Thái Nguyễn Đức Minh Quân - bài viết Hội thảo "Làng nghề và du lịch"
Đặt vấn đề:
Lái Thiêu – vùng đất nổi tiếng
ở Nam Bộ với nhiều loại trái cây miệt vườn, đặc biệt nhất là trái sầu riêng,
chôm chôm, vú sữa…từ lâu đã thu hút không ít khách từ khắp nơi xuống tham quan
và du lịch. Không chỉ nổi tiếng về vườn cây ăn trái, Lái Thiêu còn nổi tiếng
với nghề làm gốm – vốn xuất hiện ở nơi đây từ 1 thế kỷ trước. Trải qua một quá
trình hình thành, phát triển thì nghề gốm Lái Thiêu đã phát triển mạnh, tạo ra
được nhiều sản phẩm gốm với nhiều chủng loại (bếp gốm, bình gốm, chum, vại…),
mẫu mã và hoa văn đa dạng và phong phú; thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của
người dân trong nước và nước ngoài. Hiện nay, nghề gốm Lái Thiêu dù đã trải qua
một thời gian dài phát triển, đạt nhiều thành tựu nhưng đâu đó vẫn còn nhiều
khiếm khuyết, bất cập. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở Bình Dương cũng làm
cho làng gốm Lái Thiêu dần suy sụp. Vậy chúng ta cần làm gì để vực dậy lại làng
gốm Lái Thiêu ? Đâu là những giải pháp chính cho vấn đề này ? Trong khuôn khổ
của Hội thảo quốc tế về làng nghề du lịch Việt Nam, tham luận của tôi trình bày
khái lược về lịch sử hình thành, phát triển của làng gốm; nêu ra thực trạng và
đề xuất một số biện pháp để bảo tồn và phát triển làng gốm Lái Thiêu.
1. Sơ lược lịch sử hình thành,
phát triển của làng gốm Lái Thiêu
Ngược dòng lịch sử, làng gốm
xuất hiện vào thế kỷ XVII – XVIII trên vùng đất Lái Thiêu xưa. Vào thế kỷ XVII,
người Việt khi di cư vào Nam
đã đem theo nghề gốm từ phía Bắc, vùng Thuận – Quảng vào. Họ đã thành lập các
làng gốm nhỏ dọc các con đường, con sông nơi đông đúc người qua lại để sản
xuất, buôn bán. Để duy trì và làm mới đồ gốm của mình, họ tích cực đi tìm nguồn
nguyên liệu mới, cách chế tạo đồ gốm phù hợp. Theo nhiều tài liệu ghi nhận,
vùng đất Lái Thiêu (xưa kia thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định) là nơi có
đường giao thông thủy bộ thuận lợi, là nơi có nguồn đất sét (kaolin) dồi dào,
cao hơn nơi khác gấp nhiều lần. Điều đó quả là lý tưởng cho nghề gốm.
Năm 1867, ngay sau khi Pháp
chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, Lái Thiêu trực thuộc quyền quản lý của chủ tỉnh Biên Hòa
Philastre. Năm 1876, dưới thời de Labarthete, Biên Hòa bị chia thành
3 hạt tham biện Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa. Lái Thiêu lúc này trực
thuộc hạt tham biện Thủ Dầu Một, với tham biện đầu tiên là Tirant. Năm 1900, Thủ
Dầu Một được đổi thành tỉnh, với chủ tỉnh đầu tiên là Couzineau. Sự thay đổi
đột ngột về hành chính ở Lái Thiêu kéo theo sự thay đổi nhiều lĩnh vực khác,
trong đó có nghề gốm ở Lái Thiêu. Lúc đó, nghề gốm Lái Thiêu đã phát triển rất
mạnh. Đến năm 1867, với sự xuất hiện của lưu dân người Hoa thì nghề gốm Lái
Thiêu mới trở thành nghề gốm chính thức, được vua Tự Đức chấp nhận và cho phép
hoạt động.
Theo nhiều
tài liệu viết lại, nghề gốm chính thức trở thành một ngành nghề thủ công truyền
thống Việt Nam
vào thế kỷ XIX. Theo nghiên cứu của Sơn Nam và những nghệ nhân gốm sứ Lái
Thiêu, chính những người Hoa hành nghề buôn bán, du lịch đã từ đường Lưỡng
Quảng vào đây lập nghiệp. Họ (cùng với những người Việt có mặt lâu đời ở đây)
tiến hành xây các lò luyện gốm ở trên các triền đất gò cao đổ xuống bờ rạch Lái
Thiêu (rạch Tân Thới) và một số con rạch khác. Sản phẩm làm ra ban đầu là lu,
khảm, vại, chum nấu nướng… với da men màu đen và màu da lươn. Các cửa hiệu đồ
gốm xuất hiện lâu đời ở Lái Thiêu là Anh Ký, Kiến Xuân, Liên Hiệp Thành….hiện
nay hoạt động rất hiệu quả.
Năm 1910,
trong tập tài liệu Monographie de la province de Thudaumot, được Hội
nghiên cứu Đông Dương xuất bản năm 1910, người Pháp viết về làng gốm Lái Thiêu
như sau: “Trong tỉnh (Thủ Dầu Một) có được khoảng 40 lò gốm, trong đó An Thạnh
5 lò, Tân Thới 1 lò, Phú Cường 11 lò, Bình Chuẩn 3 lò và 9 lò ở Tân Khánh.
Xưởng chính ở Lái Thiêu là trung tâm phát triển nhất về gốm (…). Số lò gốm Lái
Thiêu độ 60 cái, sử dụng khoảng 1 vạn công nhân. Ngoài 3 lò của người Việt số
còn lại là của tư sản Hoa Kiều. Các lò này cung cấp đồ gốm cho cả Nam Kỳ, cho
các vườn cao su”.
Sau
khi thành lập, làng gốm Lái Thiêu đã phát triển vượt bậc và có có nhiều đổi mới
trong việc phát triển nghề gốm của mình. Để tiện theo dõi, tác giả chia sự phát
triển của làng gốm Lái Thiêu thành nhiều giai đoạn khác nhau:
*
Giai đoạn 1: làng gốm Lái Thiêu hình thành, phát triển (1867 – 1945).
Năm
1867 được đánh dấu là năm ra đời làng gốm Lái Thiêu, trên cơ sở nghề gốm đã
được công nhận như một nghề thủ công mang tính quốc gia dưới triều Nguyễn. Trên
cơ sở đó, nghề gốm đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm của người Hoa, kết hợp với kỹ
thuật của người Việt để tạo thành một loại kỹ thuật làm gốm mang đậm truyền
thống Nam Bộ. Kỹ thuật truyền thống đó đã được tiến hành một cách thủ công như:
khai thác nguyên liệu, tạo dáng, làm men và hình thành sản phẩm.
Giống
như nghề làm gốm ở các địa phương khác trên cả nước, gốm Lái Thiêu chủ yếu khai
thác và sử dụng loại đất sét có nhiều khoán Kaolin (sản phẩm của sự phong hóa
đá Granit, Criolit và Andexit – gọi là cao lanh). Do chưa có phương tiện giao
thông, người thợ dùng sức người, súc vật đưa đất sét về lò gốm tiếp tục công
đoạn kế tiếp.
Trong
khâu xử lý nguyên liệu, do kỹ thuật còn khá kém nên các hoạt động như lấy đất
thô, lọc đất để tạo ra đất sét dẻo quánh cũng toàn bằng tay không. Bàn xoay còn
đơn giản, làm bằng gỗ và hoạt động bằng sức người là chính. Trong thời gian
này, người thợ đã biết thiết kế lò gốm để làm gốm. Nguyên tắc xây lò gốm là
phải chọn nơi thuận tiện: gần giao thông thủy – bộ, gần nơi làm sản phẩm và địa
hình phải có độ dốc nghiêng 150 thì mới làm được. Các lò thời kỳ đó
xây theo kiểu lò bầu để dễ hoạt động. Gốm làm xong thì người thợ trực tiếp đem
ra chợ buôn bán. Quan hệ giữa làng và chính quyền khá tốt.
*
Giai đoạn 2: làng gốm Lái Thiêu phát triển (1945 – 1975).
Thời
kỳ này đánh dấu sự phát triển cực thịnh của làng gốm Lái Thiêu. Số lượng các lò
gốm tăng mạnh. Theo thống kê năm 1975, Lái Thiêu đã tăng tới 49/117 lò của toàn
tỉnh Bình Dương. Chất lượng lò cũng tăng nhanh từ 7 – 10 bầu lò, mỗi bầu lò
chứa hơn vài ngàn sản phẩm các loại, trong đó chiếm đa số là chén, bát, đĩa…
loại còn lại rất ít. Ngoài ra, người ta cũng sáng tạo ra “lò Tàu” hoạt động
hiệu quả hơn lò bầu khi xưa. Theo Sơn Na, lò gốm Lái Thiêu có 3 kiểu (hay
“trường phái” sau):
+
Lò Phúc Kiến: lò này cho ra loại sản phẩm có tráng men màu đen, màu da lươn;
hoa văn đơn giản và cách tạo hình sinh động. Ví dụ: ché đựng rượu, lu, vại…
+
Lò Triều Châu: lò này thường dùng men xanh trắng để thực hiện; nét vẽ đơn giản
và hoa văn bình dị (hình thực vật – động vật). Ví dụ: chén, dĩa, tô..
+
Lò Quảng: nét nổi bật của kiểu lò này là sử dụng men có nhiều màu sắc, hoa văn
trang trí rất đẹp, cách điệu và trang nhã.
Tạo
hình cho đồ gốm có sự cải tiến. Người thợ gốm đã thành công trong việc chế tạo
ra bộ truyền lực của bộ phận trục giữa và dây xích xe đạp cho bàn xoay (về sau
có moteur vào) giúp người làm gốm đỡ vất vả hơn trong dùng tay tạo hình đồ gốm.
Họ dần chuyển qua dùng chân điều khiển bàn xoay tạo hình cho sản phẩm. Đồng
thời, người ta đưa máy móc vào làm lắng lọc đất sét, cán và nghiền đất sét
thành bột mịn. Một điểm khá mới là người ta đã phát minh ra hộp đựng sản
phẩm. Hộp này (làm bằng đất sét) giúp sản phẩm (chủ yếu là vật nhỏ) giữ
nguyên hình dạng, tránh để bụi bẩn bám vào trước khi đưa vào lò. Cũng trong
thời kỳ này, người thợ đã sáng tạo ra cái khuôn để tạo hình sản phẩm. Họ
dùng khuôn (đã định dạng sẵn) áp đất sét vào; khi đất sét đã khô cứng thì họ gỡ
ra, rồi ráp thêm các chi tiết nhỏ liên quan. Sau đó, họ đưa vào lò nung thành
sản phẩm.
Kỹ
thuật tạo men gốm có sự đổi mới. Kế thừa cách làm men của làng gốm Bát Tràng và
của người Hoa, thợ gốm Lái Thiêu đã sáng tạo ra men màu. Nhiều gia đình đã thử
làm loại men này trong nhiều năm, khi thành công rồi thì họ chỉ trưng bày –
không chỉ dẫn cách làm loại men đó (bí mật nghề nghiệp). Kỹ thuật trang trí đã
rất đa dạng với hai kiểu vẽ thông dụng: vẽ chìm và vẽ nổi. Hình vẽ trên sản phẩm
cũng đã đa dạng: động vật, cây cối…
*
Giai đoạn 3: từ 1975 – 1986
Trong thời gian này, các lò gốm Lái
Thiêu có 1 sự “chững” lại để xem xét tình hình đất nước, rồi đề ra chiến lược
phát triển. Theo thống kê năm 1985, số lò gốm tăng lên tới 117 lò. Trong các
khâu làm đồ gốm, một số khâu sẽ giữ nguyên và số khác sẽ có sự thay ðổi, cải
tiến phù hợp như làm khuôn, làm men và in hoa vãn lên sản phẩm. Từ việc làm từ
gỗ - đất sét, giờ đây khuôn được làm từ cao lanh. Loại khuôn này dễ làm, dễ
thay ðổi kiểu dáng so với các loại khuôn trước đó
Kỹ
thuật làm men và in hoa vãn lên sản phẩm có sự tiến bộ nhất định. Về làm men,
người thợ đã không dùng màu tự nhiên để
pha chế như thời trước. Họ dùng vàng ròng trộn lẫn với các hóa chất màu khác,
rồi “in” lên sản phẩm (không vẽ) khiến người xem có cảm giác màu vẽ hiện lên
tươi như thật. Kỹ thuật in hoa văn cũng khác so với lúc trước. Lúc này, người
thợ đã chế tạo ra dụng cụ khắc hoa văn; vẽ hoa văn lên trên dụng cụ rồi chấm
men màu in lên là xong.
Quá
trình tiêu thụ sản phẩm giai đoạn này có điểm khác trước. Ở chợ Thủ Dầu Một,
chợ Búng đã hình thành các vựa buôn bán gốm Lái Thiêu và hoạt động tấp nập. Ở
các vựa này, người thợ đem sản phẩm đã làm xong giao chủ vựa. Chủ vựa nhận sản
phẩm, trả tiền cho thợ và tiếp tục buôn bán như thường ngày.
Giai
đoạn 4: làng gốm Lái Thiêu phát triển mạnh (1986 – nay).
Sau
sự kiện Đổi mới 1986 diễn ra, nghề gốm Lái Thiêu đã bắt đầu có chiến lược mới
để phát triển. Theo chiến lược phát triển chung của đất nước, gốm Lái Thiêu
phát triển theo xu hướng đa dạng hóa cơ sở sản xuất, lao động (đào tạo có
chuyên môn, nghiệp vụ), phát triển mạnh và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở
rộng thị trường xuất nhập khẩu và đạt nhiều thành tựu nổi bật: Về cơ sở sản
xuất thì tính đến thời điểm hiện nay, số lượng lò gốm Lái Thiêu liên tục tăng
mạnh. Nhiều công ty, cơ sở chế biến các sản phẩm gốm tăng vọt; hầu hết nằm dọc
trên các trục đường chính và gần con sông, nơi có đông người qua lại để trao
đổi, buôn bán. Số lượng lao động tăng vọt lên đến vài trăm người trong tổng số
hơn 12.000 lao động làm gốm của toàn tỉnh Bình Dương. Lao động làm gốm hầu hết
là nông dân, thợ lành nghề; thợ trong dòng họ cùng làm chung 1 nghề.
Hàng
hóa, mẫu mã và chất lượng hàng hóa thời kỳ này tăng nhanh về số lượng cũng như
chất lượng. Về mẫu mã, người thợ đã thành công trong việc chế tạo mẫu men màu
mới, tốt hơn nhiều so với men cũ trước đây. Họa tiết, hoa văn luôn được thay
đổi, đổi mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chất lượng sản phẩm gốm Lái Thiêu
được nâng cao một bước mới, nhất là trong tình hình công nghiệp hóa – hiện đại
hóa của đất nước, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại (nhất là hàng Trung Quốc).
Giá cả khá mềm, phù hợp khách hàng; một xâu chén (10 cái) có giá từ 8 – 10.000
đồng, đồ sứ luôn bán với giá từ 20.000 đồng trở lên. Riêng đồ xuất nhập khẩu ra
bên ngoài thì sẽ có giá khác (có kèm thuế quan) nhằm thu ngoại tệ nhiều về làng
gốm.
Giai
đoạn này cũng chứng kiến sự đổi mới về chính quyền, quan hệ chính quyền (chủ
thợ) với người thợ. Chính quyền tỉnh có chính sách cụ thể để quan tâm nhiều đến
giới chủ lò gốm như kêu gọi giới đầu tư và trí thức đầu tư vào làng gốm, cho
phép giới chủ - người dân làm thủ tục về gốm, quản lý mọi hoạt động trong làng
nghề. Trong quan hệ chủ - thợ, người chủ (Trung Hoa) có sự liên kết lẫn nhau,
cùng nhau thờ “ông Bổn” cầu cho nghề nghiệp phát triển thuận lợi. Chủ phân công
thợ vào thành từng nhóm, mỗi nhóm đảm trách 1 công việc riêng biệt. Để phát
triển nghề gốm, làng gốm Lái Thiêu quan tâm nhiều đến thị trường. Họ cung cấp
đầy đủ, kịp thời nhu cầu của khách trong nước và nước ngoài.
2.
Thực trạng gốm Lái Thiêu hiện nay
Làng
gốm Lái Thiêu đang phát triển vững mạnh và đang khẳng định vị thế của mình
trong danh sách hơn 2.100 làng gốm trên khắp đất nước Việt Nam. Về sản phẩm, có
thể nói trong số các làng gốm ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, sản
phẩm gốm Lái Thiêu ngày càng phát triển với nhiều cái đổi mới: đường nét – hoa
văn, mẫu mã. Những cái đó rất đẹp, thu hút rất đông người dân, khách du hành
tới xem và thưởng thức nghệ thuật.
Sản
phẩm của gốm Lái Thiêu đa dạng về kích thước, mẫu mã và phong phú về màu sắc,
chất lượng. Chúng dễ tìm thấy trong các vựa gốm, cửa hàng đồ gốm và cả những
nơi buôn bán đồ gốm cổ khác, giá rẻ hơn hẳn so với các dòng gốm có tên tuổi như
Bát Tràng, Chu Đậu…. Nhưng qua thời gian, vẻ đẹp mộc mạc của đồ gốm kiểu Phúc
Kiến – chủ yếu gốm tráng men da lươn. Có khi là vẻ đẹp bay bướm, uyển chuyển
như gốm Triều Châu – gốm tráng men xanh trắng, men màu (tam thái, ngũ đại), lột
tả tài nghệ của những nghệ nhân gốm qua hoa văn, tích truyện được vẽ trên sản
phẩm. Hay đằm thắm với gốm Quảng Đông với kiểu men phủ đặt sắc, có hỏa biến tạo
ra sản phẩm kỳ diệu… ngày càng thu hút mạnh những tay chơi gốm cố ngoạn có
tiếng. Họ tìm cách săn lùng, tìm kiếm các hiện vật gốm Lái Thiêu xưa đang nở
rộ, nhất là từ 3 – 4 năm trở lại đây. Bàn về vấn đề này, kiến trúc sư Phan Văn
Hoàng nhận định: “Qua nhiều niên đại, các sản phẩm gốm Lái Thiêu đã được
phân loại theo các trường phái cụ thể, rất thuyết phục. Tuy nhiên, các trường
phái ấy giờ đây chỉ còn là những sản phẩm được người xưa lưu giữ lại. Vì sự
phát triển của công nghệ, sự cảm nhận về gốm của con người trong thời đại mới
có nhiều điểm khác xưa nên sản phẩm gốm hiện nay không còn phân biệt được các
trường phái”. Ông cho rằng, sở dĩ có thực
trạng đó là do có sự xáo trộn giữa các trường phái các trường phái, cải tiến mẫu mã để có sản phẩm cạnh
tranh trên thị trường. Xét cho cùng, đó là yêu cầu đổi mới để hội nhập với thế
giới, nhưng sự phát triển này làm thay đổi nét độc đáo vốn có của gốm Lái Thiêu
nói riêng và gốm Bình Dương nói chung.
Trong
trang trí nội thất, gốm Lái Thiêu được khách hàng, người dân sở tại rất ưa
chuộng vì mỗi sản phẩm là sự pha trộn hoàn hảo của chất liệu thuần Việt, dưới
sự sáng tạo tài tình của các thợ gốm Việt – Hoa (chủ yếu là người Hoa) nên gốm
Lái Thiêu có nét độc đáo riêng. Thoạt nhìn, gốm Lái Thiêu giống với gốm người
Hoa; nhưng trong thai gốm, lõi gốm, màu men và kiểu dáng, lại phảng phất nét
Việt rất rõ ràng. Thêm nữa, sự đa dạng trong loại hình sản phẩm khiến gốm Lái
Thiêu trở nên gần gũi với con người. Chính vì lẽ đó mà nhiều người theo đuổi,
đổ xô đi săn tìm vẻ đẹp gốm Lái Thiêu rất đông.
Tổ
chức sản xuất hiện nay ở làng gốm đang phát triển, đa dạng với các công đoạn
được thực hiện liên hoàn theo trật tự xác định từ trước. Để theo kịp sự phát
triển của đất nước, nghệ nhân đưa máy móc vào thực hiện. Máy móc làm giảm nhẹ
lao động chân tay của con người và đạt hiệu quả cao. Sản phẩm gốm ra lò có chất
lượng tốt, mẫu mã đẹp và bắt mắt; đáp ứng được nhu cầu của người xem. Theo số
liệu thống kê năm 2009, toàn tỉnh Bình Dương có 230 công ty làm gốm (Lái Thiêu
chiếm gần ½). 80% sản phẩm gốm Lái Thiêu hầu hết được xuất khẩu sang Mỹ, EU,
Úc… Tổng kim ngạch xuất khẩu gốm Lái Thiêu – Bình Dương đạt 151,5 triệu USD,
tăng 4% so với năm 2008. Bà Nguyễn Thị Điền – Giám đốc Sở Công thương Bình
Dương cho rằng, có được kết quả này là do doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết
bị, khảo sát thị trường …. đúng đắn.
Mặc
dù phát triển cực thịnh là thế, nhưng làng gốm Lái Thiêu cũng không tránh khỏi
những hạn chế, bất cập. Gốm Lái Thiêu
bị hạn chế nhiều bởi yếu tố kỹ thuật trong các công đoạn làm gốm; tính sáng tạo
của nghệ nhân trong làm các hoa văn, chính sách bất cập của chính quyền địa
phương…
Về
yếu tố kỹ thuật của nghề gốm thì có thể nói, yếu tố này đang dần suy sụp và gặp
nhiều khó khăn. Nhiều nghệ nhân làng nghề cho biết, do sự truyền vào quá nhiều
của công nghệ, máy móc đã làm mất đi tính thủ công. Ông Trương Văn Bình, một
nghề nhân gốm Lái Thiêu lâu năm đã nói: “phương cách sản xuất hiện tại,
gốm sứ Lái Thiêu sẽ cho ra chất lượng sản phẩm tốt và đều tay hơn nếu như xét
về mặt công nghiệp. Nhưng xét về yếu tố sáng tạo, vẻ đẹp tâm hồn và tính nhân
văn trong sản phẩm thì hoàn toàn thiếu vắng”. Giải thích lý do này, ông cho rằng yếu tố
sáng tạo đã bị mất dấu bởi tính thủ công bị triệt tiêu để thay vào đó là mọi
công đoạn công nghiệp, máy móc. Tính khác biệt giữa các sản phẩm cùng chủng
loại không còn nữa. Ví dụ như một chiếc bình gốm sứ trong lò này, đem so với
chiếc bình gốm sứ trong lò khác, có khi na ná nhau và khó phân biệt là của lò
nào nếu không nhìn vào nhãn mác khắc trên bình.
Các quy trình thủ công, tính
sáng tạo trên sản phẩm theo tâm trạng của nghệ nhân cũng mất đi. Một chủ lò gốm
khác nhận định: “mình và các đồng nghiệp
của anh đang rất trăn trở về vấn đề tính nhân văn trong ngành nghề. Vì hiện
tại, nếu không nhập các dây chuyền sản xuất theo hướng công nghiệp, số lượng
sản phẩm sẽ không đuổi kịp đơn đặt hàng cũng như không đuổi kịp các làng gốm sứ
khác trong nước”. Mặc khác, với sự thay đổi của thị trường và luôn bị
thương lái nước ngoài ép giá (sản phẩm gốm không được tốt) nên giá cả của sản
phẩm ngày càng thấp. Chủ lò gốm gốc Hoa Lý Chén Dụng nói: Do nhu cầu có chén
đựng mủ cao su ở đồn điền, ông phải làm ra chén. Giá một thiên chén là 10 triệu
đồng, năm nay giá mủ cao su tăng nên thương buôn chấp nhận mua 15-16 triệu. Mỗi
cái chén giá 400 đồng, cao hơn năm ngoái. Đất để nặn ra chén chủ yếu lấy từ Tân
Lập, Hòa Thạnh, Chánh Lưu.
Tình trạng ô nhiễm trong làng
nghề gốm sứ Lái Thiêu – Bình Dương tăng cao. Theo tài liệu ghi nhận, hiện có
265/465 cơ sở gốm sứ thuộc các làng gốm Lái Thiêu, Chánh Nghĩa… gây ô nhiễm
nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh. Khói bụi, đất đá
và nguyên liệu rơi rớt từ những chiếc xe ben chạy ẩu trên đường đất gây ảnh
hưởng lớn đến sức khỏe người dân ven đường. Đó là chưa kể số khác xe ben chở
chất thải của làng nghề lén đổ trộm vào khu đất trống… Hơn nữa, một số cơ sớ do
thiếu hụt vốn đầu từ nên đã phải dẹp tiệm. Khoảng năm 2008 – 2009, 40% cơ sở
gốm đã phải dẹp tiệm, người dân phải tự kiếm nghề khác để sinh sống.
Chính vì cơ chế quản lý nửa
nạc nửa mỡ, vừa cố tạo làng nghề như lại không ưu tiên cho thủ công của nhà
nước nên người làm công và cả giới chủ các làng nghề gốm sứ luôn trong tình
trạng điêu đứng, nếu không làm liều thì phá sản. Để tạo được sự ổn định và tính
văn hóa trong các làng nghề Việt Nam hiện nay, e rằng vô cùng khó.
3. Một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát triền bền vững làng gốm Lái Thiêu
– Bình Dương.
Qua thực trạng phát triển
trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để bảo tồn, phát triển làng nghề gốm
Lái Thiêu như sau:
Thứ nhất
là về thị trường sản phẩm gốm. Để thực hiện được, chúng ta nền đẩy nhanh quá
trình xây dựng một thương hiệu chung cho làng nghề ở tỉnh (trong đó có Lái
Thiêu). Chính quyền tỉnh cần phối hợp với hiệp hội làng nghề để cùng nhau quản
lý chung và hiệu quả. Kinh phí sẽ được trích từ ngân sách của chính quyền tỉnh
cộng với sự hỗ trợ về vốn liếng của làng nghề, sự tài trợ của các công ty –
doanh nghiệp lớn về gốm. Ngoài ra, chúng ta nên xây dựng một hệ thống các tiêu
chuẩn để đánh giá sản phẩm; chú trọng khâu thiết kế và xây dựng mẫu mã, phân
loại; tổ chức các hội chợ triển lãm các sản phẩm, sản phẩm thủ công của làng
nghề; xúc tiến thương mại thông qua việc giới thiệu sản phẩm trên các kênh
thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng internet.
Bình Dương là tỉnh duy nhất ỏ
miền Nam tổ chức thành công festival gốm. Chính quyền tỉnh đã phối hợp các ban
ngành, đoàn thể và nhân dân tổ chức hội chợ triển lãm: “Gốm sứ và thế giới sắc
màu” vào ngày 2/9/2010 tại Bình Dương. Tham gia hội chợ có trên 70 doanh nghiệp
trong và ngoài tỉnh, 20 làng nghề truyền thống từ Bắc chí Nam. Riêng gốm sứ
Bình Dương góp mặt được 17 doanh nghiệp (Minh Long, Cường Phát, Minh Phát….).
Sản phẩm gốm được tuyển lựa thật kỹ, đáp ứng tiêu chí: to lớn nhất; có văn hóa
nghệ thuật với hình ảnh đẹp, đặc trưng, sang trọng nhất; được mạ vàng loại tốt
nhất; đạt độ hoàn mỹ nhất; thuộc dạng linh vật khó nhất, linh
vật độc đáo nhất. Công ty gốm sứ Minh Long trưng bày 3 bộ tiêu biểu: cúp hồn Việt,
chén ngọc Văn Lang, cúp sen vàng. Trong đó, thiết kế chén
ngọc Văn Lang được 3 linh vật rồng tiên nâng đỡ miêu tả cuộc sống thái bình
thịnh trị thời Văn Lang, phải cần đến bàn tay, khối óc của 22 thợ lành nghề dày
công nghiên cứu và kiên trì thực hiện hơn 1.800 ngày.


Chén ngọc Văn
Lang
Bình cổ vân gỗ
Thứ hai
là về vốn. Để làm được điều này, UBND tỉnh (nhất là UBND thị xã Lái Thiêu nên
có chính sách cụ thể để thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào làng
nghề, phân bố vốn cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển của làng nghề
gốm. Chính quyền nên thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay, ưu đãi về
thuế và miễn thuế thuê đất cho các làng nghề khoảng từ 5 – 10 năm. Đa dạng
nguồn vốn đầu tư vào làng nghề (vốn từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư
nhân có liên quan đến làng nghề, vốn từ các quan chức nhà nước có quan tâm đến
nghề, vốn từ nghệ nhân bỏ ra để phát triển) để thu hút họ bỏ vốn vào để phục
hồi và phát triển làng nghề. Khuyến khích hiệp hội làng nghề tỉnh xây dựng một
quỹ tín dụng riêng để phát triển làng nghề gốm Lái Thiêu – Bình Dương.
Thứ ba
là về phát triển nguồn nhân lực. Nhà nước nên có chính sách đào tạo nghề cho
người lao động tại địa phương. Đối với lao động chưa có nghề thì đào tạo bằng
cách truyền nghề, kèm cặp tại nơi làm việc. Đối với lao động đã có nghề thì bồi
dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề (kiến thức, kỹ năng sư phạm, thẩm mỹ, thiết
kế mẫu mã…) cho vững chắc theo hình thức tập huấn ngắn ngày (hay dài ngày) tại
trung tâm dạy nghề địa phương. Người nào giỏi về kiến thức, tay nghề sẽ được
giữ lại làm giáo viên dạy nghề cho các nghệ nhân tại các trường nghề. Khuyến
khích sự hợp tác giữa nghệ nhân và các trường nghề, các công ty… Ở gia đình nào có truyền thống nghề gốm, việc
phát triển nhân lực sẽ diễn ra trong gia đình: cha truyền nghề cho con, anh
truyền nghề cho em, con truyền nghề cho cháu, chắt… và cứ thế. Bí mật về nghề
nghiệp cũng được truyền bá, thường là con trưởng sẽ được truyền nghề hơn là con
thứ, con út. Kiện toàn hệ thống đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích hình thành
các cơ sở đào tạo nghề ngay tại nơi sản xuất, đào tạo nghề cho nghệ nhân ở nông
thôn để họ trở thành thợ lành nghề, tay nghề giỏi. Mặc khác, chúng ta có chính
sách tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề tại các hội nghị, cuộc họp
trong hiệp hội làng nghề; có chính sách xã hội tích cực đối với các nghệ nhân,
thợ giỏi để họ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình với nghề.
Thứ tư
là về cung cấp nguyên liệu. Chính quyền và các ban ngành nên có cuộc họp bàn,
đề xuất một hệ thống tiêu chuẩn nguyên liệu chung cho làng nghề, hệ thống này
phải được thành lập dựa trên sự tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến theo tinh
thần tự nguyện của các cơ quan ban ngành, các nghệ nhân có tâm huyết theo mô
hình hợp tác xã. Trong mô hình hợp tác xã, các nghệ nhân lành nghề sẽ tập hợp
các người thợ vào làm việc, trả lương xứng đáng với công sức họ làm. Lương được
phân theo bậc: chủ lò là nhiều nhất (người lành nghề thì ít nhất cũng phải hơn
100.000 đồng cho một sản phẩm). Lương của chủ lò luôn gấp 5 lần thợ phụ, gấp 2
lần thợ lành nghề; thời gian làm việc từ 10 - 12 giờ. Thực hiện theo mô hình
này, chủ lò sẽ tập hợp đủ lượng nguyên liệu cần thiết cung cấp cho lò gốm trong
hợp tác xã, đồng thời giúp nghệ nhân có số vốn tích lũy nhất định mà không ảnh
hưởng nhiều đến giá cả nguyên liệu luôn lên xuống bất thường, ảnh hưởng nhiều
đến mức giả mà các cơ sở sản xuất đặt ra từ trước.
Thứ năm
là về vấn đề môi trường. Xây dựng quy hoạch không gian làng nghề gắn liền với
môi trường, lấy quản lý cấp phường (xã) làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi
trường, giáo dục người dân để họ nâng cao hiểu biết về vấn đề bảo vệ môi
trường, không xả rác hay các vật dụng bừa bãi (có liên quan đến nghề gốm), vì
nếu làm như thế thì họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt gấp nhiều lần so với lợi
nhuận kinh tế mang lại. Về phía làng nghề gốm, cần chú ý cải tạo nhà xưởng,
phân xưởng trong các cơ sở cho thông thoán tự nhiên. Trang bị cho thợ và nghệ
nhân các dụng cụ an toàn lao động, thiết bị thu gom bụi, hút khí tại các vị
trí xã khí độc hại, về công nghệ và
thiết bị sản xuất.
Thứ sáu
là vấn đề mặt bằng sản xuất. Cho đến hiện nay, theo quy hoạch chung của tỉnh
vào năm 2009 thì các làng gốm sẽ được di dời ra xa khu dân cư để tránh ô nhiễm
không khí; và như thế thì các làng nghề có nguy cơ bị lụi tàn và mất trắng. Ông
Đỗ
Thanh Sử - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thuận An, đã đề ra kế hoạch xây dựng và
khôi phục lại làng nghề gốm sứ truyền thống trên địa bàn huyện Thuận An.
Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ dành một quỹ đất nhất định và trong đó sẽ phân bố vị
trí của làng nghề. Khuôn viên và mặt bằng của các cơ sở trong làng nghề phải
thoán mát, sạch sẽ để người thợ yên tâm sản xuất gốm sứ. Đối với riêng làng
nghề, tỉnh nên có kế hoạch bố trí lại, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn với
du lịch. Các cơ
sở sản xuất có thể chung nhau về giao thông, điện, nước… sẽ tiết kiệm đất đai và
hỗ trợ nhau trong các công việc chung.
Thứ bảy
là cơ chế chính sách. Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế thông
thoán để nhân dân có thể đóng góp vào làng nghề, tiếp cận chủ trương – chính
sách của nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước có chính sách đào tạo nghiệp vụ văn hóa
cho nghệ nhân. Đào tạo cán bộ quản lý về kỹ năng giao tiếp, tiếp thị, xúc tiến
quảng bá… nghề ở địa phương. Địa phương cần có chính sách thu hút và đãi ngộ
lao động để đảm bảo đủ nguồn nhân lực cho địa phương. Thực hiện lồng ghép có
hiệu quả các chương trình: phát triển nông thôn, phát triển làng nghề, vốn từ
nguồn ODA, vốn huy động cộng đồng…
Nhà nước có chính sách ưu đãi
cho nhà đầu tư tín dụng về nông thôn đầu tư và hoạt động; hỗ trợ lãi suất đầu
tư với người dân có mô hình hoạt động tốt với làng nghề. Mặc khác, Nhà nước nên
có kế hoạch để quy hoạch quỹ đất đầu tư hạ tầng tạo điều kiện cho các hộ trong
làng đầu tư mở rộng. Xây dựng chương trình đào tạo nghề, học hỏi kinh nghiệp
các làng nghề bạn điển hình, tiên tiến. Có cơ chế trong việc hỗ trợ đầu tư mới,
sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp hữu ích phù hợp với trình độ, khả
năng của người dân địa phương.
Nhà nước cũng đề ra chiến
lược, kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề; gắn liền làng nghề với
du lịch. Gắn làng nghề với phát triển du lịch là điểm mới trong chính sách phát
triển của đất nước ta. Theo đó, Nhà nước chỉ thị cho chính quyền địa phương đề
ra chính sách cởi mở, linh động với các làng nghề. Chính quyền cho phép các
làng nghề tự động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của họ ra công chúng bằng các
hội nghị, hội chợ triển lãm (mới đây là hội chợ triển lãm gốm sứ Bình Dương);
đồng thời tăng cường hợp tác với bên ngoài thông qua các chương trình hợp tác
quốc tế về làng nghề, hợp tác liên kết trong phát triển du lịch với các làng
nghề khác trong khu vực Trung – Bắc Bộ.
Về phía du lịch (có sự gắn kết
với làng nghề) thì nên học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước về phát triển
làng nghề, đặc biệt là phát triển làng nghề gắn liền với du lịch của Thái Lan,
Nhật, Trung Quốc. Trong khuôn khổ bài viết này thì chúng tôi đề cập về kinh
nghiệm của Thái Lan trong phát triển làng nghề gắn liền với du lịch. Thái Lan
có 7 vạn làng nghề, do đó chính phủ Thái Lan có chính sách phát triển như sau:
chính phủ mở dự án OTOP (One Tambon One Product: mỗi
làng nghề một sản phẩm). Trong dự án này thì mỗi làng nghề một sản phẩm không
có nghĩa là mỗi làng chỉ có một sản phẩm mà mỗi làng có kỹ năng, văn hóa,
truyền thống... riêng kết tinh trong sản phẩm trở thành đặc trưng riêng của
làng nghề trong sản phẩm. Để thực hiện có hiệu quả, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ
tổ chức hội chợ ở cả trong nước và quốc tế để tiếp thị. Hội chợ đầu tiên diễn
ra năm 2004 đã có 16 quốc gia tham gia. Nhờ đó làng nghề Thái Lan có cơ hội
khôi phục và phát triển sao cho xứng tầm phát triển chung của đất nước. Việt
Nam mấy năm gần đây có bắt chước cách tổ chức làng nghề - du lịch ở Thái Lan mà
tiêu biểu là Hà Nội và một số địa phương khác ở phía Bắc. Làng nghề gốm Bát
Tràng, Chu Đậu được sự hỗ trợ của Nhà nước mà biến thành làng nghề du lịch, thu
hút hàng nghìn lượt khách tham quan và thưởng ngoạn. Ở miền Nam cũng có nơi tổ
chức khá thành công du lịch làng nghề là ở Bến Tre. Thế nhưng, Lái Thiêu với
tiềm năng sẵn có thì vì lẽ nào lại không biến thành làng nghề du lịch – rất tốt
để thu hút khách tham quan !!! Cho nên, chính quyền địa phương nên có sự quan
tâm, đầu từ thích đáng để đưa làng nghề gốm Lái Thiêu trở thành làng nghề du
lịch, cho xứng với tiềm năng phát triển của làng nghề và phát triển chung của
tỉnh. Chính quyền tổ chức họp báo, thông tin đại chúng và đặc biệt là liên kết
chặt chẽ với các hãng du lịch trong và ngoài nước với các đơn vị quốc tế
hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở các vùng nông thôn để làm tăng lượt khách du
lịch.
Kết luận:
Như vậy có thể nói, trải qua
thời gian dài hình thành và phát triển, làng nghề gốm Lái Thiêu - Bình Dương đã
phát triển manh và tạo chỗ đứng trong thời gian dài. Nhưng về sau, do quá trình
đô thị hóa của tỉnh mà đã làm cho làng nghề suy sụp, dẫn tới chỗ suy vong.
Nhưng nhờ sự sáng suốt, kịp thời mà chính quyền tỉnh lập tức có chính sách bảo
tồn làng nghề, phát triển bền vững làng nghề cho phù hợp với sự phát triển
chung của tỉnh. Mai đây, khi làng nghề phát triển bền vững thì chính quyền nên
có khuynh hướng hướng làng nghề theo sự phát triển chung của thế giới, tức là
hướng làng nghề gắn liền với du lịch. Phát triển làng nghề gắn với du lịch sẽ
giúp làng nghề gốm phát triển vững, phù hợp với xu hướng phát triển chung của
đất nước hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Tuy An (2010), Tinh hoa gốm Lái Thiêu, http://giaoduc.edu.vn/news/xa-hoi-659/tinh-hoa-gom-lai-thieu-ky-cuoi-dong-chay-thoi-gian-151765.aspx
2. Phan Đình Dũng (2004), Gốm
Biên Hòa, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
3. Nguyễn Xuân Dũng (1997), Làng
nghề gốm sứ Lái Thiêu huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, luận văn thạc sĩ, ĐH
Văn hóa Hà Nội.
4. Trần Bạch Đằng (1991), Địa
chí tỉnh Sông Bé, NXB Tổng hợp Sông Bé.
5. Nguyễn Minh Giao (2000), Sự
phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp gốm sứ Bình Dương trong thời kỳ từ
năm 1986 đến năm 2000, luận văn thạc sĩ.
6. Hương Liên (1999), “Gốm
Chăm dân dã”, Tuổi trẻ chủ nhật, số ra ngày 24/10/1999.
7. Sơn Nam (1997), “Bình Dương
– một thế kỷ”, Xưa và nay, số ra tháng 11/1997.
8. Sơn Nam (1997), “Lái Thiêu
– chiếc nôi gốm sứ Thủ Dầu Một”, Du lịch Sông Bé, Sở Văn hóa Thông tin
Sông Bé xuất bản.
9. Niên giám thống kê năm 2000, Chi cục Thống kê tỉnh Bình
Dương.
10. Nguyễn Văn Thủy (2008), Nghề
gốm ở Bình Dương từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975, luận văn thạc sĩ, Viện
KHXH Việt Nam.
11. Phan Văn Tú (2011), Các giải pháp phát triển làng nghề ở thành
phố Hội An – Quảng Nam, tóm tắt luận văn thạc sĩ, DH Đà Nẵng.
12. Siêu thị gốm sứ (2010), Gốm sứ Việt Nam đối mặt với cạnh tranh toàn
cầu, xem: http://www.sieuthigomsu.com/tim-hieu-gom-su/gom-su-trong-nuoc/195-gom-su-viet-nam-doi-mat-voi-canh-tranh-toan-cau.html
13. Thư viện tỉnh Bình Dương (2010),
Thư mục gốm sứ Bình Dương, Thủ Dầu
Một, Bình Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét