Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Chiến trường Nam Bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Chiến trường Nam Bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Tóm tắt:
Nam Bộ - vùng đất phía nam Tổ quốc, là vùng đất phong phú về địa hình, khí hậu, sông ngòi và có nhiều tài nguyên – khoáng sản rất đa dạng và phong phú. Được người Việt khai phá từ thế kỷ XVII, vùng đất này nhanh chóng phát triển và trở thành “vựa lúa” lớn nhất. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, hòa vao dòng kháng chiến chung của cả nước thì nhân dân Nam Bộ chiến đấu anh dũng, lập nhiều thắng lợi lớn lao. Nhưng sau khi giành độc lập ít lâu, quân Pháp quay trở lại xâm lăng và nhân dân cả nước lao vào cuộc chiến trường kỳ chống giặc, quyết “một mất một còn” với kẻ thù. Khi Đảng ta quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa vào cuộc chiến ở miền Bắc thì quân dân miền Nam đã chiến đấu trên khắp mặt trận, góp phần vào thắng lợi chung của 9 năm kháng Pháp. Trong khuôn khổ Hội thảo kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tham luận của tác giả xoay quanh vấn đề chiến trường Nam Bộ trước và trong chiến dịch Điện Biện Phủ; sự lãnh đạo của Trung ương Cục và sự đoàn kết của quân dân Nam Bộ để hưởng ứng cuộc chiến đấu của quân dân Tây Bắc ở Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Đặt vấn đề
Nam Bộ - vùng đất phía nam Tổ quốc, là vùng đất phong phú về địa hình, khí hậu, sông ngòi và có nhiều tài nguyên – khoáng sản rất đa dạng và phong phú. Được người Việt khai phá từ thế kỷ XVII, vùng đất này nhanh chóng phát triển và trở thành “vựa lúa” lớn nhất. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, hòa vao dòng kháng chiến chung của cả nước thì nhân dân Nam Bộ chiến đấu anh dũng, lập nhiều thắng lợi lớn lao. Nhưng sau khi giành độc lập ít lâu, quân Pháp quay trở lại xâm lăng và nhân dân cả nước lao vào cuộc chiến trường kỳ chống giặc, quyết “một mất một còn” với kẻ thù. Khi Đảng ta quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa vào cuộc chiến ở miền Bắc thì quân dân miền Nam đã chiến đấu trên khắp mặt trận, góp phần vào thắng lợi chung của 9 năm kháng Pháp. Trong khuôn khổ Hội thảo kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tham luận của tác giả xoay quanh vấn đề chiến trường Nam Bộ trước và trong chiến dịch Điện Biện Phủ; sự lãnh đạo của Trung ương Cục và sự đoàn kết của quân dân Nam Bộ để hưởng ứng cuộc chiến đấu của quân dân Tây Bắc ở Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
1.      Chủ trương và sách lược của Trung ương Cục với chiến trường miền Nam đầu năm 1954
Tháng 9/1953, sau khi kế hoạch Navarre của Pháp bắt đầu triển khai ở Đông Dương và quân địch khá thành công trong thời gian đầu triển khai kế hoạch, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã họp bàn và đề ra phương hướng chiến lược với cách mạng Đông Dương. Với tầm nhìn chiến lược của một vị thống soái tối cao, coi Đông Dương như chiến trường chính để chiến đấu với quân Pháp, Bộ Chính trị ra chủ trương chiến lược: “"Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược, ở đó địch đang trong thế tương đối yếu, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, giải phóng thêm đất đai. Ðồng thời ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các vùng sau lưng địch, bảo vệ vùng tự do, tạo điều kiện để quân chủ lực của ta rảnh tay tiêu diệt địch ở những hướng đã định”.
Đồng thời với việc triển khai chiến lược chung cho toàn Đông Dương, Bộ Chính trị hết sức quan tâm đến từng chiến trường trên khắp đất nước, mà chiến trường miền Nam là một chiến trường rất quan trọng và đặc biệt mà Bộ rất lưu ý. Trong tài liệu của Đảng năm 1953 – 1954, Bộ có nêu rõ chủ trương với chiến trường miền Nam là: "Tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu 5, mở cuộc tiến công lên chiến trường miền núi Tây Nguyên, ra sức tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một bộ phận đất đai. Ở Nam Bộ và Trung Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tăng cường hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận nhỏ sinh lực địch, đẩy mạnh ngụy vận, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích". 
Vậy tại sao Bộ Chính trị lại có sự quan tâm đặc biệt đến chiến trường miền Nam đến thế ? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta xem xét chiến trường miền Nam ở hai bên ta và Pháp. Về phía ta, Nam Bộ là chiến trường xa nhất về nam Đông Dương. Đối với ta, khoảng cách rất xa này (gần 2.000 km) là hầu như không thể chi viện bằng sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Nhưng về phía địch, Nam Bộ đóng một vị trí đặc biệt trong công cuộc xâm lăng của chúng. Nam Bộ là đầu cầu đường biển gần nhất nối với Pháp, cho nên giữ được đầu cầu này có ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu của đội quân viễn chinh ở xa chính quốc hàng vạn dặm. Mặc khác, Nam Bộ là một hậu phương trực tiếp với quân Pháp vì nơi đây là đông dân nhiều của cải, quân Pháp có thể trực tiếp khai thác nhanh và gọn, phục vụ cho mục đích chiến tranh của chúng. Ngoài ra, Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược chiến tranh của Pháp vì nơi đây chứa đựng những quyền lợi trước mắt và lâu dài của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ quân sự. Trong Chỉ thị gửi tới Trung ương Cục cuối năm 1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ rõ vấn đề này cho Trung ương cục miền Nam như sau: "Nam Bộ là nơi Mỹ bỏ vốn vào các đồn điền cao-su, các hãng buôn và nhà máy. Như vậy Mỹ càng mưu mô với Pháp việc bình định Nam Bộ, Mỹ còn có hy vọng phát triển các đội quân ngụy. Ngụy quân càng nhiều Mỹ càng có điều kiện nắm lấy lực lượng vũ trang ở Ðông Dương". Chính vì vậy mà: "Trong năm 1953, địch bị động đối phó với ta ở chiến trường chính, phải rút nhiều quân ở nam ra bắc, nhưng ở Nam Bộ, địch vẫn chủ động càn quét và chiếm đóng thêm nhiều nơi”. Trên cơ sở đánh giá tình hình như trên, Ban Bí thư nhận định: "Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ sẽ thêm khó khăn và lâu dài, nhưng Nam Bộ có nhiều thuận lợi để đối phó thắng lợi với âm mưu của địch". Những thuận lợi đó là: "Quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng suốt tám năm. Ðó là điều kiện căn bản để giữ vững phong trào kháng chiến. Ðịch càng thua ở chiến trường chính, càng bị động, tinh thần càng suy nhược. Ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt các bộ phận sinh lực, phá âm mưu càn quét bình định của địch" ([1])
Trên cơ sở kế thừa những quyết định của Đảng và Bộ Chính trị, kết hợp với thực tiễn đấu tranh của cách mạng miền Nam, Trung ương Cục đã đề ra phương hướng chiến lược mới cho cách mạng. Ngày 8/1/1954, Trung ương Cục nhận được bức điện mật của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nhiệm vụ của chiến trường Nam Bộ trong việc phối hợp với chiến trường toàn quốc. Bức điện nêu rõ:
“Trong 8 năm nay, luôn luôn địch có âm mưu bình định Nam Bộ. Nhưng chúng đã thất bại, chẳng những không thực hiện được âm mưu, mà còn bị ta tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực. Được như vậy là vì nhân dân, bộ đội và cán bộ đã quyết tâm đánh giặc. Nam Bộ là nơi địch thấy có nhiều điều kiện cho chúng thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Nam Bộ là nơi Mĩ đã bỏ vốn vào các đồn điều cao su, các hãng buôn và nhà máy. Như vậy Mĩ càng mưu mô với Pháp xúc tiến việc bình định Nam Bộ, Mĩ còn hi vọng phát triển các đội ngụy quân. Ngụy quân càng nhiều, Mĩ càng có điều kiện nắm lấy lực lượng vũ trang ở Đông Dương. Trước tình hình ấy, cuộc kháng chiến ở Nam bộ sẽ thêm khó khăn và lâu dài. Nhưng Nam Bộ có nhiều thuận lợi để đối phó thắng lợi với âm mưu của địch.
Một là, quân và dân Nam Bộ đã chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng suốt tám năm. Đó là điều căn bản để giữ vững phong trào kháng chiến.
Hai là, địch càng thua ở chiến trường chính, càng bị động, tinh thần càng suy nhược. Ta có nhiều điều kiện để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá âm mưu càn quét bình định.
Như vậy, ta phải nhận định rằng: “Qua năm 1954, nếu Nam Bộ giữ vững được thế cầm cự lâu dài với địch, không cho chúng thực hiện âm mưu bình định, là căn bản ta đã thắng được chúng”([2]).
Đồng thời, bức điện cũng đề ra cho Nam Bộ 3 nhiệm vụ chính:
Một là, giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích: “Nam Bộ là một chiến trường hoàn toàn du kích, phương châm tác chiến của ta căn bản là du kích chiến. Vì vậy phải chống tư tưởng chính quy đem tiểu đoàn tập trung học tập đánh công kiên hai ba tháng như Khu VII và học đánh vận động chính quy như Khu IX”.
Hai là, củng cố và mở rộng căn cứ. “Hướng xây dựng căn cứ của Nam Bộ là: Giữ vững và củng cố căn cứ Bạc Liêu và Đồng Tháp, tích cực củng cố phát triển căn cứ miền Đông”.
Ba là, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận ([3]).
Về binh chủng chuyên môn, Nam Bộ có 50 đội chuyên môn đánh tàu thủy, cơ giới, đánh bộc phá, biệt kích…, miền Tây còn xây dựng thêm các đội chuyên môn đánh tàu theo kinh nghiệm Đồng Tháp Mười.
Về xây dựng lực lượng và tổ chức quân đội, Tổng quân ủy Trung ương đã có điện mật gửi Chính ủy và Tư lệnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, trong đó có lưu ý đến việc phải tổ chức những tiểu đoàn cơ động độc lập để ứng phó với những diễn biến mới khi ở chiến trường chính có những trận đánh lớn: “Nam Bộ cần xây dựng mây tiểu đoàn chủ lực, lưu động chiến đấu,, lúc thường thì dùng đơn vị tiểu đoàn, khi có điều kiện thuận lợi thì tập trung hai tiểu đoàn tác chiến (đánh từng trận rồi phân tán), như vậy mới lợi dụng được sơ hở của địch và học tập đánh vận động chiến, do đó mà đẩy mạnh du kích chiến. Hiện nay, về danh nghĩa thì có mấy đơn vị chủ lực, Khu IX có một trung (đoàn). Cần phải quan niệm dứt khoát đó là những đơn vị cơ động của ta, không giao nhiệm vụ gì khác, để khi điều động khỏi bị vướng, nhiệm vụ có rõ thì xây dựng mới có kết quả. Bộ sẽ điện kinh nghiệm xây dựng vào và gửi một số cán bộ đại đội và tiểu đoàn vào. Ý kiến này đã bàn với đồng chí Duẩn là nên kiện toàn hai tiểu đoàn sẵn có trước”([4]).
“Muốn thực hiện được kế hoạch trên thì cần đề bạt rất mạnh dạn cán bộ từ dưới lên, để mỗi cấp có đủ cán bộ chính trị, quân sự, có đủ cấp trưởng và phó, không sợ non kém, sẽ rèn luyện dần” ([5]).
Theo tinh thần đó của Trung ương, trong Chỉ thị đề ngày 24/1/1954, Trung ương Cục quyết định: “Kịp thời khuếch trương những chiến thắng quan trọng về quân sự và chính trị để hoàn thành nhiệm vụ trung tâm”. Trong chỉ đạo chiến lược, Chỉ thị nhấn mạnh: “Ra sức khắc phục những tư tưởng chủ quan, cầu an, bị động, chủ động tập trung đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hoại cơ sở kinh tế, hậu cần của địch, buộc chúng phải đối phó ngay tại nơi mà chúng cho là tương đối an toàn, đồng thời có kế hoạch đề phòng địch càn quét vào khu căn cứ, nhưng không được phân tán lực lượng”([6]). Về phương châm tác chiến, Trung ương Cục chủ trương tác chiến theo lối du kích chiến, đánh bằng mọi cách để gây bất ổn cho hậu phương địch, làm công tác “địch vận” để phối hợp với chiến trường Bắc Bộ.
2.      Quân dân miền Nam phối hợp chiến đấu với Điện Biên Phủ, giành thắng lợi cuối cùng
Hưởng ứng Chỉ thị của Trung ương Cục và cùng lúc phối hợp với quân dân miền Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công lớn trên các mặt quân sự, chính trị, binh vận.
Để cho người xem dễ theo dõi, tác giả ghi theo Nghị định số 252/ND-51 của Trung ương Cục + Ủy ban hành chánh Nam Bộ, chia Nam Bộ thành hai phân liên khu:
- Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh (11 tỉnh cũ): Gia Ninh (gồm Gia Định - Tây Ninh): Thủ Biên (gồm Thủ Dầu Một - Biên Hòa); Bà Chợ (Bà Rịa - Chợ Lớn), Mĩ Tân Gò (gồm Mĩ Tho - Tân An - Gò Công), Long Châu Sa (gồm Long Châu Tiền - Sa Đéc).
- Phân liên khu miền Tây gồm 6 tỉnh (9 tỉnh cũ): Bến Tre, Vĩnh Trà (gồm Vĩnh Long - Trà Vinh), Cần Thơ (gồm Cần Thơ và một phần Rạch Giá), Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà (gồm Long Châu Hậu tức phần đất nằm ở hữu ngạn Sông Hậu của 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc cũ).
Các vấn đề như tiến công quân sự, tiến công chính trị và binh vận, tác giả sẽ trình bày những hoạt động của các tỉnh trong 2 phân liên khu gói gọn trong các vấn đề đó (tiến công quân sự, tiến công chính trị…).
Về tiến công quân sự, tuy còn hạn chế về số lượng và vũ khí (quân chủ lực ở Nam Bộ chỉ có ba tiểu đoàn của Khu là 302, 304, 307 và bảy tiểu đoàn của các tỉnh là: 300, 303, 306, 308, 310, 311, 410; ngoài lực lượng này thì còn có các đại đội, trung đội và du kích xã ở địa phương) nhưng lực lượng tại chỗ ở miền Nam đã tiến công đồng loạt trên các mặt trận với mọi sức lực vả vũ khí trong tay, đánh trên 3 mặt trận (3 vùng chiến lược) để giành thắng lợi cuối cùng.
Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo việc tiến công quân sự của Đảng với miền Nam lại có sự khác biệt, đó Trung ương Cục chỉ thị cho Phân liên khu miền Tây khởi sự nổi dậy đồng loạt trước Phân liên khu miền Đông, và xa hơn nữa là Trung Bộ ? Đó là vì Trung ương Cục đã có trụ sở ở miền Tây Nam Bộ mà cụ thể là ở khu vực hai huyện Sử Đập Đá – Chắc Băng thuộc vùng căn cứ địa U Minh huyền thoại (nay là huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Tây Nam Bộ thuộc khu 9, là nơi có địa hình chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển Nam Việt Nam, nhiều kênh rạch – sông ngòi; thuận lợi cho việc phòng thủ nhưng không thuận lợi cho việc tiến công kiểu “hiệp đồng binh chủng” (đánh đạo quân lớn với địch); hơn nữa U Minh cũng là căn cứ địa cách mạng từ lâu của nhân dân (căn cứ Truông Mít….) nên rất được Đảng và Chính phủ lưu tâm từ lâu. Còn Trung ương Cục không đóng ở miền Đông Nam Bộ để chỉ đạo chiến trường cũng có lý do: đó là do tầm nhìn hạn chế của một số cán bộ Đảng về địa hình rất đặc biệt (nhiều núi, đồi cao), hơn nữa vùng này có vùng đồng bằng rất bằng phẳng – không thuận lợi cho việc tác chiến của ta. Ta đã biết theo kế hoạch Navarre, địch tập trung lực lượng mạnh ở đồng bằng – đặc biệt là khu Sài Gòn Chợ Lớn (tới 12 – 13 tiểu đoàn địch) nên địch khống chế chặt chẽ vùng này, ta mà triển khai tấn công ngay thì chỉ có cách đi vào con đường chết (rút kinh nghiệm từ bài học chiến dịch Quang Trung năm 1951 tấn công Hà – Nam – Ninh, thất bại chiến lược).
Do nhận thức đúng và sâu sát tình hình như thế, Trung ương Cục đóng ở căn cứ U Minh đã ra lệnh cho quân dân các tỉnh thuộc phân liên khu miền Tây Nam Bộ khởi sự trước. Ở các tỉnh ven biển phía Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, quân dân các tỉnh tiến công mạnh vùng sau lưng địch, tiến hành chiến tranh du kích – địch vận, diệt khá nhiều sinh lực địch và lập chiến công lớn: Quân dân ở tỉnh Sóc Trăng nhanh chóng hạ đồn Pertol (xã Phú Mỹ), bứt rút 23 đồn địch và đánh tan một xe chở đầy lính; đến tháng 4/1954 thì phá rã tới 65 sóc Khmer, 6 lô cốt, bắt giết tới gần 330 tên và bắt 25 tên lính Khmer và giải phóng huyện Thạnh Trị. Tại Bạc Liêu, tiểu đoàn 307 phối hợp với Đại đội 552 (có chỗ ghi Đại đội 932) và du kích địa phương mở đợt tiến công, bao vây huyện lỵ An Biên và các đồn bót từ chỗ huyện Thứ Ba kéo dài ra Xẻo Rô. Sau 15 ngày kiên trì bao vây, tấn công, quân ta giải phóng huyện An Biên; tiêp tục mở rộng khu giải phóng kéo dài đến sông Cái Lớn. Ta lần lượt giải phóng quận lỵ Thứ Ba, Bàu Môn (diệt 227 tên, 12 tên chạy thoát) rồi Xẻo Rô ([7]). Riêng tại trận Xẻo Rô (cuối tháng 3/1954), ta bắt và diệt nhiều tên, bắt sống quận trưởng Lâm Quang Thiệp. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 500 tên, thu hơn 500 súng, xóa sổ các đồn bốt từ chi khu An Biên, qua Xẻo Rô đến tận sông Cái Lớn. Trong báo cáo phúc trình gửi Tổng ủy Pháp Đông Dương là Dejean, Tỉnh trưởng Rạch Giá chua chát nói: “Việt Minh không còn hoạt động cầm chừng mà đã phát động cuộc tấn công mãnh liệt và đều khắp, chống các công sự phòng thủ của ta. Suốt trong tháng, binh sĩ ta không ngừng phải chịu đựng các cuộc tiến công liên tiếp bởi một kẻ địch gấp nhiều lần về số lượng. Hệ thống hành chánh đã bị rung chuyển bởi sự rút bỏ nhiều bót và tháp canh quân sự. Vì không được che chở hữu hiệu nên hội tề nhiều xã phải rút về và tiếp tục công việc ở thị xã” ([8]). Riêng ở thị xã Cần Thơ – trung tâm đầu não của địch, ta tiến công đồng loạt diệt gần 1.000 tên địch, bắt sống 220 tên, hạ 72 đồn địch. Vùng căn cứ U Minh mở rộng đến sát thị xã Rạch Giá, phong trào du kích phát triển mạnh. Quân số các tiểu đoàn chủ lực 307, 410 tăng lên đến 2.000 quân (mỗi tiểu đoàn 1.000 người). Cùng lúc đó, quân dân Bến Tre đánh mạnh vào các vị trí của địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ An Hóa, Mỏ Cày đến Ba Tri và vùng căn cứ Trà Vinh được mở rộng – bến Cồn Tàu từ bến để nhân dân mưu sinh bình thường đã có sự chú ý (nhưng chưa cụ thể), đến năm 1961 thì trở thành bến vận chuyển vũ khí từ Bắc chuyển vào Nam thời kháng Mỹ cứu nước.
Trong khi đó ở phân liên khu miền Đông, vì nhiều lý do khác nhau nên Trung ương Cục không thể gửi lệnh tổng tiến công như ở phân liên khu miền Tây (đến tháng 6 thì phân liên khu mới có lệnh tổng tiến công). Vì thế, quân dân các tỉnh thuộc Phân liên khu miền Đông phải tự thân tiến hành tổng tấn công mang tính tự phát. Ở tỉnh Gò Công (thuộc tỉnh Mĩ Tân Gò), ta hạ đồn Cây Mắm (2/1954). Hoảng sợ, 3 đồn địch ra hàng đồng loạt. Chỉ trong vòng một tuần lễ - từ ngày 22 đến ngày 29-2-1954 - bằng cách kết hợp tiến công với địch ngụy vận, quân dân Gò Công đã diệt, bức hàng bức rút 74 đồn bót tháp canh, diệt bắt sống hàng trăm tên địch, làm rã ngũ hơn 1.000 tên khác, thu hàng trăm vũ khí các loại, giải phóng 30 trong tổng số 41 xã của huyện Gò Công. Tài liệu của quân đội Sài Gòn thú nhận: Trong ba ngày, từ ngày 27 đến ngày 30-1 [1954], không phải đánh lớn họ [bộ đội Việt Minh] lấy được 40 đồn hương dũngnam Gò Công. Tổng cộng trong tháng 2, số tháp canh Pháp bị hạ hoặc rút lên tới 200 chiếc”([9]). Không những đánh địch trực tiếp trên bộ, quân dân tỉnh còn lập chiến công xuất sắc trong việc đánh chìm tàu địch chạy trên sông. Lợi dụng địa hình nhiều kênh rạch, chỉ trong 2 tháng (3 – 4/1954), ta đã nhấn chìm 31 tàu địch ở kinh Chợ Gạo – kinh lớn nhất tỉnh. Huyện Cái Bè tổ chức nhiều trận đánh lấy hàng chục đồn bót trong huyện, tháng 4 - 1954, đánh trận Cái Lân, tháng 5 làm rã hàng trăm tên lính Cao Đài, Hòa Hảo, mở rộng nhanh vùng căn cứ và vùng giải phóng. Tháng 5, quân dân tỉnh này còn tấn công đồng loạt lần 2; đánh thiệt hại và làm rã ngũ hàng trăm tên địch (bức hàng đưa họ quay về gia đình). Riêng tỉnh Long Châu Sa, đấu tranh quân sự diễn ra dồn dập, liên hồi làm quân địch điên đảo đối phó: ở các huyện Tân Hồng, Phú Châu, Châu Thanh…, ta đánh gần 20 trận lớn nhỏ, diệt hàng trăm tên địch và thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Tại tỉnh lỵ Sa Đéc, tổ đặc công thị xã do Trần Chi Lăng chỉ huy bất ngờ nổ súng đánh chìm 2 tàu Pháp đậu trên sông Tiền trước Ty Bưu điện cũ ([10]), diệt 36 tên, gây cho địch tổn thất nặng nề (chìm nhiều hàng hóa, vũ khí. Đến đợt “hoạt động mạnh” theo chỉ đạo của phân liên khu miền Đông (4/1954), ta tổ chức 64 lần tấn công địch diệt 66 tên, làm bị thương 117 tên, bắt 43 tên, thu 24 súng, 1000 mét vải, nhiều đạn, lựu đạn và quân trang. Nhiều đồn bót địch rút chạy tán loạn. Căn cứ Đồng Tháp Mười được mở rộng phía Nam xuống sát kênh Nguyễn Văn Tiếp, phía đông ra tới ven sông Tiền, phía Tây tới tận sông Vàm Cỏ Đông, phía Bắc lên đến đường 16.
Noi gương chiến đấu anh dũng của tỉnh Mĩ Tân Gò và Long Châu Sa, đồng thời phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ ở miền Tây Bắc Tổ quốc, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương tấn công mạnh vào hệ thống đồn bót địch, các trục giao thông và điểm xung yếu quanh thị trấn và thị xã, kìm chân địch tạo đà cho sự phát triển tiếp ở vùng sau lưng địch. Từ tháng 3 – 5/1954, quân ta từ Bến Cát, Lái Thiêu bất ngờ tấn công khu du kích Thái Hòa, Tân Phước, chiến khu Thuận - An – Hòa, đánh du kích trên đường 13, các tháp canh… Tháng 5/1954 tại bót Cầu Định, ta diệt gọn một đại đội Commandor 147 tên, thu một súng cối 60 ly, 4 súng đại liên, 130 tiểu liên và súng trường, hơn 9 tấn đạn và nhiều đồ dùng quân sự. Phát huy chiến thắng trên, bộ đội địa phương ở các huyện Bến Cát, Châu Thành liên tiếp hạ nhiều bót địch, đánh tan các cuộc càn của địch vào căn cứ Truông Bông Bông… Ngay ở nội đô Sài Gòn, đêm 31/5 rạng 1/6/1954, đội biệt động số 205 (do Ba Huỳnh chỉ huy với các chiến sĩ Phạm Văn Hai, Bùi Văn Ba) bất ngờ tiến công kho Phú Thọ lần thứ hai ([11]). Toàn bộ xăng bom đạn đ cháy nổ suốt hai ngày đêm. Trận tiêu diệt kho dự trữ chiến lược này đòn mạnh đánh vào “dạ dày” của địch giữa lúc địch đang gặp khó khăn trên các chiến trường ([12]). Trong khi đó, quân dân tỉnh Bà Chợ tiến công đồng loạt ở các huyện, thị xã của tỉnh. Tháng 1/1954, ta chặn đánh đoàn xe địch ở tuyến đường sắt Gia Huynh - Trảng Táo; diệt tên trung úy ác ôn Suacos ở Hắc Dịch (5/1954)… Do những cuộc tiến công liên tiếp của ta đã làm tinh thần Pháp – tay sai suy sụp nặng nề, nhiều đơn vị lính Sài Gòn, Cao Đài tình nguyện cho ta cướp đồn, số lớn thì bỏ ngũ về quê. Ngay cả lính Khmer khi khiếp sợ sức tiến công của ta cũng phải đề nghị với quân cách mạng “án binh ́t động”, cách mạng không ́n công họ, đổi lại họ cam kết không đi càn quét đ cho bộ đội, cán bộ cách mạng đi lại tự do. Bàn về tình hình bi đát đó, Tướng Navarre, Tư lệnh quân PhápĐông Dương phải thừa nhận:Nam Bộ trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, tình trạng “ruỗng nát” [của địch] chiến tranh du kích phát triển” ([13]).
Nói tới đây, phần đấu tranh quân sự đồng loạt của quân dân ở 2 phân liên khu có nhiều điều cần bàn luận: thứ nhất, vì sao quân dân chỉ đấu tranh quân sự chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Nam (Gò Công, Sóc Trăng, Bạc Liêu…) mà ít khi đấu tranh ở các tỉnh trong nội địa, nhất là các tỉnh sát biên giới với nước bạn ? Theo ý kiến riêng của tác giả, giống như cách mạng tháng Tám thì cuộc tổng tiến công của miền Nam phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tiến công đồng loạt nhưng không đều khắp – có các tỉnh ven biển thực hiện mà các tỉnh bên trong không làm. Các tỉnh ven biển sở dĩ khởi nghĩa và đấu tranh thuận lợi là vì lực lượng quân địch khá mỏng (Pháp dồn hết 2/3 số quân ra ngoài Bắc). Địa hình bị chia cắt quá mạnh bởi nhiều con sông, kinh và rạch chằng chịt làm địch rất khó cho tàu cơ động để cai trị, quản lý toàn vùng Nam Bộ này. Ta còn nhớ, khi Pháp xâm chiếm miền Nam Bộ, nhất là miền Tây Nam Bộ thì quân ta chống lại; ở các sông thì lập các “cản” lớn chặn tàu địch vào, lương thực và vũ khí tự túc (ở miền Nam đã có cơ quan chuyên về quân giới rồi). Khi Pháp rút phần lớn quân thì sức kháng cự của đạo quân còn lại bị yếu dần, chúng co cụm ở các đồn bót lớn và chủ động càn quét quân dân ta. Hơn nữa, quân ta tiến công ở các tỉnh ven biển có cái lợi: khi thất thế thì có thể rút bằng đường biển, hoặc sang các tỉnh bạn bằng đường kênh rạch. Còn ở các tỉnh nội địa thì có hoặc không đấu tranh như tỉnh Long Châu Hà thì giải thích hơi khác: nếu có đấu tranh quân sự ở đây thì sẽ làm ảnh hưởng đến nước bạn Campuchia là nước chủ trương “độc lập”, khi vua Sihanouk làm cuộc “thập tự chinh của vua Sihanouk” sang Pháp từ 1952 – 1953. Sau độc lập, Campuchia chủ trương trung lập – nhân dân sống yên bình. Nếu có cuộc đấu tranh nào đó xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Sihanouk, cho nên Tỉnh ủy chủ trương không có đấu tranh quân sự vì sợ ảnh hưởng của nó lan sang Campuchia, kích thích nhân dân nổi dậy chống chính quyền sở tại. Hơn nữa, đấu tranh quân sự ở đây cũng kích thích bọn phản động Campuchia lưu vong sang Việt Nam sẽ về nổi dậy chống chính quyền.
Thứ hai, quan sát các trận đánh thì ta thấy có đánh phá các đoạn đường giao thông, hạ tàu địch ngay trên sông, kênh và rạch. Đây là sáng tạo mới trong cách đánh của ta chống quân địch mạnh, dã tâm muốn xâm chiếm toàn bộ nước ta. Nhưng chúng không ngờ rằng, vùng đất mà khi xưa chúng tấn công và khai phá vào thế kỷ XIX, giờ đã trở thành một vùng đất có địa thế lợi hại về đường sá, sông rạch – thuận lợi cho “chiến tranh nhân dân” của quân dân ta phát triển. Quân dân các tỉnh có giao thông chạy qua đã dùng mọi vũ khí chặn đánh đoàn xe địch – cắt đứt nguồn hậu cần của giặc cung ứng cho chúng ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh tàu trên sông thì chủ yếu đánh ở các kinh rạch lớn (Chợ Gạo, Phụng Hiệp…), đánh ở các con sông đổ ra biển như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Giờ diệt hàng chục tàu địch. Đặc biệt, ở nơi có vị trí yết hầu như Rừng Sác Cần Giờ (Sài Gòn) – từ lâu được chọn làm căn cứ chiến lược thì quân dân Rừng Sác (chủ yếu là đặc công) trong năm 1954 đã bắn chìm 32 tàu chiến, loại 14 tiểu đoàn địch cùng hàng trăm trang thiết bị khác.
Đồng thời với các cuộc tiến công quân sự đang diễn ra mãnh liệt ỏ các tỉnh, các cuộc tiến công về chính trị, binh vận cũng diễn ra rất quyết liệt. Ở Tây Nam Bộ (thuộc phân liên khu miền Tây), nơi có nhiều tôn giáo địa phương mà đặc biệt nhất là có quân đội của các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài; quân lính người Khmer nghe lệnh của Pháp mà điên cuồng chống ta kịch liệt. Để đối phó, Trung ương Cục ra chỉ thị về việc “binh vận”, vận động anh em lính Khmer, Hòa Hảo lầm đường lạc lối mà quay trở về gia đình. Ở Cần Thơ, công tác địch vận thu được kết quả khả quan. Một trung đội Hòa Hảo ở Thốt Nốt làm binh biến, diệt chỉ huy Pháp và đem súng về với nhân dân. Tại các tỉnh khác, phong trào chống bắt lính tăng mạnh. Ở Vĩnh Long thì đồng bào đấu tranh, giải thoát cho hơn 200 thanh niên bị bắt lính. Ở Cầu Ngang 120 gia đình người dân tộc Khmer đấu tranh đòi trả con chồng về gia đình. Như vậy tính từ cuối 1953 đến tháng 3/1954, đã có 1.575 lính đào, rã ngũ. Ở các tỉnh thuộc phân liên khu miền Đông, hoạt động binh vận đã diễn ra và đạt hiệu quả, nhiều binh lính quay trở về gia đình.
Đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ và dồn dập ở các đô thị lớn. Tháng 3-1954 ở thành phố Sài Gòn, 325 nhân sĩ trí thức có tên tuổi như kỹ sư Lưu Văn Lang, luật tiến sĩ Trịnh Đình Thảo, dược sĩ Trần Kim Quan, phó giám đốc Ngân hàng Pháp Á Nguyễn Văn Vỹ, giáo sư luật học Nguyễn Văn Dưỡng, giáo luật học Dương Trung Tín, nhà giáo Nguyễn Trường Cửu... ký tên vào bản Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sớm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bìnhViệt Nam. Thực dân Pháp tìm mọi cách bưng bít xuyên tạc nội dung bản Tuyên ngôn nhưng phong trào vận động cho hòa bình vẫn lan rộng, thu hút luận trong ngoài nước. Báo Nhân Dân ra ngày 6-5-1954 gọi bản Tuyên ngôn của các nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn “một quả bom hòa bình nổNam Bộ”.
Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân, công nhân các hãng Mic (tháng 3/1954), hãng Ngô Vinh (10/1954) và lớn nhất là cuộc bãi công của 30.000 công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm....([14]). Ở các đô thị lớn khác như Cần Thơ, Rạch Giá... quần chúng đấu tranh chính trị với các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, chống bắt lính, chống đàn áp. Trong khi đó, sinh viên, học sinh các trường đại học trung họccác thành thị Nam Bộ tiếp tục mở rộng phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp - Bảo Đại phải hoãn miễn quân dịch đ họ tiếp tục học tập, đòi chấm dứt chiến tranh đ thanh niên Việt, Pháp không phải đ máu một cách ích nữa ([15]). Tuy nhiên so với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị cũng có chỗ đứng nhưng không thể hiện ra nhiều. Áp dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hoạt động cách mạng, Đảng và Chính phủ ta chú trọng vừa kháng chiến, vừa xây dựng và áp dụng linh hoạt chứ không máy móc, giáo điều. Khi Pháp thất bại sau trận đánh năm 1950, ta cũng dùng đấu tranh vũ trang kết hợp chính trị (1950 – 1951) và sau các chiến thắng dồn dập về lĩnh vực quân sự - vùng giải phóng được mở rộng thì đấu tranh chính trị đã không diễn ra nhiều. Ta quan niệm: chỉ cần 1 chiến thắng trên 1 lĩnh vực nào đó thì ta sẽ hòa hoãn và rút khỏi cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” với Pháp – chính những thắng lợi quân sự trên các mặt trận khiến chính phủ ta có khuynh hướng chuyển sang đấu tranh vũ trang, dùng đấu tranh vũ trang là vũ khí quyết định số phận của cuộc chiến tranh này. Ở Nam Bộ cũng thế: đấu tranh quân sự nổi bật nhiều so với đấu tranh chính trị cũng vì lý do đó.
Việc xây dựng cơ sở vật chất, tăng gia sản xuất để cung ứng nhu cầu trong vùng, đồng thời còn ủng hộ chiến trường chính ở Tây Bắc đã diễn ra rất sôi nổi. Ở các tỉnh Nam Bộ, ta chủ trương sửa chữa và phục hồi lại phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ, đường số 1, số 13... và các tuyến đường liên tỉnh. Ta cũng gây dựng lại các sở cách mạng tại các thị xã, thị trấn và các nút giao thông quan trọng; đồng thời mở trường đào tạo quân đội Pháp, như trường đào tạo sĩ quan Bình Thủy (Cần Thơ), trường tân binh ở Rạch Sỏi (Rạch Giá)… để gây dựng, đào tạo công nhân khối hậu cần phục vụ chiến trường. Ở các tỉnh nhiều lúa gạo như Long Châu Sa, Bà Chợ… thì nhân dân trong tỉnh hưởng ứng kế hoạch “tăng gia sản xuất” của Tỉnh ủy, làm việc và đạt nhiều thành tích lớn. Ở tỉnh Long Châu Sa, việc đẩy mạnh sản xuất và huy động các nguồn thu đạt khá. Với sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành nên 6 tháng đầu năm 1954 tổng thu ngân sách bằng tiền của tỉnh là 6.896.000 đồng; so tổng chi là 4.724.027 đồng, dư 2.171.973 đồng. Tổng thu bằng lúa của toàn tỉnh là 164.000 giạ; so tổng chi là 112.740 giạ, còn dư 51.260 giạ ([16]). Cùng lúc với Long Châu Sa, Tỉnh ủy Bà Chợ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bọn Pháp thu thuế, cướp đất và kêu gọi họ tăng gia sản xuất ở vùng tạm chiếm. Vào tháng 3/1954, ta tổ chức được 26 đoàn, 17 đội vần công đổi công ở Bàu Lâm, Cơ Trạch, Nhu Lâm, Bưng Riềng, Xuyên Mộc, Phước Lộc; sau đó tổ chức  phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật, bình bầu các danh hiệu thi đua. Kết quả là vùng sản xuất được mở rộng, dân có đủ ăn – mặc để chuẩn bị sức lực cho cuộc tổng tiến công về sau này. Nhiều chiến sĩ có công lớn đều được khen thưởng. Tính đến tháng 4 năm 1953, đã có 7 chiến sỹ nông nghiệp cấp huyện, 14 chiến sỹ nông nghiệp cấp xã và 38 chiến sỹ nông nghiệp cấp ấp được bầu trong 7 xã vùng căn cứ.
Một hình thức đấu tranh mới đã xuất hiện ở Nam Bộ thời kỳ 1954 là hình thức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng (đấu tranh bằng sách, báo chí...). Nó xuất hiện không nhiều và không đồng đều giữa các tỉnh, nhưng mạnh nhất là tỉnh Mỹ Tho. Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Tỉnh ủy Mỹ Tho phát động ''chiến dịch tuyên truyền chiến thắng Điện Biên Phủ và ủng hộ Hội nghị Giơnevơ''. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức một lớp học cho 80 cán bộ quân - dân - chính của tỉnh và các huyện để làm nòng cốt cho chiến dịch tuyên truyền, nội dung lớp học gồm các bài:“Nhận định giá trị chiến thắng Thu - Đông - Xuân 1953 - 1954, đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ", “4 quy định mới của Trung ương đối với ngụy binh”. Ngay sau lớp học bế giảng, các học viên (gọi là ''báo cáo viên thời cuộc'') tỏa về cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức cho cán bộ, bộ đội và nhân dân học tập và nắm vững tin tức thời sự.
Cùng với hoạt động của báo cáo viên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sử dụng tất cả các phương tiện điện đài, giao liên để phổ biến kịp thời tin tức, diễn biến thời cuộc. Tỉnh ủy còn phát hành hàng chục vạn bản tin các loại: Tin tức VTĐ (ra hàng ngày, 1.000 bản/số); Tin tức quân - dân - chính (ra hàng tuần, 4.000 bản/số); Tài liệu giải đáp Hội nghị Giơnevơ (10.000 bản); Khẩu hiệu ủng hộ Hội nghị Giơnevơ (30.000 bản); 2 cuốn sách về Hội nghị Giơnevơ (8.000 quyển); 2 cuốn sách về chiến thắng Điện Biên Phủ (10.000 quyển). Hiệu triệu của Phân liên khu miền Đông về 4 quy định đối với ngụy binh (10.000 tờ); Thơ gửi gia đình binh sĩ ngụy về Hội nghị Giơnevơ (10.000 tờ); Kiến nghị của 68 ngụy binh về hội nghị Giơnevơ (10.000 tờ); Bươm bướm về tin chiến thắng Điện Biên Phủ (10.000 tờ); Truyền đơn kêu gọi ngụy binh trong dịp Hội nghị Giơnevơ và chiến thắng Điện Biên Phủ (10.000 tờ) ([17]).
Không chỉ tuyên truyền và báo chí ở Nam Bộ, đồng bào ở nhiều tỉnh Nam Bộ đã gửi cả những tình cảm chân thành đến động viên các chiến sĩ đang chịu đựng gian khổ, đang "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt..." trực tiếp chiến đấu ở Ðiện Biên Phủ. Một phong trào gửi thư, gửi điện cho chiến sĩ Ðiện Biên Phủ đã được phát động ở tất cả các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Nông hội…
Kết luận:
Với diện tiến công rộng, nhịp độ tiến công liên tục và toàn diện cả về quân sự, chính trị, binh vận của ta, quân Pháp và tay sai ở Nam Bộ đã bị dồn vào thế chống đỡ, bị động, chúng không còn khả năng chủ động mở những cuộc càn quét quy mô lớn vào các vùng giải phóng như đầu năm 1953. Tình trạng ấy cũng có nghĩa là địch không thể sử dụng được hết tiềm năng sức người, sức của ở Nam Bộ để chi viện cho chiến trường chính Bắc Bộ, mà ngược lại đã làm cho những người chỉ huy cao nhất của Pháp phải lúng túng vì đối phương tiến công liên tục ngay ở hậu phương quan trọng nhất của chúng ở Ðông Dương, đồng thời còn là nơi có quyền lợi của Mỹ mà Pháp phải bảo vệ để đổi lấy viện trợ vũ khí cho chiến trường đang bị nguy khốn ở Bắc Bộ. Quân và dân Nam Bộ đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ, sự chỉ đạo của Trung ương Ðảng "phân tán kẻ thù ra mà tiêu diệt" góp phần thiết thực với chiến dịch Ðiện Biên Phủ, với cả nước. 


Tài liệu tham khảo:
1.      Ban Biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (1985), Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.      Ban Biên tập Lịch sử Đảng Kiên Giang (1985), Kiên Giang kháng chiến chống Pháp, Kiên Giang.
3.      Ban Chấp hành Liên đoàn lao động Việt Nam (1993), Công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nxb Lao động.
4.      Phan Xuân Biên (2004), “Nam Bộ trong chiến cuộc Đông Xuân và Điện Biên Phủ”, Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên Phủ.
5.      Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2013), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội
6.      Trần Ngọc Long (2007), Căn cứ địa U Minh (1945 – 1975), NXb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
7.      Henri Navarre (1994), Thời đ̉m của những sự thật (bản dịch của Nguyễn Huy ̀u), Nxb. Công an nhân dân, Nội.
8.      Những sự kiện lịch sử Đảng, NXB Sự thật, Hà Nội, tập 2.
9.      Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (2005), Địa chí Tiền Giang, NXB Tiền Giang.
10. Các tài liệu về Lịch sử Đảng bộ các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh), do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 2009 – 2012.








[1] Phan Xuân Biên (2004), Tài liệu đã dẫn, tr. 29.
[2] Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.123.
[3] Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 123 – 131.
[4] Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 417.
[5] Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 416.
[6] Những sự kiện lịch sử Đảng, NXB Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr. 336 – 337.
[7] Trần Ngọc Long (2007), Căn cứ địa U Minh (1945 – 1975), NXb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 90.
[8]  Ban Biên tập Lịch sử Đảng Kiên Giang (1985), Kiên Giang kháng chiến chống Pháp, Kiên Giang, tr. 192.
[9]. Văn Dương (1972), Quân lực Việt Nam ̣ng hoà trong giai đoạn hình thành, 1946-1955, Khối Quân sự phòng 5, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn xuất bản, Sài Gòn, tr. 66.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã ủy Sa Đéc (1988), Sơ thảo lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân thị xã Sa Đéc (1927 – 1975), Ban tuyên giáo thị ủy Sa Đéc xuất bản nội bộ, tr. 74.
[11]. Kho Phú Thọ dài hơn 2 km, rộng 1,5 km, được bảo vệ bằng 12 lớp rào, hệ thống đèn pha và bót gác, chứa 10 triệu lít xăng và 9.345 tấn bom đạn, do một đại đội lính Âu - Phi canh giữ; kho Phú Thọ đã bị tiến công lần đầu vào tháng 8-1952.
[12] Sau trận đánh, Đội đặc công ́ 205 và các chiến sĩ Bùi Văn Ba, Phạm Văn Hai được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Hai năm sau, ngày 7-5-1956, Bùi Văn Ba và Phạm Văn Hai được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
[13]. Henri Navarre (1994), Thời đ̉m của những sự thật (bản dịch của Nguyễn Huy ̀u), Nxb. Công an nhân dân, Nội, tr. 156.
[14] Ban Chấp hành Liên đoàn lao động Việt Nam (1993), Công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nxb Lao động, tr. 245.
[15] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2013), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), Nxb CTQG Hà Nội, tr. 509.
[16] Trích công điện báo cáo số 61/TU, do đồng chí Nguyễn Văn Phối - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long Châu Sa ký. (M.Q chú)
[17] Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho: Báo cáo sơ kết công tác thông tin phục vụ Hội nghị Giơnevơ và chiến thắng Điện Biên phủ, Lưu trữ Trung ương Đảng, phông Trung ương Cục miền Nam, TUMT, cặp 1954, tờ 44.

Không có nhận xét nào: