đã dẫn, p. 246.
[14] Theo thống kê của Kolko, số quân lính Sài Gòn đào ngũ (do tâm lý chán chường, được ta binh vận) vào năm 1974 là 2 vạn người. Xem G. Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2003, tr. 582. 
[15] Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của Đế quốc Mỹ…, sách đã dẫn, tr.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 426.
[17] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 605.
[18] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sách đã dẫn, tr. 636.
[19] Trương Minh Nhựt, Cuộc chiến tranh nhân dân vùng ven tây nam Sài Gòn – Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), luận án tiến sĩ lịch sử, Tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 136.
[20] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 631.
[21] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Hồ sơ 795, số 15
[22] Bùi Thanh Sơn, “50 Năm quan hệ Việt- Trung”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 32 (2000), tr.15.
[23] Hoàng Phương, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 380.
[24] Sức mạnh chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Khoa học xã hội, 1985, tr. 39.
[25] Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 146, 157.
[26] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 455
[27] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 151
[28] Lê Duẩn, Nam, NXB Sự thật, 1985, tr. 362.
[29] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 35, tr. 177-179.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sách đã dẫn, tr. 185.
[31] Patrice Gelimet, “Sài Gòn thất thủ”, Historia Special: Viet Nam. Dẫn theo: Hội khoa học lịch sử Tp. Hồ Chí Minh, Mùa xuân giải phóng, Nxb CTQG, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 171.
[32] Tập bản kiểm thính các đài phát thanh ngoại quốc của phủ đặc ủy trung ương tình báo tháng 4/1975, Tài liệu trung tâm lưu trữ quốc gia II, Phông Phủ Thủ tướng, Hồ sơ số 18716, Hộp số 2602, tr. 191.
[33] Võ Văn Sung, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giữa lòng Paris, Xưa và nay, số 234/2005, tr. 15.
[34] Kiến Giang, Quân đoàn 4 – “Quả đấm thép” phía Nam, 2014, xem: http://baobinhduong.vn/quan-doan-4-qua-dam-thep-phia-nam-phuoc-long-don-trinh-sat-chien-luoc-a103502.html
[35] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sđd, tr. 184.
[36] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sđd, tr. 185
[37] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 2, NXB Sự Thật,  H.1991, tr. 184
[38] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 2, NXB Sự Thật,  H.1981, tr. 185
[39] Economist ngày 22/3/1975. Dẫn theo Thông tin lịch sử quân sự tháng 1/1990, tr. 14.
[40] Nhiều tác giả, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – những vấn đề khoa học và thực tiễn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 509.
[41] Phúc trình của Phạm Duy Tất, tài liệu lưu tại Bộ Tham mưu Quân đoàn 3.
[42] Trích phúc trình của Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 nguỵ lên Nguyễn Văn Thiệu ngày 7-4-1975, tài liệu lưu tại Bộ Tham mưu Binh đoàn Tây Nguyên.
[43] Nhiều tác giả, Sách đã dẫn, tr. 510.
[44] Jean Claude Pomonti, "Tướng Giáp, người anh hùng của độc lập Việt Nam, đã qua đời” (Đào Hùng dịch), Le Monde, số ra ngày 4/10/2013, xem trong:  http://www.trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=11082&catid=11
[45] Các đoạn trích trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 25/3/1975 trích từ Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định, Nxb QĐND, Hà Nội, tr.210.
[46] Toàn văn công điện của Thiệu ngày 25/3/1975 như sau:
“Tiếp theo công điện số 013/TT-CĐ. ngày 24-3-1975, sau đây là nghiêm lệnh của tôi:
Thứ nhất, tất cà những tỉnh, những phần đất hiện còn đến ngày hôm nay 20-3-1975 phải được tử thủ bảo vệ đến cùng.  Mọi nơi phải nỗ lực tiêu diệt tối đa địch, chặn đứng đà tiến quân của dịch, cùng cố phòng thủ, vận dụng mọi sáng kiến và phương tiện dể phản công.
Thứ hai, các vị tư lệnh quân đoàn, quân khu chậu trách nhiệm chỉ thị, hướng dẫn và kiểm soát mọi cấp chỉ huy đơn vị và chỉ huy lãnh thổ thuộc quyền chấp hành tuyệt đối nghiêm lệnh này”.
    Trích theo: Hoàng Phương, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 288.
[47]Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ. Dịch giả: Cao Minh. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1990, tr. 37
[48] Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Những sự kiện lịch sử quân sự, Viện Lịch sử quân sự xuất bản, 1988, tr. 317.
[49] Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sách đã dẫn, tr. 321.
[50] Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sách đã dẫn, tr. 321.
[51] Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, NXBQĐND, H.2005, tr.952
[52] Lê Duẩn, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. vì độc lập, tự do, vì CNXH, tiến lên giành những thắng lợi mới”, tạp chí Học tập, số 2/1990, tr. 47.
[53] Trích lời nhận định của nhà báo Mỹ Stanley Karnow, Vietnam A History, Pub. Penguin Books, New York, 1997, p.744. Toàn văn đoạn trích như sau: “Sai lầm xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài và đau đớn những cuộc chiến, những xung đột và điều chỉnh đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Cũng những xung đột và điều chỉnh ấy đã làm nên một đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước”. Xin ghi lại để tham khảo.  
[54] Trích báo cáo soạn thảo cho Ban Quân sự, văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ. Dẫn theo Tham khảo kháng chiến chống Mỹ, tập 2, tr. 30. Lưu trữ tại Viện lịch sử quân sự Việt Nam.
[55] Nhân dân sáng tạo lịch sử - tài liệu trích dịch từ tạp chí Người Cộng sản (Liên Xô), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1955, tr.11
[56] Thomas Hodgkin, Thế giới bàn về Việt Nam, tập 2, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224
[57] Các văn kiện ngoại giao Xô – Việt nêu rõ, Liên Xô vì nhiều lý do khác nhau nên không có hành động giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong và sau cách mạng tháng Tám 1945. Cụ thể: trong mật điện gửi Stalin (22/9/1945), Hồ Chí Minh  thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam, nhưng Stalin không trả lời với lý do “không biết mặt, họ tên Hồ Chí Minh”. Ở các bức điện gửi Dekanozov (21/10/1945) và những quan chức của Liên Xô, các vị quan chức này đã tiếp nhận với mức độ khá dè dặt. Giải thích cho việc này, C. Goscha cho rằng ông A.E. Bogomolov, khi đó đang làm Đại sứ Liên Xô tại Paris, người có ít nhiều hiểu biết về Đông Dương có quan điểm giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách giành cho Đông Dương quyền độc lập dưới sự bảo hộ của Uỷ ban An ninh Quốc tế (gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc). Từ đó, Goscha kết luận: Như vậy, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù phải hay không phải của những người cộng sản, cũng không giành được vị trí đáng quan tâm đối vớiMátxcơva tại thời điểm sau chiến tranh thế giới thứ hai; ngược lại, nước Pháp, nơi Đảng Cộng sản là một lực lượng quan trọng ở chính trường quốc gia, mới thật sự là một ưu tiên. Thông tin này trích từ: Christopher E. Goscha, Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Berkeley 11-2006; các tài liệu của Liên Xô (tiếng Nga).
[58] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,1995, tr.32.