Quan hệ Việt Nam
– Hàn Quốc hơn 2 thập kỷ qua (1992 – 2014): thành tựu nổi bật và triển vọng
Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức bắt
đầu vào ngày 22/12/1992, mối quan hệ này đã phát triển nhanh chóng và trở nên
mật thiết. 22 năm (1992 – 2014) là một khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời
mỗi con người, nhưng lại quá ngắn trong lịch sử của cả dân tộc và cả thế giới.
Nhìn lại hơn hai mươi năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với những
biến động sâu sắc của tình hình thế giới
và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có những
bước phát triển đầy khích lệ. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, rất hiếm có mối
quan hệ nào lại không trải qua bước thăng trầm, luôn phát triển đi lên; dường
như quan hệ Việt – Hàn là một ngoại lệ. Trong một khoảng thời gian ngắn, từ cái
mốc ban đầu là thiết lập quan hệ từ năm 1992 thì quan hệ giữa hai nước đã phát
triển nhanh, mạnh trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Có thể nhận
xét rằng, mối quan hệ này chỉ có “thăng” chứ chưa có “trầm” và được dư luận hai
nước đặc biệt hoan nghênh, xem đây là một sự “bùng nổ” mối quan hệ. Để hiểu rõ
thêm quá trình thiết lập quan hệ chính thức và sự phát triển của quan hệ Việt -
Hàn trong thời gian qua, bài tham luận này sẽ tìm hiểu những nhân tố dẫn tới
việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao; phân tích và đánh giá những thành
tựu đạt được và dự báo triển vọng hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, ngoại giao.
Abstract:
Diplomatic relations between Vietnam and South Korea has officially started
on 12/22/1992, this relationship has developed rapidly and become intimate. 22
years (1992-2014) is a fairly long period of time in every man 's life , but is
too short in the history of the nation and the world. Looking back over twenty
years after the Cold War ended, along with the profound changes of the
international situation and the Asia - Pacific region, Vietnam relations -
South Korea has taken steps to develop full encouraging. In the history of
international relations, a very rare relationship did not go through ups and
downs, always thriving; seems to Vietnam
relations - Korea
is an exception. In a short period of time, from the original mold is to
establish relations since 1992, the relations between the two countries has
grown strong in many areas of economics, politics, culture . It can be observed
that this relationship can only "win" and not a "depression"
and is widely welcomed two special countries, see this as an "explosive
"relationship. To further understand the process of establishing formal
relations and the development of Vietnam relations - Korea in recent years,
this paper will explore the factors that led to the two countries established
diplomatic relations; analyze and evaluate the achievements and forecasts the
prospects of cooperation between the two countries, particularly in the fields
of economics, politics, education, culture and diplomacy .
I. Những
nhân tố dẫn tới thiết lập quan hệ Việt – Hàn
Thứ nhất, chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo ra những biến
chuyển lớn trong đời sống chính trị thế giới nói chung và trong quan hệ quốc tế
nói riêng. Bước vào những năm 90, do chiến tranh lạnh vừa kết thúc nên thế giới
có những chuyển hóa cơ bản. Môi trường quốc tế trải rộng từ Bắc xuống Nam , Đông sang
Tây trên mọi phương diện. Ý thức hệ lúc này không còn là trở ngại trong quan hệ
quốc tế của các quốc gia mà nó hòa nhập và biến chuyển trong sự phát triển của thế
giới. Phát triển kinh tế trở thành ưu tiên số một của nhiều quốc gia, nhất là
các nước đang phát triển. Do tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mà
xu hướng phát triển kinh tế ngày càng tăng và phát triển đa dạng, phong phú,
phù hợp với xu thế “toàn cầu hóa” – vốn đang xu thế thịnh hành trong thế giới
hiện nay. Quan hệ quốc tế lúc này không còn tình trạng đối đầu giữa các nước
như thời chiến tranh lạnh, mà đã chuyển sang tình trạng đối thoại, vừa hợp tác
vừa đấu tranh vì một thế giới hòa bình. Trước bối canh đó, các nước phải tiến
hành đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa để có thế đứng trên trường quốc tế và
vị thế thuận lợi để phát triển đất nước. Là hai nước có chế độ chính trị - kinh
tế khác nhau, Việt Nam
và Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng đó – đó là điều kiện để hai nước này
thiết lập quan hệ ngoại giao trên nhiều mặt.
Thứ hai, do biến chuyển của thế giới nên khu vực châu Á –
Thái Bình Dương đã chuyển hướng từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác vì hòa bình.
Vào thập niên 80 – 90, khu vực này là nơi có kinh tế phát triển năng động nhất
thế giới và trong đó, vai trò của các nước vừa và nhỏ là tăng lên rõ rệt, góp
phần quan trọng vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Trong quan hệ quốc tế, giữa
các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có hiện tượng “tiếp xúc
chéo”; “công nhận chéo” và bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia có chế độ
chính trị khác nhau. Tình hình Triều Tiên được có sự tiến triển đáng kể. Suốt
từ 1990 – 1994, hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã đàm phán cấp chính phủ (1990);
ký thỏa thuận hòa giải – hợp tác và không xâm lược lẫn nhau, ký Tuyên bố phi
hạt nhân hóa (1991); gặp gỡ cấp cao hai miền (1994)… Tình hình chính trị và
kinh tế thuận lợi cho việc hai nước Việt – Hàn thiết lập quan hệ với nhau.
Thứ ba, với hai thập niên phát triển mạnh về kinh tế (1960 –
1980), đến thập niên 90 thì Hàn Quốc lớn mạnh lên; trở thành “con rồng kinh tế
châu Á”. Hàn Quốc tận dụng những mặt tích cực của xu thế mới trên thế giới,
cộng với quá trình “dân chủ hóa” trong chính quyền Hàn Quốc để vươn lên và vươn
rất mạnh mẽ. Trong đối ngoại, Hàn Quốc có chính sách mềm dẻo để giải quyết nội
tại đất nước và vươn tới việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Năm 1988, chính
phủ Hàn Quốc xúc tiến chính sách “ngoại giao phương Bắc” nhằm thiết lập quan hệ
với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN; kể cả bình thường hóa quan hệ với Bắc
Triều Tiên. Nhờ chính sách này, Hàn Quốc thoát khỏi việc lệ thuộc kinh tế vào
Mỹ, Nhật và tiến tới quan hệ đa phương với các nước có chế độ chính trị khác
nhau. Điều đó tạo điều kiện cho Hàn Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc và sau đó là
quan hệ với Việt Nam .
Về phía Việt Nam, sau Đổi mới 1986 thì Việt Nam thoát
khỏi khủng hoảng, đất nước được ổn định và yên bình. Trong bối cảnh thế giới,
Việt Nam điều chỉnh chính sách đối ngoại rộng mở với nhiệm vụ trọng tâm: tạo
môi trường quốc tế hòa bình, ổn định; thực hiện phương châm “thêm bạn bớt thù” nhằm
mục đích “làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa
bình, độc lập và phát triển”[1].
Để thực hiện mục đích đó, Việt Nam tiến hành chính sách đối ngoại rộng mở, đa
phương hóa và đa dạng hóa với các nước để tạo môi trường hòa bình, hữu nghị và
ổn định lâu dài trong khu vực; đồng thời xác lập được vị trí và uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế. Trên cơ sở tư duy đối ngoại và nhu cầu phát triển của
quốc gia, Việt Nam
thấy Hàn Quốc là đối tác quan trọng và nhiều tiềm năng, nên đã thiết lập quan
hệ ngoại giao.
II.
Một số thành tựu nổi bật
a. Chính trị
Gần hai thập niên kể từ sau khi Việt Nam thống nhất (1975), quan hệ Việt
– Hàn vì nhiều lý do khác nhau nên đã ngưng trệ. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh
lạnh kết thúc ít lâu thì xu thế trên thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại,
hòa bình và hợp tác và điều đó tạo điều kiện cho quan hệ Việt – Hàn sau nhiều
năm ngưng trệ, thậm chí là bị cắt đứt đã nối lại quan hệ với nhau, đáp ứng những
lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế mới.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên Việt –
Hàn đã và đang tiến hành thường xuyên theo hai cơ chế song phương và đa phương.
Về cơ chế song phương, hai bên đã
tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, nội dung
phong phú, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Gần như
mỗi năm đều có đoàn cấp cao của hai nước sang thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam, các
đoàn đại biểu cấp cao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993); Phan Văn Khải (2003),
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (2009)… Đặc biệt,
tháng 8/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong chuyến thăm hữu nghị chính
thức Hàn Quốc, đã cùng với lãnh đạo nước chủ nhà Hàn Quốc Kim Dae Young ký
Tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ “Đối
tác toàn diện trong thế kỷ XXI”. Đến tháng 6/2009, trong chuyến thăm chính
thức Hàn Quốc và đồng thời là tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập
quan hệ đối thoại Việt – Hàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp Hàn
Quốc của mình ký Tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ “Đối tác hợp tác chiến lược”.
Về phía Hàn Quốc, lãnh đạo của nước này thực hiện các chuyến thăm cấp cao sang
Việt Nam
như: chuyến thăm của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Young Duk (8/1994) Tổng thống Hàn
Quốc Kim Young Sam (11/1996), Thủ tướng Lee Han
Dong (tháng 4/2002) Tổng thống Roh Mou Hyun (10-12/10/2004). Các chuyến
thăm cấp cao trên có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ giúp hai nước ngày càng
gắn bó, thân thiết mà còn góp phần nâng cấp mối quan hệ: từ quan hệ đối tác
thông thường nâng cấp thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược; điều đó đã thúc
đẩy mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn trong thời gian
tới.
Cùng với các cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ hai nước,
các cuộc tiếp xúc liên nghị viện giữa
quốc hội và các nghị sĩ của hai nước cũng được tiến hành. Các hoạt động chính
trị đối ngoại này trở thành một phần quan trọng của quan hệ song phương, góp
phần trao đổi kinh nghiệm lập pháp, kinh nghiệm thi hành pháp luật trong hoạt
động kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò của nhà nước pháp quyền trong đời sống
xã hội ở mỗi nước. Đầu tiên là các chuyến thăm
của Chủ tịch Quốc hội Kim Soo Han (tháng 8/1996), Chủ tịch Quốc hội Park Hwang
Ying (từ 30/9-04/10/2003), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Won Ki
(14-18/1/2006). Về phía Việt Nam
thì có các chuyến thăm hữu nghị Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh
(tháng 3/1998), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (21-25/7/2004), Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Phú Trọng (3/2008). Trong Quốc hội hai nước, các nghị sĩ của Ủy ban
Đối ngoại, Ủy ban pháp luật, Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội đã thường xuyên
có những cuộc gặp, tiếp xúc cấp cao, cuộc gặp để tham khảo thường xuyên giữa
hai bên. Đặc biệt, quan hệ giữa hai nước không chỉ diễn ra trong quan hệ nhà
nước, chính phủ, Quốc hội mà còn lan sang cả quan hệ với các chính đảng. Tháng 11/1994, đoàn đại biểu Đảng Cộng
sản Việt Nam
sang Hàn Quốc theo lời mời của Đảng Tự do dân chủ Hàn Quốc nhằm chính thức
thiết lập quan hệ giữa các Đảng cầm quyền với nhau. Đây là điểm khá mới và cũng
khá đặc biệt trong quan hệ Việt – Hàn, khác hẳn với quan hệ Việt – Nhật (và một
số quan hệ giữa Việt Nam với một số nước khác) vốn chú trọng quan hệ nhà nước,
chính phủ, Quốc hội mà chưa có quan hệ giữa các chính đảng. Việc gác lại những
khác biệt về tư tưởng để bắt tay hợp tác giữa các chính đảng cho thấy hai bên
thật sự đã xóa nhòa dần sự khác biệt tư tưởng, nâng mối quan hệ của mình lên
một tầm cao mới nhất có thể. Sau sự kiện tháng 11/1994, mối quan hệ giữa hai
chính đảng được nâng lên một bước mới qua các chuyến viếng thăm Hàn Quốc của
Tổng bí thư Đỗ Mười (4/1995) và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (11/2007)… Các chuyến
thăm của Tổng bí thư Việt Nam
sang Hàn Quốc, không chỉ la thực hiện mục đích thắc chặt quan hệ giữa hai chính
đảng của hai nước, mà đồng thời giúp hai nước học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm quản
lý tổ chức Đảng, quản lý cán bộ Đảng, điều lệ Đảng…
Trong quan hệ chính trị theo cơ chế song phương, hai
bên bày tỏ sự gần gũi về lập trường, quan điểm trên một số vấn đề quan trọng
như: xây dựng trật tự thế giới công bằng, bình đẳng; chống lại mọi hình thức áp
bức hay can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền; nâng cao
hiệu quả của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn
cầu; vấn đề chống chủ nghĩa ly khai và an ninh châu Á – Thái Bình Dương… Việc
nhất trí và thống nhất các vấn đề do hai bên đặt ra, thảo luận không chỉ giúp
hai bên hiểu nhau hơn, mà còn củng cố thêm sự gần gũi, hợp tác lẫn nhau giữa
hai nước, hai chính phủ. Đó là điều kiện thuận lợi cho quá trình tăng cường
quan hệ Việt - Hàn trong bối cảnh quốc tế mới.
Bên canh quan hệ song phương, hai nước đã tiến hành
quan hệ lẫn nhau theo cơ chế đa phương
trong các tổ chức quốc tế, các diễn đàn khu vực mà hai bên là thành viên. Trong
quan hệ đa phương, Việt Nam và Hàn Quốc thường xuyên tham khảo ý kiến của nhau
khi giải quyết các vấn đề của Liên Hiệp Quốc, ủng hộ lẫn nhau các ứng viên của
nhau tham gia vào các Ủy ban trong tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Về
phía Hàn Quốc, nước này tiến hành nhiều hoạt động ủng hộ Việt Nam tham gia vào
Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên Hiệp Quốc trên cương vị Phó Chủ tịch và Ủy
viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; hoan nghênh Việt Nam phê
chuẩn được Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân. Trong Liên Hiệp Quốc, Việt Nam và
Hàn Quốc chia sẻ cùng nhau một cách gần gũi và thân thiện những vấn đề quan
trọng mà toàn cầu đang phải đối phó; đó là vấn đề cấm phổ biến vũ khí giết
người hàng loạt, tội phạm buôn người, vấn đề buôn lậu ma túy và chống khủng bố
quốc tế. Đối với các tổ chức thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương như APEC,
ARF, ASEM; hai bên Việt Nam và Hàn Quốc khẳng định đẩy mạnh quan hệ hợp tác lẫn
nhau, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ các tổ chức khu vực châu Á – Thái Bình
Dương mà hai nước là thành viên, góp phần duy trì sự hòa bình và ổn định, phát
triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về phía mình, Việt Nam cam kết cùng
làm việc và hợp tác với bạn (Hàn Quốc) ở việc thúc đẩy khả năng hợp tác nhiều
bên trong khuôn khổ các tổ chức khu vực, tăng cường đối thoại lẫn nhau để qua
đó, hai bên có thể nắm được định hướng chính sách có ý nghĩa chiến lược của
nhau ở Đông Nam Á, Đông Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương để cuối cùng đạt được
những kết quả bước đầu trong hoạt động quan hệ lẫn nhau, tăng cường quan hệ hợp
tác, gần gũi nhau để giải quyết các vấn đề của khu vực (trong đó có vấn đề Biển
Đông) cho phù hợp với định hướng phát triển của từng nước, phù hợp với lợi ích
của quốc gia. Về phía Hàn Quốc, nước bạn đã có những hoạt động tích hợp để quan
hệ, hợp tác với Việt Nam
để cùng giải quyết các vấn đề trong khu vực. Tại Hội nghị cấp cao ở Chile
năm 2004, Tổng thống Hàn Quốc Roh Mu Hyun có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Việt Nam
Trần Đức Lương để bàn về vấn đề tăng cường sự phối hợp vấn đề quốc tế và khu
vực. Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương tại Hội
nghị Thượng đỉnh diễn đàn APEC tại Busan (Hàn Quốc), Tổng thống Hàn Quốc Roh Mu
Hyun đánh giá cao vai trò chủ tịch của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác châu Á –
Thái Bình Dương, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị APEC – 14 tại Hà
Nội mà chủ đề của APEC – 14 do phía Việt Nam đưa ra là phù hợp với các ưu tiên
của Hàn Quốc. Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Hàn tiếp tục được thúc đẩy trong
khuôn khổ cơ chế hợp tác ASEAN mang lại lợi ích thiết thực cho cả đôi bên.
b. Ngoại giao
Quan hệ ngoại giao giữa hai bên cũng đang được thúc
đẩy và phát triển toàn diện, thể hiện ở việc thông giao, giao lưu lẫn nhau.
Trong quan hệ ngoại giao Việt – Hàn, vấn đề quan hệ
theo kiểu “kết nghĩa” được coi trọng và đề cao. Ở hai nước đã diễn ra các cuộc
trao đổi, đối thoại giữa nhiều địa phương của hai nước để tìm hiểu cơ hội hợp
tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở địa phương có cơ hội tiếp xúc trực tiếp
và làm ăn kinh doanh. Tính đến đầu 2014 đã có 16 tỉnh thành của Việt Nam và Hàn
Quốc chính thức đặt quan hệ kết nghĩa với nhau. Về phía Hàn Quốc, có lẽ để bù
đắp những lỗi lầm mà Hàn Quốc trước đây đã gây ra với Việt Nam trong thời chiến
tranh Việt – Mỹ (1954 – 1975) mà Hàn Quốc là một bên tham chiến; hơn 30 hội cựu
chiến binh Hàn Quốc có liên quan đến Việt Nam được thành lập. Tuy nhiên, sau
khi Việt Nam tiến hành Đổi mới thì nhiều tổ chức Hàn Quốc liên quan đến Việt
Nam đã ra đời, như Liên hiệp công dân vì
chính nghĩa (1989). Năm 1995, Ủy bản dự án Việt Nam của tổ chức này đã ra
đời; triển khai các dự án ở Việt Nam như khai thác nông thôn, hỗ trợ
dạy học – dạy nghề. Năm 1993, Hội hỗ trợ Dự
án xây dựng trường dạy nghề Hàn – Việt được thành lập với mục đích dạy học
cho trẻ em vùng khó khăn, dạy nghề nghiệp cho họ. Năm 1995, tổ chức KOVIET được thành lập để giúp đỡ trẻ em
lai Hàn – Việt, về sau là trợ cấp học bổng cho học sinh – sinh nghèo, khám chữa
bệnh miễn phí tại Việt Nam.
Về vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam ,
Hàn Quốc đã có những hành động tích cực và thực hiện rất hiệu quả. Tháng
1/2000, hơn 13 tổ chức Hàn Quốc hợp lại hình thành Ủy ban sự thật về chiến
tranh Việt Nam để “xác minh sự thật về chiến tranh Việt Nam”; hiện nay đã có 3
tổ chức[2]
của Hàn Quốc liên quan đến Việt Nam hoạt động rất hiệu quả; mạnh nhất là 2 tổ
chức: Tôi và chúng ta, Hội y tế Hàn Quốc. Tổ chức Tôi và chúng ta (Nawauri, 1998) hoạt động khá hiệu quả. Hằng năm
(từ 2000) tổ chúc này tổ chức cho người dân Hàn đến thăm những địa phương có
người bị thảm sát, trợ giúp 20 USD hàng tháng cho người dân sống sót sau vụ
thảm sát và giao lưu thanh niên hòa bình Hàn – Việt. Hội y tế Hàn Quốc cũng đã hoạt động rất hiệu quả trong việc tổ chức
khám chữa bệnh miễn phí 5 đợt, với 300 bác sĩ tham gia cho hơn 10.000 bệnh nhân
ở Quảng Ngãi, Bình Định. Ngoài ra, các tổ chức khác như Hội hữu nghị Hàn –
Việt, Hội Giao lưu hữu nghị Hàn – Việt đã được thành lập nhằm mục đích triển
khai các hoạt động xã hội, từ thiện và nhân đạo tại Việt Nam. Ngoài ra, giao
lưu thanh niên Việt – Hàn đã được Bộ Văn hóa – du lịch hai bên ký kết thỏa
thuận bao gồm các hoạt động: giao lưu hội trại, liên hoạn văn hóa – văn nghệ,
trao đổi thông tin, nhiếp ảnh… Từ 1999 – 2003, hai bên cử đoàn gồm 20 người
sang thăm lẫn nhau trong 10 ngày. Năm 2008, sau sự kiện Việt – Hàn ký thỏa
thuận tăng cường mở rộng quan hệ sẵn có (2004), Việt Nam cử 30 đại biểu thanh
niên tiêu biểu sang tham dự Chương trình giao lưu thanh niên Việt – Hàn; đồng
thời vào tháng 9 cùng năm, nước ta đón 30 đoàn đại biểu thanh niên Hàn Quốc
sang giao lưu với phương thức hoạt động tương tự.
c. Kinh tế
Cơ chế tiếp xúc đối thoại thường xuyên ở các cấp, đặc
biệt là ở cấp cao đã tạo cơ sở cho quan hệ kinh tế ở hai nước Việt – Hàn. Hai
bên đã ký được một số hiệp định cơ bản, tạo khung pháp lý cho cho quan hệ kinh
tế giữa hai nước như Hiệp định hàng hải, Hiệp định hàng không, Hiệp định bảo hộ
đầu tư, Hiệp định cho vay tín dụng ưu đãi… Trong hơn 20 năm qua, kim ngạch xuất
nhập khẩu giữa hai nước không ngừng tăng cao. Theo thống kê sơ bộ, tổng kim
ngạch xuất nhập khẩu của hai nước tăng từ 304,7 triệu USD (1992), lên vọt tới
12,85 tỷ USD (2010)[3] – tăng
gần 20 lần so với năm 1992. Theo thống kê sơ bộ, năm 2010 thì xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 3,09
tỷ USD, tăng 49,8% và nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 9,76 tỷ USD, tăng
40,6%. Trong tháng 01/2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị
trường này cũng đạt 1,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 451 triệu USD và nhập
khẩu là hơn 1 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Hàn Quốc
với thị trường xuất khẩu lớn thứ 25 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 35. Còn Hàn
Quốc đứng thứ 10 trong tổng số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam và là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam
(chỉ xếp sau Trung Quốc). Về mặt xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều
loại mặt hàng như nông sản, khoán sản, hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, giày dép…
nhưng các sản phẩm này thường có số lượng nhỏ, giá trị thấp. Trong khi đó nhập
khẩu từ Hàn Quốc sắt thép, máy móc thiết bị phụ tùng, phân bón, xăng dầu, hóa
chất, ô tô, dược phẩm và đây là những sản phẩm có giá trị cao, khối lượng lớn.
Chính vì thế mà cho đến nay (tính tới 2010) thì Việt Nam luôn phải nhập siêu và nhập
siêu mạnh đến mức chóng mặt (xem bảng 1)

Xem bảng 1, ta thấy việc
nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim
ngạch hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam (2010 là tăng 11,5%), trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 4,3% trong tổng kim ngạch
xuất khẩu của cả nước. Mặc dù Việt Nam
nhập siêu từ Hàn Quốc là rất lớn, nhưng đôi khi lúc đối tác gặp khó khăn thì
Việt Nam
xuất siêu sang Hàn Quốc nhiều nhất (giai đoạn từ 1984 – 2008; khởi đầu là
20.624 triệu USD - 1984). Tuy nhiên, con số trên chưa phản ánh đúng thực chất
quan hệ thương mại Việt – Hàn. Nếu tính trung bình, hằng năm Việt Nam nhập siêu
từ Hàn Quốc khoảng 12,6% tổng giá trị nhập khẩu, trong khi đó chỉ xuất siêu
sang Hàn Quốc là 3,4%. Điều này thể hiện doanh nghiệp Việt Nam còn thụ động,
chưa tiếp cận được với thị trường tiêu thụ Hàn Quốc; trong khi đó các doanh
nghiệp Hàn Quốc đã và đang phát triển ngày càng rộng thị trường của mình tại Việt
Nam. Và chính vì nhập siêu mạnh nên cán cấn thương mại Việt – Hàn luôn trong tình trạng nhập
siêu rất cao với Hàn Quốc trong các năm qua. Theo thống kê năm 2010, nhập siêu từ Hàn Quốc chỉ xếp sau Trung
Quốc với mức thâm hụt là 6,67 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2009 và gấp hơn hai
lần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Chỉ trong tháng 01/2011, mức
thâm hụt thương mại với Hàn Quốc cũng đã lên tới 0,55 tỷ USD (xem biểu đồ 1)

Một lĩnh vực đáng chú ý nhất trong quá trình phát
triển quan hệ kinh tế Việt – Hàn là vấn đề đầu tư. Trước khi thiết lập quan hệ
ngoại giao, số dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam giai đoạn 1988 – 1991 khá khiêm
tốn với 7 dự án, tổng vốn 41,3 triệu USD[4].
Tuy nhiên, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đến nay thì các
doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng đầu tư mạnh vào Việt Nam . Tính
đến tháng 7/2007, Hàn Quốc có gần 1.460 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn
gần 9,36 tỷ USD, dẫn đầu trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt
Nam. Từ năm 1991 đến nay, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn có xu hướng
tăng hàng năm và năm 1996 được xem là năm kỷ lục với tổng số vốn đầu tư lên tới
802,5 triệu USD. Mặc dù có trở ngại là cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 – 1998,
nhưng việc đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn không ngừng phát triển. Với
việc hai bên ký kết Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (2001), đầu tư của Hàn Quốc
vào Việt Nam
rất mạnh. Từ năm 2002 – 2010, trong số các nước ASEAN thì Việt Nam là nước được
Hàn Quốc đầu tư mạnh: 2002 đạt 3,29 tỷ USD với 332 dự án[5],
2003 đạt 4,1 tỷ USD với 642 dự án, 2004 đạt 4,37 tỷ USD với 729 dự án, 2007 đạt
11,5 tỷ USD với 1.655 dự án[6],
2009 đạt 16,2 tỷ USD với 2.150 dự án, 2011 đạt 22,3 tỷ USD với 2.739 dự án. Đến
cuối tháng 4/2014, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam là 3.376 dự án, với tổng vốn
đầu tư là 30,77 tỷ USD[7].
Các tập đoàn công nghiệp lớn như Posco, Doosan, LG, Kumho… cùng với một số doanh nghiệp hàng đầu về các
ngành công nghiệp mũi nhọn (công nghệ thông tin, năng lượng, tài chính…) của
Hàn Quốc đã được triển khai ở Việt Nam; tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao
động trực tiếp và gián tiếp[8]
tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Phần lớn các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại
Việt Nam
tập trung chủ yếu vào công nghiệp (ô tô, thép, cơ khí, điện tử, dép, dệt may…)
và xây dựng. Ở Việt Nam ,
Hàn Quốc đầu tư vào theo 3 hình thức: hợp đồng, liên doanh và 100% vốn nước
ngoài. Về quy mô, trung bình mỗi dự án có vốn đầu tư là 13,65 triệu USD. Số vốn
đầu tư lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam đều tập trung tại các tập đoàn lớn, với
tổng vốn đầu tư lớn (trên 40 triệu USD), quy mô lớn và lực lượng lao động
(trong đó chủ yếu là lao động có tay nghề) chiếm tỷ lệ khá cao như Nhà máy đóng
tàu biển Huyndai-Vinashin, Xí nghiệp Samsung-Vina Synthetics, Công ty Daeha…
Ngoài các dự án có tổng vốn trên 40 triệu USD, nhiều dự án lớn hơn có tổng đầu
tư 2,5 tỷ USD cũng được xúc tiến mạnh mẽ. Các dự án lớn của các nhà đầu tư Hàn
Quốc thực hiện tương đối nhanh. Nhiều dự án đã hoàn thành cơ bản và đi vào sản
xuất kinh doanh.
Để thuận lợi cho việc đầu tư ở Việt Nam , Hàn Quốc tăng cường hoạt động
tài trợ bằng hình thức viện trợ không hoàn lại và cấp tín dụng ưu đãi. Từ sau
khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, các dự án ODA của Hàn Quốc dành
cho Việt Nam
ngày càng tăng. Giai đoạn 1991 – 2003, thông qua Quỹ Hợp tác quốc tế (KOICA),
Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam
41 triệu USD. Cụ thể là, Hàn Quốc đã cung cấp tài chính cho Việt Nam khoảng 25
dự án, bảo trợ 5 công trình nghiên cứu phát triển, mời 1.437 cán bộ Việt Nam đi
đào tạo (tài liệu khác ghi là mời 1.624 người Việt đi đào tạo), cử 33 chuyên
gia và khoảng 157 tình nguyện viên từ Hàn Quốc, cung cấp 42.000 USD cho quỹ cứu
trợ khẩn cấp và 2 triệu USD cho dự án xây 40 trường phổ thông cơ sở… Viện trợ
không hoàn lại này của Hàn Quốc tập trung chủ yếu vào y tế, giáo dục, khoa học
– công nghệ, đào tạo chuyên gia… Ngoài viện trợ cho Việt Nam bằng nguồn vốn ODA, Hàn Quốc còn xúc tiến
cho Việt Nam
vay vốn ưu đãi từ Quỹ viện trợ phát triển (EDCF)[9].
Năm 2006, Hàn Quốc cho Việt Nam
vay vốn ưu đãi để xây dựng trường học, cơ sở hạ tầng, nhà máy… và số vốn vay
này hằng năm luôn tăng[10].
d. Văn hóa – giáo dục
Do nhận thức được Hàn Quốc – Việt Nam có khá nhiều
điểm tương đồng về văn hóa (văn tự, văn chương và các ngày lễ tết) nên ngay sau
khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao được 2 năm (1992 – 1994), Việt Nam và
Hàn Quốc ký kết Hiệp định Văn hóa (tháng 8/1994) có hiệu lực trong vòng 5 năm (hiệp
định này có hiệu lực trong vòng 5 năm và tự động gia hạn 5 năm 1 lần) và nhiều
thỏa thuận hợp tác giao lưu khác. Trong Hiệp định này, hai bên khẳng định Việt Nam và Hàn Quốc
là 2 quốc gia Đông Á, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Do hậu quả của chiến
tranh lạnh nên hai nước không có điều kiện tìm hiểu lẫn nhau. Nay tình hình đã ổn
định, hai bên phải khai thác và phát huy tối đa sức mạnh văn hóa của mỗi nước,
làm cơ sở tiến tới quan hệ hợp tác toàn diện về sau. Tiếp sau, để hợp thức hóa
cho Hiệp định trên thì hai bên (Việt Nam và Hàn Quốc) thành lập những
Hội để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước. Về phía Việt Nam , vào tháng 9/1994 thì nước ta
lần đầu tiên đã chính thức lập Hội Hữu nghị Việt – Hàn (sau là Hội nghị sĩ Việt
– Hàn, 1995) nhằm mục đích trao đổi, giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tương tự
như Việt Nam, Hàn Quốc liên tiếp lập các Hội như Hội nghị sĩ Hàn – Việt (1993),
Hội Giao lưu hữu nghị Hàn – Việt (2001) với mục đích tăng cường giao lưu giữa
nghị sĩ hai nước.
Trên tinh thần đó, để thúc đẩy sâu hơn quan hệ văn hóa
Việt – Hàn, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam; Đại sứ quán Việt Nam tại
Hàn Quốc phối hợp cùng Bộ thương mại, Bộ Văn hóa du lịch cùng Ủy ban Thông tin
quốc gia của Hàn Quốc tổ chức Tuần Văn
hóa Việt Nam tại Seoul (tháng 11/2007). Tại Seoul, hai nước khuyến khích
hợp tác giữa các hãng phim, các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phát thanh –
truyền hình. Tiếp đó, sau sự kiện chính phủ hai nước công nhận năm 2012 là “Năm
hữu nghị Việt Nam
– Hàn Quốc” thì một loạt các hoạt động có ý nghĩa đã diễn ra nhằm kỷ niệm 20
năm thiết lập quan hệ Việt – Hàn. Giao lưu văn hóa sôi động giữa hai nước mà
hoạt động ẩm thực, văn hóa được coi là chiếc cầu nối để xích hai dân tộc Việt –
Hàn lại với nhau; đồng thời giúp Việt Nam mở rộng trào lưu Hàn Quốc ra nước
ngoài. Cũng trong năm này, một cuộc triển lãm nghệ thuật quy tụ các tác phẩm
sơn mài, sơn dầu, tranh đồ họa của họa sĩ hai nước tham gia.
Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Việt Nam và Hàn Quốc
đạt được những thành tựu quan trọng. Sau sự kiện hai nước ký với nhau Hiệp định
hợp tác giáo dục (3/2000) và Hiệp định hợp tác giáo dục và đào tạo (5/2005),
hoạt động hợp tác giữa hai nước về giáo dục rất hiệu quả. Những năm qua, hợp
tác giáo dục giữa hai nước thể hiện qua các nội dung như: trao đổi tư liệu
thông tin; cử cán bộ và giáo sư Việt Nam sang Hàn Quốc giảng dạy và nghiên cứu;
hỗ trợ dạy nghề và cấp học bổng. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng KOICA
để xây dựng 40 trường tiểu học ở 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú
Yên, Khánh Hòa; Trung tâm Thư viện điện tử ở Học viện Hành chính quốc gia Hồ
Chí Minh; nâng cấp Trường trung học công nghiệp Hà Nội, xây dựng trường kỹ
thuật công nghiệp Việt – Hàn. Hàn Quốc cử 1.042 thực tập sinh, 28 chuyên gia, 2
giáo viên Taewondo sang Việt Nam; thường xuyên mời giảng viên Việt Nam sang
giảng dạy ở 4 trường Đại học có khoa Việt Nam học[11];
và tiếp nhận 25.000 lượt sinh viên sang học tập ở Hàn Quốc. Trong khi đó ở Việt
Nam, từ năm 1994 thì khoa Hàn Quốc học được xây dựng và phát triển. Hiện Việt
Nam có tổng cộng 13 trường đại học và viện nghiên cứu, trong đó có 6 ở miền Bắc
và 7 ở miền Nam. Bên cạnh đó có 4 trung tâm dạy tiếng Hàn và nghiên cứu[12].
Theo thống kê không đầy đủ, hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam và học viên
theo học tiếng Hàn khoảng 4.500 người; trong đó đông nhất là ở Đại học Hà Nội,
Đại học KHXH-NV Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Lạt. Tổng số giảng viên dạy tiếng
Hàn hiện có 123 người (11 tiến sỹ, 57 thạc sĩ và còn lại là cử nhân). Trong năm
học 2011 – 2012, Hàn Quốc sẽ cử 34 giảng viên sang giúp đỡ dạy tiếng Hàn, trong
đó 10 người là của KOICA.
e. Khoa học – kỹ thuật
Hợp tác về khoa học – kỹ thuật giữa hai nước chủ yếu
thông qua các dự án nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc vào
Việt Nam .
Sau các Hiệp định hợp tác kinh tế - kỹ thuật Việt – Hàn (1993), Hiệp định hợp
tác về khoa học – công nghệ giữa hai nước (1995), hai nước có những hoạt động
tích cực trong lĩnh vực này; đặc biệt là công nghệ và thông tin. Hai nước đã ký
thỏa thuận mở Trung tâm Hợp tác khoa học – công nghệ (1997), trường kỹ thuật
công nghiệp (1998) và trường kỹ thuật công nghiệp Việt – Hàn (1999) mở ở Nghệ
An. Ngoài ra, hai nước hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sở hữu công
nghệ, tiêu chuẩn đo lường… Đối với lĩnh vực điện hạt nhân, chính phủ hai bên ký
Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình (1996).
Hàn Quốc cử chuyên gia sang Việt Nam
khảo sát một số địa điểm dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân; nhận cán bộ Việt Nam sang Hàn
Quốc nghiên cứu về hạt nhân. Từ năm 2004, Tổng công ty thủy điện và điện hạt
nhân Hàn Quốc phối hợp với Bộ Công nghiệp và Viện Năng lượng Việt Nam triển
khai chương trình nhận đào tạo cán bộ Việt Nam tại Hàn Quốc và mời giáo sư Hàn
Quốc sang Việt Nam dạy học (2005 – 2009). Ở các lĩnh vực công nghệ thông tin và
sở hữu công nghệ, hoạt động của hai bên cũng tương tự nhau. Cụ thể về lĩnh vực
công nghệ thông tin, sau khi Trung tâm Hợp tác khoa học – Công nghệ Việt Nam –
Hàn Quốc được thành lập thì nó đã hoạt động tích cực: hợp tác và chuyển giao
công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử, quang điện tử, công nghệ thông tin, thẩm định
công nghệ và sở hữu trí tuệ; quản lý bà kế hoạch hóa việc nghiên cứu thông qua
đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm, cử chuyên gia tư vấn và tiến hành các ứng
dụng nghiên cứu chung. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hai bên đang tiến
hành hợp tác về các vấn đề trao đổi thông tin sở hữu công nghiệp, đào tạo
chuyên gia sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ 1990 đến nay đã có
khoảng 200 cán bộ Việt Nam
sang Hàn Quốc dự các khóa đào tạo, hội thảo khoa học do KIPO và KOICA tổ chức.
III.
Triển vọng quan hệ Việt – Hàn
Trong 20 năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển hết
sức nhanh chóng về mọi mặt. Tiếp nối nền tảng của sự phát triển này, việc hai
nước chọn năm 2012 làm năm hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc có thể coi là một dấu
mốc mới cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ lâu dài của hai nước, trước hết
là cho 20 năm tiếp theo. Có thể khẳng định triển vọng của mối quan hệ này là
hết sức tốt đẹp. Giai đoạn mới của quan hệ hai nước được đánh dấu bằng các
chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang, vào tháng
12/2011 và Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng 3/2012. Trong các
chuyến thăm này hai bên đã ra các Tuyên bố chung thể hiện những nhận thức chung
cũng như quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc đưa quan hệ Đối tác
hợp tác chiến lược song phương lên tầm cao mới. Theo Tổng thống Hàn Quốc Lee
Myung Bak, Hàn Quốc là “người bạn thân thiết và chân thành nhất,” là “đối tác
tốt nhất và thực chất” của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt
Nam trên tất cả các lĩnh vực, cả về kinh tế, thương mại, chính trị, quốc phòng,
giao lưu nhân dân và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.
Về kinh tế, hai bên đã nhất trí tiến hành khởi động
đàm phán về một hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Điều này sẽ mở ra
một triển vọng hết sức to lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước, tiến tới
một sự hợp tác mậu dịch song phương cân bằng, cùng có lợi. Phía Hàn Quốc cũng
đã nhất trí sẽ xem xét nghiêm túc những đề nghị của Việt Nam về việc tạo điều
kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng như giúp Việt
Nam trong việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp với kế hoạch
phát triển của Việt Nam. Hai bên thảo luận sâu về khả năng Hàn Quốc hợp tác xây
dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam
cũng như đào tạo cho Việt Nam
nguồn nhân lực trong việc sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hai bên còn
mở rộng hợp tác thêm các vấn đề khác như: doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu
tư vào cơ sở hạ tầng, khai thác và chế biến sâu khoáng sản của Việt Nam; mở
rộng hợp tác về tư pháp dân sự, ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện
tử, chuyển giao công nghệ mũi nhọn, hợp tác trong kiểm dịch, bảo vệ môi trường,
y tế, lao động, dạy nghề; hợp tác trong chống khủng bố, bảo vệ an ninh hàng hải
trên các vùng biển của khu vực theo luật pháp quốc tế. Ngoài kinh tế, hai nước
cũng tiến hành việc tăng cường hợp tác về kinh tế- thương mại, mở rộng hợp tác
ngoại giao – an ninh với tư cách là đối tác hợp tác chiến lược cũng được coi là
hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm Hàn Quốc
của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác
quan trọng giữa các bộ, ngành của hai nước[13].
Việc ký kết các văn bản hợp tác này có ý nghĩa tích cực đánh dấu một bước phát
triển mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai
nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hai mươi năm qua, quan hệ giữa hai nước
Việt Nam và Hàn Quốc đã tiến những bước dài và là một trường hợp điển hình của
những cặp quốc gia quyết tâm gạt quá khứ, hướng về tương lai và đạt được những
thành tựu rực rỡ. Vậy 20 năm tới sẽ ra sao? Câu trả lời không khó vì từ xuất
phát điểm ở những bậc thang rất thấp, quan hệ giữa hai nước đã tiến lên những
nấc thang cao hơn với một tốc độ phát triển nhanh nhất thì nay từ nấc thang mới
đó nhất định hai nước sẽ tiến lên tầm cao hơn nữa của quan hệ quốc tế. Theo nhận định của tờ báo
Thế giới và Việt Nam, “Quan hệ Việt-Hàn (trong 20 năm tới) không
phải là tiếp tục phát triển như 20 năm vừa qua, nó không phải là phép cộng của
20 năm tới mà nó là phép nhân, phát triển theo cấp số nhân. Không phải là 20+20
mà là 20x20 hoặc gần như thế. Hai mươi năm nữa nếu theo đà quan hệ này, theo ý
chí của lãnh đạo và nguyện vọng của nhân dân hai nước như thế này, thì Việt Nam
và Hàn Quốc nhất định sẽ trở thành đôi bạn, đôi anh em phồn vinh và hùng mạnh
trên bờ Thái Bình Dương”[14].
Theo đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ
hai nước trong 20 năm qua, chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng quan hệ hữu
nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu
sắc hơn nữa trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hoàng Giáp (2009), Hàn Quốc với khu vực Đông Á
sau chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội
2. Hà Hồng Hải (2003), “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc:
một thập niên phát triển đầy ý nghĩa, Nghiên
cứu quốc tế, số 50
3. Hoa Hữu Lân (2002), Câu chuyện kinh tế về một con rồng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
4. Nguyễn Thị Tâm (2013), “Quan hệ văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, Nghiên cứu Đông Nam
Á, số 3.
5. Nguyễn Cảnh Huệ, Nguyễn Trinh Nghiệu (2003), “Đầu tư
của Hàn Quốc vào Việt Nam
(1992 – 2002)”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số
4.
6.
Ngô Minh Thanh
(2004), “Quan hệ Việt Nam
– Hàn Quốc: điểm qua những con số và sự kiện quan trọng”, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 6 (54), 12/2004.
7.
Phạm Minh Sơn
(2003), “Quan hệ Việt Nam –
Hàn Quốc: thành tựu và thách thức”, Tạp
chí Đông Nam
Á, số 3/2003
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
tr. 103.
[2] Có 3 tổ
chức là: Ủy ban xúc tiến xây dựng Bảo tàng Hòa Bình; Tôi và chúng ta và Hội y
tế Hàn Quốc.
[3] Số
liệu trên lấy từ bài của Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc – đối tác thương mại quan
trọng của Việt Nam ;
xem: http://www.quangninhcustoms.gov.vn/Lists/HaiQuanQuocTe/ViewDetails.aspx?ID=25
. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương
giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã vượt mốc 20 tỷ USD, tăng khá 18,6% so với
mức 17,8 tỷ USD của năm 2011; truy cập trên: http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=516&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20chuy%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%81&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch
[4] Hoa Hữu
Lân (2002), Câu chuyện kinh tế về một con
rồng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5]
Trong bài viết có tựa đề “Quan hệ Việt Nam
– Hàn Quốc: thành tựu và thách thức” của Phạm Minh Sơn đăng trên Tạp chí Đông Nam Á, số 3/2003, tr. 34 có ghi
số liệu khác như sau: năm 2002, Hàn Quốc là nước đứng thứ 5 trong số các nước
và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam với 462 dự án – tổng số vốn đăng ký là 3.485
triệu USD. Hiện chưa rõ vì sao có sự khác nhau này, xin ghi lại để tham khảo.
[6]
Website của Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế (2/12/2007), Quan hệ thương mại Việt Nam
– Hàn Quốc, xem: https://www.nciec.gov.vn/
[7] Số liệu
này trích lại trong Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục đầu tư nước ngoài, “Tình hình
hợp tác Việt Nam
– Hàn Quốc”, xem: http://fia.mpi.gov.vn/News.aspx?ctl=newsdetail&p=&aID=1589
[8]
Theo thống kê sơ bộ năm 2002, đã có 67.748 lao
động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp
Hàn Quốc. Xem trong Phạm Minh Sơn, Tlđd,
tr. 34.
[9]
EDCF do chính phủ Hàn Quốc lập tháng 6/1987 nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác kinh
tế với các nước đang phát triển. Ngân hàng xuất khẩu Hàn Quốc chịu trách nhiệm
thực hiện các dự án vay ưu đãi của EDCF do Bộ Tài chính và kinh tế quản lý. Đối
với Việt Nam ,
hiện nay chính phủ Hàn Quốc áp dụng cho vay lãi suất là 2%, thời hạn cho vay là
30 năm. Xem trong (Hàn quốc voi khu vực dong á sau chien tarnh lạnh, tr. 154)
[10]
Vào năm 2006, Hàn Quốc bắt đầu cho phép Việt Nam vay từ EDCF với 48,5 triệu USD
(2006), 107 triệu USD (2007), 298,43 triệu USD (2008), 300 triệu USD (2010,
tuyên bố của đại sứ Hàn Quốc Pak Su Han tại Hà Nội)…
[11] 4
trường Đại học có khoa Việt Nam
học ở Hàn Quốc là Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ Busan, Đại học
Chungwoon va Đại học Youngsan. Xem Nguyễn Thị Tâm, Tlđd, tr. 25.
[12] Nguyễn
Thị Tâm (2013), “Quan hệ văn hóa Việt Nam
– Hàn Quốc, Nghiên cứu Đông Nam Á, số
3, tr. 25.
[13] Sáng 28/03/2012 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Bộ trưởng Tài
chính Việt Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc
Bahk Jaewan đã ký Biên bản hợp tác trên lĩnh vực tài chính giai đoạn 2013-2015.
Chiều ngày 29/03/2012, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng và Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
và Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) Seok Dong Kim đã ký Biên
bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ủy
ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Chủ
tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) Dongsoo Kim cũng
đã ký Hiệp định vay Dự án điện mặt trời tỉnh Quảng Bình và Dự án hệ thống
xử lý nước thải và thoát nước thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); Và nhiều
hiệp định khác cũng đã được ký kết như: Thỏa thuận về việc tiếp tục tăng cường
hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Biên bản ghi nhớ
về hợp tác xây dựng Vườn ươm Công nghệ quốc gia... Xem trang: http://cks.inas.gov.vn/index.php?newsid=235
[14] Như
trên (xem chú thích 3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét