Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Những đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt trong thời kỳ đầu của nền văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX

Bài tham luận Hội thảo khoa học: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chánh Sắt (1869 – 1947)
Đề tài: Những đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt trong thời kỳ đầu của nền văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX

Thái Nguyễn Đức Minh Quân[1]
Nhìn lại con đường phát triển phát triển của văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khó ai có thể quên được Nguyễn Chánh Sắt – một trong những nhà văn, nhà báo đầu tiên đi tiên phong trong việc cải cách và phát triển nền văn học Việt Nam thời cận đại. Ông là cây bút văn xuôi tiêu biểu nhất thời đó, có những đóng góp quan trọng vào việc nối liền hai bờ văn học cổ điển và văn học hiện đại. Trong bài viết này, tôi không có tham vọng tìm hiểu gần như là hết về cuộc đời, hoạt động của ông mà tôi chỉ nêu khái quát để từ đó rút ra những đóng góp quan trọng của ông trong văn đàn Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX. 
1. Nguyễn Chánh Sắt – tiểu sử và tác phẩm
Trước khi tìm hiểu về những đóng góp của ông trên văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, chúng ta tìm hiểu sơ lược về cuộc đời của ông. Nguyễn Chánh Sắt[2], tự là Bá Nghiêm và hiệu là Tân Châu, bút hiệu Du Nguyên Tử, Vĩnh An Hà; quê ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị xã Tân Châu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Thuở nhỏ, ông ở với cha là Nguyễn Văn Tài và mẹ (không rõ tên). Do gia đình quá nghèo, cha ông phải gửi ông làm con nuôi cho gia đình ông Nguyễn Văn Bửu, một gia đình khá giả trong xóm nhưng không con nối nghiệp. Đến tuổi đi học, ông theo học chữ Hán với thầy Trần Hữu Thường, rồi trường tiểu học Pháp – Việt ở Châu Đốc.
Sau khi đỗ bằng Tiểu học (gọi là Sơ học), ông vể quê cưới vợ và sau đó thì ở luôn tại nhà để trông nom nhà cửa, tự học thêm Pháp văn và Hán văn. Trong thời gian này, ông làm quen được với De Colbert, người quản lý sở Kén (nuôi tằm lấy tơ) ở Tân Châu. Do làm ăn thất bại nên vào năm 1896, De Colbert được Toàn quyền Đông Dương Rousseau cử làm quản đốc Côn Đảo thứ 20 thay thế Jacquet phải về nước. Nguyễn Chánh Sắt theo Colbert ra Côn Đảo làm thông ngôn. Ở đây, ông đã có dịp làm quen với các nhà chí sĩ yêu nước bị giam ở Côn Đảo và học thêm chữ Hán. Hai năm sau, De Colbert mất vì kiết lị ở Sài Gòn. Mất chỗ dựa, Nguyễn Chánh Sắt xin nghỉ việc ở Côn Đảo và trở về đất liền. Vì kinh tế khó khăn, ông đã phải xin đi làm công chức ở Sở Canh nông, Sở Địa chính, rồi sang dạy chữ Hán ở trường Trung học Taberd và một số trường học khác ở Sài Gòn.
Cuối năm 1898, ông vào giúp việc cho Canavaggio – một chủ báo người Pháp có thế lực, và được cai quản ruộng muối ở Bạc Liêu. Năm 1902, ông vào cộng tác cho tờ báo Nông cổ mín đàm, đến năm 1906 thì ông được chính phủ Pháp thưởng “Danh dụ bao tường” tại hội nghị triển lãm thuộc địa tổ chức tại Marseilles. Cùng năm 1906, ông quay ra cộng tác cho tờ Lục tỉnh Tân văn do Trần Chánh Chiếu đứng đầu, đồng thời tham gia phong trào Minh Tân (1906 – 1909) ở Nam Kỳ. Tuy không phải là nhà cách mạng chính của phong trào, nhưng trong lĩnh vực văn hóa – tư tưởng thì Nguyễn Chánh Sắt đã gặt hái những thành công nhất định. Trên các số báo của tờ Lục tỉnh tân văn, ông đã viết rất nhiều bài báo, đưa ra những đánh giá khá là chi tiết và đầy đủ những thuận lợi, yếu kém của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục…, viết những lời cổ động nhân dân theo phong trào Minh Tân và đồng thời đưa những kiến nghị của mình để đưa đất nước được phát triển hưng thịnh. Trong thời gian tham gia Minh Tân, ông cũng đã tham gia làm việc trong Nam Kỳ kỹ nghệ công ty, sản xuất xà bông hiệu “Con vịt” (carnard), rồi xuống Mỹ Tho lập khách sạn (Nam Trung khách sạn), tiệm cơm, bán rượu tây. Những cơ sở này ngoài việc dốc sức kinh doanh để tranh đoạt quyền lợi với người Pháp, Hoa kiều, thu vốn góp vào phong trào; đồng thời còn dùng làm nơi tụ họp đồng chí bạn hữu để che mắt chính quyền thực dân. Xà bông do công ty của ông thành lập cạnh trạnh hiệu quả với xà bông ngoại quốc; đồng thời Nam Trung khách sạn do ông mở cũng làm ăn rất phát đạt.
Cuối năm 1908, trước nguy cơ phát triển mạnh của phong trào, thực dân Pháp mới bắt tay với Nhật Bản để đàn áp khốc liệt. Không chống nổi, phong trào Đông Du đã tan rã và kéo theo đó là Minh Tân ở Nam Kỳ cũng tan rã theo. Năm 1909, thủ lĩnh phong trào Trần Chánh Chiếu và hơn 90 người khác bị bắt còn Nguyễn Chánh Sắt may mắn thoát được. Ông trở về Sài Gòn làm phụ tá cho tờ Nông cổ mín đàm của Canavaggio từ năm 1909 cho đến năm 1922, khi Canavaggio mất thì kiêm luôn chức chủ nhiệm tờ báo này. Ngoài viết báo, ông còn dịch thuật nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn như: Nhạc Phi (1905); Ngũ hổ bình Tây (1906), Kim cổ kỳ quan (1910), Càn Long du Giang Nam … ông cũng viết nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết như: Trinh hiệp lưỡng nữ (1915), Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920), Lòng người ham hiểm (1925)…; đồng thời quản lý luôn đoàn hát bội do Toàn quyền Pháp A. Sarraut đỡ đầu. Năm 1920 khi về quê, ông nhận chức Hương quản trong Ban quản trị đình xã Long Phú, dàn xếp thành công vụ án về kinh doanh của bạn bè ông ở kinh Thần Nông; còn lần đươc cử làm làm phụ thẩm toà Đại hình ở Sài Gòn. Năm 1933 khi hỏa hoạn làm thiêu rụi hết 20 nóc nhà lá của người dân ở Tân Châu, ông vận động bà con quyên góp được 500 đồng Đông Dương để khắc phục thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Khi tuổi già, ông về sống ẩn dật ở Tân Châu và qua đời ở đó vào ngày 6/6/1947.
Tóm lại, cuộc đời 78 năm của Nguyễn Chánh Sắt nắm trọn trong giai đoạn lịch sử bi hùng của Nam Kỳ lục tỉnh. Ông sinh ra vào lúc vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh đã rơi vào tay Pháp, khi ông mất thì cũng là lúc đất nước ta đang dồn sức khôi phục lại kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… chuẩn bị mọi mặt để ngăn chặn quân Pháp tái xâm lược Việt Nam lần 2 (1946 – 1954). Đây là giai đoạn cam go, đầy thử thách đối với bản lĩnh của quân và dân ta và khí phách của nhân dân, trí thức Nam Kỳ trước họa tái xâm lược của Pháp. Ông đã tiếp xúc nhiều người, làm nhiều nghề và đi nhiều nơi nhưng ông chưa bao giờ cam tâm cộng tác với Pháp và nếu có làm việc trong các cơ quan của Pháp ở Việt Nam, ông vẫn không một lòng một dạ phục vụ cho quan thầy Pháp mà vẫn chuyên tâm vào sự nghiệp cứu nước và giải phóng dân tộc, ủng hộ phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Hơn nữa, với các hoạt động trong phong trào Minh Tân Nam Kỳ (viết báo, hoạt động kinh tế - xã hội), viết các tiêu thuyết, truyện ngắn đã đủ để ông có chỗ đứng trong lịch sử.
2. Những đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt cho nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX
Trong suốt cuộc đời hoạt động văn học của mình, Nguyễn Chánh Sắt không có được vị trí tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh…, nhưng ông luôn xuất hiện ở vị trí là tâm điểm của các hoạt động văn học đầu thế kỷ XX: phong trào dịch truyện Trung Quốc, phong trào viết tiểu thuyết (về sau này), là gạch nối quan trọng vào việc nối liền hai bờ văn học cổ điển và văn học hiện đại. Những đóng góp quan trọng mà Nguyễn Chánh Sắt để lại cho nền văn học Việt Nam thời kỳ ấy thì như sau:
Đóng góp thứ nhất của Nguyễn Chánh Sắt vào sự phát triển của văn học Nam đầu thế kỷ XX đó là ông đã đem tới cho nền văn học, báo chí Việt Nam buổi giao thời những thể loại văn học rất phong phú mà ít có nhà văn nào của Việt Nam thời trước đó vượt qua được, đó là các thể loại như truyện dịch, truyện chí, tiểu thuyết (truyện dài), truyện ngắn…, nhưng nhiều nhất là truyện dịch, tiểu thuyết. Chúng ta có thể thấy điều này qua những tác phẩm ông để lại. Về thể loại truyện dịch, do ông là người rành tiếng Pháp, tiếng Hoa và thông thạo chữ Quốc ngữ nên ông đã dịch rất nhiều truyện của Trung Quốc mà số ít người Việt biết như Tam quốc diễn nghĩa (đăng trên tờ Nông cổ mín đàm 11/8/1901), Nhạc Phi (1905), Ngũ hổ bình Tây (1906), Tái sanh duyên (1906), Kim cổ kỳ quan (1910), Càn Long du Giang Nam… sang chữ Quốc ngữ để phổ biến cho toàn dân; riêng truyện dịch Tam quốc diễn nghĩa của ông đăng trên tờ Nông cổ mín đàm (và sau này là các tiểu thuyết của ông cũng đăng trên tờ báo này) đã khiến ông và người bạn văn của mình là Lê Hoằng Mưu trở thành những nhà văn danh tiếng của Nam Bộ thời đó. Nhà văn Sơn Nam có nhận xét: “Nông cổ mín đàm của Lương Khắc Ninh làm chủ biên dành quá nhiều chỗ cho truyện Tàu dịch ra chữ Quốc ngữ[3]. Nhận xét này quả là không sại, vì với việc dành nhiều trang cho tác phẩm Quốc ngữ đã khuyến khích trào lưu sáng tác văn học Quốc ngữ phát triển và tạo điều kiện cho chữ Quốc ngữ nhanh chóng lan truyền sang Nam Bộ; không ai khác – chính Nguyễn Chánh Sắt là người tiên phong và đầu tiên đã dịch tác phẩm Trung Quốc ra chữ Quốc ngữ đăng lên báo, khiến ông trở thành nhà văn nổi tiếng nhất Nam Bộ thời đó. Về sau khi phong trào dịch truyện Trung Quốc ngày càng lan mạnh dẫn đến nhiều người dân đọc xong là như sa vào mê tín, nên ông đã tìm một thể loại văn học mới để lôi kéo họ rời khỏi lối sống hư ảo và quay về hiện thực, và thể loại mà ông nhắm đến là tiểu thuyết. Trong lịch sử văn học Việt Nam cận – hiện đại, tiểu thuyết là một thể loại mới xuất hiện cách đây hơn 200 năm. Nguyễn Trọng Quản là người đầu tiên khai sinh thể loại tiểu thuyết với tác phẩm đầu tay của ông là Truyện thầy Lazaro Phiền (1887). Sự kiện này đánh dấu một sự phát triển từng bước từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại, nó như “một con chim lạ từ phương Tây đáp xuống một vùng đất còn vắng bóng đồng loại. Bởi lẽ đó, nó mới nổi lên như một ốc đảo chơi vơi nửa sau thế kỷ XIX không riêng ở Nam Kỳ mà cả Việt Nam[4]. Phải tới 20 năm sau, khi Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản và Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu (còn gọi là Trần Thiên Trung, 1910) ra đời thì tiểu thuyết mới phát triển, Đến thời Nguyễn Chánh Sắt, ông đã thừa kế các tác phẩm tiểu thuyết của người đi trước và sáng tác những tiểu thuyết mới hơn, sâu sắc hơn. Tiểu thuyết Trinh hiệp lưỡng nữ (1915) đầu tay của ông, đã được nhà xuất bản phát hành và được độc giả hưởng ứng rất nhiệt liệt. Từ đó, ông nổi danh với một cây bút sung sức và viết nhiều tiểu thuyết như: Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920), Gái trả thù cha (1920), Tình đời ấm lạnh (1922), Giang hồ nữ hiệp (1928)….
Đóng góp thứ hai của Nguyễn Chánh Sắt là ông mang đến cho nền văn học thời kỳ này một phong cách đậm chất Nam Bộ. Phong cách Nam Bộ của ông thể hiện rõ trong ngôn ngữ, tác phẩm, khung cảnh, con người Nam Bộ thời bấy giờ. Ông rất tinh ý, quan sát chi tiết hành động và cử chỉ của con người để từ đó đặt ra những cụm từ thích hợp đưa vào nội dung tác phẩm sao cho nó họp với đời sống phong phú của người Nam Bộ. Cụ thể, khi muốn thể hiện hành động vội vã thì ông dùng các cụm từ “lật đật lưởi đưởi, lập cập lưởi cưởi, dấp dính dấp dưởi; muốn thể hiện trạng thái bực bội thì ông dùng cụm từ: tấm tức tấm tưởi, bù xa bù xít, xầm xì xậm xịt; nói đến cái nghèo tận đáy xã hội thì ông viết “nghèo khô nghèo khiển, đó những cụm từ mà ngày nay vẫn còn xuất hiện ở vùng đồng quê Nam Bộ. Chúng ta nhận xét vấn đề này: các cụm từ đều bắt đầu bằng phụ âm, thường là 4 từ liên tiếp liền với nhau; phụ âm đó lặp lại liên tục trong cụm từ; ví dụ: tấm tức tấm tưởi”, lặp đi lặp lại phụ âm “t”, điều đó thể hiện trạng thái rất bực mình (có thể vì người khác làm việc gì đó quan trọng, khi làm xong đưa mình xem thì mình tỏ vẻ không bằng lòng; mình tức giận khi người ta nói xấu, nói móc… mình mà trong lúc đó mình không kịp phản ứng lại), bực lắm …. bực đến nỗi đầu của mình “bốc khói” luôn. Cụm từ: “nghèo khô nghèo khiển” cũng như thế, phản ánh tình cảnh cái nghèo xơ xác, cái nghèo luôn bám lấy cuộc đời con người và nghèo đồng nghĩa với khổ trong đạo Phật (con người sinh ra cái gì cũng khổ, suốt cuộc đời mình là khổ). Ngoài việc dùng từ miêu tả hành động, cử chỉ con người; ông còn dùng ngôn ngữ độc thoại (cho nhân vật tự nói lên suy nghĩ của mình khi họ chứng kiến một hiện tượng, một sự kiện gì đó đã và đang diễn ra trước mắt họ) để thể hiện rõ tính cách sinh động của nhân vật mà ông đề cập trong các tác phẩm của mình. Với nhân vật Đào Phi Đáng tính tình lẳng lơ, trắc nết thì ông viết: “Tôi lúc ấy còn khờ dại quá, nghe nói đem về cho tía má tôi, thì mừng không khóc nữa. Chẳng dè họ chèo thẳng lên Nam Vang (…) mà bán tôi cho một người đầu gà đít vịt, mà người ấy lại thương tôi lắm, ban đầu tôi còn nhớ cha tôi mà khóc hoài, sau họ dỗ dành ngon ngọt tôi, cho tôi ăn mặc phủ phê, lần lần nguôi ngoai nên tôi không khóc nữa. Tôi ở làm con nuôi người ấy được ba bốn năm, rủi sao cha mẹ nuôi tôi lại bị xuông dịch mà chết hết, làm cho tôi côi cút một mình, khách địa bơ vơ (Nghĩa hiệp kỳ duyên). Với hình ảnh người mẹ Nam Bộ đầy lòng yêu thương con cái, muốn con cái nên người thì ông viết: “Này con, má thấy Đỗ Khắc Xương thiệt má thương nó quá; thằng sao tuổi tuy nhỏ mà phẩm hạnh đoan trang, cử chỉ đàng hoàng, nói năng nho nhã; ngặt vì nhà nó nghèo, mà tánh cha con thì khó quá chứ phải tánh cha con mà cũng được như tánh má đây vậy, chẳng cần sự giàu nghèo, miễn là tài đức cho vẹn toàn là dủ, thì má gả con cho nó để hầu sửa trấp nưng khăn, cho tròn ơn tròn nghĩa” (Tài mạng tương đố).
Đóng góp thứ ba: Thông qua viết văn và dịch thuật tài liệu, Nguyễn Chánh Sắt cũng nhằm mục đích đưa chữ Quốc ngữ phổ biến cho toàn dân Nam Bộ, tuyên truyền lòng yêu nước và chống giặc ngoại xâm. Như chúng ta đã biết, xem qua giai đoạn văn học Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX trở về trước thì chịu ảnh hưởng của chữ Hán, chữ Nôm nên lối viết văn, hành văn có phần rơi vào thiên cổ, cổ điền và nội dung của nó mang đậm tính lễ giáo phong kiến, ít có tư tưởng tự do, dân chủ. Khi người Pháp đặt ách thống trị của mình trên toàn cõi Việt Nam thì chúng đã tuyên truyền và phổ biến chữ Quốc ngữ mà loại chữ này hầu như còn xa lạ với quần chúng, kể cả các nhà văn như Nguyễn Chánh Sắt cũng vậy. Do chưa quen với ngôn ngữ mới nên việc hành văn của ông có nhiều khó khăn: kết cấu, bố cục khá đơn điệu, hành văn thì lủng củng, không rõ ràng… những biểu hiện đó chỉ là thể hiện bước đầu chập chững, mò mẫm tiến sang cái mới. Nhưng nhờ tài năng và vốn hiểu biết của mình, ông đã tìm tòi, lần mò và cuối cùng đã cải tiến và biến tấu các đoạn văn, tác phẩm thành những tác phẩm hay, lôi cuốn người đọc vào xem, tìm tòi và học hỏi cách hành văn của ông mang đậm chất Nam Bộ. Qua các tác phẩm của ông, chữ Quốc ngữ dần lan truyền vào và phổ biến cho người dân Nam Bộ lúc đó. Các tác phẩm nổi tiếng của ông viết bằng chữ Quốc ngữ là: Nghĩa hiệp kỳ duyên, Trinh hiệp lưỡng nữ, Lòng người ham hiểm…  Thông qua các tác phẩm của mình, ông đã giáo dục người dân hướng thiện diệt ác, nhưng đồng thời cũng ám chỉ kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại ách thống trị của Pháp để giành độc lập cho dân tộc, đồng thời ông khuyến khích tuyên truyền tư tưởng, văn hóa mới cho người dân, giúp người dân tạo ra lối sống đa dạng và phong phú, mang đậm chất Nam Bộ.
Đóng góp thứ tư, ông là một trong những người đầu tiên khai sinh ra thể loại tiểu thuyết thời kỳ phôi thai và nâng nó lên một bước mới. Tiểu thuyết là một thể loại văn học mới, có từ cuối thế kỷ XIX với tác phẩm Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887), nhưng người viết tiểu thuyết sớm nhất và nhiều nhất thì có lẽ là Nguyễn Chánh Sắt mà thôi. Trong suốt cuộc đời làm tiểu thuyết của mình, ông đã viết hơn 10 tiểu thuyết (Nghĩa hiệp kỳ duyên, Gái trả thù cha, Tình đời ấm lạnh…). Trong số đó, “Nghĩa hiệp kỳ duyên” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, viết vào năm 1910. Lược truyện như sau:
“Đào Phi Đáng con khách trú Triều Châu mồ côi cha mẹ, ở với dì tại Cao Miên, Phi Đáng xinh đẹp nhưng tính lẳng lơ, mới 18 tuổi tự ý bỏ nhà đi xuống Châu Đốc ở. Tại Châu Đốc nàng quen với Lâm Trí Viễn học sinh lớp nhứt trường tiểu học Châu Đốc hai người vẫn thường hẹn hò tình tự như một đôi nhân tình.
Một hôm có tờ báo đăng lời rao tìm con như sau: “Tại Tân Châu có một người giàu to tên Trịnh Thế Xương, góa vợ, chỉ có một người con gái yêu tên Trịnh Phương Lang có một bớt son trên vai trái bị lạc hồi 6 tuổi, đến nay đã 12 năm. Ai tìm được đem đến sẽ được đền ơn hai ngàn đồng”.
Trí Viễn đọc tin ấy, nảy ra ý dùng Phi Đáng mạo làm Phương Lang để lãnh tiền thưởng, hai người đắc ý. Trí Viễn ăn cắp 300 đồng của cha mẹ, bỏ học dắt Phi Đáng lên Sài Gòn tìm đến Cao Quốc Thủ vừa học nghề thay răng ở Mĩ quốc về để làm cái bớt son giả cho Phi Đáng. Xong, Trí Viễn lập mưu gởi thơ cho Thế Xương cho biết rằng đã tìm được con gái ông. Thế Xương mắc kế, đem Phi Đáng về làm con.
Tại Tri Tôn, có Trần Trọng Nghĩa vừa đổi về làm thông ngôn tại nhà Giây thép. Một ngày chủ nhật, nhân đi săn bắn, Trọng Nghĩa bắn chết hai con beo đang rượt một cô gái và giải cứu được nàng. Thấy cô gái ở miền quê mà xinh đẹp, thanh lịch, Trọng Nghĩa lấy làm lạ và thầm yêu. Sau Trọng Nghĩa biết được lai lịch cô gái chăn trâu vốn là người Việt, mẹ mất sớm, do một cơn hỏa hoạn lạc cha hồi 6 tuổi, em bị đem bán cho tên Thổ tên Thạch Ung, hắn đặt tên cô là Chăng Cà Mum. Thạch Ung đày đọa Chăng Cà Mum nhiều bề, Chăng Cà Mum mong có ngày trốn thoát khỏi gia đình này.
Chủ nhật hàng tuần, Trọng Nghĩa đem tập bài, viết, mực giả đi săn nhưng thực sự đến dạy Chăng Cà Mum, hai người thân thiết và kính trọng nhau. Thạch Ung lại ép gả Chăng Cà Mum cho con trai là Thạch Quít. Chăng Cà Mum trốn, Trọng Nghĩa giúp đỡ bằng cách gởi cho ông Trịnh Thế Xương nhân dịp ông đi chơi núi Cô Tô. Thế Xương nhân từ thương mến Chăng Cà Mum, nhận làm con nuôi và đặt tên là Thị Quế”. Nhưng Phi Đáng (Phương Lang giả) ngờ Chăng Cà Mum là Phương Lang thiệt, sợ cơ mưu của mình bại lộ, nên cố tìm cách hãm hại Thị Quế.
Thị Quế tỏ ra hiếu hạnh, chăm lo nội trợ, tôi tớ trong nhà cũng mến nàng. Nhân Triệu Bất Thành cháu gọi Thế Xương bằng cậu ăn cắp 1000 đồng của ông, Phi Đáng vu cho Thị Quế lấy. Uất ức, nàng bỏ nhà ra đi, để lại một phong thư nói rõ nguyên nhân. Thế Xương buồn rầu cho người tìm kiếm. Chăng Cà Mum nhờ người giúp việc thân tín là Thị Phụng cho tá túc ở nhà mẹ mình. Ngờ đâu Thạch Quít gặp Chăng Cà Mum tại nhà này, bèn bắt nàng đem nhốt dưới khoang ghe định chở về Tri Tôn làm vợ. Trọng Nghĩa đến nơi kịp thời, đánh Thạch Quít, cứu được Chăng Cà Mum. Cùng lúc ấy, ông Thế Xương trên đường sang Châu Đốc thăm Trọng Nghĩa (lúc này Trọng Nghĩa đã đổi về làm việc ở Châu Đốc), cả ba gặp nhau. Họ định bắt Thạch Quít thì hắn khai tông tích Chăng Cà Mum. Thế Xương sửng sốt, vạch vai Chăng Cà Mum thì thấy có bớt son. Thế Xương mừng rỡ đem con về.
Tuy Thế Xương không hề nói ra, Phi Đáng biết mưu đã bại lộ, một đêm Phi Đáng gom hết tư trang, áo quần bỏ nhà trốn đi. Phi Đáng tìm Lâm Trí Viễn, nhưng đến nhà thì hắn ta đã chết, y thị hết tiền, rồi bịnh hoạn cũng chết sau đó mấy năm.
Thế Xương gả Phương Lang (Chăng Cà Mum) cho Trọng Nghĩa, vợ chồng sinh được hai trai, hai gái, họ sống hạnh phúc với con ngoan, học giỏi. Còn Thị Phụng kết duyên với Mốc (người giúp việc của Trọng Nghĩa), vợ chồng sinh được một trai một gái. Con gái của Phương Lang và Thị Phụng được du học ở Tunisie và Pháp.
Hai gia đình sống trong hạnh phúc cho đến già[5].
Với cốt truyện như trên thì Chăng Cà Mum trở thành tác phẩm rất nổi tiếng trên văn đàn nước ta đầu thế kỷ XX. Chăng Cà Mum đã trở thành nhân vật có thật, đã sống rất lâu, rất sâu trong cảm thụ nghệ thuật của quần chúng. Do đó, nhiều người gọi Nguyễn Chánh Sắt là “Ông Chăng Cà Mum báo Nông cổ Mín đàm” (Monsieur Chăng Cà Mum báo Nông cổ Mín đàm).
Đóng góp thứ năm của ông trên văn đàn Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX là ông đưa đến cho nền văn học Việt Nam khuynh hướng mới, khuynh hướng hiện thực, luân lý. Từ chỗ chỉ sáng tạo dựa theo kinh nghiệm đọc, hư cấu của người dân, ông bắt đầu đưa vào tác phẩm của mình khuynh hướng hiện thực đời thường của người dân; sáng tạo dựa trên sự quan sát, cảm nhận tinh tế về cuộc sống hiện tại của người dân. Thế giới hư ảo, viễn tưởng trong truyện của Trung Quốc được ông đưa trở về thế giới thực, trở về xã hội thực đầy giông bão phũ phàng với xúc cảm mang màu sắc lãng mạn. Ví dụ, ở truyện Nghĩa hiệp kỳ duyên”, ông viết: “Tại Tân Châu, có một người giàu có lớn là Trịnh Thế Xương, sự nghiệp đáng trăm muôn, vợ mất sớm, có để lại một đứa con gái (…) là Trịnh Phương Lang (…) lúc mới lên sáu tuổi bị hoả tai nên lạc mất. Từ đó đến nay đã ngót 12 năm, biệt tích vắng tăm, không ai tìm được”. Trong Tài mạng tương đồ, ông viết về ông Đỗ Khắc Thới, một “hào hộ phú gia” ở Chợ Gạo “nhưng bởi tánh ông từ thiện, chẳng khổ khắc và sâu mọt của ai, mà ông chỉ bố thí ra hoài (…) lại thêm luôn mãi 4 năm trời, mùa màng thất bát, cho nên gia vận phải suy vi, lần lần ruộng đất tiêu mòn”, sau đó lâm trọng bệnh đành cầm nhà bán ruộng để thuốc thang mà vẫn không qua khỏi”. Tất cả đều phản ánh một phương diện có thực vào những năm đầu thế kỷ XX, buổi giao thời đang trên đường tư sản hóa đã làm đảo lộn cuộc sống nhiều gia đình, thay đổi nhiều thân phận, nhất là đối với tầng lớp quan lại, trung lưu. Nguyễn Chánh Sắt “ngậm ngùi, chép miệng than dài” về sự đau khổ, đổ vỡ, sự không hài hoà giữa con người và xã hội: “Những kẻ có chí lo đời thường bị việc rủi ro, cho đến nỗi phải bại gia tán sản. Còn những kẻ khán tài nô cùng những phường công tử bột thì ăn sung mặc sướng, xuống ngựa lên xe, kẻ thì đem bạc vạn mà chôn theo mấy đám trăng hoa, người thì vác bạc muôn đi thua cờ bạc… vô ác bất vi”. Hiện thực ấy tuy chưa phong phú rộng rãi so với vài tác phẩm cùng thời nhưng vẫn có giá trị nhận thức, có tác dụng chuẩn bị cho dòng văn học hiện thực phê phán sau này. Ngoài ra, các tác phẩm của ông mang tính luân lý cao: phê phán bọn nhà giàu bất lương, bênh vực người nghèo khổ và đề cao khát vọng tự do, công bằng xã hội; thể hiện rõ trong cách chọn tên tác phẩm (Nghĩa hiệp kỳ duyên, Một đôi hiệp khách, Tài mạng tương đố, Lòng người nham hiểm…); ở cách chọn tên nhân vật (người tốt gồm những Trọng Luân, Trọng Nghĩa, Hữu Chí, Chấn Quốc, Hạo Nhiên, Ngươn Kiệt; kẻ xấu là bọn Hữu Chanh, Tám Chĩnh, Câu Bảy, Thị Bườn, Phi Đáng; con gái đẹp nết, đẹp người được gọi Xuân Lan, Thu Cúc, Mộ Trinh, Lệ Dung…); ở lối kết thúc có hậu trong cảnh đại đoàn viên. Nhân vật chính trong tác phẩm Nguyễn Chánh Sắt.
Đóng góp thứ sáu, thông qua các tác phẩm của mình (đặc biệt là những bài viết trên báo chí: Nông cổ mín đàm), ông đã đấu tranh chống tư tưởng cổ hủ, lạc hậu và đề ra tư tưởng mới, tiến bộ. Ông tuyên truyền vào trong lòng người dân những tư tưởng mới, tiến bộ đó là tư tưởng diệt ác, hướng thiện và hướng con người vào lối sống mới, cách sống mới tiến bộ theo kiểu của phương Tây, thể hiện trong các tác phẩm: Nghĩa hiệp kỳ duyên, Chăng Cà Mum…, nhưng lối sống của họ phải phù hợp với đạo đức, văn hóa của người bản địa (đặc biệt là người Nam Bộ, với lối sống tự do, hiền hòa và phong phú). Tuy nhiên, những nội dung trên của ông phản ánh về các tác phẩm văn học cũng không bằng các bài viết mà ông viết trên báo chí, đặc biệt là viết cho tờ Nông cổ mín đàm. Đầu thế kỷ XX, khi phong trào Đông Du ở Trung – Bắc Kỳ đang nổi lên mạnh mẽ thì ở miền Nam, Trần Chánh Chiếu (hay Trần Thiên Trung) cùng các bạn văn cùng chí hướng (trong đó có Nguyễn Chánh Sắt) khai sáng ra Hội Minh Tân, có phạm vi hoạt động lan đến tận các tỉnh ở Nam Kỳ (1901 – 1909). Tờ báo tiêu biểu của Hội là Nông cổ mín đàm, và Nguyễn Chánh Sắt được xem là cây bút hoạt động mạnh nhất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông phê phán nền nông nghiệp manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, công nghệ không được mở mang…., và kêu gọi người dân lo học tập kỹ thuật – công nghệ của phương Tây, chế tạo ra những đồ vật phù hợp với công việc của mình, và “Vả nay ta sanh nhằm thế kỷ thứ 20, là đời cạnh tranh thế giới, vận hội đã đổi xây, thì ta cũng phải chìu theo lối theo thời, học những khoa chuyên môn tân học, thì mới thích hạp thời nghi và mới mong chen chân vào cái địa vị ấy được, chớ miệng thì nói cho kêu, mà kỳ trung thiệt vô nhứt sách, cứ theo tục cũ mà làm, thì có thể nào mà ước trông cho được cái điều hy vọng ấy bao giờ!” (Nông thương thiệt luận. NCMĐ, số 2, 1917). Về thủ công nghiệp thì ông kêu gọi phát triển nghề kim hoàn, lập các Tổng hội và tổ chức các cuộc đấu tranh để giành lại quyền lợi trong xứ từ tay Hoa kiều thông qua việc thành lập vựa lúa, ngân hàng và hải cảng, đó là: 1- NAM KỲ NÔNG NGHIỆP TƯƠNG TẾ TỔNG CUỘC (hãng lúa); 2- NAM VIỆT NGÂN HÀNG (hãng bạc); 3- NAM VIỆT LUÂN THOÀN CÔNG TY (hãng tàu). Ông cũng hết sức đề cao vai trò của phụ nữ thông qua thành lập tờ Nữ giới chung – tờ báo dành riêng cho phụ nữ; cổ động giáo dục….
Tóm lại, qua việc tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Chánh Sắt trên văn đàn Việt Nam (đặc biệt là Nam Bộ) đầu thế kỷ XX, ta thấy ông là người đa tài, biết nhiều ngoại ngữ và có công rất lớn trong việc phát triển lĩnh vực tiểu thuyết thời kỳ phôi thai – sang một bước tiến mới; đồng thời những đóng góp trên của ông cũng tạo cho ông với mệnh danh là người đặt viên gạch đầu tiên nối liền 2 dòng văn học cổ điển và hiện đại, giúp văn học Việt Nam tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân và phát triển mạnh cho đến ngày hôm nay. Và tất nhiên, do khuôn khổ bài viết này có hạn và nguồn tài liệu bị hạn hẹp nên bài viết về Nguyễn Chánh Sắt mà tác giả trình bày ở đây có phần chưa hoàn chỉnh, nhiều chỗ chưa được chuẩn xác về nội dung cũng như cách tiếp cận vấn đề không được sâu sát và cụ thể. Tác giả rất mong bài viết này sẽ nhận được sự góp ý của độc giả để cho bài viết được hoàn thiện hơn.



Tài liệu tham khảo:
  1. Bằng Giang (1992), Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Việt Long Giang (1965), “Danh nhân Tân Châu: Ông Nguyễn Chánh Sắt – một nhà văn tiền phong của miền Nam”, Tạp chí Phổ thông, số 142, xuân Ất Tỵ 1965.
  3. Nguyễn Văn Hà (2009), Nguyễn Chánh Sắt trong hành trình văn xuối Quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XXhttp://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=491:nguyn-chanh-st-trong-hanh-trinh-vn-xuoi-quc-ng-nam-b-u-th-k-xx&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106
  4. Nguyễn Văn Hà (2011), “Tư tưởng Minh Tân của Nguyễn Chánh Sắt”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7.
  5. Nguyễn Kiểm và Huỳnh Minh (2003), Tân Châu xưa, Nhà xuất bản Thanh Niên, Tp. Hồ Chí Minh.
  6. Báo Nông cổ mín đàm, số 1, trang 1, năm 1901
  7. Võ Văn Nhơn (2006), “Báo chí Quốc ngữ Latinh với sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, Tạp chí phát triển khoa học – công nghệ, tập 9, Đại học khoa học xã hội – nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.
  8. Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Bá Thế (1992), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  9. Hồ Hữu Tường (1972), “Về tên đúng của Sương Nguyệt Anh”, Tạp chí Bách khoa, số ra tháng 12/1972.





[1] Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Thực ra, tên ông có nghĩa là “người họ Nguyễn có tấm lòng chính trực và rất sắt, chắc chắn và không thay đổi”. Nhiều người khi đọc tác phẩm ông đang trên báo đều thấy ông ký tên “Nguyễn Chánh Sắt”, mới có ý dè bỉu ông, bảo ông đổi thành tên “Sắc” mới đúng vì tên này viết sai chính tả. Ông vặn lại và nói rằng: Sai thì ông biện làng đã sai chứ tại sao mà nổ lên công kích ông là nạn nhân của sự sai lầm của người khác ? Như vậy, ông là một công dân tốt, đọc và chép đúng giấy tờ mà thôi [Hồ Hữu Tường, tr. 15 – 16].
[3] Sơn Nam (1997), “Báo chí Sài Gòn xưa”, Tạp chí Văn hóa – nghệ thuật, số 6/1997, tr. 36.
[4] Bằng Giang (1992), Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 403.

Không có nhận xét nào: