Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam với sự thức tỉnh của nhân dân châu Phi thuộc địa

Đề tài: Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam với sự thức tỉnh của nhân dân châu Phi thuộc địa

Thái Nguyễn Đức Minh Quân – Đại học Sài Gòn, tham luận ở DH Huế

1. Từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, hầu hết các quốc gia Á – Phi – Mỹ latinh đều bị các nước thực dân phương Tây là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… xâm chiếm làm thuộc địa (colonies). Tuy nhiên, do châu Phi là một châu lục rất rộng lớn (30 triệu km2) với hàng nghìn bộ tộc sinh sống nên bản thân mỗi cường quốc không thể nào độc chiếm toàn châu Phi được, nên các cường quốc đã phân tách châu lục này thành nhiều vùng ảnh hưởng (hay thuộc địa – colonies). Biết được điều này, Thủ tướng Đức Bismarck triệu tập Hội nghị Berlin (1884) về việc phân tách châu Phi thành các vùng ảnh hưởng của các cường quốc. Sau nhiều lần tranh luận (thậm chí là tấn công nhau – như vụ của Anh và Pháp ở làng Phasoda 1894) thì đến năm 1900, lãnh thổ châu Phi được các cường quốc phân chia xong.
Sau khi đã phân chia xong thuộc địa, các cường quốc phương Tây bắt đầu cai trị châu Phi. Với chính trị, các nước đế quốc sắp đặt việc tổ chức cai trị khá hiệu quả. Mặc dù có sự khác biệt về hình thức cai trị như kiểu cai trị “trực tiếp” của Pháp hay “gián tiếp” của Anh, nhưng về bản chất thì chúng giống nhau với mục đích duy nhất là bóc lột và khai thác thuộc địa. Đế quốc tăng cường đưa người của chính quốc sang làm các chức như “thống đốc”, “thống sứ” rồi “công sứ” và trao cho bọn này nhiều quyền lợi đặc biệt hơn quan chức bản xứ được chúng đề cử - thực chất những vị quan chức bản xứ này chỉ là “bù nhìn” của đế quốc, chịu sự sai khiến của đế quốc để bóc lột tàn bạo sức người, sức của của thuộc địa; thậm chí còn cam tâm làm tay sai giúp đế quốc đàn áp đẫm máu các phong trào đấu tranh của nhân dân như phong trào nhân dân ở Algeria của Abdel Kader (1830 – 1847), phong trào đấu tranh ở Tây Phi thuộc Pháp; phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Soudan thuộc Anh – Ai Cập (1885 – 1899)…
Chúng ta lấy hệ thống thuộc địa của Pháp làm ví dụ. Giống như đế quốc Anh, Pháp có hệ thống thuộc địa lớn thứ hai trên châu Phi gồm Tây Phi, Algeria, châu Phi xích đạo, dân số thì chiếm 1/4 toàn châu Phi. Bộ máy chính quyền của Pháp được thiết lập rất chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, cử những người từ chính quốc hoặc người bản xứ thân đế quốc nắm chính quyền. Nó là công cụ đắc lực và hiệu quả của chủ nghĩa đế quốc với việc đàn áp nhân dân thuộc địa, thi hành cuộc khai thác thuộc địa để vơ vét, bóc lột thuộc địa của chúng.
Để bảo đảm cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, chính quyền thực dân đã lập ra một lực lượng quân sự khổng lồ với nhiều thành phần khác nhau. Chúng ta lấy quân đội Pháp làm ví dụ. Theo thống kê của Nguyễn Ái Quốc thì trong Thế chiến thứ nhất, tổng số quân chiếm đóng ở các thuộc địa của Pháp là 63.220 người, đó là chưa kể những trại lính ở khu vực ủy trụ là Togo và Cameroon với quân số 1.712 người[1]. Chức năng chính của lực lượng quân sự thuộc địa (dù là chính quy hay dự bị) này là tuân theo lệnh của chính quyền thực dân để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân bản xứ, xâm lược và chiếm đóng các thuộc địa khác. Một điểm lưu ý là thực dân xây dựng quân đội dựa trên sự khác biệt về dân tộc để sử dụng lực lượng này làm nhiệm vụ trấn áp các cuộc nổi dậy chống thực dân. Lợi dụng sự khác biệt dân tộc, chủ nghĩa thực dân – như cách nói của nhà yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc – đã “tung những người vô sản ở thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác…. Chiến công đáng buồn của người Senegal là đã giúp bọn quân phiệt Pháp giết hại anh em của mình ở Congo, Sudan, Dahomey, Madagasca. Người Algeria đã sang đánh Đông Dương. Người An Nam thì sang đóng đồn canh phòng ở châu Phi, vân vân và vân vân”[2].
Để xây dựng quân đội thuộc địa, thực dân thi hành chính sách binh dịch nặng nề với người bản xứ. Thời hạn tại ngũ của người Việt Nam là 4 năm, Algeria 3 năm, trong khi đó công dân Pháp thì được tại ngũ 18 tháng. Để thi hành, chính quyền định ra số lượng cư dân phải đăng lính thường niên ở địa phương. Các địa phương có nhiệm vụ kêu gọi người dân tình nguyện, hoặc cưỡng bức họ đi lính cho chính quyền thực dân.
Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc nói rõ về chế độ bắt lính như sau:
“Có rất nhiều thủ đoạn để bắt lính. Thủ đoạn sau đây tỏ ra nhanh và tiện nhất:
Lấy dây chăng ngang hai đầu con đường chính trong làng lại. Thế là tất cả những người da đen ở vào giữa đều coi như chính thức phải tòng quân.
Một nhân chứng đã viết cho chúng tôi như sau: “Giữa trưa ngảy 3/3/1923, bọn hiến binh vây ráp các bến cảng Ruyphixcơ (Roufisk) và Daca rồi tóm tất cả những người bản xứ làm việc ở đó. Những anh chàng này vi không tỏ vẻ sốt sắng đi bảo vệ văn minh ngay, nên người ta rước họ lên ô to cam-nhông mời về nhà lao. Ở đấy sau khi họ có đủ thời giờ để thay đổi ý kiến rồi, người ta mới đưa họ sang trại lính”[3].
Khi bị bắt làm lính, người dân thuộc địa thì bị nhốt riêng trong các nhà lao thực dân, bị xiềng xích không được tự do. Hơn nữa, họ lại được cấp “thẻ môn bài” (ghi họ tên, nhân thân), bị đối xử tàn tệ và luôn bị thực dân nhồi nhét vào đầu tư tưởng cái gọi là “khai hóa văn minh” cho chính quyền thực dân khi bình định các thuộc địa mới. Chính vì sự đối xử tàn tệ đó, nên người dân thuộc địa ý thức được thân phận mất nước của mình và căm thù gấp bội bọn thực dân cướp nước. Hơn nữa, Lenin cũng chỉ ra rằng: “Sự di chuyển thường xảy ra của công nhân ở công xưởng nay sang công xưởng khác đã tập cho họ thói quen so sánh, đối chiếu những điều kiện và chế độ hiện hành ở các xí nghiệp khác nhau, khiến họ nhận rõ rằng ách bóc lột ở tất cả các xí nghiệp đều giống nhau, khiến họ học được kinh nghiệm mà những công nhân khác đã thu được trong các cuộc xung đột với nhà tư bản, do đó, tăng cường tình đoàn kết giữa họ với nhau”[4].
Từ khía cạnh này, đối với người dân thuộc địa châu Phi thì cũng chung một ý nghĩ tương tự. Họ nhận thức được thân phận mất nước, mất tự do ở nước mình; họ cũng thông cảm cho nỗi mất nước của những người dân ở các thuộc địa khác cũng do Pháp thống trị (nhất là Đông Dương thuộc Pháp, trong đó có Việt Nam) và tất nhiên họ nhận ra được kẻ thù chung của mình, từ đó cùng đoàn kết, sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung đó. Theo dõi tình hình thế giới – tiêu biểu là Hồng quân Liên Xô và Đồng minh đánh bại quân phát xít, nhiều người dân thuộc địa Á – Phi và Mỹ latinh lợi dụng “khoảng trống quyền lực”[5] mà bọn đế quốc để lại, nổi dậy giành độc lập và lập chính quyền nhân dân như cách mạng tháng 8 ở Indonesia, Việt Nam; cách mạng Tula ở Lào (tháng 10/1945)…
2. Nhưng, nuôi tham vọng muốn trở lại thống trị thuộc địa Việt Nam, chính phủ lưu vong Pháp De Gaulle đã ra tuyên bố ở Algeria (12/1943) là sẽ “giải phóng Đông Dương”[6], trong đó có Việt Nam khỏi quyền cai trị của “cộng sản”. Chính quyền Mỹ do Roosevelt đứng đầu đã phản đối kịch liệt, quyết tâm biến Đông Dương thành “khu ủy trị” thuộc ảnh hưởng của 4 nước là Philippines (thuộc Mỹ), Trung Hoa, Pháp và Liên Xô. Nhưng về sau do ảnh hưởng ngày càng lớn của CNXH do Liên Xô lãnh đạo sang tận Đông Nam Á, Tổng thống Mỹ là Truman đã “quay ngoắt 1800[7] chiến lược của mình, ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương. Theo lệnh của Đồng minh (chủ yếu là Mỹ), Pháp thành lập ngay đạo quân viễn chinh do Leclerc chỉ huy sang xâm lược lại Việt Nam. “Việc đưa một đạo quân viển chinh đến, không nghi ngờ gì nữa, là điều kiện đầu tiên cho việc trở lại Đông Dương”[8].
Tuy nhiên khi trở lại xâm lược Việt Nam, chúng muốn thi hành chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” để mong chiếm lại được Việt Nam như lần đầu tiên chúng tấn công Đà Nẵng tháng 9/1858. Thế nhưng, quân dân Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, cộng với sách lược “kháng chiến kiến quốc” mà Tổng Bí thư Trường Chinh nêu ra trong tập tài liệu Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947) đã đánh giặc lâu dài, dùng chiến thuật du kích chiến kết hợp nửa vận động chiến giáng cho quân giặc những đòn thất bại nặng nề ở trận Việt Bắc (1947), Biên giới (1950), Hòa Bình (1952)… Càng thua trận, Pháp càng lúng túng trong chiến lược của mình, thay đổi liên tục chính phủ và Tổng chỉ huy Pháp Đông Dương[9] và quân số đang giảm sút dần. Để cứu vãn, chúng buộc phải vét hết dân bản xứ để tăng quân số mà người Phi là chúng bắt lính nhiều nhất. Ở các nước châu Phi, Pháp tiến hành quân dịch nặng nề, bắt dân đang thất nghiệp đăng lính. Bọn chúng cân người như là “cân thú vật” (từ dùng của PGS Võ Thị Kim Cương) và trả 1 kg là 1.000 franc; nhờ đó mà số lính Phi sang Đông Dương để làm “lính Lê dương” (legion) cho Pháp ngày càng nhiều. Theo con số thống kê mà P. Rocolle trong cuốn luận văn tiến sĩ (1968) được in thành sách với nhan đề Vì sao Điện Biên Phủ ? (Pouquoi Diên Bien Phu ?), tính đến tháng 1/1953, trong đội quân viễn chinh của Pháp là có 30.000 lính Bắc Phi (Algeria, Maroc), 18.000 lính Tây – Trung Phi. Và tính riêng đội quân lính Phi tham chiến Điện Biên Phủ vào tháng 3/1954 là 4 tiểu đoàn bộ binh (3 tiểu đoàn người Algeria, 1 tiểu đoàn người Maroc) và 1 tiểu đoàn pháo binh người Maroc. Đấy là chưa kể một đội quân người Việt khổng lồ gồm hàng vạn người mà đế quốc thường xuyên chuẩn bị để đảm bảo cuộc chiến.
Đã dấn thân vào đánh nhau ở xứ người, binh lính người Phi chịu sự cai trị khắc nghiệt của bọn chỉ huy thực dân và bị phân biệt đối xử nặng nề. Trong các trại lính thuộc địa, những người lính da màu phải chịu sự cai quản của chỉ huy da trắng, làm đủ việc mà chỉ huy giao (ngay cả đánh nhau ở nơi xa lạ). Hơn nữa, chế độ đãi ngộ quân ngũ của họ không bao giờ bình đẳng như lính da trắng. Họ bị bắt đi đánh ở nơi đất lạ quê người, mà lại đánh ở địa hình phức tạp và nhiều nguy hiểm như ở nước ta rất có hại cho sức khỏe và tinh thần chiến đấu. Với lại, binh lính người Phi cũng không có lý tưởng chiến đấu. Nhiều người lính ra trận chiến đấu theo lệnh thực dân, nhưng họ không biết phải chiến đấu vì cái gì ? Cái gì thôi thúc, lôi kéo họ chiến đấu chống giặc (chính là những người cùng là vô sản như họ) ? Quả là câu hỏi khó trả lời. Để khuếch trương tinh thần binh lính, chính quyền thực dân tiến hành lừa bịp họ. Trong nhật lệnh của mình thì các tướng Pháp (tiêu biểu là Navarre) luôn hô “Bớ ba quân ! Bớ ba quân ! – một câu khẩu hiệu có từ thời Napoleon III còn lưu truyền. Khuếch trương tinh thần cho người lính đi “khai hóa văn minh” (thực chất là phá hoại – tàn sát văn minh bản xứ); đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu bằng hình tượng người phụ nữ truyền thống. Chính các chuyên gia tâm lý Pháp nghe theo lệnh của “quan thầy” Pháp đã lợi dụng tâm lý “mong muốn chiến thắng” của binh lính Pháp thuộc địa đã dùng hình ảnh đàn bà – “Chiến thắng là con đàn bà” (từ dùng của Navarre) mà đặt tên các cứ điểm ở Điện Biên Phủ như Beatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập), Clodine (hầm De Castries ở Mường Thanh)[10]…. Nhờ đó mà binh lính có động lực để chiến đấu, nhưng đa số thì nhận ra bộ mặt thật của chúng và căm thù sâu sắc bọn thực dân Pháp. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, họ đã tỉnh ngộ. Nhờ có chính sách khoan hồng của ta, hàng binh người Phi đã giác ngộ. Nhiều người còn hứa sẽ theo tấm gương Việt Nam. Từ 1950 – 1954, ta tiến hành nhiều đợt trao trả tù binh Phi về nước. Năm 1953, ta thực hiện 4 đợt trao trả tù – hàng binh về nước. Tại nơi trao trả, tù binh Phi cử đại biểu đi cảm ơn Chính phủ ta; thậm chí một số người còn hứa “một khi về đến xứ sở, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống thực dân áp bức”[11].
Hơn nữa, chính việc bắt lính thuộc địa của đế quốc đã có tác động tích cực. Là người dân mất nước, sau khi tham gia đội quân thực dân thì họ học được “cách sử dụng vũ khí”, các vấn đề về tổ chức tác chiến để sau này áp dụng trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân.
Chính vì thắng lợi vẻ vang của Việt Nam sau Điện Biên Phủ đã tác động sâu sắc đến ý thức dân tộc của người châu Phi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Hội nghị Geneve, khi phái đoàn của ta đến đàm phán ở Hội nghị thì đã có nhiều phái đoàn, nhiều bạn bè từ châu Phi đến. Họ bày tỏ sự đồng tình, mến phục, ủng hộ sự nghiệp giải phóng ở Việt Nam[12]. Đồng thời, những cán bộ cốt cán của các chính đảng vô sản (hay tư sản) ở châu Phi đã lưu lại để học hỏi, noi gương Việt Nam để sau này trở về nước, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Chính nhân dân châu Phi đã xác nhận công lao to lớn của Việt Nam trong việc rèn luyện binh pháp, kinh nghiệm và nhân cách cách mạng cho các cán bộ cốt cán của họ: tại Hội nghị hòa bình Helsinki năm 1965, một đại biểu người Algeria đã nói: “Xin cám ơn nhân dân Việt Nam đã giúp chúng tôi những cán bộ tốt, có tinh thần phấn đấu cao và giàu kinh nghiệm”. Một quan sát viên người Tây Đức khi đến thăm Algeria trong khi chiến sự Pháp – Algeria diễn ra ác liệt, đã nhận định: “hầu hết những quân nhân (người Algeria, M.Q chú) đều giàu kinh nghiệm trong chiến tranh Đông Dương”, nhiều người đảm nhận vị trí lãnh đạo quân đội – có vai trò quan trong trong việc vạch chiến lược cách mạng, phương thức đấu tranh để giải phóng dân tộc.
3. Từ sau Điện Biên Phủ, không khí cách mang giải phóng dân tộc đang tràn ngập trên toàn lục địa Phi. Tại hàng loạt nước, nhân dân đã đứng lên giành độc lập, giành tự do cho mình. Chiến thắng Điện Biên Phủ như một làn sóng cách mạng bao trùm khắp nước Algeria. Tại thủ đô Alger, người dân xuống đường mít tinh và hô vang khẩu hiệu Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện  Biên Phủ”; các món ăn của họ đều đặt tên là “món Điện Biên Phủ. Trong lúc này, Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria do Houari Boumedien lãnh đạo, đã ra đời và nhận được sự ủng hộ của nhân dân cả nước Algeria. Tại buổi ra mắt quốc dân, Mặt trận ra tuyên bố: “Những quan hệ thân thiện và hợp tác có lợi về các mặt kinh tế và văn hóa sẽ được thiết lập giữa An-giê-ri và nước Pháp nếu Chính phủ Pháp chịu từ bỏ chính sách thực dân của mình và chịu để An-giê-ri thực hiện quyền độc lập hoàn toàn và đầy đủ của họ. Còn nếu Chính phủ Pháp cứ đợi có một trận “Điện Biên Phủ An-giê-ri” để rồi ăn năn hối lỗi thì quan hệ giữa Pháp và An-giê-ri sẽ mãi mãi bị đứt đoạn[13]. Để đối phó với cách mạng Algeria, De Gaulle đã phải tuyên bố độc lập cho Maroc và Tunisia; và sau là Guinea (1958) để huy động quân vào đàn áp khốc liệt. Những cuộc chiến đấu liên tục làm tinh thần địch suy yếu, thua trận liên tiếp. Thấy không thể giữ nổi thuộc địa Algeria, De Gaulle đã phải ký hiệp định Evian trao trả độc lập cho nước này (1962). Nói tới thắng lợi này, Abdelkader Bensalah - Chủ tịch Thượng viện Algeria - cho rằng: “Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algeria lại không thể ? [14].
Sau sự kiện Algeria độc lập 1962, cách mạng giải phóng dân tộc liên tiếp lan rộng và giành độc lập ở Maroc, Soudan, Ghana, Madagasca… tạo thành phản ứng dây chuyền tiếp diễn, và sự phá sản của chủ nghĩa thực dân là điều không thể tránh khỏi. Năm 1955, Hội nghị Bangdung (Indonesia) đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào giải phóng dân tộc; lần đầu tiên trong lịch sử những dân tộc hàng trăm năm bị gạt ra ngoài rìa lịch sử đã liên kết lại để công khai lên án chủ nghĩa thực dân và hợp tác giúp đỡ nhau vì mục đích hòa bình, độc lập dân tộc. Đặc biệt, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” là năm 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung thì bạo lực cách mạng là chủ yếu. Ngoài các cuộc đấu tranh giành độc lập ở các nước Bắc – Trung và Tây Phi, nhiều nước ở Đông và Nam Phi đã biểu tình, bãi công đòi nâng cao đời sống nhân dân, chống tệ phân biệt chủng tộc (Apartheir) nổ ra ở Nam Phi, Kenya, Uganda, Rhodesia… Nếu như trước Chiến tranh thế giới thứ hai, “lục địa đen” chỉ có hai nước Êtôpia và Libêria được trao trả độc lập trên danh nghĩa, thì đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này (gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số) đã giành được thắng lợi với mức độ độc lập khác nhau.  Ở các quốc gia độc lập, giai cấp tư sản dân tộc cùng với chính đảng lãnh đạo[15] của họ đã lãnh đạo chính quyền trong một quốc gia thống nhất về lãnh thổ, dân tộc. Các chính đảng hầu hết đang phát triển ở các quốc gia độc lập, nhưng đảng cộng sản theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội lại không nắm được quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, ở một số quốc gia rộng lớn như Etiopia, Congo… vì bị thực dân chia cắt đã lâu và mâu thuẫn sắc tộc gay gắt nên không thống nhất được và bị chia rẽ. Ở Etiopia, sau khi được quân Anh thống nhất một thời gian (1941 – 1993) thì Etiopia có mâu thuẫn giữa các Mặt trận Giải phóng dân tộc ở hai nước, hậu quả là bị tách ra thành Etiopia và Eritrea (1993). Tương tự như Etiopia, Congo bị chia thành 2 vùng ảnh hưởng của Pháp và Bỉ vào cuối thế kỷ XIX. Sau độc lập 1960, thủ tướng Congo Lumumba đã cố gắng hòa giải với các phe phái trong nước để tiến tới thống nhất quốc gia, nhưng do có xung bộ nội bộ nghiêm trọng và Liên Hiệp Quốc đã không hòa giải được mâu thuẫn nội bộ - hệ quả là Lumumba bị phe đối lập ám sát năm 1960, Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold bất ngờ bị tử nạn khi đang cố gắng hòa giải nội bộ ở Congo năm 1961…. nên Congo bị tách thành 2 quốc gia tồn tại đến hiện nay.
Như vậy, các nước châu Phi đã giành được độc lập bằng những con đường khác nhau. Song dẫu theo con đường bao lực cách mạng, hay con đường đấu tranh hòa bình (thương lượng) thì dấu ấn của cách mạng Việt Nam, của chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử qua những người lính Phi trở về vẫn để lại dấu ấn sâu đậm. Chúng tôi nêu ra đây câu chuyện của một phóng viên báo Đoàn kết – ông Dante Gruchchy. Trong buổi nói chuyện với chỉ huy cao cấp nhân chuyến viếng thăm trường đào tạo cán bộ quân sự ở Algeria, ông đã được viên sĩ quan Algeria nói: “tôi (viên sĩ quan) đã học được nhiều điều bổ ích của bộ đội cụ Hồ Chí Minh” [16]. Qua buổi nói chuyện trên, ta cũng thấy được ảnh hưởng của Điện Biên Phủ lan sâu trong lòng những người lính, người dân Algeria. Người Algeria tích cực học hỏi chiến lược, kinh nghiệm đánh giặc của ta (chiến lược du kích chiến – vận động chiến), nhất là chiến lược “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Việt Nam) để về nước lãnh đạo phong trào đấu tranh của nước họ. Về sau, khi đất nước đã hòa bình thì nhiều con cháu của những người lính Algeria khi xưa chiến đấu ở Việt Nam đã và đang hướng về Việt Nam tìm cội nguồn. Đó không chỉ là việc hướng về cội nguồn thông thường, mà trong đó những dư âm sâu đậm của một nước Việt Nam anh hùng bất khuất.
Tóm lại có thể nói rằng, trong bối cảnh chung của xu thế thời đại thì cách mạng Việt Nam đóng góp một phần đáng kể vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước châu Phi, mở ra thời kỳ mới – thời kỳ tan rã của hệ thống chủ nghĩa của chủ nghĩa thực dân trên toàn lục địa này. Và tất nhiên, trong chừng mực nào đó thì sự đóng góp này của Việt Nam với châu Phi chủ yếu đến từ những người lính Phi từ chiến trường Đông Dương trở về. Họ trở về mang theo chiến lược, kinh nghiệm học được ở Việt Nam về để phổ biến, áp dụng chiến lược cho phù hợp tình hình đất nước mình. Họ trở về mang theo ý thức giác ngộ chống thực dân của mình, kêu gọi đồng bào chống lại thực dân đế quốc. Đó chính là một trong những góc độ của sự tác động và ảnh hưởng do chiến thắng Điện Biên Phủ với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi.

Tài liệu tham khảo:
1.      Đỗ Thanh Bình (2010), Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX – một cách tiếp cận, Nxb DHSP Hà Nội.
2.      Chủ nghĩa thực dân đang tan rã ở Bắc Phi, Nxb Sự thật, Hà Nội       
3.      Hổ Chí Minh toàn tập, tập 1, 2, Nxb CTQG, 2004.
4.      Yves Gras (1982), Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, NXB Plon, Paris, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
5.      Thép Mới (1985), Từ Điện Biên Phủ đến 30/4, Nxb Tp. Hồ Chí Minh
6.      P. Rocolle (1968), Vì sao Điện Biên Phủ ?, luận án tiến sĩ, Nxb Flammarion, Paris
7.      Nguyễn Thúc (1960), Angiêri kháng chiến, Nxb QDND, Hà Nội.




[1] Hổ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, tr. 206.
[2] Hổ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, tr. 246.
[3] Hổ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, tr. 27
[4] Lenin toàn tập, Nxb Tiến bộ Mat-xcơ-va, 1978, t.2, tr. 107.
[5] Đây là tình trạng chính trị chung của các nước bị phát xít chiếm đóng – nhất là các nước thuộc địa. Khi phát xít rút đi, trong các nước sẽ có “khoảng trống quyền lực” (không chính phủ) và lúc đó thế lực nào, giai cấp nào có lực lượng chính trị mạnh, có cơ sở đảng chính trị vững chắc sẽ chiếm lấy “khoảng trống quyền lực” và lãnh đạo đất nước theo chính đảng của mình.
[6] Có tài liệu khác cho rằng, De Gaulle ra tuyên bố ngày 8/12/1943 là tại Brazzaville (Congo). Nội dung của bản tuyên bố nói là: Năm nước của liên bang Đông Dương nằm trong Liên hiệp Pháp sẽ được hưởng tự do riêng. ( theo Hồi Ký de Gaulle: Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương, Người dịch: Đặng Văn Việt.
[7] Nhiều tác giả (2005), Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – những vấn đề lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb DHQG TPHCM, tr. 26 – 27.
[8] Yves Gras (1982), Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, NXB Plon, Paris, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr. 5.

[9] Theo các tài liệu ghi nhận, từ 1945 – 1954 Pháp đã thay đổi 7 Tổng chỉ huy và 19 lần chính phủ Pháp. Xem trong Điện Biên Phủ - những trang vàng lịch sử, của Hoàng Minh Phương; Chiến thắng Điện Biên Phủ - ký sự của Nhiều tác giả, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 3 của Trần Bá Đệ…..
[10] Thép Mới (1985), Từ Điện Biên Phủ đến 30/4, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 12 – 13. “Mường Thanh” là từ đọc chệch của từ “Mường Then” (nơi Trời ở) trong huyền thoại của người Thái Việt Nam vào thế kỷ IX – X – xem trong Điện Biên trong lịch sử của Đặng Nghiêm Vạn, Quăm tô mương của Hội Văn nghệ Việt Nam.
[11] Báo Nhân dân, số ra ngày 26/7/1951.
[12] Theo hồi ký của Nguyễn Ngọc Ngoạn, thành viên đoàn đàm phán của ta tại hội nghị Geneve năm 1954; trong “Nhớ lại Giơnevơ ngày ấy”, tuần báo Quốc tế, số 35 – 36, tháng 8/2003, tr. 8.
[13] Chủ nghĩa thực dân đang tan rã ở Bắc Phi, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1956, tr. 36, 38
[14] Việt Nam - Algeria: Chung nhịp trái tim, BáoThời đại ngày 22.10.2012

[15] Đỗ Thanh Bình (2010), Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX – một cách tiếp cận, Nxb DHSP Hà Nội, tr. 300.
[16] Nguyễn Thúc (1960), Angiêri kháng chiến, Nxb QDND, Hà Nội, tr. 48.

Không có nhận xét nào: