Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

40 năm quan hệ chính trị, ngoại giao Việt – Nhật (1973 – 2013): thành tựu và triển vọng

40 năm quan hệ chính trị, ngoại giao Việt – Nhật (1973 – 2013): thành tựu và triển vọng

Việt Nam và Nhật Bản từ lâu đã có mối quan hệ chính trị, ngoại giao từ lâu đời và cho đến hiện nay thì đã phát triển mối quan hệ đó một cách tốt đẹp. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt – Nhật (1973 – 2013), bài viết này muốn giới thiệu khái quát về quá trình thiết lập quan hệ Việt – Nhật trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao, những thành tựu tiêu biểu và triển vọng của mối quan hệ này trong tình hình hiện nay.
1. Sơ lược quan hệ Việt – Nhật: lịch sử và thành tựu
Nhật Bản có quan hệ với Việt Nam từ lâu đời. Vào thời hậu kỳ Đá mới, những người Nhật cổ (gốc là Mongoloid phương Bắc) có quan hệ với cư dân ở miền Bắc Lào, Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc [3, 446]. Vào thế kỷ VII (thời Bắc thuộc Việt Nam), hai nhà sư là Bodaisenna (Balamon) và Phật Triết (Việt Nam sang Nhật Bản (736), một nhà sư Việt Nam sang dự lễ khai trương tượng Phật khổng lồ ở chùa Todaiji (752), Triều Hành (Abe no Nakamaro) thừa lệnh vua Đường sang làm Tiết độ sứ ở An Nam đô hộ phủ (761 – 767). Thời độc lập – tự chủ, đế quốc Mông – Nguyên hùng mạnh đã xâm lược các nước xung quanh, trong đó có Nhật Bản và Đại Việt. Thất bại trong việc xâm lược Nhật Bản (1274, 1281), quân giặc chuyển hướng tấn công sang Giao Chỉ (tức Đại Việt) [16, 248 – 249] để trả hận cho lần thất bại đầu tiên (1258). Nước Nhật Bản do chịu ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc chiến này nên nhiều người Nhật đã ngầm ủng hộ, mong quân dân Đại Việt sớm đánh bại quân giặc và giành độc lập cho đất nước mình.
Đến thế kỷ XV – XVI, quan hệ Việt – Nhật có bước khởi sắc mới, Trong khi nước Nhật Bản đang lâm vào thời kỳ nội chiến giữa Mạc phủ và các phe phái thì Vua của vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) ở ngoài khơi lãnh thổ Nhật vào năm 1509 đã phái sứ giả sang Việt Nam đặt quan hệ buôn bán. Đến thế kỷ XVI – XVII, trong khi Nhật Bản bắt đầu xu hướng thống nhất thành một lãnh thổ chung dưới thời Tokugawa (1582 – 1603) thì chúa Nguyễn, vì muốn củng cố giang sơn (Đàng Trong) của riêng mình đã đặt quan hệ với Nhật Bản. Năm 1601, nhân sự việc Hiển Quý (Akitaka) sang buôn bán ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đặt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Sau khi thành lập Mạc phủ Tokugawa vào năm 1603, chính quyền Nhật Bản ra đời chế độ Châu ấn thuyền (Shuinsen) – khai thông quan hệ giữa Nhật với các nước xung quanh, nhất là Đại Việt. Từ năm 1604 – 1634, chính quyền Nhật đã trả lời 56 bức thư ngoại giao của Đại Việt với Nhật [11, 123], cấp 121/365 giấy phép cho thương nhân Nhật sang buôn bán ở Việt Nam. Theo thống kê, số thuyền Châu ấn của Nhật Bản sang Đại Việt là 130 chiếc (Đàng Ngoài 51 chiếc, Đàng Trong 79 chiếc). Ý thức được những ảnh hưởng tích cực trong quan hệ thương mại Việt – Nhật, các chúa Nguyễn không ngửng tạo điều kiện, quan hệ tốt với Nhật Bản. Chẳng hạn, chúa Nguyễn cho phép người Nhật được buôn bán ở Đàng Trong với mức thuế ưu đãi, cho phép người Nhật mở phố xá, xây các công trình kiến trúc bề thế như Chùa Cầu, chùa Tam Thai…; nhận thương nhân H. Yabeiji làm con nuôi; ban quốc tính cho thương nhân Araki Sotaro (chồng của công chúa Ngọc Vạn). Nhưng về sau do sự nổi lên của Hà Lan vả Anh, Pháp, Mạc phủ ban hành sắc lệnh Sakoku (Tỏa quốc) cấm người Nhật buôn bán với bên ngoài. Do sự cứng rắn của sắc lệnh này, nhiều người Nhật đã rời khỏi Hội An (Đại Việt) về Nhật Bản. Theo ghi nhận của D. Haven (Hà Lan) thì ở khu phố Nhật ở Hội An chỉ còn 300 người Nhật cư trú trong 60 ngôi nhà đá chật hẹp, tối tăm. Thế kỷ XVII – XVIII, việc chúa Nguyễn ban hành chính sách cấm đạo và đặc biệt là chiến tranh Tây Sơn với Trịnh – Nguyễn, Hội An bị tàn phá nặng nề. Jean Koffler đã viết: “Quân Trịnh đã tàn phá một thành phố Hội An, làm ngưng trệ mọi hoạt động trong một thành phố có thể nói là một trung tâm lớn của nền ngoại thương [12, 15 – 16].
Đến thời Nguyễn và Pháp thuộc, quan hệ Việt – Nhật không phát triển. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những karayukisan (gái điếm) và mối lái người Nhật có mặt đầu tiên trên đất Việt. Về sau, người Nhật di cư vào nhiều và họ lập ra khách sạn, công ty (1918); năm 1920 – 1921, người Nhật mở lãnh sự quán ở Hải Phòng, Sài Gòn [11, 20]. Năm 1904, Phan Bội Châu do thấy sự cường thịnh của Nhật Bản nên đã phát động phong trào Đông Du đưa người sang học tập ở Nhật Bản. Từ 1905 – 1908, số học sinh sang Nhật du học là 200 người. Nhưng hình ảnh này đã sụp đổ khi Nhật Bản câu kết với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật, phong trào Đông Du từ đó đã tan rã [17, 50]. Sau khi chiếm Triều Tiên (1910) và đại thắng quân Liên minh (Đức, Áo - Hung trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918), Nhật Bản bước vào thời kỳ ổn định và phồn vinh chưa từng thấy trong suốt thời gian 1921 – 1929. Thế nhưng sau khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, nước Nhật Bản rơi vào khủng hoảng nặng nề. Để giải thoát, Nhật Bản đã tiến hành cải cách nhà nước và kinh tế theo hướng phát xít hóa và kết quả là nước Nhật trở thành quốc gia phát xít rất mạnh. Năm 1940, thủ tướng Nhật K. Konoe thi hành chính sách “Đại Đông Á” (daitoa kaiho) để mở rộng chiến tranh xâm lược ra bên ngoài, đưa Nhật trở thành cường quốc đứng đầu thế giới mà nguyên nhân chính dẫn tới ra đời chính sách này là do Nhật thua kém Mỹ nhiều mặt, nhất là kinh tế. Theo thống kê của giáo sư Irie Akira, thu nhập bình quân của người Mỹ là 650 USD (gấp 7 lần Nhật), công nghiệp mạnh gấp 5 lần Nhật Bản (Mỹ: 35%; Nhật: 7%) [1, 26]. Ở Việt Nam, tháng 9/1940 quân Nhật xâm lược và cùng Pháp thống trị vùng đất này. Quan hệ Việt – Nhật lúc này là quan hệ giữa những người bảo vệ nền đôc lập và những kẻ xâm lược. Dưới ách thống trị của Nhật – Pháp, nhân dân Việt Nam sống rất cực khổ và đã có 2 triệu người chết đói trong Nạn đói Ất Dậu 1944 – 1945 lịch sử. Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam đã đứng lên chống phát xít Nhật không chỉ bảo vệ nền độc lập của dân tộc, mà còn với tư cách là một dân tộc đứng về phía Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít, điều này là phù hợp với xu thế đúng đắn của lịch sử lúc đó.
Trong thời gian 1945 – 1975, quan hệ Việt – Nhật rất phức tạp và bị hạn chế nhiều mặt. Trong thời kỳ bị Mỹ chiếm đóng (1945 – 1951), Nhật Bản không có quan hệ với Việt Nam; chỉ sau khi hiệp ước San Francisco (8/9/1951) được ký kết, Nhật Bản mới bắt đầu độc lập và có mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Năm 1952, thủ tướng Nhật Bản là Yoshida đề ra chính sách “Keizai gaiko” (ngoại giao kinh tế) với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và buôn bán với các vùng xung quanhvà đặc biệt chú ý phát triển mối liên kết với các nước Đông Nam Á [15, 40]. Nhưng mãi đến năm 1955, Nhật Bản chỉ quan hệ và thi hành chính sách bồi thường chiến tranh với Việt Nam Cộng hoà (miền Nam) mà làm ngơ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính thái độ này của chính phủ Nhật Bản đã làm chính phủ Hà Nội, Đảng đối lập và nhân dân Nhật phản đối. Họ cho rằng, Nhật Bản bồi thường chiến tranh cho miền Nam là không công bằng, vì miền Nam ít chịu thiệt hại nặng hơn miền Bắc; họ phê phán Nhật Bản bồi thường cho miền Nam là nơi mà sự tàn phá không đáng là bao (họ gọi là “ba con gà nhép”) và yêu cầu chính phủ phải có trách nhiệm với miền Bắc Việt Nam. Mặc dù bị phản đối kịch liệt, nhưng chính phủ Nhật của Kishi đã bác bỏ hết. Trong cuộc họp tháng 12/1959, Thượng viện Nhật Bản phê chuẩn thỏa ước bồi thường chiến tranh với Việt Nam Cộng hòa [13, 47]. Theo thỏa ước này, Nhật Bản bồi thường cho Việt Nam Cộng hòa là gần 20 triệu USD và những khoảng bồi thường này được Sài Gòn đầu tư vào xây dựng thủy điện Đa Nhi, bệnh viện Chợ Rẫy…, các công trình công cộng, trang thiết bị. Ở miền Bắc Việt Nam, quan hệ không phát triển và hoạt động Việt – Nhật lúc đó là hồi hương tù binh Nhật về nước. Ở Bắc Việt Nam đã có 9 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Để giải quyết, chính phủ ta cho phần lớn lính Nhật hồi hương về nước và trong dụng những người Nhật theo Việt Nam. Theo “Bản danh sách những người chưa về nước từ Đông Dương thuộc Pháp” của Bộ Lao động và Y tế Nhật Bản ban hành tháng 7-1955 thì đã 600/800 người tham gia Việt Minh; những người Nhật ở Việt Nam này gọi là “người Việt Nam mới” [9, 68]. Họ ở lại giúp cán bộ ta huấn luyện quân sự, trực tiếp tham gia chiến đấu chống Pháp và nhận được nhiều huân chương, phần thưởng cao quý mà chính phủ Việt Nam phong tặng. Thời kháng Mỹ, quan hệ Nhật – Việt Nam Dân chủ không phát triển nhưng quan hệ của nhân dân hai nước, các tổ chức phi chính phủ và buôn bán của các công ty Nhật với Việt Nam vẫn phát triển.
Sau khi đánh bại quân Mỹ - Sài Gòn và thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đã dần mở ra một trang mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Lúc này uy tín và địa vị của Việt Nam được nâng cao lên hơn bao giờ hết, các thế lực thù địch với Việt Nam không thể giữ mãi thái độ cực đoan trong quan hệ với Việt Nam mà ngày càng tìm cách tạo cho mình thái độ thân thiện, thậm chí là gần gũi với Việt Nam, mà Nhật Bản là một quốc gia như thế. Ngày 21/9/1973, Nhật Bản đã chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở cấp đại sứ. Năm 1974, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng T. Miki (1974 – 1978) đã thực hiện chính sách Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là mục tiêu làm ông phải chú ý. Ông nhận thấy Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, có vai trò lớn trong khu vực Đông Nam Á và là thị trường đầy tiềm năng cho kinh tế Nhật Bản và khẳng định: Việt Nam đã trở thành một nhân tố phải tính đến trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản. Để thể hiện cho chính sách của mình, Chính phủ Nhật Bản đã ra công hàm công nhận chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam là chính phủ kế tiếp của chính quyền Việt Nam Cộng hoà (8/5/1975). Tiếp đó vào năm 1976, chính phủ Nhật tái khẳng định chính sách Đông Nam Á của mình, trong đó có Việt Nam: “Chính sách của nước ta đối với các nước Đông Dương là cố gắng thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp với họ, dù chế độ chính trị của họ khác chế độ chúng ta. Viện trợ thích hợp của nước ta cho công cuộc tái thiết kinh tế của những nước này phải đóng góp vào hoà bình và phát triển ở khu vực và cuối cùng ở Đông Nam Á nói chung” [13, 136]. Về phía Việt Nam, chính phủ ta khẳng định chính sách ngoại giao mở cửa của mình, xem Nhật Bản là một cường quốc kinh tế lớn, khoa học – kỹ thuật mạnh mẽ và có vai trò quan trọng trên trường quốc tế; do đó định hướng cho chính sách ngoại giao của ta với Nhật là: đẩy mạnh quan hệ với Nhật trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế - lĩnh vực chính chi phối sự phát triển của đất nước; đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước là yêu cầu cấp bách và là lợi ích của cả hai.
Quan hệ giữa hai nước bắt đầu được đẩy mạnh thông qua chuyến thăm ngoại giao giữa lãnh đạo hai nước. Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hatoyama với Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh đã cải thiện tốt quan hệ ngoại giao- chính trị giữa hai nước. Tháng 7/1978 đặc phái viên của chính phủ ta là Phan Hiền sang Nhật, hội đàm với chính phủ Nhật bản việc xúc tiến quan hệ Việt – Nhật trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Cùng với quan hệ chính trị, chính phủ Nhật Bản quyết định viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 13,5 tỷ Yen (tương đương 39 triệu USD)[4, 278] để phục hồi – phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 10/1975); đồng thời vào năm 1976 thì Nhật cũng xúc tiến trao đổi Đại sứ quán, mở nguồn vốn ODA viện trợ 14 tỷ Yen cho Việt Nam không hoàn lại trong 4 năm và cho Việt Nam vay trong 2 năm. Tiếp theo năm 1977, chính phủ ta ra Chính sách 4 điểm tuyên bố sẽ tạo dựng mối quan hệ thân thiện với láng giềng xung quanh mình (nhất là các nước ASEAN) để cùng phát triển trong không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác khu vực. Chính động thái tích cực của Việt Nam trong quan hệ với ASEAN đã làm Nhật Bản xích lại gần hơn với Việt Nam nhiều hơn. Năm 1977, Học thuyết Fukuda của thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đã ra đời. Trong Học thuyết, Fukuda tuyên bố tái xác nhận Nhật Bản là cường quốc hòa bình và thiết lập một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với các nước Đông Nam Á (kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội) và tăng cường sự đoàn kết hữu nghị với các nước này dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, qua đó Nhật Bản sẽ đóng góp vào việc thiết lập nền hòa bình, thịnh vượng trong toàn khu vực châu Á [8, 73 – 98]. Như vậy thì thông qua nội dung vừa xem ở trên, Thủ tướng Fukuda muốn tái xác nhận chính sách ngoại giao của mình với Việt Nam, đồng thời làm “cầu nối” giúp ASEAN và 3 nước Đông Dương xích lại gần nhau, hợp tác cùng phát triển. Cuối năm 1978, Nhật Bản tiếp tục cho Việt Nam vay 10 tỷ Yen và viện trợ không hoàn lại 4 tỷ Yen.
Thế nhưng từ năm 1979 trở đi, việc quân ta tiến quân sang giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt bè lũ Polpot – Yeng Sari đã làm quan hệ Việt – Nhật xấu đi. Cho rằng việc Việt Nam sang giúp Campuchia là hành động xâm lược lãnh thổ nước khác, chính phủ Nhật có động thái tiêu cực: rút viện trợ ODA (xem bảng 1), đòi quân ta rút lui và nếu cần thiết sẽ cho quân sang, cùng quân đội các nước ASEAN can thiệp mạnh vào “vấn đề Campuchia”. Theo Shiraishi Masaya: “Quan hệ Nhật Bản với Việt Nam tất yếu gắn liền với quyền lực chính trị quốc tế ở miền Tây Thái Bình Dương. Lúc này Nhật Bản không có nhiều chỗ để hành động tự do đối với Hà Nội”. Dù Nhật Bản có hành động rất quyết liệt như vậy, nhưng thực sự thì Nhật không muốn làm là do áp lực từ nước lớn; các nước ASEAN đòi giải quyết vấn đề này và trong thâm tâm thì Nhật càng không muốn làm việc này.
Năm
1979
1980
1981
1982
1983
1984
Tổng số
38,7
3,7
0,9
1,3
0,7
1,1
Năm
1985
1986
1987
1988
1989
1990
Tổng số
0,6
1,5
0,3
4,8
1,6
1,3
Bảng 1: Tài trợ của Nhật Bản cho Việt Nam thời kỳ 1979 – 1990 (triệu USD) [3, 286].
Mặc dù là quan hệ rất lạnh nhạt với Việt Nam, thế nhưng Nhật Bản đã không vì thế mà làm mất vai trò, quyền lợi của mình ở Việt Nam nên hai bên vẫn tăng cường qua lại lẫn nhau. Vào đầu thập niên 80, hai quan chức đầu tiên của Nhật Bản là A. Kiuchi (Tổng vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản) vả H. Fujii (Bộ Ngoại giao Nhật Bản) đã liên tiếp sang thăm Việt Nam vào các năm 1981, 1982. Tháng 1/1982, hai bên đã ký với nhau hiệp ước viện trợ nhân đạo cho Việt Nam; đây là hành động đầu tiên của Nhật Bản tự chọc thủng chính sách “đông cứng” trong quan hệ với Việt Nam kể từ năm 1978. Về phía ta thì từ tháng 3/1983, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Văn Lâu sang thăm Nhật Bản và đây là động thái đầu tiên của Việt Nam nhằm xóa bỏ hố ngăn cách ngoại giao Việt – Nhật, tạo điều kiện cho hai bên qua lại gần gũi nhau. Đáng chú ý nhất là vào tháng 10/1984, Ngoại trưởng hai nước là S. Abe (Nhật Bản) và Nguyễn Cơ Thạch (Việt Nam) đã gặp gỡ tại Tokyo và cùng nhau ký Bản ghi nhớ về mở rộng đối thoại giữa hai nước. Sau sự kiện này, hai bên đã qua lại lẫn nhau đều đặn.
Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, do sự thay đổi của tình hình thế giới (chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô, chiến tranh lạnh chấm dứt, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia) mà hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã thay đổi chính sách ngoại giao theo hướng tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy liên kết ở nhiều lĩnh vực. Về phía Nhật Bản, được sự giúp đỡ của Mỹ thì chính phủ Nhật thi hành chính sách “quay trở lại châu Á”, nhằm tiếp cận thị trường và tăng vai trò - ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt – Nhật từng bước chuyển từ quan hệ kinh tế truyền thống sang quan hệ chính trị - an ninh. Về phía Việt Nam thì kể từ khi Đổi mới 1986 bắt đầu, Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở, đa phương hóa trên tinh thần sẵn sàng là bạn với các nước nhằm tranh thủ nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nhằm cải thiện quan hệ với các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt – Nhật bắt đầu có những bước cải tiến rõ rệt.
Để thể hiện thiện chí ngoại giao của Việt Nam với Nhật Bản, tháng 10/1990 Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã sang thăm chính thức Nhật Bản và được Ngoại trưởng Nhật Bản Nakayama đón tiếp trọng thể. Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản đánh giá rất cao chuyến thăm này của Ngoại trưởng Việt Nam, xem đó là dấu mốc quan trọng để quan hệ Nhật – Việt chuyển từ đối đầu sang quan hệ hợp tác vì sự phát triển và lợi ích của hai nước trong khu vực. Về phần mình, Ngoại trưởng Việt Nam khẳng định quan hệ Việt – Nhật phải đặt trên cơ sở mới, đó là sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác lẫn nhau để cùng phát triển. Tháng 6/1991, Ngoại trưởng Nhật Bản sang thăm Việt Nam, mở đầu thời kỳ mới trong quan hệ Việt – Nhật. Từ năm 1991 trở về sau, hai bên tăng cường qua lại lẫn nhau: chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt (3/1993) và Tổng bí thư Đỗ Mười (4/1995) sang Nhật Bản và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Murayama (8/1994). Các chuyến thăm trên của nguyên thủ hai nước từ 1993 – 1995 đã mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Nhật: kỷ nguyên xích lại gần nhau, cùng hợp tác và phát triển trên cơ sở hòa bình, hữu nghị vì lợi ích và mục tiêu chung của hai nước. Đúng như lời của Thủ tướng Nhật Bản Murayama đã khẳng định trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam năm 1993 rằng: “Từ nay trở đi, hướng tới tương lai của kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật – Việt, tôi muốn xây dựng quan hệ hợp tác rộng rãi không chỉ trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, mà cả trong lĩnh vực chính trị, văn hóa và các lĩnh vực hợp tác khác… Vì rằng sự phát triển của Việt Nam không những quan trọng với riêng Việt Nam mà còn rất quan trọng với Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và của cả thế giới. Xuất phát từ nhận thức này, Nhật Bản sẽ đóng góp tối đa vào sự nghiệp đó trong khả năng của mình”. Lời khẳng định đầy quyết đoán của Thủ tướng Nhật Bản đã được phía Việt Nam hưởng ứng rất nhiệt tình và Việt Nam cũng hy vọng rằng, với việc đề ra chủ trương ngoại giao đúng đắn đó của Thủ tướng Nhật Bản đã góp phần xóa nhòa quá khứ trước đây của hai nước [5, 69], củng cố và phát triển mối quan hệ Việt – Nhật trên cơ sở hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong những năm tiếp theo, quan hệ Việt – Nhật ngày càng khắng khít thêm với các chuyến thăm lẫn nhau giữa các đoàn thể chính phủ, các Bộ và ban ngành, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các nhà văn hóa, khoa học…
Bên cạnh quan hệ chính trị thì quan hệ giữa các lĩnh vực khác cũng được tăng cường và phát triển hơn. Ngày 16/11/1992, Nhật Bản mở lại viện trợ ODA và viện trợ ngay cho Việt Nam với điều kiện ưu đãi 45,5 tỷ Yen và không hoàn lại 14,75 tỷ Yen. Ngoài ra, Nhật Bản đã vận động Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam; chủ động cùng Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức quốc tế như ADP, WF, IMF…; hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật. Về giáo dục, Nhật Bản hỗ trợ học bổng sang Nhật du học và nghiên cứu khoa học. Số người Việt Nam sang học tập và làm việc ở Nhật Bản ngày một tăng lên. Theo thống kê thì tới năm 1994, Việt Nam đã đưa hơn 100 người sang Nhật Bản nghiên cứu và học tập. Bên cạnh đó, hai bên xúc tiến thành lập các hội giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, các hội chợ triển lãm các mặt hàng khoa học – công nghệ…
Từ năm 1995 trở đi, với sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa với Mỹ, quan hệ Việt – Nhật đã bước sang trang mới. Tháng 1/1996, hai bên xúc tiến mở “Hội nghị Hợp tác kinh tế Nhật – Việt” lần thứ nhất, tổ chức ở Tokyo và đây là Hội nghị đầu tiên mở ra xu thế hợp tác cùng hòa bình và phát triển. Tiếp sau Hội nghị này là các chuyến thăm ngoại giao giữa nguyên thủ hai nước Việt Nam, Nhật Bản đã diễn ra rất mạnh mẽ: tháng 1/1997, thủ tướng Nhật Hashimoto đã sang thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp 81 tỷ Yen tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại phi dự án 3 tỷ Yen, viện trợ văn hóa không hoàn lại 87,9 tỷ Yen cho Việt Nam (trong năm 1996) [7, 66] trong các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, thương mại… Tiếp đó, thủ tướng Obuchi cũng đã sang thăm Việt Nam vào tháng 12/1998; chuyến đi trên đã giúp quan hệ hai bên thêm bền chặt. Ngoài ra, các quan chức cấp cao ở Bộ Ngoại giao, Cục phòng vệ, Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật… cũng đến thăm Việt Nam. Hai bên tiếp tục trao đổi với nhau nhiều vấn đề và trong đó, kinh tế là vấn đề nổi cộm. Theo thống kê của Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam thì vào năm 1998, tổng vốn ODA Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam lên đến 102,3 tỷ Yen (hơn 4 tỷ USD). Trong khuôn khổ kế hoạch Miyazawa, Việt Nam tiếp tục được vay thêm 500 triệu USD [6, 49]. Thêm vào đó, cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng; hợp tác các ngành và các địa phương vẫn phát triển. Trong hợp tác đa phương, Nhật Bản luôn đi đầu trong việc vận động các tổ chức quốc tế bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế và khu vực.
Về phía Việt Nam, tháng 3/1999 thủ tướng Phan Văn Khải đã sang thăm Nhật Bản. Trong cuộc hội đàm, thủ tướng Nhật bày tỏ sự cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực (nhất là kinh tế), đồng thời tạo điều kiện cho các công ty Nhật tiến hành tài trợ và đầu tư vốn, thiết bị công nghệ vào nước ta. Đến lượt mình, thủ tướng Việt Nam cũng mong muốn phía Nhật Bản sẽ gia tăng vốn đầu tư của mình vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Từ năm 1997 – 2000, tổng vốn đầu tư ODA của Nhật vào Việt Nam tăng từ 4,011 tỷ USD lên tới 752,4 tỷ Yen; các dự án đầu tư tăng từ 215 dự án (1996) lên 262 dự án (1997) và đến năm 2000 thì lên đến mức 297 dự án với tổng vốn là hơn 3,8 tỷ USD (hơn năm 1996 là 300 triệu USD). Các công ty lớn của Nhật Bản là Mitsubishi, Sony, Toyota… đều đã có mặt ở Việt Nam với dự án đầu tư lớn và đáng chú ý.
Đến năm 2001 – năm đầu tiên của thế kỷ XXI, mặc dù tình hình thế giới có khá nhiều biến động lớn nhưng quan hệ Việt – Nhật vẫn diễn ra đều đặn và được củng cố mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ năm 2001 – 2006, hai bên đều tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau: Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải sang thăm Nhật Bản (6/2001; 4/2003; 6/2004 và tháng 7/2005); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Nhật Bản (10/2002) và thủ tướng Nhật Bản J. Koizumi sang thăm Việt Nam (4/2002); Ngoại trưởng Nhật Bản đã đến thăm Việt Nam (7/2004). Trong các cuộc hội đàm, cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản đều khẳng định quan hệ Việt – Nhật là quan hệ bình đẳng, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển lâu dài về sau. Phía Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục thắc chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực (nhất là kinh tế) ủng hộ mạnh mẽ công cuộc Đổi mới của Việt Nam, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đầu tư ODA và kêu gọi doanh nghiệp Nhật đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Đáp lại tấm chân tình của phía Nhật, chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của Nhật Bản vào công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ của chính phủ - nhân dân Nhật Bản, cũng như duy trì ODA trong thời gian qua. Thủ tướng Việt Nam khẳng định chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình để quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định và lâu dài” đã được hai bên thoả thuận từ năm 2002. Sau hội đàm, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó nổi bật là hai bên đã ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững” nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản sang Việt Nam năm 2004. Cũng trong thời gian từ 2001 – 2006, tổng vốn ODA của Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù năm 2001 – 2002 vốn ODA của Nhật có giảm sút (2001 giảm 10%, 2002 giảm 1%) nhưng vốn ODA của Nhật Bản cho Việt nam vẫn đạt mức 479 tỷ Yen (4,1 tỷ USD), chiếm 30% tổng vốn ODA mà các nước cam kết dành cho Việt Nam. Trong năm 2002 - 2006, Chính phủ Nhật tiến hành viện trợ cho 26 dự án chính liên quan đến xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở, cung cấp thiết bị y tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề với tổng vốn 213 triệu Yen.
Từ năm 2006 – 2013, với sự kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (10/2006) và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (11/2007) thăm chính thức Nhật Bản đã mở ra một điểm sáng mới trong quan hệ Việt – Nhật, đó là chuyển dần từ quan hệ song phương sang đa phương để tiến đến quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế như các năm đầu khi bắt đầu quan hệ mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật… Trong hai chuyến thăm đó, có lẽ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 11/2007 là một chuyến thăm quan trọng, có ý nghĩa lịch sử lớn và tạo được bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Việt – Nhật thời kỳ này. Trong cuộc hội đàm lần này (11/2007), lãnh đạo hai bên cùng nhất trí phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa và thiết thực, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch giữa hai nước nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và thắc chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Kết thúc cuộc hội đàm, lãnh đạo của hai nước đã ký Tuyên bố chung và thông qua “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
Sau chuyến thăm lịch sử này, nhiều lãnh đạo Việt Nam sang Nhật ngày càng nhiều: Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm chính thức Nhật Bản từ 19 - 23/4/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Nhật Bản (tháng 5 và tháng 11/2009), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Nhật Bản (tháng 1/2010), Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm Nhật Bản (tháng 6/2011), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (30/10 - 2/11/2011), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Nhật Bản (5/12/2012) và về phía Nhật, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2010, Hoàng Thái tử Nhật Bản thăm Việt Nam (9-15/2/2009). Trong cuộc hội đàm, nguyên thủ hai bên đã đồng thanh khẳng định với nhau sẽ cùng thắc chặt quan hệ Việt – Nhật trên nhiều phương diện, nhất là về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – giáo dục trên cơ sở tự nguyện hợp tác toàn diện, cùng chung sống hòa bình và phát triển để hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa hiện đang là xu thế phát triển chung của thế giới. Kết thúc cuộc hội đàm, hai bên ký kết với nhau nhiều văn kiện về chính trị, kinh tế và ngoại giao, trong đó nổi bật nhất là bản “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (31/10/2011) và “Bản Ghi nhớ của Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác, trao đổi quốc phòng song phương” (10/2011). Trong “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” ký ngày 31/10/2011, hai vị Thủ tướng của hai nước cho rằng, Việt Nam – Nhật Bản “vốn là những quốc gia chia sẻ lợi ích chiến lược, đã xây dựng nền tảng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược một cách toàn diện” [18]. Bản Tuyên bố này của chính phủ hai nước đã mở ra thời kỳ mới, thời kỳ Việt – Nhật tiến tới đối tác toàn diện và là đối tác chiến lược của nhau chứ không còn là đối tác bình thường (kiểu song phương như trước). Cùng lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng đã ký với nhau Bản Ghi nhớ của Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác, trao đổi quốc phòng song phương (10/2011). Trong văn kiện này, hai bên cam kết nỗ lực tăng cường quan hệ giữa các quốc gia ASEAN để tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đồng thời Việt – Nhật thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kêu gọi các bên tham gia thực hiện quyền tự do hàng hải, giao thương và tuân thủ Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 nhằm ổn định khu vực để bảo vệ lợi ích của các bên về vấn đề Biển Đông [10, 420 – 421].
Ngoài ra, hai bên cũng đã tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giáo dục và du lịch giữa hai nước nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và thắc chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Việc hai bên tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau có ý nghĩa rất quan trọng: khẳng định hai bên vừa là bạn bè, vừa là đối tác lẫn nhau và cùng hợp tác để phát triển vì lợi ích cũng như vai trò của Nhật Bản, Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc quan hệ với Nhật Bản – một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác với Nhật trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế hiện đang là lĩnh vực mũi nhọn của nước ta. Vốn là đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh nên kinh tế còn lạc hậu, nghèo nàn; Việt Nam muốn hợp tác với Nhật chỉ nhằm mục đích nhờ người Nhật hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp nặng – công nghiệp mũi nhọn (công nghệ thông tin) là ngành đòi hỏi phải có khoa học kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao; sau khi đã phát triển tương đối ổn định thì Việt Nam mới xin viện trợ của Nhật đễ phát triển văn hóa – xã hội, vốn là lĩnh vực được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra khá muộn mằn trong Hiến pháp 1980. Về lĩnh vực này, Việt Nam cần Nhật Bản viện trợ về học bổng, suất du học của học sinh – sinh viên, tổ chức các Hội giao lưu văn hóa, đào tạo người Việt Nam đang du học ở Nhật Bản theo chương trình học hiện đại của mình….để tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia. Ngoài ra, việc Việt Nam quan hệ với Nhật Bản nhằm mục đích khẳng định vị trí và vai trò trong khu vực và trên thế giới, bình thường hóa và mở rộng hợp tác nhiều mặt với các tổ chức và các quốc gia và cường quốc trên thế giới. Về phía Nhật, việc quan hệ với Việt Nam tạo cơ hội tốt cho việc thực hiện chính sách “Đông Nam Á”, vốn ra đời từ khi Nhật Bản bắt đầu quan hệ với Việt Nam ngay từ những năm 1973 – 1974. Việc thi hành chính sách này giúp Nhật tạo được vai trò và ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á vốn là khu vực giàu tiềm năng về tài nguyên, nguyên liệu, đồng thời giúp Nhật tạo dựng mối quan hệ đa dạng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực với Việt Nam; tạo cơ hội tốt cho Việt Nam có thể giao lưu, hội nhập với thế giới vốn thống nhất trong đa dạng này.
Về hợp tác kinh tế với Việt Nam, mặc dù Nhật Bản có gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 – 2009 nhưng nhiều tập đoàn kinh tế Nhật Bản vẫn quyết tâm tạo một làn sóng đầu tư mới cho Việt Nam. Trong nhiều năm qua, dòng vốn đầu tư hai chiều tăng nhanh, cụ thể: từ năm 2005 đến năm 2011, kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai nước tăng từ 4,5 tỷ USD (2005) lên tới 20 tỷ USD (cuối năm 2011) và sẽ còn tăng nữa trong những năm sau. Về các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thì tính chung, từ 2005 – 2012, tổng số công trình đầu tư và vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng vọt, từ 511 dự án với tổng vốn đến hơn 6,2 tỷ USD (2005) lên tới 1.800 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số đầu tư đăng ký 29 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2012 (tính đến 15/12/2012), Nhật Bản đăng ký mới 270 dự án và tăng vốn cho 108 dự án, dẫn đầu với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,14 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm. Về vốn đầu tư ODA, chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ tăng cường đưa vốn giúp Việt Nam xây nhiều công trình công cộng và các lĩnh vực khác (xem bảng dưới)
Bảng thống kê biểu thị kim ngạch ngoại thương và tổng vốn ODA của Nhật vào Việt Nam:
Kim ngạch ngoại thương Việt Nam – Nhật Bản (tỷ USD):

2006
2007
2008
2009
2010
2011
2012
Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản
5,2
6,0
8,54
6,3
7,7
10,78
13,1
Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản
4,7
6,2
8,24
7,3
9,0
10,4
11,6
Tổng kim ngạch Xuất nhập khẩu
9,9
12,2
16,78
13,6
16,7
21,18
24,7
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Viện trợ ODA của Nhật Bản vào Việt Nam từ 2006 – 2012 (tỷ Yên):

2006
2007
2008
2009
2010
2011
2012
ODA (tỷ Yen)
103,9
123,2
83,2
202
86,5
145
162,3
ODA (triệu USD)
893,3
1.046,2
804,7
2.156,3
985,4
1.819,3
1.900
Nguồn: Tổng cục Thống kê (1 Yen Nhật = 8,6 USD)
Nhìn bảng này, ta thấy viện trợ ODA của Nhật vào Việt Nam tăng đều, duy chỉ có năm 2008 - 2010 là bị tăng - giảm đột ngột do vấn đề tham nhũng ở Việt Nam đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng do kinh tế Nhật Bản bị khủng hoảng và Việt Nam có tham nhũng lớn. Về sau do giải quyết tốt trong nước nên Việt Nam được Nhật Bản nối lại vốn ODA và nguồn vốn đó vẫn tiếp tục tăng đến 2012. Trung bình mỗi năm Việt Nam có dành 20 – 25 tỷ Yen để trả nợ ODA cho Nhật Bản.
Năm 2013 là năm phát triển nhất của quan hệ Việt – Nhật với hàng loạt các chuyến thăm hữu nghị giữa quan chức cấp cao của hai nước. Đầu tiên đó là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (nhậm chức lần 2) sang Việt Nam vào ngày 16/1/2013 tại Hà Nội. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe tuyên bố sẽ xúc tiến kế hoạch triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. và tiếp tục viện trợ cho Việt Nam (500 triệu USD) trong các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như công nghiệp, giao thông vận tải, y tế… , cụ thể Nhật Bản phối hợp chặc chẽ với Việt Nam để thực hiện các dự án quan trọng như đường cao tốc Bắc – Nam, cảng Lạch Huyện, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tiếp nhận điều dưỡng, hộ viên Việt Nam . Về phía Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quan hệ Việt – Nhật và cảm ơn chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam thông qua hợp tác ODA trong 20 năm qua. Để không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị - hợp tác giữa hai nước, hai vị thủ tướng đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường các chuyến thăm ngoại giao giữa lãnh đạo cấp cao cũng như đối thoại với các cấp; phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; tăng cường hợp tác trên các vấn đề quốc tế, khu vực và các vấn đề hai bên cùng quan tâm; giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hai bên bày tỏ tin tưởng kết quả chuyến thăm Việt Nam này của Thủ tướng Nhật Bản Abe đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn của quan hệ Đối tác chiến lược giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản. Nhân dịp này, 2 vị thủ tướng của hai nước đã cùng tuyên bố lấy năm 2013 là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ở mỗi nước.
Nhận định về chuyến thăm lịch sử này của ông Abe tới Việt Nam, nhiều tờ báo và cơ quan báo chí bàn luận khá sôi nổi: Hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 16-1 nói: Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, khuyến khích các công ty Nhật tham gia xây dựng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhằm góp phần khôi phục kinh tế Nhật; Báo Japan Daily Press (Nhật) nhận định Nhật đang tìm cách củng cố hơn vị thế của Nhật ở Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam; Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời GS Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận định Thủ tướng Shinzo Abe muốn xây dựng quan hệ vững mạnh với Việt Nam và Philippines thông qua một cơ chế đối thoại quốc phòng chiến lược mới; báo Youmiri Shimbun (Nhật) cho biết trước khi lên đường sang Việt Nam, Thủ tướng Abe có nói: “Tôi muốn chuyến thăm này mở đầu cho thuyết ngoại giao chiến lược của nội các Nhật dưới thời Shinzo Abe. Tôi cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng của Nhật qua quan hệ đối tác vững mạnh với ASEAN”.
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam, cùng ngày hôm đó Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc trao đổi song phương và tình hình quốc tế với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chào xã giao với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chuyến thăm này của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam mở ra thời kỳ tiến tới là Đối tác toàn diện giữa hai bên về mọi mặt. Về kinh tế, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường tài trợ mà cụ thể là vốn ODA vào Việt Nam. Theo thông tin từ đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tanizaki Yasuaki thì Nhật Bản cam kết sẽ tài trợ 2,6 tỷ USD (vốn ODA) vào Việt Nam, nhiều hơn so với các nước và tổ chức khác tài trợ vào Việt Nam: Hàn Quốc 1,2 tỷ USD, EU 965 triệu USD và Pháp 340 triệu USD. Theo đánh giá chung của các nhà chiến lược kinh tế và đầu tư thì vốn đầu tư ODA mà các nhà đầu tư nước ngoài (nổi bật là Nhật Bản) giảm gần 2 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp (năm 2009 là 8 tỷ USD, 2010 giảm xuống còn là 7,9 tỷ USD, năm 2011 là 7,4 tỷ USD và năm 2012 là gần 7 tỷ USD) mà nguyên nhân dẫn đến vấn đề này xảy ra là do khủng hoảng kinh tế còn tồn tại dai dẳng đến hiện nay. Các lĩnh vực Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam rất đa dạng: chế tạo máy, công nghiệp hỗ trợ và cả dịch vụ - lĩnh vực được xem là “hot” nhất hiện nay.
Tiếp sau chuyến thăm ngoại giao của thủ tướng Nhật Bản Abe sang Việt Nam, hàng loạt các chuyến thăm khác của lãnh đạo 2 bên sang Việt Nam: Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Saiki (1/2013), Chủ tịch liên đoàn kinh tế vùng Kansai (4/2013), Trưởng đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (5/2013)…sang thăm và làm việc ở Việt Nam. Về phía ta thì vào cuối tháng 5/2013, Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sang thăm Nhật Bản….. Tháng 6/2013, Việt Nam diễn ra sự kiện lớn là chuyến thăm của cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama sang Việt Nam. Trong cuộc hội đàm tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cám ơn những tình cảm tốt đẹp của Nhật Bản trong nhiều năm qua và mong muốn Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (về chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội) vì sự thịnh vượng và phát triển chung của hai nước. Về phía mình, ông Hatoyama mong muốn quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Nhật sẽ tiếp tục được phát triển trên các lĩnh vực nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, ông Hatoyama cũng cam kết sẽ tiếp tục viện trợ ODA vào Việt Nam ủng hộ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ…
2. Triển vọng trong quan hệ Việt - Nhật
Có thể nhận định rằng, từ năm 1992 trở lại đây, quan hệ Việt – Nhật đã đi vào thế ổn định và đơm hoa kết trái. Với mục tiêu “khép lại quá khứ và nhìn về tương lai”, hai bên mở rộng quan hệ ngoại giao với nhau ngày càng chặc chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế - lĩnh vực đầu tiên mà người Việt Nam cũng như Nhật Bản hết sức quan tâm khi thiết lập mối quan hệ lẫn nhau. Trong hiện tại và tương lai, quan hệ Việt – Nhật sẽ ngày càng phát triển để tiến tới là Đối tác toàn diện của nhau trên các lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể. Theo xu thế phát triển chung của thế giới, quan hệ Việt – Nhật sẽ phát triển và tạo nhiều triển vọng lớn, đó là các cơ hội và thách thức:
Về cơ hội:
 Thứ nhất, việc tham gia hợp tác và tạo mối quan hệ sâu rộng với Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tạo được môi trường hòa bình, thuận lợi để phát huy việc xây dựng nền công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện đang trên đà phát triển của chính quyền và nhân dân ta. Thông qua các cơ chế đối thoại thường kỳ giữa lãnh đạo cấp cao, cấp Bộ và ban ngành giữa Việt Nam với Nhật Bản sẽ giúp chúng ta học tập được nhiều về cơ chế quản lý chính quyền, kinh tế, cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ… qua đó tạo dựng sự tin cậy cao và cùng phát triển.
Thứ hai, quan hệ tốt với Nhật Bản giúp Việt Nam có điều kiện mở rộng hợp tác với Nhật Bản, từ đó tiến đến mở rộng hợp tác với thế giới. Thực vậy, Nhật Bản tuy là nước nhỏ (diện tích 380.000 km2) và tài nguyên nghèo nàn, thế nhưng nhờ biết lợi dụng những điều kiện thuận lợi trong nước (ủng hộ của chính phủ, giúp sức của nhân dân và học hỏi khoa học ở bên ngoài) nên Nhật Bản đã phát triển mạnh và trở thành cường quốc lớn mạnh. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2012) thì tổng GDP bình quân là 4,684 nghìn tỉ USD (hạng 3), thu nhập bình quân đầu người là hơn 47 USD (hạng 16) [14] thì Nhật Bản quả là quốc gia phát triển rất mạnh, rất đáng để cho Việt Nam học hỏi. Là đối tác quan trọng và nổi bật của Nhật Bản, Việt Nam có cơ hội được học tập và tăng cường hợp tác quốc tế với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù đôi lúc còn gặp những trở ngại, nhưng quan hệ Việt – Nhật vẫn rất phát triển, nhất là kinh tế. Theo dự đoán của tác giả (mang tính tham khảo), nguồn ODA của Nhật tài trợ cho Việt Nam trong những năm sau là từ 7 – 10 tỷ USD (2013 hiện nay đang là 6,5 tỷ USD) và về sau sẽ còn hơn thế. Tổng số công trình mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng, theo dự đoán của tác giả bài viết sẽ là khoảng 2.000 dự án với tổng vốn đầu tư là 30 – 40 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với các năm về trước. Quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam có có cơ hội mở rộng buôn bán và về sau sẽ dựa vào “cầu nối” của Nhật Bản để tiếp cận và hợp tác với các quốc gia, các tổ chức trên thế giới.
Thứ ba, quan hệ tốt với Nhật Bản cũng giúp Việt Nam có cơ hội thu hút được nguồn lực bên ngoài, tranh thủ nguồn lực bên trong để phát triển. Như chúng ta đã biết, Nhật Bản là một cường quốc thì tất nhiên, quốc gia sẽ rất giàu mà nhiều nhất là con người, khoa học – kỹ thuật, tài chính và văn hóa – giáo dục. Quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam có điều kiện học hỏi để nâng cao trình độ sản xuất, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật với công nghệ Nhật Bản sẽ tạo ra nhiều loại hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đủ để xuất – nhập khẩu thuận lợi. Mặc dù có nhiều trở ngại và khó khăn, nhưng hai bên đều có điều kiện hỗ trợ, bổ sung cho nhau để phát triển, tăng cường sức mạnh nội lực hơn nữa.


Về thách thức:
Thứ nhất, Việt Nam quan hệ với Nhật Bản vào lúc khoảng cách trình độ phát triển hai nước chênh lệch khá lớn. Nhật Bản sau Thế chiến 2 là quốc gia bại trận, kinh tế suy yếu nghiêm trọng. Nhưng nhờ chính sách của chính phủ và sự nổ lực hết mình của nhân dân mà Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ đó, vươn lên và phát triển thần kỳ dưới thời Thủ tướng Ikeda Hayato (1960 – 1964) và đã trở thành cường quốc, hiện đứng thứ hai sau Mỹ về trình độ phát triển. Việt Nam quan hệ với Nhật Bản lúc đang kết thúc chiến tranh với Mỹ và chuẩn bị hàn gắn vết thương chiến tranh, hồi phục đất nước. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, nước ta gặp nhiều bất cập về trình độ quản lý, kết cấu hạ tầng và năng lực cán bộ còn yếu nên dẫn tới những bất lợi trong quan hệ với Nhật Bản.
Thứ hai, do sự khác biệt về chế độ chính trị đã dẫn tới cách nhìn nhận khác nhau về các vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế - xã hội. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn là vấn đề chính và gây nóng bỏng trong quan hệ Việt – Nhật. Hai nước này có cùng điều kiện tự nhiên (gần biển, nhiều tài nguyên), có vị trí chiến lược quan trọng nên dẫn tới sự khác biệt về quan điểm về lợi ích cũng như cách giải quyết vấn đề đó trong mối quan hệ hai nước và trường quốc tế. Và vấn đề đó cũng gây tác động không nhỏ đến quan hệ Việt – Nhật hiện nay.
Tóm lại ta có thể thấy rằng, việc Việt Nam thiết lập mối quan hệ lẫn nhau và những hoạt động của họ trong mối quan hệ này đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật phát triển mạnh lên tầm là Đối tác chiến lược của nhau trên trường quốc tế. Mặc dù gặp không ít những khó khăn và thách thức, nhưng nhìn chung thì Việt Nam có những phương sách, chiến lược phù hợp trong quá trình hội nhập quốc tế. Mục tiêu của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản là tranh thủ tình hình thế giới để mở cửa, học hỏi kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật để tăng cường hợp tác, liên kết với Nhật Bản, phát huy nội lực trong nước để đảm bảo nền độc lập và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó chính là nguyên tắc cơ bản, quyết định thành công trong quá trình hợp tác với Nhật Bản nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo:
1.      Akira, Irie (2012), Ngoại giao Nhật Bản: sự lựa chọn của Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa (Lê Thị Bình dịch), NXB Tri thức, Hà Nội.
2.      Thạch Anh (2013), Thúc đẩy quan hệ toàn diện Việt - Nhật http://phapluattp.vn/20130116110523851p0c1017/thuc-day-quan-he-toan-dien-vietnhat.htm
3.      Ngô Xuân Bình (1999), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN: chính sách và tài trợ ODA, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4.      Ngô Xuân Bình, Trần Quang Minh (2005), Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: quá khứ, hiện tại và tương lai, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
5.      Daily Report, FBIS – Southeast Asia, 25 August 1994
6.      Nguyễn Duy Dũng (2000), “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong thời kỳ Đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 3/2000.
7.      Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
8.      Dương Phú Hiệp, Ngô Xuân Bình, Trần Anh Phương, 25 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, NXB KHXH, Hà Nội.
9.      Hoàng Hồng (2008), “Cống hiến của những người Nhật “Việt Nam mới” với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam (1946 – 1954)”, Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học lần thứ 3, Đại học Quốc gia Hà Nội.
10. Nguyễn Quốc Hùng (2012), Lịch sử Nhật Bản, NXB Thế giới, Hà Nội.
11. Nguyễn Văn Kim (2003), Nhật Bản với châu Á: những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
12. Koffler, Jean (1911), Description historique de la Cochinchine, Revue Indochinoise.
13. Masaya, Shiraishi (1994), Japanese relations with Vietnam 1951 – 1987, bản dịch , NXB Khoa học Xã hội.
15. Sudo, Sueo (1992), The Fukuda Doctrine and ASEAN, ISEAS, Singapore.
16. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1960), Cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thế kỷ XIII, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
17. Trần Nam Tiến (2004), “30 năm quan hệ ngoại giao – chính trị Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2003): thành tựu và triển vọng”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 30 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2003): kết quả và triển vọng, NXB Khoa học Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh.

18. “Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (10/2011) giữa Việt Nam và Nhật Bản; báo Nhân dân, số 20509, ngày 1/11/2011.

Không có nhận xét nào: